7. Kết cấu của luận văn
1.2. Các nhân tố tác động, ảnh hưởng đến sự hình thành hợp tác Việt-Trung
1.2.2. Nhân tố nội sinh
- Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế nhanh và bền vững:
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tháng 3/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 23-NQ/TW Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việt Nam còn đang tìm cách rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Theo đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 [99] [179]. Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục có nhu cầu to lớn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đã có sự điều chỉnh nhất định về chính sách. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (ký ngày 20/8/2019) chỉ rõ: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu [14]. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững, phát triển tuần hoàn [72] [135].
- Việt Nam và Trung Quốc đều theo đuổi chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do và nhất thể hóa kinh tế khu vực:
Những năm gần đây, để phục vụ cho phát triển đất nước và triển khai các chiến lược mới như xây dựng B&R, xây dựng Cộng đồng vận mệnh nhân loại, vượt qua sức ép chiến lược từ Mỹ..., Trung Quốc luôn đi đầu khởi xướng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do, toàn cầu hóa kinh tế; phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Theo đó, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Trung-Nhật- Hàn, xây dựng Khu thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương...
Trong khi đó, Việt Nam rất coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế... Năm 2013, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đặc biệt, về thương mại, đến nay, Việt Nam đã tham gia trên 10 FTA trong đó có các FTA lớn như FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), CPTPP, EAEU, FTA Việt Nam - EU (EVFTA), đang đàm phán nhiều FTA khác như RCEP. Những FTA này, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đang góp phần quan trọng đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam đang có quan hệ tốt với nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, chẳng hạn: Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á (3/2014), đang đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt - Nhật; có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc; thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore... Như vậy, giống như Trung Quốc, Việt Nam đặc biệt coi trọng chủ nghĩa đa phương [157] và thương mại tự do, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tương thích với tư tưởng hợp tác “cùng có lợi, cùng thắng” của BRI.
- Quan hệ Việt-Trung đang duy trì phát triển ổn định, lành mạnh:
Là láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, quan hệ Việt-Trung đã trải qua nhiều thăng trầm như “nghìn năm Bắc thuộc”, có bang giao hữu hảo nhưng cũng xảy ra nhiều cuộc chiến tranh liên miên, nhất là thời kỳ phong kiến. Bước vào thế kỷ 20, thế kỷ chứng kiến các cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, cùng đối đầu, xung đột gay gắt giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN), được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối khác của hai nước đặt nền móng, quan hệ Việt- Trung đã phát triển với nhiều cột mốc quan trọng. Ngày 18/1/1950, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn phát triển quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước láng giềng cùng đi theo con đường XHCN. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành giúp đỡ, chi viện Việt Nam với những tính toán chiến lược khác nhau. Mặc dù là “đồng chí”, nhưng do có tính toán chiến lược riêng, năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1988 và các năm sau này chiếm thêm 07 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm đá Gạc Ma, đá
Gaven, đá Xu Bi, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đá Châu Viên và đá Tư Nghĩa; năm 1979 tiến hành chiến tranh xâm lược miền Bắc Việt Nam (từ ngày 17/2 - 16/3/1979). Sau nhiều năm nỗ lực, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền Việt- Trung vào năm 1999, ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá vào năm 2000, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt-Trung vào năm 2008, ra Tuyên bố chung và Thỏa thuận Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển năm 2011... Trên cơ sở những thỏa thuận trên và dựa vào phương châm “16 chữ” (năm 1999) và tinh thần “4 tốt” (năm 2002), quan hệ Việt-Trung thời gian gần đây đã ngày càng phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu [83].
Ngoại giao Việt Nam luôn ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc, vì Trung Quốc là láng giềng lớn, một đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam, và là nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể chế chính trị với Việt Nam [97] [275]. Việt Nam xác định, không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt-Trung phát triển ổn định, lành mạnh phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới; là chủ trương nhất quán và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam [56]. Trong khi đó, Trung Quốc cũng khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam. Về chính trị, hai nước có cùng thể chế chính trị; quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước luôn là kênh chính bảo đảm dẫn dắt chính trị đúng đắn phát triển quan hệ hai nước. Về kinh tế thương mại, hợp tác kinh tế thương mại luôn là điểm sáng của quan hệ Việt-Trung, đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Việt Nam mong muốn thu hút nguồn vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến... từ Trung Quốc; coi trọng thị trường rộng lớn Trung Quốc, muốn thông qua Trung Quốc để kết nối với các thị trường khác như Trung Á, Mông Cổ, Nga, EAEU, Châu Âu... Trong khi đó, Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam trong triển khai chiến lược khu vực và toàn cầu [52] [160] [204] [326].
Đặc biệt, hợp tác Việt-Trung trong khuôn khổ sáng kiến TCOB (Hai hành lang kinh tế gồm “Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng” và “Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng”, cùng “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”) đã đạt được những
kết quả nhất định. Sáng kiến này do Việt Nam đề xuất tháng 5/2004, thực hiện theo nguyên tắc “bình đẳng, cùng có lợi”; được tiến hành ở 4 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam) và 5 tỉnh, thành của Việt Nam (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng). Các lĩnh vực hợp tác bao gồm xây dựng CSHT, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến, điện lực. Việc xây dựng các CBEZ nằm trong sáng kiến TCOB [122, tr. 33-37] [140]. Việc kết nối TCOB-B&R đem lại cơ hội cho hai bên thực hiện hợp tác cùng có lợi, cùng thắng [239].
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tồn tại một số vấn đề có thể tiếp tục cản trở quan hệ Việt-Trung, trong đó có hợp tác B&R. Cụ thể: (i) Trung Quốc nhất quán thực hiện tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, điển hình là: Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, sau đó đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông; năm 2019 đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 vào hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trong nhiều tháng... Tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là trở ngại chủ yếu và lớn nhất của phát triển quan hệ Việt-Trung hiện nay. Nó luôn buộc Việt Nam phải hết sức tỉnh táo khi thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc; (ii) Tâm lý “bài Hoa, thoát Trung” ở Việt Nam diễn biến phức tạp. Mỗi khi quan hệ Việt-Trung xuất hiện căng thẳng hay có vấn đề lớn thì ý thức cảnh giác, đề phòng Trung Quốc của người Việt lại lên cao, thậm chí nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Dư luận Việt Nam luôn cảnh giác, đề phòng về nguy cơ kinh tế đất nước lệ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc; lo ngại Trung Quốc thâm nhập, kiểm soát các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; (iii) Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch Việt-Trung vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Thương mại hàng hóa song phương mất cân bằng. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam chất lượng chưa tốt, nhất là tại các dự án lớn chỉ định thầu hoặc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu... Thực trạng này gây ấn tượng đặc biệt xấu về các dự án đầu tư của Trung Quốc [44] [69].
Tiểu kết chƣơng 1
BRI thực chất là một chiến lược mở cửa đối ngoại mới của Trung Quốc, nhưng còn là sáng kiến đang được Trung Quốc tập trung xây dựng thành một “sản phẩm công quốc tế” quan trọng với những tư tưởng, nguyên tắc, cơ chế hợp tác tạo “sức hấp dẫn lớn” nhằm thực hiện chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình. 6 năm qua, việc triển khai BRI của Trung Quốc đã đạt được thành quả bước đầu trên các lĩnh vực, nhất là về kết nối chính sách, đã xây dựng được khung cơ bản và đang bước vào giai đoạn “vẽ ra bức tranh chi tiết”; đang tạo ra những xu thế hợp tác, phát triển mới và lớn ở khu vực và trên thế giới, lôi cuốn được nhiều nước tham gia. Những tư tưởng về hợp tác B&R, nhất là những tư tưởng được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai (chất lượng cao, tiêu chuẩn cao, phát triển bền vững, xanh, sạch...) có sức hấp dẫn và có thể đem lại cơ hội hợp tác cùng phát triển cho các nước. Việt Nam và Trung Quốc đều đang chủ trương phát triển kinh tế theo hướng chất lượng cao; có nhu cầu to lớn về hợp tác cùng có lợi, cùng thắng; hai bên đã triển khai hợp tác nhiều năm trong khuôn khổ TCOB; đều coi trọng chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do; hai bên lại có nhiều điểm tương đồng về chính trị, văn hóa, gần gũi về địa lý; đều coi trọng và ưu tiên cho phát triển quan hệ láng giềng. Hiện nay, quan hệ Việt-Trung đang cố gắng duy trì theo hướng lành mạnh, ổn định, đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc vẫn là trở ngại chủ yếu của phát triển quan hệ Việt-Trung. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là địa bàn chiến lược được nhiều nước lớn khác quan tâm, coi trọng, trong đó có Mỹ - quốc gia coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu hiện nay, đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hợp tác đa dạng, có tác động nhất định đến sự lựa chọn chính sách của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, bao gồm hợp tác B&R. Với những tác động nhiều chiều từ các nhân tố nội sinh và ngoại sinh, hợp tác Việt- Trung trong khuôn khổ BRI đứng trước những cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
CHƢƠNG 2
THỰC TRẠNG HỢP TÁC VIỆT-TRUNG TRONG KHUÔN KHỔ SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI, CON ĐƢỜNG”