Kết cấu hoàn chỉnh 4 phần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về các nhân vật tổ sư bách nghệ trong không gian văn hóa châu thổ bắc bộ (Trang 50 - 54)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

2.2.3. Kết cấu hoàn chỉnh 4 phần

Dạng kết cấu hoàn chỉnh của truyền thuyết về các nhân vật tổ sư bách nghệ là dạng kết cấu chuỗi gồm 4 phần: I. Nguồn gốc, xuất thân. II. Hình thức nhân vật. III. Hành trạng của nhân vật. IV. Xây dựng cơ nghiệp/ Đoạn kết của nhân vật.

Theo sự khảo sát như trong bảng cấu trúc của truyền thuyết về Tổ sư bách nghệ, có 12 truyền thuyết có đủ cấu trúc 4 phần như đã nêu trên. Đó là những truyện: Nhất Dạ Trạch; Truyền thuyết và thần tích về Chử Đồng Tử; Mẹ Âu Cơ, tổ

nghề nông tang và chế biến thực phẩm; Thánh Mẫu Thượng ngàn; Hùng Vương đệ bát cung phi Liên Hương công chúa; Truyền thuyết ông tổ nghề gò đồng Đại Bái; Ông Đùng đúc chuông; Bà chúa Thiên Niên; Công chúa Thiều Hoa – tổ nghề dệt lụa; Truyền thuyết về bà chúa dệt – Thụ La công chúa; Bà chúa nghề tằm; Mãn Đào Hoa công chúa.

Ở phần I, về nguồn gốc, xuất thân của nhân vật trong truyện truyền thuyết bách nghệ tổ sư dù là thần hay con người, dù là ở hoàn cảnh nào thì đều mưu cầu hạnh phúc có khát khao, ước mong, nguyện vọng mang đến một cuộc sống tươi đẹp, phát triển hơn cho con người. Yếu tố này sẽ giúp nhân vật truyền thuyết tổ nghề trở nên gần gũi, chân thật, rõ ràng với người dân và thể hiện sự đa dạng,

phong phú hơn. Ví dụ một số như: nhân vật Chử Đồng Tử, là con trai của người đánh cá rất nghèo tên Chử Cù Vân, ở làng Chử Xá. Gia đình chàng gặp hỏa hoạn không còn gì ngoài bộ đồ nghề và chiếc khố che thân nhưng rồi cha mất, vì đạo hiếu mà chàng dành chiếc khố duy nhất niệm cho cha. Từ ngày đó, chàng chỉ quanh quẩn ở bến nước không dám lên bờ, mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày (Nhất Dạ

Trạch, Truyền thuyết và thần tích về Chử Đồng Tử); Nàng Quế Nương là con Vua

Hùng Vương thứ 14 cùng hoàng hậu An Nương mãi 3 năm sau khi có mang mới sinh ra nàng vào ngày 11 tháng 3 (Thánh Mẫu Thượng ngàn). Xuất thân này đã giúp nàng có những sự giúp đỡ đặc biệt của vua cha khi nàng được mang theo 12 tì nữ đi mở mang khai hóa; Ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989, con ông Nguyễn Công Tiến và bà Lê Thị Ngọc Kim, quê ở Bắc Ninh làm quan thời Lý, chuyên trông coi việc xây dựng, tu sửa đền chùa (Truyền thuyết ông tổ nghề gò đồng Đại Bái). Chính điều này đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội được đi đây đi đó học hỏi nhiều điều và khám phá ra nghề đúc đồng. Đôi khi nguồn gốc, xuất thân còn thể hiện tính địa phương, vùng miền của truyền thuyết tổ nghề.

Ở phần II, việc nhân vật có thêm hình thức sẽ làm người đọc có thể dễ hình dung ngoại hình, đặc điểm cụ thể của nhân vật hơn. Từ nguồn gốc và hình thức nhân vật giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về ý nghĩa, tư tưởng thẩm mĩ trong từng bản truyện. Ví dụ như nhân vật Chử Đồng Tử có hình thức là một chàng trai nghèo, không một mảnh vải che thân nhưng nàng Tiên vẫn đồng ý lấy làm chồng, sau khi gặp Tiên Dung được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới lại trở thành chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô trong bộ quần áo mới; Còn nàng Quế Nương có nhan sắc nghiêng nước, nghiêng thành, nết na thùy mị, lại nổi tiếng khéo tay nhiều hoàng tử say đắm xin hỏi cưới làm vợ những nàng không đồng ý. Muốn đi chu du đây đó, không muốn lấy chồng, đã thể hiện ý thức mong muốn tự do, độc lập của người phụ nữ thời xưa.; Ông Nguyễn Công Truyền thông minh khéo léo, ham làm việc tay chân nhưng lúc học chữ nghĩa cũng rất nhanh. Những phẩm chất đó sau này giúp ông thành công trong việc kiên trì, mày mò không ngại việc tay chân vất vả mà nghĩ ra nghề đúc đồng thành công.

Ở phần III, hành trạng của các nhân vật tổ sư bách nghệ là được coi là phần trung tâm, tác giả dân gian chú trọng kể hơn so với 3 phần còn lại. Đối với nhân vật Chử Đồng Tử, sau khi cha chết đã dùng chiếc khố duy nhất mặc vào niệm cho cha. Chàng sống cô đơn, nghèo đói một mình ở bến sông. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, kì dị với Tiên Dung khiến chàng đổi đời. Chàng kết hôn với Tiên Dung nhưng vua cha không đồng ý, bị từ mặt nên hai vợ chồng đã chuyển ra ngoài ở riêng, khai phá đất mới và lập cơ nghiệp. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã dạy rất nhiều nghề cho dân chúng ở vùng đất mới. Trong khi đó, vua Hùng hiểu nhầm hai vợ chồng chống đối nên đã sai quân đánh dẹp nhưng các con không chống lại mà cứ để mặc như vậy. Thể hiện sự hiếu thảo, giữ đúng đạo làm con của hai nhân vật. Sự nghiệp vững vàng, Chử Đông Tử học đạo và truyền lại cho Tiên Dung rồi cả hai đều được hóa về trời; Còn ở truyện Thánh Mẫu Thượng ngàn, hoàng thái tử các nước vô cùng mê

đắm Quế Nương chỉ nghe tiếng tăm của nàng đã đua nhau kéo đến cầu hôn. Nhưng nàng đều từ chối khéo. Nàng chưa kịp xây dựng tổ ấm thì đột nhiên hoàng hậu không bệnh mà chết. Nói sao cho hết nỗi đau của nàng, Quế Nương xin cha cho đi du sơn ngoại thủy. Vua cha đồng ý nàng mang theo 12 thị nữ. Họ đến những nơi non thanh cảnh vắng, sống chay tịnh mong vợi đi nỗi buồn. Khi đặt chân đến vùng đất Khả Lễ (huyện Lục Nam), họ thấy non thanh cảnh tú nên đã dừng chân. Nàng nằm mơ thấy ông tiên hiện về khuyên nàng bỏ chốn phồn hoa mà ở lại đây thực lòng theo đạo. Khi tỉnh dậy, công chúa thấy mời khuyên có lí nên đã quyết định ở lại đây, lập một cung ở cạnh vực Mỡ để sống ở đây đến cuối đời; Nhân vật Nguyễn Công Truyền thuở nhỏ đã phải xa quê theo cha mẹ đi Thanh Hóa dạy học. Lúc đi cũng bị rịn không muốn xa quê và có lời hứa sẽ trở về quê hương. Sau đó, ông trở thành Điện Tiền Tướng Quân. Ông luôn trăn trở muốn tìm ra cách thức làm đồ dùng từ đồng mềm. Một lần sang Trung Quốc, ông giả làm người mua hàng học lỏm cách làm lá vàng mềm để chế ra các vật dụng. Ông trở về quê suy nghĩ, ngót nghét 2 năm đường trường sáng tạo ra đồ làm từ đồng mềm. Ông được vua ban cho đất ở nơi trú quán lập làng và đặt tên là Đại Bái. Sau khi, cha mất, ông xin từ quan về chuyên tâm làm nghề và phụng dưỡng cha mẹ. Ông đi khắp nơi học hỏi thêm kinh nghiệm

của các nghề rèn sắt, luyện đồng, than và sắm các dụng cụ lò, đe, bễ, dùi, lọng,… rồi bắt đầu sáng chế ra gò đồng sản xuất các vật dụng chậu thau, nồi lớn, nồi nhỏ,… Ở phần IV, Cái kết của nhân vật trong truyện truyền thuyết tổ sư bách nghệ thường là có hậu. Nhân vật luôn được ghi công, nhớ ơn, tưởng nhớ và hóa thân thành thần để nhân dân thờ cúng. Ví dụ như: hai vợ chồng Chử Đồng Tử xây dựng vương quốc mới, mở chợ, lập phố, khai phá đất mới, giao lưu ngoại thương, trồng dâu nuôi tằm,…. Sau đó được hóa thân bay về trời, hiển linh phù cho Triệu Việt Vương đánh thắng giặc rồi được phong làm “Thượng đẳng thần” – một trong bốn vị Tứ bất tử nước ta; Công chúa Quế Nương thì mang hết tiền của mua sắm vật dụng khai phá thạch, lập làng và bắt đầu làm ăn. Nàng sớm hôm dạy dân làm đủ các việc: cày ruộng, phát nương, dệt vải, chăn thú, rèn sắt, luyện đồng, làm đồ gốm,…Những người nghèo khó đều được công chúa cưu mang hết lòng. Bởi thế, cả trăm họ trong vùng đều vô cùng kính trọng. Chẳng bao lâu, nơi đó trở nên trù phú, lúa vàng khắp nơi, sắn ngô xanh mướt, chim chóc đua nhau bay về rộn ràng hót suốt ngày,… Một sớm mai, công chúa vừa tỉnh dậy thấy trong người lạ bèn ngược dòng suối Mỡ, leo mãi lên dãy Huyền Sơn rồi hóa ở đó. Nhân dân nghe tin vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ dọc suối Mỡ (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng). Còn chính nơi nàng qua đời thì lập chùa tên gọi là chùa Hóa để bốn mùa hương tỏa tỏ lòng kính vong nàng và nhân dân đã suy tôn nàng là Thánh mẫu Thượng ngàn. Từ ngày đó, suốt từ tháng Giêng đến tháng ba hằng năm, du khách bốn phương về vùng suối Mỡ tưởng nhớ Thánh mẫu và trẩy hội; Còn ông Nguyễn Công Truyền, khi thành công đã mang nghề về truyền cho bà con trong làng. Mọi người noi theo mà lập nghiệp, dần trở thành nghề chính của làng. Làng xóm ngày càng thịnh vượng nhờ nghề này. Nguyễn Công Truyền mất, dân làng lập đền thời ở làng và được phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần, rồi lại phong Quang Úy Địch Bảo Trung Hung trung đẳng thân, cuối cùng gia tang Đoan Phúc tôn thần.

Kết cấu 4 phần đầy đủ giúp truyện truyền thuyết có sự liên kết logic theo tuyến tính. Từ nguồn gốc, hình thức nhân vật sẽ chi phối, ảnh hưởng đến hành trạng và từ hành trạng lại quyết định cái kết của nhân vật. Nhân vật truyền thuyết chạy

xuyên suốt cốt truyện. Thường nguồn gốc và ngoại hình nhân vật không được chú trọng miêu tả, khắc họa mà chủ yếu là kể về hành trạng tạo nên chiến công của nhân vật. Từ đó bộc lộ tư tưởng, thẩm mỹ, ý nghĩa của truyện. Không gian được sử dụng trong truyền thuyết là không gian đời thường – xã hội – đất nước. Vì vậy, nhắc đến nhân vật trong truyền thuyết tổ sư bách nghệ là nhắc đến cội nguồn dân tộc, vận mệnh đất nước, truyền thống gắn kết cộng đồng, lòng yêu nước, ý chí xây dựng đất nước. Cấu trúc đầy đủ 4 phần, giúp người đọc có thể hình dung ra các khía cạnh, mọi mặt của nhân vật. Các nhân vật trong truyền thuyết hội đủ những tinh hoa, sống hồn nhiên, bền bỉ trong tâm thức dân gian và truyền lại qua nhiều thế hệ. Các nhân vật trong truyền thuyết tổ nghề là con người bình thường, từ nhân dân mà ra, gần gũi nhân dân, được nhân dân kính trọng tin yêu, quan hệ “đồng bào” với nhân dân. Họ chính là sợi dây gắn kết cộng đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết về các nhân vật tổ sư bách nghệ trong không gian văn hóa châu thổ bắc bộ (Trang 50 - 54)