7. Kết cấu của luận văn
2.6. Hợp tác trên biển
- Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách, chiến lược mới về biển:
+ Trung Quốc chủ trương xây dựng cường quốc biển và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21:
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng coi trọng vươn ra đại dương, muốn trở thành một cường quốc biển hàng đầu thế giới. Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chủ trương xây dựng cường quốc biển, đến Đại hội XIX chủ trương đẩy nhanh xây dựng cường quốc biển, trong đó coi Biển Đông là phương hướng trọng tâm xây dựng cường quốc biển; tháng 5/2017 đã đưa ra “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế biển toàn quốc” [215].
Trong khi đó, năm 2013, Trung Quốc đề xuất xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Ngày 19/6/2017, Trung Quốc đưa ra “Ý tưởng hợp tác trên biển xây dựng B&R”, đề xuất hợp tác xây dựng 3 hành lang kinh tế trên biển lớn gồm Trung Quốc-Ấn Độ Dương-Châu Phi-Địa Trung Hải, Trung Quốc-Châu Đại Dương-Nam Thái Bình Dương và Trung Quốc-Bắc Băng Dương-Châu Âu. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra phương án thúc đẩy hợp tác B&R trên biển [216]. Tại BFA 2018, Trung Quốc đã mở ra “Hành lang trên biển”, ra sức thúc đẩy hợp tác Biển Đông mở rộng, khởi xướng xây dựng Con đường thương mại quốc tế trên bộ trên biển mới, chủ trương xây dựng đảo Hải Nam thành điểm tựa chiến lược quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 [293]. Trung Quốc coi đây là cơ hội mang tính lịch sử mở ra cục diện hợp tác mới trên Biển Đông.
Như vậy, xây dựng cường quốc biển và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là một phần quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Trong chiến lược mới của Trung Quốc, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, là mắt xích ban đầu trên con đường vươn ra đại dương thế giới của Trung Quốc.
+ Trung Quốc đưa ra quy hoạch các khu chức năng biển trên toàn quốc, bao gồm thúc đẩy kết nối với Việt Nam và ASEAN: Năm 2014, Trung Quốc công bố “Quy hoạch các khu chức năng biển trên toàn quốc”, chuẩn hóa quy hoạch các vùng biển chức năng, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế biển, ngành nghề biển, bao gồm nâng cấp hiện đại hóa các cảng biển ở Tây Nam Trung Quốc như Phòng Thành Cảng, để kết nối với Việt Nam và đón đầu kết nối kinh tế với ASEAN [182, tr. 36-37].
+ Khởi xướng xây dựng Cộng đồng vận mệnh biển: Đây là một bộ phận của Cộng đồng vận mệnh nhân loại do Trung Quốc thúc đẩy. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này tại cuộc gặp trưởng đoàn đại biểu các nước (gồm Tư lệnh Hải quân Việt Nam) dịp tròn 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc ngày 23/4/2019. Trung Quốc thúc đẩy các bên tăng cường đối thoại, giao lưu trên biển, đi sâu hợp tác thiết thực hải quân, đi con đường an ninh trên biển cùng có lợi, cùng thắng, bắt tay ứng phó với các mối đe dọa và thách thức chung trên biển, bảo vệ hòa bình, an ninh biển. Trung Quốc đề xuất chung tay xây dựng Cộng đồng vận mệnh biển, chỉ ra xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 để thúc đẩy kết nối và hợp tác thiết thực trên biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giao lưu văn hóa trên biển, tăng cường lợi ích chung trên biển. Quân đội Trung Quốc muốn hợp tác với quân đội các nước thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên biển. Trung Quốc đang tham gia toàn diện vào cơ chế quản trị biển trong khuôn khổ Liên hợp quốc, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững biển. Trung Quốc coi trọng xây dựng văn minh sinh thái biển, bảo vệ tính đa dạng sinh học biển, thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên biển có trật tự. Hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác với hải quân các nước, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế, bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế, cung cấp nhiều sản phẩm an ninh công trên biển [136] [233].
- Trung Quốc thúc đẩy hợp tác trên biển với Việt Nam:
+ Việt Nam nằm trong chiến lược kết nối trên biển với ASEAN của Trung Quốc: Trung Quốc đã và đang không ngừng tìm cách thúc đẩy hợp tác cảng biển, vận tải biển và kinh tế biển với các nước ven Biển Đông. Về hợp tác cảng biển, tại Hội nghị công tác mạng lưới hợp tác thành phố cảng Trung Quốc-ASEAN tổ chức ở Quảng Tây, Trung Quốc (9/2017), Trung Quốc coi xây dựng mạng lưới hợp tác thành phố cảng Trung Quốc-ASEAN lấy Khâm Châu (Quảng Tây) làm trung tâm là biện pháp quan trọng tăng cường kết nối trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN. Từ năm 2013 đến nay, hai bên đã đạt được tiến triển tích cực từ xây dựng cơ chế đến kết nối cảng biển, xây dựng CSHT, dịch vụ. Cơ chế công tác mạng lưới hợp tác thành phố cảng giữa hai bên đã sơ bộ được thiết lập, các tuyến đường biển mới liên tiếp mở ra, nhất là kết nối giữa Vịnh Bắc Bộ với cảng biển các nước ASEAN; các KCN ven biển ngày càng nâng cấp, Trung Quốc và 7 nước ASEAN đã thiết
lập 28 khu hợp tác kinh tế thương mại ngoài nước; hệ thống mạng lưới hợp tác thành phố cảng Trung Quốc-ASEAN đang chuyển từ giai đoạn hình thành sang giai đoạn phát triển. Đây cũng là một bộ phận của xây dựng Con đường thương mại quốc tế trên bộ trên biển mới [250]. Về hợp tác thương mại trên biển, Trung Quốc chủ trương xây dựng Phòng Thành Cảng thành tuyến đường quốc tế lớn hướng tới ASEAN, điểm tựa chiến lược mới phát triển mở cửa khu vực Tây Nam, Trung Nam Trung Quốc, điểm nút BRI quan trọng. Trung Quốc muốn xây dựng cảng Vịnh Bắc Bộ thành đầu mối trọng yếu của Con đường trên bộ trên biển mới phía Tây, phát huy lợi thế nguồn lực cảng biển, hợp tác xây dựng hệ thống logistics giữa Việt Nam với miền Tây Trung Quốc, đem lại cơ hội phát triển mới cho hai bên. Về hợp tác du lịch biển, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng Vòng cung du lịch Đông Nam Á, đã mở các tuyến du thuyền từ Phòng Thành Cảng đến Việt Nam, và muốn mở rộng đến các nước ASEAN khác như Campuchia, Thái Lan. Tại Hội nghị đối thoại chủ tịch tỉnh, thành phố Trung Quốc-ASEAN ngày 9/4/2018, các bên đã ký kết văn kiện thành lập Liên minh thành phố du lịch du thuyền Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Tính đến hết tháng 3/2019, tỉnh Hải Nam đã mở được 14 tuyến du thuyền đến Việt Nam, Philippines và các nước ven Biển Đông khác [198] [218] [247].
+ Trung Quốc thường xuyên thúc giục Việt Nam triển khai hợp tác trên biển, nhất là hợp tác cùng khai thác dầu khí: Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của Việt Nam trên Biển Đông, coi trọng hợp tác B&R cả trên bộ và trên biển với Việt Nam. Đáng chú ý, trong các cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần đề nghị đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển, dựa trên nguyên tắc “ba tuyến song song” - hợp tác trên biển, hợp tác trên bộ và hợp tác tài chính, đẩy nhanh kết nối B&R-TCOB. Trung Quốc còn muốn hợp tác với các nước ASEAN như Việt Nam đẩy nhanh tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để Biển Đông thành vùng biển “hòa bình, hữu nghị và hợp tác” [303]. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị Việt Nam tích cực triển khai hợp tác trên biển, thảo luận con đường khả thi “cùng khai thác” [263] [270] [290]. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 8/2018 của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị
thúc đẩy hợp tác “cùng khai thác trên biển” sớm đạt được tiến triển thực chất [189]. Trong Phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung tháng 9/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, phương thức tích cực nhất của quản lý, kiểm soát bất đồng trên biển là nghiên cứu thảo luận cùng khai thác [35] [264]. Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề CIIE 2018, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị thúc đẩy vững chắc hợp tác trên biển với Việt Nam [190]...
+ Trung Quốc thông qua xây dựng “điển hình” Philippines để thúc đẩy Việt Nam hợp tác cùng khai thác dầu khí với Trung Quốc: Để triển khai có hiệu quả chiến lược ngoại giao thời đại mới và vượt qua được thách thức từ chiến lược FOIP của Mỹ, thời gian gần đây, Trung Quốc đã điều chỉnh nhất định về chiến lược như thúc đẩy xu hướng hòa dịu, hợp tác trên Biển Đông, tìm kiếm xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước xung quanh Biển Đông [291]. Trung Quốc đang tìm cách đạt đột phá về hợp tác trên biển với các nước ven Biển Đông, trước hết lấy lợi ích kinh tế thương mại để lôi kéo các nước này tham gia xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, tập trung thúc đẩy hợp tác dầu khí với Philippines - tháng 11/2018, đạt được MOU về hợp tác khai thác dầu khí giữa Trung Quốc- Philippines, ngày 30/8/2019 thành lập Ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và Nhóm công tác doanh nghiệp Trung Quốc-Philippines để thúc đẩy khai thác chung sớm đạt được tiến triển thực chất[300]. Trung Quốc chủ trương đạt được thỏa thuận hai bên đều chấp nhận được với Philippines, không ảnh hưởng và liên quan đến hệ thống luật pháp của mỗi bên. Trung Quốc muốn xây dựng Philippines thành “điển hình” hợp tác trên biển để từng bước thu hút các nước như Việt Nam làm theo. Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách nhấn mạnh đến “lợi ích chung” trên Biển Đông, tăng cường lòng tin chính trị giữa hai bên, tạo không khí hợp tác tốt đẹp, thúc đẩy sớm đạt được COC theo cách tiếp cận của Trung Quốc [252] [304]. Rõ ràng, Trung Quốc đang dùng “củ cà rốt” để lôi kéo các nước ven Biển Đông vào khuôn khổ chiến lược của Trung Quốc.
+ Trung Quốc thường xuyên gây sức ép, ngăn chặn hợp tác trên biển giữa các nước xung quanh Biển Đông với các nước ngoài khu vực: Theo yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp, Trung Quốc đòi chủ quyền và quyền lợi biển với gần 90% diện tích Biển Đông, bao trùm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven Biển Đông như Việt Nam... Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ rõ ràng trong “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông” ngày 12/7/2016 [269]. Trong khi đó, Trung Quốc coi “chủ quyền” là “lợi ích cốt lõi”, một loại lợi ích được Trung Quốc định nghĩa cụ thể tại Sách trắng “Phát triển hòa bình của Trung Quốc” (2011) [268]. Việt Nam kiên quyết không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò”, từ chối yêu cầu hợp tác dầu khí vô lý của Trung Quốc. Do đó, bên cạnh sử dụng “củ cà rốt”, là nước lớn, Trung Quốc đã thường xuyên sử dụng “cây gậy”, dùng nhiều thủ đoạn, hành động ép buộc, răn đe, dọa nạt trên biển, điển hình là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 (2014) và triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 hoạt động trái phép (2019) ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đe dọa, chèn ép hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp lâu nay của Việt Nam trên Biển Đông [11] [37] [65]... Trung Quốc có ý đồ ngăn chặn các nước ven Biển Đông tiến hành hợp tác dầu khí với các nước ngoài khu vực (Nga, Mỹ, Nhật, Ấn...). Điều này còn thể hiện rõ qua đề xuất đàm phán COC của Trung Quốc - yêu cầu “không được hợp tác với công ty các nước ngoài khu vực” trong việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông [161]; hay trực tiếp ép Việt Nam không được hợp tác dầu khí với các nước ngoài khu vực như hợp tác với Tập đoàn Respol Tây Ban Nha [209] [258]. Trung Quốc coi sự can thiệp của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ là thách thức lớn nhất của họ ở Biển Đông.
Không những vậy, cùng với xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Trung Quốc đã không ngừng quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông: xây dựng căn cứ quân sự Tam Á quy mô lớn, tiến hành căn cứ hóa các đảo, đá ngầm đã chiếm của Việt Nam, ưu tiên bố trí các vũ khí trang bị tiên tiến trên hướng Biển Đông (máy bay chiến đấu Su-35, J-11, máy bay tấn công không người lái, hệ thống phòng không HQ-9, radar; tàu chiến hiện đại...); thường xuyên tiến hành huấn luyện, diễn tập quân sự phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tuần tra chiến đấu trên Biển Đông (Su-35, máy bay ném bom chiến lược H-6K). Trung Quốc tìm cách tạo được ưu thế quân sự vượt trội, buộc các nước ven Biển Đông khuất phục, đạt mục đích “không đánh mà thắng”.
Tiểu kết chƣơng 2
Hợp tác B&R giữa Việt-Trung đã được triển khai tương đối toàn diện: (i) Kết nối chính sách đã đi từ thận trọng ban đầu đến chủ động tham gia BRI của Việt Nam, thể hiện qua một loạt hoạt động trao đổi cấp cao cùng các cơ chế hợp tác song phương, hướng tới các đồng thuận, thỏa thuận kết nối TCOB-B&R. Đáng chú ý, các địa phương Trung Quốc đã đưa ra nội dung quy hoạch cụ thể về kết nối BRI với Việt Nam...; (ii) Về kết nối thương mại, hai bên đã thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nổi bật là Việt Nam tham dự CIIE 2018 với tư cách khách mời danh dự; thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc; áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan mới; đẩy nhanh hợp tác thương mại điện tử; hợp tác xây dựng Con đường thương mại quốc tế trên bộ trên biển mới; (iii) Kết nối về CSHT và đầu tư đã thể hiện nổi bật qua việc thúc đẩy kết nối giữa TCOB-B&R, đặc biệt là các dự án CSHT giao thông hay phục vụ cho thương mại song phương, xây dựng KCN Long Giang và KCN An Dương, xây dựng các dự án năng lượng. Đã xuất hiện những dự án mới coi trọng công nghệ cao và những hình thức hợp tác mới như hợp tác ba bên, bốn bên tại Việt Nam; (iv) Kết nối về tài chính-tiền tệ thể hiện rõ qua việc hai bên thành lập Nhóm công tác hợp tác tài chính-tiền tệ, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và AIIB, sự thâm nhập sâu rộng của phía Trung Quốc vào thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam, bao gồm một loạt ngân hàng Trung Quốc mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, các công ty Trung Quốc tích cực mua cổ phần của các công ty chứng khoán Việt Nam, hai bên tăng cường hợp tác sử dụng đồng bản tệ ở khu vực biên giới...; (v) Kết nối người dân giữa Việt-Trung là một trong những lĩnh vực được Trung Quốc coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là sự ra đời và hoạt động của các thiết chế giáo dục, văn hóa mới của Trung Quốc tại Việt Nam như Học viện Khổng Tử, Cung hữu nghị Việt- Trung và Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam. Hai bên còn coi trọng thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân...; hợp tác du lịch và lao động qua biên giới; (vi) Hợp tác trên biển Việt-Trung được cả hai bên coi trọng. Chiến lược xây dựng cường quốc biển, Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và Cộng đồng vận mệnh biển của Trung Quốc liên quan chặt chẽ đến Việt Nam. Trung Quốc đặc biệt tìm cách thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển với Việt Nam, nhất là hợp tác cùng khai thác dầu khí, hợp tác du lịch, hợp tác cảng biển; áp dụng đồng thời chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt”... với Việt Nam trên Biển Đông.