Phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tạ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường quốc tế koala house (Trang 34 - 37)

1.2. Một số vấn đề lý luận về phong cách giáo dục của cha mẹ đối với trẻ

1.2.3. Phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tạ

trường Quốc tế Koala House

1.2.3.1. Định nghĩa

Xuất phát từ những gì chúng tôi đã trình bày ở trên, chúng tôi xác định phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường Quốc tế Koala House là: hệ thống các nguyên tắc, các phương pháp, cách thức hành động độc đáo, riêng biệt, tương đối ổn định của cha mẹ phù hợp với trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 6 nhằm giúp trẻ lĩnh hội các mẫu hành vi trong cuộc sống.

1.2.3.2. Các tiêu chí phân loại phong cách giáo dục của cha mẹ

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Baumrind [49, 50, 51] và Darling & Steinberg [48] về các tiêu chí phân loại phong cách giáo dục, chúng tôi thấy rằng các tác giả đều căn cứ vào 2 tiêu chí đó là: tính chất, mức độ kiểm soát / yêu cầu hoặc sự giúp đỡ / đáp ứng của cha mẹ trong hành động giáo dục con để phân loại PCGD. Những cha mẹ kiểm soát / yêu cầu cao đối với trẻ trong khi đáp ứng / giúp đỡ thấp thuộc vào nhóm PCGD độc đoán. Ngược lại, những cha mẹ kiểm soát / yêu cầu thấp đi đôi với đáp ứng / giúp đỡ thấp đối với trẻ được chúng tôi xếp vào nhóm các cha mẹ có PCGD tự do. Nếu sự

kiểm soát / yêu cầu cân bằng với sự đáp ứng / giúp đỡ của cha mẹ đối với con thì những bậc cha mẹ này thuộc nhóm PCGD dân chủ.

Căn cứ vào cơ sở lý luận và kết quả của điều tra thử, trong phạm vi nghiên cứu này chúng tôi tập trung tìm hiểu 3 kiểu phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường Quốc tế Koala House là PCGD dân chủ, độc đoán và tự do. Ba kiểu PCGD này được thể hiện trên 2 bình diện liên quan đến việc rèn luyện nề nếp sinh hoạt, kết bạn của con và rèn luyện ý thức kỷ luật, ứng xử của con với người lớn. Cụ thể các mặt biểu hiện trong từng PCGD liên quan đến 2 bình diện này được thể hiện như sau:

a. Phong cách giáo dục dân chủ

Trong ăn uống, cha mẹ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở, hướng dẫn, động viên con ăn ngủ theo giờ, đúng cách, đủ lượng và hợp vệ sinh theo quy định đã được thống nhất từ trước của cả gia đình. Cha mẹ không chỉ thể hiện tình yêu thương, chăm sóc con trong từng bữa ăn, giấc ngủ mà cha mẹ còn là người “bạn” của con, cùng con chia sẻ và tham gia các hoạt động vui chơi với con. Nếu con trẻ có sai phạm thì cha mẹ là người giải thích cho con hiểu và khích lệ, động viên khi thấy con tiến bộ hơn.

Đối với việc kết bạn của con, cha mẹ tôn trọng lựa chọn của con và luôn bên cạnh để giúp con hiểu thêm về những người bạn xung quanh, phân biệt được những mặt tốt, mặt xấu ở bạn. Thông qua đó, xây dựng tình cảm bạn bè trong sáng và thân thiện ở trẻ.

Song song với việc làm này, cha mẹ cũng rất quan tâm đến thái độ và hành vi ứng xử của con với bạn bè cũng như với người lớn tuổi. Cha mẹ luôn cố gắng giải thích và nhắc nhở, động viên con phải lễ phép chào hỏi người lớn, biết nói lời cảm ơn khi được người lớn cho quà và giúp đỡ. Đặc biệt, khi con nói tục, chửi bậy, cãi lại người lớn… cha mẹ luôn phê bình, nhắc nhở dứt

khoát để lần sau không tái phạm. Đồng thời, cha mẹ vẫn yêu cầu con phải xin lỗi khi đã sai phạm.

Ở phong cách giáo dục dân chủ, cha mẹ chỉ là người định hướng, giúp đỡ để con tự giải quyết khi có vấn đề chứ không làm thay cho các con. Cha mẹ với con cái rất gần gũi, thân thiện, luôn có sự trao đổi và chia sẻ. Khi con gặp khó khăn con có thể tâm tình, chia sẻ để cùng cha mẹ giải quyết. Tuy nhiên, các con cũng hiểu rõ kỷ luật và chấp hành kỷ luật một cách tự nguyện, tự giác khi được cha mẹ giải thích rõ ràng, cặn kẽ.

Cha mẹ có phong cách giáo dục dân chủ ý thức rõ vai trò trách nhiệm của mình đối với những sai phạm của con. Đồng thời, họ cũng hiểu và đưa ra những nhắc nhở nhẹ nhàng, giải thích dễ hiểu phù hợp với lứa tuổi khi thấy con phạm lỗi và có hành động chống đối lại bố mẹ. Những cha mẹ có phong cách giáo dục này, thường tạo ra ở trẻ sự vui vẻ, tự tin khi giao tiếp và hòa đồng với mọi người.

b. Phong cách giáo dục độc đoán

Cha mẹ đòi hỏi sự vâng lời, tuân lệnh và phục tùng ở trẻ. Trong ăn, ngủ cha mẹ thường nghiêm khắc bắt con luôn phải làm theo những chỉ định mà họ đưa ra nếu không sẽ bị quát mắng / trừng phạt. Cha mẹ độc đoán ít khi để ý đến thái độ và cảm giác của con.

Đối với việc kết bạn của con, cha mẹ thường là người chủ động tìm hiểu bạn cho con, nếu thấy bạn không tốt thì nghiêm cấm ngay lập tức. Khi con và bạn gây sự, đánh nhau…cha mẹ hay đánh, phạt con mà không hỏi rõ con nguyên nhân vì sao.

Đặc biệt, trong cách ứng xử của con với người lớn, cha mẹ độc đoán hay tỏ ra bực tức, khó chịu khi thấy con cư xử chưa đúng mực và nghiêm khắc phê bình, trừng phạt con mà thường không có giải thích gì. Cụ thể, nếu thấy con nói tục, chửi bậy, cãi lại người lớn, cha mẹ hay lớn tiếng quát /mắng, có khi còn đánh con và bắt phải xin lỗi ngay để lần sau con không tái phạm.

Ở phong cách giáo dục này, cha mẹ là người quyết định mọi việc cho con vì theo họ con vẫn còn nhỏ chưa biết gì. Tuy nhiên, họ thường yêu cầu rất cao ở con nhưng lại không nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình đối với sai phạm của con mà bắt các con phải tự làm, tự chịu. Trong mối quan hệ với trẻ, cha mẹ thường ít thể hiện sự nồng ấm, yêu thương nên quan hệ giữa họ và con cái có phần xa cách. Các con thường cảm thấy sợ hãi khi chúng làm gì sai và cũng ít tìm đến cha mẹ nếu có khó khăn. Vì vậy, trẻ có xu hướng trở nên nhút nhát, e ngại, ít giao tiếp và hay phụ thuộc vào bố mẹ. Chúng luôn có ý thức tuân theo quy định, luật lệ đã được cha mẹ đặt ra.

c. Phong cách giáo dục tự do

Cha mẹ có xu hướng nuông chiều, dễ dãi với con vì muốn con được sáng tạo, con cần được động viên và khen ngợi nên cha mẹ rất ít khi đưa ra luật lệ và bất kỳ sự trừng phạt nào đối với con. Hầu hết trong sinh hoạt của con, cha mẹ luôn để tùy trẻ, không ép buộc. Nhiều khi cha mẹ cũng dễ chấp nhận và ủng hộ, đáp ứng những nhu cầu của con như: cho con xem ti vi thoải mái, để con ngủ thêm đi học muộn cũng được, để con tùy ý quyết định trong việc kết bạn và chơi cùng bạn…

Đối với việc ứng xử của con với người lớn, cha mẹ chỉ nhắc nhở đại khái nếu thấy con có sai phạm, cũng có khi cha mẹ để con tự do thể hiện vì cho rằng chúng còn nhỏ, lớn lên con sẽ biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Vì vậy, khi trẻ có lỗi, con rất dễ dàng nhận lỗi vì không sợ bị bố mẹ trách phạt. Những ông bố bà mẹ này cho rằng mình chỉ là người đứng quan sát con còn quyền quyết định là ở con. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất thân thiện, gắn bó. Cha mẹ có phong cách giáo dục này thường có xu hướng tạo ra sự tự do, thoải mái trong mọi hoạt động ở trẻ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường quốc tế koala house (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)