7. Kết cấu của luân văn
1.3 Tình hình thông tin chung về vấn đề lạm dụng CVQH
1.3.1 Thông tin về vấn đề lạm dụng CVQH trên thế giới
Theo thống kê, tại Nhật Bản, chỉ trong năm 2017, có khoảng 72.000 trường hợp nhân viên bị cấp trên lạm dụng quyền lực để ngược đãi và quấy rối nơi công sở. Đây là mức kỷ lục trong vòng 6 năm trở về trước. Một báo cáo của chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 10 năm nay cho biết có đến 1/3 trong số khoảng 1000 phụ nữ đang phải điều trị các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến cái chết do bị cấp trên lạm quyền, gây khó dễ nơi công sở. Trong bối cảnh nạn lạm quyền ở công sở đang ngày càng tăng cao, ngày 29/5 vừa qua, với đa số phiếu tán thành, QH Nhật Bản đã thông qua việc chỉnh sửa các luật liên quan đến phòng chống lạm quyền nơi công sở, trong đó nội dung phần lớn thuộc Luật thúc đẩy thực hiện chính sách lao động tổng hợp, với quy định các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn nạn lạm quyền đang có nguy cơ trở thành quốc nạn.
Cụ thể, các nội dung sửa đổi lần đầu tiên đề cập cụ thể đến các trường hợp được coi là lạm quyền. Theo đó, luật mới quy định các doanh nghiệp phải thiết lập bộ phận tư vấn, tiếp nhận ý kiến của người lao động và điều tra nội bộ về các vụ việc liên quan đến nạn lạm quyền tại nơi làm việc. Luật này cũng cấm doanh nghiệp ngược đãi hoặc phân biệt đối xử với người lao động đứng ra tố cáo cấp trên có hành vi lạm dụng quyền lực. Đây cũng là lần đầu tiên luật pháp Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phải tiến hành những biện pháp ngăn ngừa cấp trên lạm quyền nơi công sở, đồng thời quy định rõ những hành vi phạm luật là "những lời nói và hành vi của cấp trên vượt quá phạm vi cần thiết của công việc, gây tổn hại tới môi trường làm việc". Chính phủ Nhật Bản sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về những biện pháp mà doanh nghiệp có thể thực thi, cũng như đưa ra các ví dụ cụ thể của việc lạm quyền trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó để phân định giữa lạm quyền hay quản lý nghiêm khắc nhưng công bằng.
Các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ các luật sửa đổi từ tháng 4/2020, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2022. Những
doanh nghiệp vi phạm sẽ bị Bộ Lao động Nhật Bản nhắc nhở và thậm chí sẽ bị bêu tên nếu tiếp tục không cải thiện tình hình. Tuy nhiên, theo bà Shino Naito, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách lao động Nhật Bản, các luật sửa đổi này vẫn còn thiếu sót vì chưa đưa ra được những chế tài xử phạt đối với người vi phạm.
Tương tự như Nhật Bản, tại Hàn Quốc, hành vi lạm dụng bởi những người có CVQH nhiều đến mức tình trạng này có tên gọi riêng là "gabjil". Điển hình cho tình trạng "gabjil" gây sự chú ý của thế giới là vụ "hạt mắc ca nổi đóa" của hãng hàng không Korean Air năm 2014. Khi đó, Phó chủ tịch hãng hàng không Heather Cho ra lệnh cho một chuyến bay trở về cổng tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York – Mỹ sau khi nổi giận với một tiếp viên hàng không vì người này phục vụ hạt mắc ca trong túi thay vì đổ ra đĩa trong khoang hạng nhất. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Chính phủ Hàn Quốc, có tới 2/3 số công nhân, nhân viên từng là nạn nhân của hành vi lạm quyền của cấp trên, trong khi 80% số công nhân, nhân viên tận mắt chứng kiến những hành động đó.
Để ngăn chặn tình trạng “gabjil”, ngày 16/07/2019 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo Luật mới, trong đó giúp nhận diện những hành vi được cho là lạm dụng quyền lực gây tổn hại tâm thần và sức khỏe của người lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, tính đến ngày 29/8 đã có 572 nhân viên chiếu theo luật mới đâm đơn kiện công ty của họ. Kể từ khi ban hành quy định mới, khoảng 58% trong số các câu hỏi gửi tới đường dây “nóng” Gabjil 119 liên quan đến nạn lạm dụng quyền hạn nơi công sở, so với chỉ 28% trong 6 tháng trước đó.