Con người, tín ngưỡng, tôn giáo và các lễ hội ở vùngTây Bắc Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa rừng ở tây bắc lào và tây bắc việt nam (Trang 31 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3. Giới thiệu về vùngTây Bắc Việt Nam

1.3.2. Con người, tín ngưỡng, tôn giáo và các lễ hội ở vùngTây Bắc Việt

Nam

Hiện nay, dân số ở Tây Bắc có khoảng hơn năm triệu dân, phân bố ở các tỉnh: Lào Cai: 614.595 người; Yên Bái: 740.397 người; Điện Biên: 490.306 người; Lai Châu: 370.502 người; Sơn La: 1.076.055 người; Hòa Bình: 785.217 người (theo tổng điều tra dân số nhà ở Việt Nam 1/4/2009)[28, tr. 35]. Tây Bắc là vùng tập trung đông các dân tộc anh em thuộc ba ngữ hệ lớn Đông Nam Á đó là ngữ hệ Thái - Ka Đai, ngữ hệ Nam Á và ngữ hệ Hán – Tạng. Ngữ hệ Thái – Ka Đai bao gồm các dân tộc: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Bố Y, Sán Chay, La Ha. Ngữ hệ Nam Á bao gồm các tộc người nhóm Môn – Khamer là Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Mảng; các tộc người nhóm Việt – Mường là Mường, Kinh (Việt), Thổ; các tộc người nhóm H’mông – Dao là H’mông – Dao. Ngữ hệ Hán – Tạng bao gồm các tộc người Hoa (Hán), Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La[12, tr. 104-105].

Trong số các dân tộc vùng này thì người Thái có số dân đông nhất, trình độ phát triển về mọi mặt đều cao hơn và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các dân tộc khác, nhất là các dân tộc nói tiếng Môn – Khơme. Thời xưa quý tộc người Thái là tầng lớp thống trị đối với đồng tộc và các dân tộc khác trong vùng [11, tr. 485].

Vạn vật hữu linh, là tín ngưỡng của các cư dân vùng thấp. Họ quan niệm muôn vật đều có linh hồn (phi). Sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên, họ tin vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Vì thế cầu cúng xin sự phù hộ mưa thuận gió hòa, được mùa, người an, vật thịnh,... là cách phổ biến trong ứng xử với tự nhiên của họ. Đó cũng là cơ sở phát sinh và tồn tại của các nghi lễ

truyền thống của các cư dân Tây Bắc. Về vũ trụ quan các dân tộc Tây Bắc đều cho rằng có:

Mường trời (Mường Then), nơi ở của thần linh (Then), thế lực cai quản vũ trụ và tổ tiên (phi đẳm) của con người ở mặt đất. Trên Mường Then, theo họ gồm có: Mường một (nơi ở của phi một, chăm lo sức khỏe), Mường phi cướt (nơi cư ngụ của linh hồn trẻ con chết yểu do phi cướt cai quản), Mường ha (nơi cư ngụ của các ma chết do bệnh dịch, chết trận, hổ vồ, rắn cắn, chết đuối, ngã cây), Mường hịt, Mường hạy (nơi trú ngụ của ma những người khốn khỏ), Mường khlốc, khlái (nơi ở của ma cô đơn), Mường đẳm đoi, (nơi ở của ma tổ tiên thường dân), Mường liên pan luông (nơi cư ngụ của ma tổ tiên dòng họ quý tộc), Mường Then (mường của các thần linh trong coi vũ trụ) bao gồm: Then luông (ông chủ Mường Then), Then chăng, then bun (coi phúc lộc), Then hịt, Then hạy (coi người nghèo khổ), Then ló (then đúc ra con người), Then chất then chát (quản sự sống chết), Then khơ then khọc (trông coi sự sống), Then Xội (luật tục, tội lỗi), Then Chương (quản anh hùng, cứu nhân độ thế), Then vi/Then thỏng (trông coi một nửa Mường Then và một nửa Liên pan luông/mường tổ tiên quý tộc), Then hung, Then khao (trông coi mưa gió,...), Then xính (trông coi các dòng họ).

Mường pưa/Mường bằng: thế giới của người trần gian.

Tầng dưới cùng ở dưới mặt đất (mường pa tịn), thế giới của những người bé nhỏ, ăn bằng nước; và ở dưới nước (mương bua khú), thế giới của ma thuồng luồng (phi to nguok)[ 28, tr. 394-395].

Về tín ngưỡng của các tộc người ở Tây Bắc, cũng cần phải nói thêm rằng: Hầu hết, các tộc người còn lưu giữ nhiều hình thức tín ngưỡng lâu đời. Đó là tục thờ vật tổ (totem) của các dòng họ Khơ Mú, Thái, Xinh Mun, Kháng La Ha, Dao; tục cúng ma bản, ma mường (xên bản, xên mường; Tục

thờ cúng tổ tiên (xên phi hươn); ma thuật chữa bệnh; ma thuật làm hại (bằng phăn, lắng lượt,...); Tục thờ thần săn bắn và các nghi lễ nông nghiệp như thờ thần chăn nuôi, cầu mưa (xên xó phón), cúng thần gió (phí lôm/mô hả), tục mẹ lúa (me ngo), cúng thần nước (xên phi nặm/to nguok), cúng ma rừng, ma núi (xên phi pá), cúng cơm mới (xên khảu mớ), cúng xuống đồng...[28, tr. 396].

Cúng bái, kêu cầu ở Tây Bắc thường gắn chặt với các hoạt động kiếm sống, vì thế mỗi mùa mỗi tiết cư dân trong vùng thường tổ chức một số nghi thức cầu cúng nhất định. Đầu năm các tộc người Tây Bắc đều ăn tết Nguyên đán. Người Mường vẫn gọi tết này là tết Cả, người Thái, người Tày, người Nùng và người Giáy đều ăn Kin Chiêng (ăn tết tháng Giêng), người H’mông ăn tết H’mông vào cuối tháng Mười hai Dương lịch, nhưng thông thường họ cũng ăn tết Nguyên đán. Lễ hội xuống đồng (khai hạ/khuổng mùa) của người Mường tổ chức từ mồng Bảy đến mồng Mười tháng Giêng. Ở Mường Bi (Tân Lạc, Hòa Bình) theo tục lệ Mường, họ tổ chức đi săn, tu sửa mương, cúng thần tại đình. Lồng tồng của người Tày, Nùng tổ chức từ mồng Năm đến Rằm tháng Giêng, trên ruộng, với mục đích cầu mùa, không khác gì mấy so với lồng tồng.Đoòng Chứ Thu Lùng của người Nùng là lễ cúng thần rừng, thần núi, tổ chức vào tháng Giêng, cũng là lễ cầu an, cầu mùa. Kin Lảu Ló của các mo Thái, Doông Mợi của mo Mường, Then của các Then Tày, Then Nùng... cũng đều tổ chức vào tháng Giêng, hay đầu xuân để tạ ơn Phi Hươn và Phi Tay của Mo Một và cầu an cho mọi người. Vào đầu xuân, người Thái ở các mường thường tổ chức Xên Bản, Xên Mường (cúng Bản, cúng Mường), tại Đông Sựa (rừng Bản) hay Đông Tu Mương (rừng Mường) để cầu an, cầu mùa[28, tr. 396-397]. Khi đã kết thúc mùa màng (cuối hè, đầu thu), người Thái Trắng, Tày, Nùng, Giáy... ăn Tết Xíp Xí (mười Bốn, tháng Bảy), hoặc

tết trẻ con (chiêng ninh nọi)[28, tr. 398]. Thu lúa mùa xong, các dân tộc Tây Bắc đều cúng cơm mới (Xên Khảu Mớ) để tạ ơn tổ tiên [28, tr. 399].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa rừng ở tây bắc lào và tây bắc việt nam (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)