Phong cách giáo dục của cha mẹ và sự phát triển tâm lý của trẻ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường quốc tế koala house (Trang 37 - 44)

1.2. Một số vấn đề lý luận về phong cách giáo dục của cha mẹ đối với trẻ

1.2.4. Phong cách giáo dục của cha mẹ và sự phát triển tâm lý của trẻ

Phong cách giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu của Baldwin, Kalhorn và Breese (1945), nhấn mạnh

rằng khi một đứa trẻ xuất thân từ gia đình dân chủ, đến tuổi đến trường, nó có những tiến bộ xã hội đáng kể. Trẻ hòa đồng với mọi người và đó là một thủ lĩnh vui vẻ; trẻ thân thiện và phóng khoáng; trẻ tự tin, thanh thản và ổn định về mặt cảm xúc. Vì trẻ có mối quan hệ tốt với bố mẹ nên thích ứng rất nhanh với các thầy cô giáo ở trường [dẫn theo 29].

Thomas Gordon cũng khẳng định: “Thái độ dân chủ của bố mẹ là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ. Qua nhiều năm, chỉ số thông minh của những trẻ có bố mẹ độc đoán giảm đi. Trong khi đó, chỉ số thông minh của những trẻ có bố mẹ dễ dãi gần như không thay đổi. Ngược lại, những trẻ có bố mẹ dân chủ, có trí thông minh tăng lên theo thời gian. Cha mẹ dân chủ dạy dỗ con trong một bầu không khí được xây dựng dựa trên sự tự do, yêu thương và kích thích trí tuệ. Vì thế, ở trường con cái họ thường đạt được những điểm số cao hơn về khả năng sáng tạo, tổ chức, tính kiên trì, sự ham hiểu biết và óc tưởng tượng. Chúng thường giữ vị trí thủ lĩnh và tỏ ra trưởng thành về mặt tâm lý” [29].

Nghiên cứu của Erikson cho hay: nếu cha mẹ thường xuyên ngăn cấm hoặc trừng phạt thì đứa trẻ sẽ mất lòng tin vào bản thân, trở nên sợ sệt, nhút nhát và hay thất bại. Cảm giác thất bại có thể trở nên bền vững trong suốt cuộc đời sau này của chúng. Còn nếu cha mẹ luôn khích lệ, ủng hộ trẻ thì dần dần trẻ sẽ nắm vững các kỹ năng mới. Khi trẻ tự thực hiện được các hành động cơ bản mà không cần có sự giúp đỡ của người lớn thì chúng cảm thấy tự tin hơn [dẫn theo 9].

Trong nghiên cứu về tâm lý trẻ mẫu giáo, tác giả Trương Thị Khánh Hà nhận thấy: “Ở giai đoạn lứa tuổi này, không phải trẻ nào cũng có đời sống tình cảm diễn ra tốt đẹp. Giáo dục gia đình có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển cảm xúc ở trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy có mối tương quan khá chặt giữa ứng xử cảm xúc của cha mẹ và biểu hiện cảm xúc của con. Nếu cha mẹ là những người ứng xử cảm xúc hợp lý, vui vẻ, tự tin thì con của họ cũng

thường tự tin, vui vẻ, ứng xử cảm xúc hợp lý hơn. Nếu cha mẹ là những người dễ bị kích động, căng thẳng, hay dọa dẫm, đánh mắng trẻ thì đứa trẻ cũng hay sợ hãi, hay rơi vào trạng thái căng thẳng hơn” [9].

Nghiên cứu gần đây của Vũ Thị Khánh Linh cũng khẳng định: Trong những gia đình cha mẹ có phong cách giáo dục dân chủ thì con cái có tính tích cực và chủ động giao tiếp cao. Nhưng lại kém tích cực trong những gia đình cha hoặc mẹ có phong cách giáo dục độc đoán và càng kém tích cực hơn trong những gia đình mà cả hai cha mẹ có kiểu phong cách giáo dục này [21].

Baumrind (Baumrind, 1972, 1975) và những nhà nghiên cứu sau này đều cho thấy rằng những trẻ có cha mẹ quyền uy thường không cởi mở và có tính nhút nhát, hầu như hoặc hoàn toàn không có ý muốn độc lập, chúng thường cau có và dễ bực tức. Ở tuổi thiếu niên, nhất là con trai, thường có những phản ứng gay gắt về những người xung quanh, có tính cấm đoán và hay phạt mà ở đó chúng đã lớn lên, đôi khi chúng trở thành những đứa trẻ khó bảo và có tính hay gây gổ. Còn với trẻ của những cha mẹ uy tín (dân chủ), thường có khả năng thích ứng tốt hơn so với những trẻ khác. Chúng thường tự tin, vui vẻ, có khả năng tự kiểm soát và có uy tín về mặt xã hội [dẫn theo 7].

Nghiên cứu điển hình nhất về mối tương quan giữa phong cách của nhà giáo dục đối với các biểu hiện hung tính của trẻ do K.Lewin và các cộng tác viên thực hiện đã chỉ ra rằng: Những đứa trẻ được giáo dục bằng phong cách độc đoán thường có những biểu hiện hẫng hụt, gia tăng các ứng xử hung tính. Trong bầu không khí này, hung tính hoặc mạnh hoặc gần như không có gì (vô cảm) nếu ảnh hưởng trấn áp của nhà giáo dục có phong cách độc đoán đủ mạnh. Những trẻ chịu ảnh hưởng của phong cách giáo dục tự do, hung tính cũng cao, chúng cảm thấy hẫng hụt khi đón nhận những tác động giáo dục có phần “tùy tiện” của những nhà giáo dục có phong cách tự do. Biểu hiện hung tính ít xuất hiện nhất trong nhóm trẻ được đón nhận sự

giáo dục từ những nhà giáo dục có phong cách dân chủ. Hung tính được giải tỏa đều đều và bầu không khí do phong cách giáo dục dân chủ tạo ra là có hiệu quả nhất [dẫn theo 21].

Maccoby và Martin (1983), cũng nhận định: Kiểm soát, độc đoán hay dễ dãi không giới hạn, đều không có lợi cho việc tự đánh giá bản thân của trẻ. Hình ảnh bản thân của trẻ chỉ phát triển tích cực khi cha mẹ không áp đặt giới hạn mà đưa ra yêu cầu của mình và định hướng bằng cách giao cho trẻ quyền lựa chọn ở mức độ nhất định [dẫn theo 29].

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác lại cho rằng những đứa trẻ của những cha mẹ có tính quyết đoán thường thích ứng tốt hơn so với những đứa trẻ khác. So với những đứa trẻ khác, những đứa trẻ này tự tin hơn, hoàn toàn tự kiểm soát mình và có uy tín về mặt xã hội. Thời gian trôi đi, sự tự đánh giá cao được phát huy ở những đứa trẻ này, còn ở trường chúng học tập giỏi hơn so với những đứa trẻ được cha mẹ giáo dục với các phong cách hành vi khác (Buri, Louiselle & Mueller, 1988; Dornbusch, 1987) [dẫn theo 7].

Tình hình rất bất lợi đối với những trẻ em mà cha mẹ có tính thờ ơ. Đôi khi sự dung túng cũng kéo theo sự ghét bỏ công khai và thiếu sự nhiệt tình, không gì có thể ngăn cản được đứa trẻ có những xung đột mang tính hủy hoại nhất [7].

Như vậy, nhìn chung, phần lớn các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số trường hợp trẻ sống trong những gia đình cha mẹ dân chủ thì con cái thường phát triển tình cảm tích cực đối với cha mẹ và người thân, phát triển trí tuệ, ham hiểu biết, có năng lực học tập, có thái độ và hành vi vị tha. Trẻ có khả năng thiết lập các quan hệ rộng rãi với người khác, phát triển khả năng tự đánh giá bản thân, dễ dàng chấp nhận và tuân theo những quy tắc hành vi của cha mẹ, cô giáo. Ngược lại, trẻ em trong những gia đình cha mẹ dễ dãi, tự do có năng lực nhận thức và năng lực xã hội rất thấp [dẫn theo 21].

Tuy nhiên, ảnh hưởng của phong cách ứng xử của cha mẹ đối với con cái cũng rất khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau và chúng ta không thể nói rằng một phong cách nào đó là tốt nhất (Darling & Steinberg, 1993). Hơn nữa, các phương pháp mà cha mẹ có tính quyết đoán, truyền đạt các hành vi chuẩn mực của mình có thể không giống nhau trong những nền văn hóa khác nhau [7].

Một số nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng, phong cách giáo dục quyền uy tuy không có tính ưu việt ở nhiều nước phương Tây nhưng lại có tính ưu việt ở nền văn hóa châu Á. Phần lớn cha mẹ ở các quốc gia Âu, Mỹ nhận thấy việc sử dụng phong cách giáo dục có tính quyền uy sẽ làm cho con cảm thấy bị bó buộc, không kích thích và phát huy được khả năng sáng tạo của trẻ. Song cha mẹ ở châu Á lại khẳng định việc giáo dục con nghiêm khắc sẽ giúp trẻ có được những kết quả nhất định trong nhiều hoạt động. Trong đó nổi bật là cha mẹ người Trung Quốc theo truyền thống là cha mẹ có tính quyền uy và thực hiện kiểm soát một cách mạnh mẽ trong khi “quan điểm rèn luyện” được cha mẹ sử dụng để giáo dục con đem lại những thành công lớn có tính kinh điển cho con cái họ (Chao, 1994) [46]. Trẻ em ở những gia đình độc đoán có thành tích học tập cao ở trường học và không bị mắc vào các vấn đề hành vi nhưng lại nghèo về năng lực xã hội, tự trọng thấp và nguy cơ trầm cảm cao hơn (Mimi Chang, 2007) [49].

Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy chưa có phong cách giáo dục nào là hoàn toàn chiếm ưu thế vượt trội. Song, bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, từ kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước và trên thế giới thì phong cách giáo dục dân chủ được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là có ảnh hưởng tích cực nhất đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

1.2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phong cách giáo dục của cha mẹ

Các công trình nghiên cứu ở lĩnh vực giáo dục gia đình đã chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng phong cách giáo dục của

cha mẹ. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu một số yếu tố sau:

Yếu tố khách quan từ phía cha mẹ: Kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Khánh Linh cho thấy rằng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và tuổi tác của các bậc phụ huynh có ảnh hưởng nhất định đến việc tạo nên ở họ các phong cách giáo dục khác nhau. Chính vì thế, sự phân bố tỉ lệ các kiểu phong cách giáo dục trong các gia đình có trình độ văn hóa, nghề nghiệp và độ tuổi khác nhau là khác nhau. Ba yếu tố này tạo nên nét riêng trong phong cách giáo dục của cha mẹ. Chúng thường được bộc lộ thông qua quá trình giao tiếp giữa cha mẹ với con cái và quá trình cha mẹ giáo dục các con [21].

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu ở phương Tây cũng chỉ ra rằng hoàn cảnh kinh tế - xã hội của gia đình cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới kiểu PCGD của cha mẹ. Những bố mẹ có hoàn cảnh kinh tế - xã hội bấp bênh thường có xu hướng thực hiện kiểu PCGD độc đoán / tự do (Lau tray, 1998; Evans, 2004).

Yếu tố khách quan từ phía chính trẻ: Một điều dễ nhận thấy nhất là các cha mẹ ở châu Á thường sử dụng PCGD khác nhau đối với trẻ trai và trẻ gái. Dường như, họ có xu hướng hoặc nghiêm khắc hoặc buông lỏng đối với trẻ trai và dân chủ hơn đối với trẻ gái. Tuy nhiên, một số công trình nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt trong PCGD này còn phụ thuộc vào các lĩnh vực khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong học tập của trẻ (dẫn theo 22).

Bên cạnh đó, độ tuổi của trẻ cũng là yếu tố chi phối không nhỏ đến kiểu PCGD của cha mẹ. Bởi lẽ, ở mỗi lứa tuổi, trẻ có những biểu hiện tâm – sinh lý rất khác nhau. Việc cha mẹ duy trì một kiểu PCGD cứng nhắc, không thay đổi theo thời gian có thể sẽ tạo ra những kết quả tích cực cho trẻ ở giai đoạn này nhưng lại là tiêu cực ở giai đoạn khác.

Tiểu kết chƣơng1

Chương 1 đã hệ thống và khái quát toàn bộ các khái niệm công cụ làm cơ sở lý luận cho đề tài. Quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựa vào cách phân loại về PCGD của Diana Baumrind làm nền tảng để xây dựng khung lý thuyết cho luận văn. Khái niệm PCGD của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường mầm non Quốc tế Koala House được hiểu là: hệ thống các nguyên tắc, các phương pháp, cách thức hành động độc đáo, riêng biệt, tương đối ổn định của cha mẹ phù hợp với trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 6 nhằm giúp trẻ lĩnh hội các mẫu hành vi trong cuộc sống.

Qua các nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy PCGD dân chủ mà cha mẹ sử dụng để giáo dục con có nhiều ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, một số yếu tố như trình độ học vấn của cha mẹ, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế của gia đình, giới tính và độ tuổi của con...cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc cha mẹ sử dụng phong cách giáo dục đối với con.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách giáo dục của cha mẹ đối với con từ 3 đến 6 tuổi tại trường quốc tế koala house (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)