7. Kết cấu của luận văn
2.4. Kết nối tài chính-tiền tệ
Cùng với quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt-Trung ngày càng phát triển, nhất là xu hướng tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, việc kết nối tài chính-tiền tệ giữa Việt-Trung đã được tập trung thúc đẩy.
- Những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã thúc đẩy kết nối tài chính- tiền tệ bằng nhiều cách thức khác nhau:
+ Trao đổi cấp cao Việt-Trung coi trọng thúc đẩy kết nối tài chính-tiền tệ:
Những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đều đã tận dụng có hiệu quả các hoạt động trao đổi cấp cao, các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương như Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc... để thúc đẩy hợp tác, kết nối tài chính-tiền tệ. Chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10/2013 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã mở ra cơ hội mới cho kết nối tài chính-tiền tệ Việt-Trung [223]. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5/2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên nhất trí tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các chương trình, dự án hợp tác đủ điều kiện nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai bên tạo điều kiện để AIIB cung cấp các nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết nối CSHT, trong đó khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc và các nguồn vốn khác [18] [288]. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhất trí thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ trong thương mại và đầu tư song phương; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về chính sách tiền tệ và ổn định tài chính; tiếp tục ủng hộ các tổ chức tài chính của nhau triển khai các nghiệp vụ liên quan tại nước mình theo pháp luật mỗi bên. Khuyến khích các tổ chức tài chính của hai bên ủng hộ việc huy động vốn cho các dự án hợp tác đủ điều kiện. Triển khai tốt các khoản tín dụng Trung Quốc cung cấp, tạo điều kiện sử dụng các nguồn vốn của AIIB để triển khai các dự án kết nối CSHT [20] [289].
+ Thành lập và sử dụng Nhóm công tác hợp tác tài chính-tiền tệ Việt-Trung:
Thực hiện đồng thuận cấp cao hồi tháng 10/2013, Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập Nhóm công tác hợp tác tài chính-tiền tệ Việt-Trung vào ngày 7/4/2015. Đến nay, Nhóm công tác hợp tác tài chính-tiền tệ Việt-Trung đã tổ chức được 4 kỳ họp (7/2015, 6/2016, 8/2017, 11/2018). Thông qua cơ chế này, hai bên đã thảo luận, thúc đẩy trao đổi đoàn, trao đổi tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của mỗi
bên, chia sẻ kinh nghiệm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu của hai bên; thúc đẩy hợp tác đào tạo lĩnh vực công nghệ thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối; khảo sát tình hình thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, thúc đẩy chỉnh sửa các văn bản pháp lý liên quan, sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán biên mậu giữa hai nước (tháng 8/2018, Thống đốc SBV Việt Nam ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN), đẩy mạnh hợp tác tại các khuôn khổ hợp tác khu vực như ASEAN+3, Diễn đàn hợp tác Á-Âu...
+ Thúc đẩy hợp tác Việt-Trung trong khuôn khổ AIIB: AIIB là một tổ chức phát triển đa phương khu vực Châu Á, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc; tháng 1/2016 chính thức đi vào hoạt động, vốn điều lệ 100 tỷ USD, do Trung Quốc chiếm cổ phần chi phối, đến ngày 13/7/2019 đã kết nạp thành viên thứ 100, đã đầu tư 8,5 tỷ USD cho 46 dự án tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. Việt Nam là thành viên sáng lập của AIIB. Hiện nay, Việt Nam đang có nhu cầu vốn lớn để xây dựng CSHT, thu hút vốn từ AIIB, bởi các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và chính phủ các nước sẽ ngày càng hạn hẹp. AIIB cũng có động thái coi trọng thị trường Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam và AIIB đã tăng cường tiếp xúc để tìm cơ hội hợp tác, trong đó có 2 chuyến thăm Việt Nam lần lượt vào hồi tháng 3/2017 và 9/2018 của Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần và Phó Chủ tịch AIIB Joachim von Amsberg. Phía AIIB cam kết sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp tài chính dưới các hình thức đa dạng để Việt Nam phát triển CSHT, năng lượng và phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội [5]. AIIB đã đồng ý về nguyên tắc sẽ xem xét tài trợ cho 2 dự án gồm dự án xây dựng công trình tuyến Mỹ An-Cao Lãnh và dự án xây dựng đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh các đoạn Bến Lức-Quốc lộ 22-Bình Chuẩn [154, tr. 288-289]. Chính phủ Việt Nam khẳng định, sẽ định hướng và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, tự vay tự trả mà không cần có bảo lãnh của Chính phủ. Điều này phù hợp với chính sách cung cấp các sản phẩm tài chính của AIIB [5]. Ngoài kêu gọi AIIB tài trợ vốn cho các dự án của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản giao SBV phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan của Việt Nam nghiên cứu đề xuất danh mục dự án vay vốn AIIB. SBV đã khuyến nghị AIIB trong giai đoạn đầu hợp tác, có thể xem xét tìm các dự án đồng tài trợ với các đối tác khác như WB, ADB... để thuận tiện và đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn tài trợ [154, tr. 288-289].
+ Trung Quốc mở rộng kênh cung cấp vốn cho các dự án B&R tại Việt Nam:
Trước đây, Việt Nam coi trọng sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho nhiều dự án lớn, nhưng từ năm 2013 đến nay, không có khoản vay nào được ký kết cho các dự án mới, ngoài khoản vay bổ sung (năm 2016) cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Cùng với hợp tác B&R giữa Việt-Trung được đẩy mạnh, tận dụng độ mở khá lớn của ngành tài chính Việt Nam, các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại Trung Quốc ngày càng tích cực tham gia vào thị trường Việt Nam. Tính đến tháng 4/2019, 5 ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc gồm BOC, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông Trung Quốc (BOCOM), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đã lần lượt thành lập chi nhánh tại Việt Nam, đưa số chi nhánh lên 7. Các ngân hàng Trung Quốc có các lợi thế như kết nối với khách hàng doanh nghiệp Trung Quốc tại địa phương, thanh toán quốc tế, huy động vốn ngoại tệ nhờ mức xếp hạng quốc tế cao [200] [236].
Các ngân hàng Trung Quốc đã tăng cường cung cấp vốn cho các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam như CEXIM, ICBC chi nhánh Hà Nội cung cấp tài chính cho Dự án nhiệt điện Duyên Hải 2. CEXIM và Công ty Bảo hiểm Tín dụng Xuất khẩu Trung Quốc (CECIC) cung cấp vốn cho Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng; CEXIM cung cấp khoản vay 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (5/2017) [75].
BOC là một ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc, cung cấp kênh kết nối Việt-Trung, hợp tác B&R đa quốc gia, đã tích cực hỗ trợ tài chính cho xây dựng B&R, hiện đang hỗ trợ cho các dự án xây dựng, điện lực, ngành sản xuất và cung cấp khí đốt và nước, chế biến sản phẩm phụ nông nghiệp, ngành chế tạo, ngành trang trí xây dựng và thiết bị trạm điện. Chi nhánh BOC tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp các dịch vụ như tài chính doanh nghiệp, tài chính thương mại cho khách hàng trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư kinh doanh; thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất hai nước (như KCN Long Giang), cung cấp dịch vụ tài chính cho các dự án điện lớn của Việt Nam, đồng thời hợp tác với các ngân hàng địa phương và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy các dự án đầu tư sản xuất đúng hạn, an toàn [276].
Trong khi đó, CDB nhất là CDB chi nhánh Quảng Tây đã tích cực tham gia hợp tác B&R giữa Việt-Trung, chẳng hạn: ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng khoản vay 200 triệu USD kỳ hạn 5 năm với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày 5/11/2015; tham gia nghiên cứu xây dựng Quy hoạch 5 năm hợp tác CSHT trên bộ (giao thông) giữa Việt-Trung trong khuôn khổ MOU về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác CSHT trên bộ giai đoạn 2016-2020, coi trọng cung cấp vốn cho các dự án đường sắt và đường bộ cao tốc của Việt Nam; tổ chức hội thảo hỗ trợ tài chính cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương tại Việt Nam hồi tháng 5/2019, chủ động tìm tòi xây dựng cơ chế trao đổi, hợp tác tài chính phát triển; tích cực hỗ trợ Quảng Tây đẩy nhanh hình thành cục diện mới phát triển mở cửa toàn diện về tài chính.
+ Trung Quốc tăng cường thâm nhập, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam có 74 công ty chứng khoán, trong đó có 30 công ty niêm yết mà đứng đầu là Công ty cổ phần chứng khoán SSI với số vốn đăng ký 1,445 tỷ CNY (hơn 5.000 tỷ VND). Trong khi đó, việc nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty chứng khoán tại Việt Nam là tương đối khó khăn, nhưng được phép mua bán và có cổ phần khống chế. Hiện có 13 công ty chứng khoán Việt Nam có cổ phần khống chế của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào 6 công ty, nhà đầu tư Trung Quốc 5 công ty, nhà đầu tư Nhật Bản 1 công ty, nhà đầu tư Đài Loan 1 công ty.
5 công ty chứng khoán Việt Nam có vốn đầu tư Trung Quốc gồm Công ty cổ phần chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS), Công ty cổ phần chứng khoán kiến thiết Việt Nam (VNCS), Công ty cổ phần chứng khoán FUNAN (FNS), Công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam Gateway (VGW), Công ty cổ phần chứng khoán CV (CVS) [236]. Trong đó, VNCS sẽ tập trung khai thác các đối tác định chế tài chính, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc và Hồng Kông, hướng tới làm cầu nối hàng đầu dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam. Hiện nay, VNSC là công ty chứng khoán Việt Nam giữ vị thế số 1 trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ của thị trường chứng khoán Việt Nam tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông. VNCS đặt mục tiêu đứng trong top 20 công ty có vốn điều lệ lớn nhất và top 10 thị phần lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 3 năm tới [143]. Trong khi đó, cuối tháng 10/2019, Công ty TNHH cổ phần khống chế quốc tế Guotai Junan (Guotai Junan International, có trụ sở tại Hồng Kông) thông báo, đã mua thành công
35,35 triệu cổ phiếu của IVS, nắm giữ 50,97% cổ phần IVS [70] [145] [278]. Rõ ràng, việc sử dụng Hồng Kông làm “đầu cầu”, tiến hành niêm yết tại Hồng Kông là một trong những cách thức vươn ra quốc tế của rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty chứng khoán Trung Quốc như Guotai Junan đang hưởng ứng tinh thần BRI, vươn tới các thị trường Đông Nam Á như Việt Nam [195]. Không chỉ có các công ty, các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc cũng tìm kiếm cơ hội làm ăn tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tính đến đầu tháng 4/2019 đã có hơn 3.000 người Trung Quốc mở tài khoản tại Việt Nam, đứng sau người Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, đứng trước người Nhật [278].
Hiện nay, mặc dù luật pháp Việt Nam không cho phép người nước ngoài mua đất, nhưng các dấu hiệu cho thấy, người Trung Quốc đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như “núp bóng” người Việt, tiến hành lách luật để sở hữu quyền sử dụng đất ở một số nơi, bao gồm các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, chẳng hạn sở hữu 21 lô đất ven biển Đà Nẵng [102] [165].
+ Tạo thuận lợi cho thanh toán biên mậu Việt-Trung, thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ ở khu vực biên giới: Nội dung Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 của các địa phương khu vực biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây cho thấy, Trung Quốc rất coi trọng thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ giữa Việt- Trung, trước hết là ở khu vực biên giới giữa hai nước, thực hiện quốc tế hóa đồng CNY. Hoạt động của Nhóm công tác hợp tác tài chính-tiền tệ Việt-Trung cũng được phía Trung Quốc thúc đẩy trên phương diện này. Đến ngày 28/8/2018, SBV đã ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt-Trung [123] [328], cho phép các giao dịch thương mại biên giới Việt-Trung được sử dụng cả hai đồng tiền VND và CNY để thanh toán và phải thanh toán qua ngân hàng, làm cho việc sử dụng đồng bản tệ ở khu vực biên giới Việt-Trung thuận lợi hơn. Điều này góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới Việt-Trung ngày càng phát triển; giảm tình trạng mua bán trao đổi trái phép ngoại tệ tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu... Việc đưa ra Thông tư 19 đã hợp lý hóa việc sử dụng đồng bản tệ của người dân khu vực biên giới hai nước Việt-Trung vốn đã diễn ra từ lâu, tạo thuận lợi cho hoạt động làm ăn, sinh sống của người dân ở khu vực biên giới hai nước. Trong tương lai, việc xây dựng các CBEZ Việt-Trung cũng sẽ thúc đẩy hai bên tăng cường sử dụng đồng bản tệ [43] [74] [82] [111] [194].
+ Tổ chức các hội thảo, diễn đàn... nhằm thúc đẩy kết nối tài chính Việt- Trung, tiêu biểu như Diễn đàn hợp tác vốn Việt-Trung được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/12/2017 giữa Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (Trung Quốc) với chi nhánh BOC tại thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy cung cấp dịch vụ vốn xuyên biên giới, tăng cường giao lưu thị trường vốn Việt-Trung [266].
+ Thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm tài chính-tiền tệ: Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã tích cực triển khai hợp tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ như tội phạm tiền giả, lừa đảo tài chính qua mạng viễn thông. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư (Bộ Công an Việt Nam) và Cục Điều tra tội phạm kinh tế (Bộ Công an Trung Quốc) [88] [174]. Đáng chú ý, Hội nghị liên tịch hợp tác chống tiền giả Việt- Trung và hội nghị tập huấn kỹ thuật liên quan đã được tổ chức tại Đông Hưng (Trung Quốc) vào ngày 29/7/2016. Các ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc cũng tăng cường trao đổi về công tác chống rửa tiền. Hai bên chủ trương tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác sử dụng đồng bản tệ giữa các ngân hàng hai nước, giải quyết nhu cầu của thị trường, chuẩn hóa quy trình kết toán qua biên giới, tăng cường uy tín của VND và CNY. Điều này có lợi cho Trung Quốc triển khai BRI, mở rộng tầm ảnh hưởng của CNY tại Việt Nam và Đông Nam Á [226].
2.5. Kết nối ngƣời dân
- Hai bên coi trọng thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp để đạt được đồng thuận về thúc đẩy kết nối người dân: Trong các chuyến thăm cấp cao những năm gần đây giữa hai nước như chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2015 của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình [282], chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 1/2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng [19], chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017 của