7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thành tựu
3.1.3. Về kết nối CSHT và đầu tư
Hai bên đã thành lập được Nhóm công tác về CSHT trên bộ. Trên cơ sở kế thừa hợp tác Việt-Trung trước đây, nhất là hợp tác TCOB, những năm gần đây, hợp tác kết nối CSHT và hợp tác đầu tư trong khuôn khổ TCOB-B&R giữa Việt-Trung đã được thúc đẩy cả về giao thông, điện lực, KCN..., đạt được những kết quả bước đầu. Kết nối giao thông đường bộ, đường không, đường biển có những bước tiến nhất định, nhất là việc xây dựng, hoàn thành các dự án TCOB, mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, đầu tư xây dựng các CBEZ..., đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, trao đổi con người, hàng hóa giữa hai nước, góp phần phát triển ổn định, lành mạnh quan hệ Việt-Trung. Trong đó, tính đến tháng 11/2018, tuyến biên giới Việt- Trung đã có 32 cặp cửa khẩu, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ [127] [181]. Nhiều dự án CSHT cho dù có trước BRI, thuộc khuôn khổ TCOB, hay bây giờ hưởng ứng tinh thần “hợp tác cùng có lợi, cùng thắng”... đã được Trung Quốc đưa vào khuôn khổ hợp tác B&R giữa Việt-Trung, điển hình là đưa vào sử dụng tuyến vận tải hành khách Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh và tuyến vận tải hàng hóa Thâm Quyến-Hà Nội, quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đẩy nhanh xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Nam Ninh-Bằng Tường-Đồng Đăng-Hà Nội, mở đường bay Hải Phòng-Vân Nam, thúc đẩy các dự án như đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, các KCN, các dự án
điện như Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 2, Long Phú III, các nhà máy của Trina Solar, JA Solar... (xem thêm các Phụ lục 2, 3, 4 và 5).
Trung Quốc đã tích cực phô trương các thành quả hợp tác B&R giữa Việt- Trung, thể hiện trong Danh sách thành quả Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai [271], hay Cương yếu Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương Trung Quốc lân cận Việt Nam (xem thêm Phụ lục 1), hoặc thông qua phát biểu của các quan chức cấp cao Trung Quốc như Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Báo chí Trung Quốc đã tập trung tuyên truyền về lợi ích từ các dự án B&R ở Việt Nam, chẳng hạn, cho rằng: (i) Các dự án điện của Trung Quốc tại Việt Nam đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu thiếu điện của Việt Nam, giải quyết nhiều việc làm cho người dân sở tại, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy hợp tác ba bên, bốn bên, đem lại lợi ích cho nhiều bên; (ii) KCN Long Giang đến tháng 12/2018 đã có 45 doanh nghiệp các nước đến đầu tư với tổng số vốn trên 1,5 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của KCN này chiếm gần 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Tiền Giang; KCN này tạo ra khoảng 15.000 việc làm cho địa phương với mức lương từ 2.000 CNY trở lên; đã thúc đẩy xuất nhập khẩu (năm 2018 kim ngạch xuất khẩu trên 350 triệu USD), tăng thu nhập cho địa phương, thúc đẩy phát triển các ngành nghề, xây dựng đô thị hóa, phát triển các ngành dịch vụ như thương mại, tài chính, logistics, ăn uống, vui chơi giải trí ở địa phương, nâng cao mức sống cho người dân. Sau khi xây dựng xong, KCN Long Giang hàng năm có giá trị sản xuất khoảng 6 tỷ USD, tạo ra khoảng 50.000 việc làm (xem thêm Phụ lục 4).
Một điểm mới đáng lưu ý là, hợp tác B&R giữa Việt-Trung bước đầu được thúc đẩy theo hướng chất lượng cao, hợp tác thị trường bên thứ ba theo tinh thần của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai, chẳng hạn: (i) Các nhà đầu tư Trung Quốc đã xây dựng được nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam; (ii) Đã có những dự án hợp tác B&R giữa Việt-Trung được thực hiện theo hình thức ba bên như dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Dương, hay bốn bên như dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1; (iii) Đã có một KCN do Trung Quốc đầu tư - KCN An Dương (xem thêm Phụ lục 4) đang thu hút được các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, cho sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đến cuối tháng 4/2019, KCN này đã thu hút được 20 doanh nghiệp KHCN đến đầu tư trên các lĩnh vực như sản xuất động cơ, phụ tùng, van điều hòa, thiết bị đầu cuối mạng và thông tin...
Đối với đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, theo đánh giá của Chính phủ Việt Nam, năm 2017, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 2,17 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, lần đầu tiên là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư trong năm của Việt Nam [36]. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, năm 2018, giá trị vốn đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) tại Việt Nam duy trì sự tăng trưởng tích cực, đạt 2,35 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng hơn 13%, cao hơn con số tỷ trọng 10% của năm 2017 [166]. Tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký 13,4 tỷ USD [132]. Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2019, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn 7,87 tỷ USD; Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc… Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018 [25]. Năm 2019, số dự án và vốn đăng ký mới từ Trung Quốc đều tăng xấp xỉ gấp đôi mức của năm 2018: với 683 dự án đăng ký mới và tổng vốn 2,3 tỷ USD. Hồng Kông cũng đầu tư mạnh vào Việt Nam với 328 dự án và tổng vốn 2,8 tỷ USD [45]. Như vậy, tính cả Trung Quốc và Hồng Kông thì số vốn FDI của phía Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đã tăng đột biến, cho thấy Trung Quốc đang coi trọng thị trường Việt Nam vốn đang tham gia rất nhiều FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Hoạt động M&A của Trung Quốc tại Việt Nam tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, Trung Quốc và các vùng lãnh thổ nước này đã gia tăng đầu tư dự án, góp vốn mua cổ phần, M&A tại Việt Nam. Đáng chú ý, cả năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc có hơn 1.029 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần hơn 800 triệu USD; trung bình mỗi lượt góp vốn mua cổ phần hơn 777.000 USD (17 tỷ đồng). Hồng Kông có hơn 127 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn 1,29 tỷ USD, trung bình mỗi lượt góp vốn 10 triệu USD. Đài Loan có 506 lượt góp vốn mua cổ phần, tổng giá trị hơn 390 triệu USD; trung bình mỗi lượt góp vốn 770.000 USD. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Đài Loan đạt 6,6 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cấp mới chỉ đạt hơn 4,2 tỷ USD, còn lại hơn 2,4 tỷ USD là vốn góp mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam [160]. Trong 9 tháng đầu
năm 2019, Trung Quốc có 1.973 lượt góp vốn, mua cổ phần, tăng cường thâu tóm doanh nghiệp Việt, đứng đầu trong các nhà đầu tư nước ngoài; hơn nữa có 486 dự án cấp mới với số vốn đăng ký mới đạt 2 tỷ USD [108].