7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thành tựu
3.1.6. Về hợp tác trên biển
Trên cơ sở thực hiện đồng thuận cấp cao Việt-Trung, nhất là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, hợp tác trên biển giữa Việt-Trung đã được thường xuyên thúc đẩy. Hai bên đã thiết lập và tận dụng tốt các cơ chế đối thoại, đàm phán song phương trên nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực để thúc đẩy giải quyết vấn đề trên biển và hợp tác trên biển như: (i) Tiểu ban chuyên gia các vấn đề trên biển Việt-Trung được thành lập năm 1995, đến nay đã tổ chức được 11 vòng đàm phán; (ii) Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung được thành lập năm 2006, đến nay đã tổ chức 11 phiên họp; (iii) Nhóm công tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt-Trung thành lập năm 2012, đến nay đã tổ chức được 11 vòng đàm phán; (iv) Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt- Trung thành lập năm 2012, đến nay đã tổ chức 12 vòng đàm phán; (v) Nhóm công tác tham vấn cùng khai thác trên biển Việt-Trung thành lập vào tháng 12/2013, đến nay đã tổ chức được 8 vòng đàm phán. Trong các cơ chế trên, Nhóm công tác tham vấn cùng khai thác trên biển Việt-Trung được thành lập sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013, đúng vào năm Trung Quốc khởi xướng BRI. Ngoài ra, giữa Việt - Trung còn có nhiều cơ chế hợp tác khác.
Dựa trên các cơ chế đối thoại, hợp tác nêu trên, giải quyết vấn đề trên biển, nhất là hợp tác trên biển giữa Việt-Trung đã đạt được một số thành quả:
- Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về giải quyết vấn đề trên biển: Hai bên đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” (10/2011) [40] [321], trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của mỗi bên và luật pháp quốc tế, trong đó có
Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, không làm phức tạp tình hình, thúc đẩy hợp tác phù hợp, cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển, góp phần thiết thực làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Đến nay, hai bên đã hình thành đồng thuận “thông qua đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực bàn thảo các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và thảo luận vấn đề cùng khai thác” [89] [199] [281].
- Hai bên đã đạt được một số tiến triển trong phân định biên giới trên biển.
Hai bên đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000, hoàn thành phân định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên còn đang tiếp tục thúc đẩy công tác phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
- Hai bên đạt được một số kết quả về hợp tác trên biển, nhất là trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển: Hai bên đã thực hiện thành công dự án “Hợp tác nghiên cứu so sánh tiến hoá trầm tích thời kỳ Holocen khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”; các dự án “Triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ” và “Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ” cũng đạt được kết quả tích cực. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, sớm ký kết “Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển”, khôi phục đường dây nóng xử lý các vụ việc phát sinh của hoạt động nghề cá trên biển (thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt-Trung, 2004- 2019). Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy vững chắc tiến trình đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển của các nhóm công tác về các vấn đề trên biển [89].
Hai bên đã đạt được những thành quả tích cực trong hợp tác du lịch biển và kết nối cảng biển. Trong đó, thời gian qua, nhiều tuyến du thuyền giữa Phòng Thành Cảng (Quảng Tây) với các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã được mở ra như: Phòng Thành Cảng-Đà Nẵng-Vịnh Hạ Long-Phòng Thành Cảng (4 ngày 3 đêm); Phòng Thành Cảng-Đà Nẵng-Nha Trang-Phòng Thành Cảng (5 ngày 4 đêm); Phòng Thành Cảng-Nha Trang-Đà Nẵng-Vịnh Hạ Long-Phòng Thành Cảng (6 ngày 5 đêm) [198]. Năm 2018, lượng bốc dỡ container từ cảng Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) xuất sang Việt Nam đạt tổng cộng 27.000 TEU, chủ yếu là các mặt hàng có ưu thế ở khu vực Tây Nam Trung Quốc như thiết bị máy móc, sản phẩm
hóa chất, hàng nông, lâm, thủy sản, hàng công nghiệp nhẹ. Tính đến tháng 4/2019, hàng tuần, cảng Vịnh Bắc Bộ có 5 chuyến hàng container đến cảng thành phố Hồ Chí Minh, 10 chuyến hàng container đến cảng Hải Phòng. Việc xây dựng Con đường trên bộ trên biển mới phía Tây đã cải thiện trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với miền Tây Trung Quốc. Việc vận chuyển hàng hóa Việt Nam đến miền Tây Trung Quốc đã rút ngắn được 10 ngày trở lên và một nửa chi phí logistics trở lên [218]. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ thương mại, du lịch trên biển giữa Việt-Trung.
- Hợp tác quốc phòng, an ninh trên biển giữa Việt-Trung đã được thúc đẩy
tích cực, có lợi cho tăng cường lòng tin, quản lý, kiểm soát mâu thuẫn, bất đồng và va chạm, xử lý tốt các vấn đề phát sinh trên biển, tránh nguy cơ chiến tranh trên biển giữa hai nước. Đến nay, Cảnh sát biển hai nước đã tiến hành 3 hội nghị công tác song phương, mới nhất là hội nghị từ ngày 22-26/7/2019 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Hai bên đã tổ chức được 2 chuyến tuần tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ; 2 hội nghị công tác kiểm tra liên hợp nghề cá luân phiên tại Việt Nam và Trung Quốc. Thiết lập cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1-Cảnh sát biển Việt Nam với Tổng đội Quảng Tây-Cảnh sát biển Trung Quốc [79]. Ngoài ra, Cảnh sát biển, Hải quân Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác khác như tổ chức cho tàu thăm lẫn nhau (tàu cảnh sát biển Trung Quốc thăm Việt Nam tháng 11/2016, tàu CSB 8004 của Cảnh sát biển Việt Nam thăm Trung Quốc tháng 5/2017), tiến hành tuần tra chung trên biển (đã thực hiện 17 chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ, đã kiểm tra 18 lượt tàu cá Việt Nam và 15 lượt tàu cá Trung Quốc), phối hợp tìm kiếm cứu nạn (tổ chức được 3 đợt luyện tập tìm kiếm cứu nạn), giao lưu nghiệp vụ thực thi pháp luật trên biển (3 lần), giao lưu sĩ quan trẻ (2 lần). Cảnh sát biển Việt Nam đã cử tổng cộng 239 lượt tàu hoạt động giám sát thực thi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt-Trung (2004-2019), phát hiện 13.390 lượt chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm, trong đó yêu cầu 8.820 lượt chiếc ra khỏi vùng biển Việt Nam, lập biên bản, quay phim, phóng thích 265 lượt chiếc, ghi số hiệu 734 chiếc; xử phạt vi phạm hành chính 14 lượt tàu, tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng... [3] [24] [148] [178].
- Những nỗ lực đàm phán giữa Việt-Trung đã góp phần thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng COC, góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
3.2. Hạn chế
Mặc dù hợp tác B&R giữa Việt-Trung đã đạt được những thành quả tích cực, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức đáng chú ý sau đây:
- Trong quá trình hợp tác B&R, luôn tồn tại sự lo ngại của Việt Nam đối với ý đồ chính trị của Trung Quốc. Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học trong quan hệ toàn diện với Trung Quốc, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, nhân văn hay đa phương. Thực tế cho thấy, phát triển gắn liền với an ninh, kinh tế gắn liền với chính trị. Nước lớn như Trung Quốc lại có chiến lược toàn cầu, không chỉ vì các mục tiêu về kinh tế. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy sự “bình đẳng” trong quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ chỉ có tính chất tương đối, cho dù Trung Quốc tuyên truyền khác. Bản thân Trung Quốc lại có tư tưởng Đại Hán nặng nề.
Đặc biệt, với tham vọng bành trướng “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã thường xuyên có các hành động quân sự hóa, đe dọa các nước xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam như: hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981; mở rộng quân cảng Tam Á - khu vực đối diện miền Bắc Việt Nam; đẩy mạnh triển khai vũ khí trang bị như máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu J-10 và J-11, hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống radar... ở quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; tiến hành tập trận thường xuyên, quân sự đội lốt dân sự; gần đây nhất là đưa tàu khảo sát Hải Dương- 8 vào hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam... Các hành động quân sự này triển khai ngay trước “cửa nhà” của Việt Nam, kéo dài Bắc - Nam của Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam rất gần, tạo thế “bao vây” trên biển đối với Việt Nam. Trên thực tế, nội dung Cương yếu Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cũng cho thấy, Trung Quốc đang sử dụng quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam để phục vụ cho triển khai BRI. Thêm nữa, những động thái của Trung Quốc như kiểm soát khu vực ven biển của Campuchia ở phía Nam Việt Nam, trong đó có cảng biển Sihanoukville là rất đáng quan ngại. Việc đẩy mạnh triển khai BRI tại Đông Nam Á giúp cho Trung Quốc thể hiện được “sức mạnh mềm”, thông qua hợp tác song phương, sử dụng lợi ích kinh tế để gây ảnh hưởng, lôi kéo ngày càng nhiều quốc gia ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, từ đó có thể dễ dàng tác động, gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN, gây bất lợi đối với Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Các hành động này của Trung Quốc
đã làm xói mòn lòng tin giữa hai nước, gây trở ngại lớn cho hợp tác Việt-Trung, hợp tác B&R trên các lĩnh vực, phương diện, nhất là hợp tác trên biển. Trong hầu hết các cuộc hội thảo về BRI tổ chức tại Việt Nam, các học giả Việt Nam đều nêu lên quan ngại này và cảnh báo về thách thức quốc phòng, an ninh (gồm an ninh kinh tế) khi hợp tác B&R với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam đã lựa chọn thái độ thận trọng với hợp tác B&R, không quá nhiệt tình với các dự án B&R lớn như nhiều nước khác trong khu vực, không cho dư luận biết rõ đâu là hợp tác B&R cụ thể giữa Việt-Trung. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với các dự án CSHT giao thông lớn như đường cao tốc Bắc Nam gần đây đã gây quan ngại cho dư luận trong nước. Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ lưu ý đến vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án kinh tế [104]. Như vậy, ý đồ chính trị, an ninh của Trung Quốc, nhất là tham vọng bành trướng Biển Đông là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với quan hệ Việt-Trung, trong đó có hợp tác B&R.
- Hợp tác B&R giữa Việt-Trung trên các lĩnh vực còn nhiều hạn chế khác nhau, cụ thể:
+ Về kết nối chính sách: Lòng tin chính trị thiếu hụt [207], nhiều bài học trong quan hệ Việt-Trung đã khiến cho đàm phán MOU về hợp tác B&R giữa hai bên phải mất tới 2 năm, Việt Nam phải nhấn mạnh đến nguyên tắc hợp tác B&R với Trung Quốc, luôn cân nhắc kỹ cả về lợi ích và an ninh khi hợp tác B&R với Trung Quốc. Ở Việt Nam hiện rất thiếu thông tin công khai để biết được đâu là nội dung cụ thể, đâu là dự án hợp tác B&R giữa Việt-Trung.
+ Về kết nối thương mại: Việc thực hiện cân bằng thương mại giữa Việt- Trung chưa hiệu quả, năm 2019, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, lên tới hơn 34 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu không ổn định, chính sách nhập khẩu (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển...) hay thay đổi của Trung Quốc, nhất là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam [92] [107], những chiêu trò của thương lái Trung Quốc tại Việt Nam [27]... đã gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam và gây quan ngại về ý đồ của Trung Quốc, đặt ra nghi vấn liệu Trung Quốc có tìm cách kiềm chế Việt Nam hay không. Việc Trung Quốc chuyển dịch mạnh đầu tư sang Việt Nam hiện nay sẽ kéo theo nhập khẩu máy móc, công cụ sản xuất ồ ạt trong ngắn hạn, gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam, khiến cho Việt Nam nhập siêu trở lại, thậm chí nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu. Trung Quốc đẩy mạnh
thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nhưng Việt Nam lại không làm được như vậy ở chiều ngược lại. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gian lận thương mại, chuyển đổi xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam, né tránh thuế quan từ Mỹ, có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế to lớn cho Việt Nam, nhất là khi bị các đối tác khác tiến hành trừng phạt.
+ Về kết nối CSHT và đầu tư:
Hai bên chưa có được những dự án lớn, điển hình. Nhiều dự án của Trung Quốc tại Việt Nam là các dự án “được đặt tên lại”, kế thừa từ hợp tác TCOB giữa hai bên hay các nội dung hợp tác trước đó giữa hai nước, chẳng hạn như dự án Cát Linh-Hà Đông, các dự án thuộc sáng kiến TCOB, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 [154, tr. 49-50]. Ở Việt Nam chưa có những dự án B&R quy mô lớn như ở các nước khác trong khu vực, chẳng hạn đường sắt Trung-Lào, cảng Sihanoukville. Chưa có những dự án điển hình về sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc như Việt Nam mong muốn. Các dự án B&R đã không được Việt Nam chính thức nhắc đến công khai, khác hoàn toàn với cách nói của báo chí Trung Quốc.
Bên cạnh một số dự án đầu tư có hiệu quả và đúng tiến độ, trước đây, một loạt dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam từ nhỏ đến lớn, nhất là trong lĩnh vực CSHT, tồn tại rất nhiều vấn đề, xảy ra nhiều bê bối. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4/12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương là sử dụng vốn ưu đãi từ Trung Quốc, bao gồm dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai. Rất nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc có ràng buộc bất lợi cho Việt Nam, khoản vay ưu đãi nhưng kém ưu đãi, không minh bạch, chậm tiến độ, đội vốn, công nghệ và máy móc lạc hậu, thiếu hợp tác với Việt Nam khi giải quyết các vấn đề phát sinh... Các dự án như đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các dự án nhiệt điện lớn như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh