7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thành tựu
3.1.5. Về kết nối người dân
Việt Nam và Trung Quốc đều đã coi trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác nhân văn rộng rãi, tăng cường kết nối người dân, có lợi cho xây dựng cơ sở xã hội để phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ Việt-Trung. Hai bên đã triển khai tốt Kế hoạch thực hiện hàng năm Hiệp định Văn hóa Việt-Trung, đã đạt được các văn kiện hợp tác mới như Thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt-Trung giai đoạn 2016-2020, MOU hợp tác công nghiệp văn hóa; đã thiết lập được cơ chế gặp gỡ thường niên giữa Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc. Hợp tác giáo dục đào tạo hai nước được triển khai có hiệu quả, đặc biệt là việc cung cấp học bổng của phía Trung Quốc cho sinh viên Việt Nam.
Phía Trung Quốc đã thiết lập và đưa vào sử dụng một số thiết chế văn hóa, giáo dục mới tại Việt Nam như Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và Cung hữu nghị Việt-Trung; đã vận hành hiệu quả Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội. Đã tăng cường giao lưu giữa các cơ quan truyền thông, báo chí và cơ quan nghiên cứu của hai nước. Triển khai tốt Kế hoạch hợp tác y tế Việt-Trung. Các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh/khu biên giới triển khai tốt nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi [19] [20].
Đã tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các giới hai nước, hợp tác du lịch, hợp tác lao động... Về hợp tác du lịch, đã có những bước tiến triển mới đáng khích lệ, trong đó có du lịch qua biên giới (xe tự lái), du lịch du thuyền. Hai bên là thị trường du lịch lớn của nhau. Trung Quốc liên tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều năm qua. Theo thống kê, năm 2013 có 1,4 triệu lượt, năm 2014 có hơn 1,9 triệu lượt, năm 2015 có 1,7 triệu lượt (do căng thẳng Biển Đông), năm 2016 có 2,7 triệu lượt, năm 2017 có hơn 4 triệu lượt (tăng 48,6%), năm 2018 xấp xỉ 5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam (chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam); nửa đầu năm 2019, số khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt khoảng 2,5 triệu lượt. Trong khi đó, Việt Nam trở thành thị trường nguồn khách lớn thứ hai của Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổ chức du lịch thế giới, năm 2016 có 3,1 triệu lượt người Việt đi du lịch Trung Quốc [36] [78] [120]
[133] [134] [171]. Về hợp tác lao động, những năm gần đây, hợp tác lao động khu vực biên giới hai nước đã chính quy hơn. Năm 2018, riêng Quảng Tây (Trung Quốc) đã cấp phép cho khoảng 150.000 lượt người Việt sang lao động tại Quảng Tây [87]. Trong khi đó, lao động nước ngoài ở Việt Nam phần lớn đến từ Trung Quốc. Theo đánh giá hồi tháng 10/2018 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đến nay, số lao động Trung Quốc tại Việt Nam trên 25.100 người, chiếm khoảng 1/3 tổng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam [32].