7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thành tựu
3.1.2. Về kết nối thương mại
Kết nối thương mại Việt-Trung đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật. Nhiều thỏa thuận thương mại song phương đã được ký kết như Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung, MOU về thiết lập Nhóm xúc tiến thương mại và Nhóm công tác hợp tác thương mại điện tử. Các hoạt động xúc tiến thương mại Việt-Trung
hết sức đa dạng, đặc biệt là việc tổ chức các hội nghị, hội đàm, hội thảo, hội chợ... diễn ra thường xuyên, thường niên, nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, nhiều hình thức ở nước đối phương và ở khu vực biên giới hai nước. Việt Nam luôn là thành viên rất tích cực của CIIE, CABIS và CAEXPO thường niên. Việt Nam đã lần lượt mở Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Hàng Châu. Các cặp cửa khẩu được nâng cấp, mở mới liên tục; các CBEZ đang được thúc đẩy. Các biện pháp tiện lợi hóa thông quan đã được thực hiện ở nhiều cửa khẩu biên giới hai nước. Việt Nam đã tích cực tham gia vào xây dựng Con đường thương mại quốc tế trên bộ trên biển mới, vận chuyển hàng hóa sang thị trường Trung Quốc và các nước đối tác B&R thuận lợi hơn. Hợp tác thương mại điện tử Việt-Trung có bước tiến lớn trong thời gian ngắn, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, sau khi tiến hành hợp tác B&R, quan hệ thương mại Việt-Trung đã không ngừng tăng trưởng. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Trung Quốc, kim ngạch thương mại Việt- Trung đã vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2017 [202]. Việt Nam đã 3 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất trên thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc. Những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với hàng nông thủy sản Việt Nam: hiện là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê...; là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác [62].
Theo số liệu của Trung Quốc, kim ngạch thương mại Việt-Trung năm 2018 đạt 147,86 tỷ USD, tăng 21,2%. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 63,96 tỷ USD, tăng 27%; nhập khẩu 83,9 tỷ USD, tăng 17,2% [255]. Như vậy, Việt Nam còn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt-Trung năm 2018 đạt 106,706 tỷ USD, tăng 12,71%, chiếm 22,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đầu tiên có kim ngạch thương mại song phương vượt mốc 100 tỷ USD trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41,268 tỷ USD, tăng 16,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc 65,438 tỷ USD, tăng 11,7%, nhập siêu hơn 24 tỷ USD [38].
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt-Trung năm 2019 đạt 116,866 tỷ USD (trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 của Việt Nam đạt khoảng 517,26 tỷ USD), tăng 10,014 tỷ USD so với năm 2018, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,414 tỷ USD và nhập khẩu lên tới 75,452 tỷ USD. Nhìn tổng thể, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang nới rộng, năm 2019 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 34,038 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện... Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; hàng nông thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; giày dép, dệt may, gỗ... Việc nhập siêu tăng mạnh chủ yếu là do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, kinh tế Trung Quốc suy giảm, đồng CNY giảm giá, Trung Quốc tăng cường siết chặt nhập khẩu, coi trọng nhập khẩu chính ngạch [118] [124].