Kết nối chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và triển vọng hợp tác việt trung trong khuôn khổ sáng kiến một vành đai, một con đường (Trang 34)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Kết nối chính sách

Sau khi Trung Quốc đưa ra sáng kiến OBOR vào năm 2013, Trung Quốc đã từng bước thúc đẩy Việt Nam tham gia hợp tác OBOR. Năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc hầu như không trao đổi gì về hợp tác OBOR, chủ yếu do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tạo ra thách thức nghiêm trọng cho quan hệ Việt-Trung. Sang năm 2015 và các năm tiếp theo, mặc dù tình hình Biển Đông còn rất căng thẳng do Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn và đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, nhưng với tầm nhìn đại cục của hai bên, quan hệ Việt-Trung từng bước được khôi phục, cải thiện. Theo đó, Trung Quốc đã trực tiếp đề xuất hợp tác OBOR (đến năm 2016 gọi là hợp tác B&R) với Việt Nam, thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước. Việt Nam cũng tham gia vào hợp tác B&R một cách tích cực, chủ động, thận trọng, có chọn lọc.

Thời gian qua, kết nối chính sách giữa Việt-Trung trong khuôn khổ BRI đã từng bước được thúc đẩy thông qua các hoạt động như:

- Các hoạt động trao đổi cấp cao Việt-Trung những năm gần đây như các chuyến thăm lẫn nhau giữa nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao hai nước; các cuộc gặp cấp cao bên lề các cơ chế đối thoại, hợp tác đa phương khu vực và quốc tế như Hội nghị Cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh G20... Thông qua các hoạt động này, Trung Quốc rất coi trọng thúc đẩy đạt được đồng thuận, thỏa thuận ở cấp cao nhất với Việt Nam về hợp tác B&R, về thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển của hai nước, kết nối giữa khuôn khổ TCOB và BRI. Quan điểm, lập trường, chủ trương chính thức của hai bên về hợp tác B&R cũng như kết nối chính sách về hợp tác B&R giữa Việt-Trung thể hiện cụ thể như sau:

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 5-6/11/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp đề xuất thúc đẩy hợp tác OBOR giữa Việt-Trung, bày tỏ coi trọng kết nối chiến lược phát triển hai nước, nguyện trong khuôn khổ OBOR và TCOB, tăng cường hợp tác xây dựng CSHT, năng lực sản xuất và thương mại, đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lên tầm cao hơn trong tình hình

mới [282]. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển TCOB-OBOR, hoan nghênh Trung Quốc gia tăng đầu tư vào lĩnh vực CSHT, công nghệ cao của Việt Nam. Hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhất trí tăng cường kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thúc đẩy kết nối TCOB- OBOR... [16] [220] [283]. Đến chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 12-15/1/2017 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc kêu gọi “đẩy nhanh” kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác và khai thác chung trên biển. Thông cáo chung của chuyến thăm cho thấy, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, kết nối TCOB-B&R, nhất trí tích cực nghiên cứu và thảo luận vấn đề cùng khai thác trên biển [287]...

Việt Nam đã chủ động hưởng ứng hợp tác B&R với Trung Quốc thể hiện qua việc người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ Việt Nam lần lượt tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ nhất (5/2017) và lần thứ hai (4/2019). Tại Diễn đàn lần thứ nhất năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đang thúc đẩy kết nối TCOB-B&R có hiệu quả. Việt Nam trông đợi hợp tác này sẽ mở rộng thương mại và đầu tư song phương và giữa hai nước với các nước khác, giúp hai bên tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu [34] [66] [265]. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định coi Việt Nam là quốc gia quan trọng của BRI, mong muốn đẩy nhanh kết nối B&R-TCOB, tiến hành đồng thời “hợp tác trên biển, hợp tác trên bộ và hợp tác tài chính” [17] [219] [242]. Thông cáo chung Việt-Trung (5/2017) cho thấy, hai bên nhất trí khẩn trương bàn bạc, ký kết MOU về hợp tác kết nối TCOB-B&R phù hợp với lợi ích, khả năng, điều kiện của mỗi nước; phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về CSHT trên bộ trong việc tăng cường kết nối giữa hai nước; tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng, CSHT trên bộ, thúc đẩy khánh thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông theo kế hoạch, sớm hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai- Hà Nội-Hải Phòng. Trung Quốc sẵn sàng tạo thuận lợi cho triển khai hoạt động của các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Hàng Châu và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở thêm các cơ quan xúc tiến thương mại tại các địa phương liên quan của Trung Quốc. Hai bên còn đạt được đồng thuận hợp tác trên các lĩnh vực như đầu tư, năng lực sản xuất, tài chính. Đồng thời, hai bên còn ký kết nhiều văn kiện hợp tác liên quan [18] [160] [288].

Sau khi Trung Quốc đưa ra BRI được 4 năm, hợp tác B&R giữa Việt-Trung đã có bước tiến đáng kể về kết nối chính sách trong chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 từ ngày 10-13/11/2017 của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi đó, ngoài việc đạt được đồng thuận rộng rãi, hai bên đã ký kết MOU về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ TCOB và BRI - văn kiện hợp tác B&R chính thức đầu tiên giữa Việt-Trung cùng nhiều văn kiện hợp tác liên quan khác trên các lĩnh vực như năng lực sản xuất, năng lượng, CBEZ, thương mại điện tử, nguồn nhân lực, kinh tế thương mại, tài chính, văn hóa, y tế, thông tin, khoa học xã hội, biên phòng [20] [86] [260] [261]. Nội dung Tuyên bố chung Việt-Trung lần này cho thấy, Việt Nam nhất trí với Trung Quốc sớm xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước; thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên nhất trí sử dụng các cơ chế hợp tác như Nhóm công tác hợp tác về CSHT trên bộ, Ủy ban hợp tác kinh tế - thương mại Việt-Trung, Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ... để thúc đẩy hợp tác B&R giữa Việt- Trung trên cả 5 nội dung... [20] [289]. Đến đây, Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện tốt kết nối về chính sách, có được định hướng chính trị rõ ràng và tạo được hành lang pháp lý thuận lợi để hai bên đi vào triển khai hợp tác B&R hay kết nối TCOB-B&R trên thực tế.

Trong các hoạt động trao đổi cấp cao từ năm 2018 đến nay, chủ trương hợp tác B&R của Việt Nam ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn, nhất là trong chuyến đi Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 4/2019, và chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 8-12/7/2019.

- Các cơ chế hợp tác song phương như các hội nghị của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung là kênh quan trọng để hai bên trao đổi, đàm phán về hợp tác B&R. Chẳng hạn, trong Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung ngày 16/9/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tập trung thúc đẩy hợp tác B&R với Việt Nam về CSHT, xây dựng CBEZ, hợp tác năng lực sản xuất, tăng cường kết nối con người [264].

- Các địa phương hai nước Việt-Trung tham gia vào hợp tác B&R: Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Trung Quốc, những năm gần đây, các địa phương Trung Quốc nhất là các địa phương giáp biên với Việt Nam đã tích cực, chủ động quán triệt, thực hiện BRI, đưa vào Cương yếu Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đồng thời tăng cường cụ thể hóa các đồng thuận cấp cao song phương về hợp tác B&R, cùng với các địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam đẩy mạnh hợp tác B&R. Lãnh đạo các địa phương hai nước tiến hành thăm nhau, thúc đẩy kết nghĩa, hợp tác toàn diện, hợp tác B&R. Đáng chú ý, nội dung Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương Trung Quốc lân cận Việt Nam đã cho thấy Trung Quốc rất coi trọng hợp tác B&R với Việt Nam (xem thêm Phụ lục 1). Trong đó:

+ Tỉnh Vân Nam: Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vân Nam giai đoạn 2016-2020 [210] đã đưa ra một số chủ trương hợp tác B&R với Việt Nam đáng chú ý như: Tăng cường kết nối CSHT giao thông Trung-Việt, nhất là đường sắt, đường ô tô, tranh thủ thực hiện liên thông đường sắt khổ tiêu chuẩn Trung-Việt. Mở thông tuyến đường Côn Minh-Văn Sơn-Ma Lật Pha (cửa khẩu Thiên Bảo-Thanh Thủy) tới Việt Nam và tuyến đường Côn Minh-Mông Tự-Kim Bình tới Việt Nam. Xây dựng cụm đô thị tuyến đầu ở Đông Nam Vân Nam hướng ra Vịnh Bắc Bộ và Việt Nam. Đi sâu cải cách tổng hợp tài chính vùng biên, thúc đẩy sử dụng đồng CNY ở các nước láng giềng (như Việt Nam). Tăng cường giao lưu, hợp tác du lịch biên giới, xuyên biên giới giữa Vân Nam và Việt Nam.

+ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây: Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 phát triển kinh tế xã hội của Quảng Tây giai đoạn 2016-2020 [213] nêu rõ, Quảng Tây sẽ làm cầu nối giữa Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển, thúc đẩy kết nối với các nước bán đảo Đông Dương. Tăng cường kết nối đường sắt, đường ô tô, cầu, cảng quan trọng với Việt Nam, thúc đẩy kết nối trên bộ giữa Trung Quốc-ASEAN. Thúc đẩy xây dựng CBEZ với các nước ASEAN. Thúc đẩy nâng cấp CABIS và CAEXPO, phục vụ cho xây dựng B&R. Ra sức phát triển tài chính ven biên và xuyên biên giới, coi trọng các khu vực Đông Hưng, Bằng Tường (giáp Việt Nam); thúc đẩy giao dịch CNY trong thương mại và đầu tư qua biên giới; thúc đẩy AIIB, SRF thiết lập chi nhánh ở Quảng Tây. Lấy Vành đai kinh tế Nam Ninh-Sùng Tả làm chỗ dựa, thúc đẩy xây dựng đường sắt, đường bộ xuyên biên giới kết nối với các nước bán đảo Đông Dương như Việt Nam. Xây dựng bản nâng cấp Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

+ Tỉnh Quảng Đông: Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Đông giai đoạn 2016-2020 [212] nêu rõ, Quảng Đông được quy hoạch xây dựng thành đầu mối trọng yếu, chiến lược B&R, tăng cường xây dựng tuyến đường vận chuyển hàng hóa kết nối Vành đai kinh tế con đường tơ lụa với Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực đến nước đối tác xây dựng khu công nghiệp (KCN), xây dựng CSHT giao thông, năng lượng, các cơ sở chế biến tài nguyên, cơ sở sản xuất nông nghiệp, nghề cá... Hiện nay, dự án điển hình hợp tác B&R giữa Quảng Đông-Việt Nam là Khu hợp tác kinh tế thương mại Thâm Quyến-Hải Phòng (KCN An Dương), cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản của Tập đoàn Haid.

+ Tỉnh Hải Nam: Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016-2020 [214] cho thấy, Trung Quốc coi trọng vai trò của Hải Nam trong triển khai BRI, chiến lược cường quốc biển. Đặc biệt, tỉnh Hải Nam chủ trương đẩy nhanh xây dựng “Tam Sa” (Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa - trong đó Tây Sa, Nam Sa chính là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để tham gia toàn diện vào BRI, trở thành điểm tựa BRI. Trung Quốc còn chủ trương xây dựng Hải Nam thành tỉnh mạnh về biển, tập trung phát triển du lịch “Tam Sa”. Việc Trung Quốc sử dụng trái phép các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để triển khai BRI của Trung Quốc là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, cản trở trực tiếp hợp tác B&R giữa Việt-Trung.

Các địa phương khác của Trung Quốc cũng coi trọng thúc đẩy hợp tác B&R với Việt Nam trên 5 nội dung. Điều này thể hiện rõ qua chuyến thăm Trung Quốc (bao gồm tỉnh Giang Tô) hồi tháng 7.2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân [206]; hay việc thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc muốn tăng cường kết nối với Việt Nam, thúc đẩy hợp tác xây dựng Con đường thương mại quốc tế trên bộ trên biển mới; hay hợp tác địa phương giữa Việt-Trung trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, hợp tác B&R giữa Việt-Trung còn được thúc đẩy qua các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực, nhất là các cơ chế hợp tác do Trung Quốc chi phối, đóng vai trò chủ đạo như ASEAN+1, MLC, GMS, Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng (PBG), Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế (ACMECS), APEC...

2.2. Kết nối thƣơng mại

Là láng giềng và do Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ thương mại với Việt Nam, nhất là sau khi hai nước tiến hành hợp tác B&R. Hiện nay, quan hệ thương mại Việt-Trung đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Kết nối thương mại Việt-Trung trong khuôn khổ BRI có một số điểm đáng chú ý sau:

- Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết được nhiều thỏa thuận thương mại mới:

Trên tinh thần thúc đẩy hợp tác B&R, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại mới như: Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung (12/9/2016); MOU về Kế hoạch hợp tác 2019-2023 giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc (2019); MOU thiết lập Nhóm xúc tiến thương mại - một thành quả của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai (4/2019); MOU hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản (2017)...

Trong đó, theo Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung (9/2016), thương mại biên giới hai nước được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên của Việt Nam cùng với Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Hoạt động tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất, nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai bên thỏa thuận mở. Hiệp định này đã tạo đòn bẩy phát triển nhanh kinh tế biên mậu tuyến biên giới Việt-Trung. Trên thực tế, sau khi có hiệu lực, Hiệp định này đã đẩy mạnh thương mại biên giới hai nước. Ngoài tăng cường nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, hàng loạt kho bãi, nhà xưởng phục vụ thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt-Trung đã được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông kết nối giữa các cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, mở rộng, hệ thống giao thông quốc gia cũng được quan tâm đầu tư phục vụ phát triển thương mại biên giới. Lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hai nước [127].

- Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan như đơn giản hóa các giấy tờ thông quan, tối ưu hóa quy trình và nâng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và triển vọng hợp tác việt trung trong khuôn khổ sáng kiến một vành đai, một con đường (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)