7. Kết cấu của luận văn
3.1. Thành tựu
3.1.1. Về kết nối chính sách
- Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được một số đồng thuận quan trọng, tiến hành định hướng chính trị đúng đắn cho hợp tác B&R:
Hai bên đã từng bước đạt được một số đồng thuận về hợp tác B&R, thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước, kết nối TCOB-B&R, thể hiện rõ qua trao đổi cấp cao Việt-Trung những năm gần đây. Cụ thể:
+ Về nguyên tắc hợp tác B&R: Khi tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai tại Trung Quốc (4/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam tiến hành hợp tác B&R với Trung Quốc bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế [26] [100]. Tại Hội thảo “Sáng kiến Vành đai Con đường và Hợp tác Việt- Trung” ngày 14/11/2018, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ lập trường, chủ trương hợp tác B&R của Việt Nam: Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ BRI vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các nước, trên nguyên tắc dựa vào luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi [9].
+ Về lĩnh vực hợp tác B&R: Việt Nam chủ trương hợp tác B&R với Trung Quốc trên 5 lĩnh vực: kết nối chính sách, kết nối thương mại, kết nối CSHT, kết nối tài chính, kết nối người dân. Trung Quốc còn thúc đẩy hợp tác trên biển, nhất là hợp tác dầu khí với Việt Nam. Việt Nam coi trọng thúc đẩy kết nối toàn diện cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, coi trọng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm. Điều này thể hiện rõ qua trao đổi cấp cao Việt-Trung trong năm 2019.
Việt Nam đã hình thành được chủ trương đúng đắn về thu hút đầu tư trong khuôn kh ổ BRI. Đó là, Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc có uy tín, có thực lực về tài chính và công nghệ đến Việt Nam đầu tư, triển khai các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc; không chấp nhận công nghệ lạc hậu, ô
nhiễm môi trường. Việt Nam coi trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như CSHT, CBEZ, năng lực sản xuất, năng lượng, công nghệ, tài chính... Trung Quốc muốn cùng Việt Nam sớm xác định được các dự án lớn, kiểu mẫu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới [23], tạo điểm nhấn về hợp tác B&R giữa Việt-Trung, giống như Trung Quốc đã làm với các nước khác ở khu vực hay trên thế giới.
+ Ngoài ra, những năm gần đây, cùng với việc thúc đẩy hợp tác B&R giữa hai nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thường xuyên đề nghị xây dựng Cộng đồng vận mệnh có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam [302].
- Việt Nam và Trung Quốc đã ký một số văn kiện hợp tác B&R, tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác B&R: Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một số văn kiện hợp tác B&R, đầu tiên là MOU Việt-Trung về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ TCOB và BRI được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017 của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, các văn kiện khác liên quan đến hợp tác B&R trên 5 lĩnh vực chính đã lần lượt được ký kết hoặc tiếp tục thúc đẩy như: Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung (kèm theo Danh mục các dự án trọng điểm), Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung (2016), MOU hợp tác lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc (22/4/2013); xây dựng Kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng; MOU về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo; MOU về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017; MOU về đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung xây dựng các CBEZ; MOU về thành lập Nhóm công tác hợp tác thương mại điện tử; MOU về việc xác định danh mục các dự án hợp tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung giai đoạn 2017-2021; MOU về hợp tác công nghiệp văn hóa... [20] [177] [260] [261] [289]. Việt Nam còn đang hợp tác với Trung Quốc xây dựng Kế hoạch hợp tác cụ thể kết nối TCOB-B&R [274]. Trong 283 thành quả của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế B&R lần thứ hai, Việt Nam đã tham gia các văn kiện hợp tác B&R song phương và đa phương như Tuyên bố về ý định hợp tác thúc đẩy hợp tác B&R, thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thuốc trừ sâu; MOU thiết lập Nhóm xúc tiến thương mại Việt-Trung, MOU về Kế hoạch hợp tác 2019- 2023 giữa Bộ Thương mại Trung Quốc và Bộ Công thương Việt Nam; tham gia xây dựng Cơ chế hợp tác quy tắc kế toán BRI, thành lập Liên minh phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế Con đường tơ lụa [271].
- Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập và sử dụng có hiệu quả một số cơ chế hợp tác song phương:
Để thúc đẩy hợp tác B&R, Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng nhiều cơ chế hợp tác, nhất là thông qua trao đổi cấp cao; đã sử dụng có hiệu quả Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương kinh tế thương mại Việt-Trung. Hai bên đã thành lập và phát huy tốt vai trò của các nhóm công tác hợp tác song phương như Nhóm công tác hợp tác thương mại Việt-Trung, Nhóm công tác hợp tác về CSHT, Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ; các Nhóm công tác về vấn đề trên biển.... Hai bên cũng thành lập và sử dụng có hiệu quả cơ chế hợp tác địa phương hai nước, đặc biệt là các địa phương biên giới. Điển hình là, Chương trình gặp gỡ đầu xuân (hội đàm, hội nghị) giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được tổ chức thường niên từ năm 2016, là một mô hình sáng tạo thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương biên giới hai nước, góp phần quan trọng vào phát triển quan hệ Việt-Trung. Đối với chương trình gặp gỡ này, năm 2017, hai bên ký kết Biên bản hội đàm với 8 nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018, hai bên ký kết Biên bản hội đàm với 5 nội dung hợp tác quan trọng; đồng thời ký kết các Thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với Quảng Tây, trong đó có Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa Quảng Ninh-Quảng Tây. Năm 2019, hai bên đã ký kết 7 thỏa thuận hợp tác về phát triển kinh tế, xây dựng biên giới bình yên, nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh-Long Bang thành cửa khẩu quốc tế. Đây là cơ chế hợp tác, giao lưu hữu nghị kiểu mẫu cấp địa phương hai nước [87].
Tóm lại, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được một số đồng thuận, thỏa thuận hợp tác B&R. Việt Nam cơ bản đã hình thành được quan điểm, chủ trương, nguyên tắc hợp tác B&R với Trung Quốc. Tất cả các đồng thuận, thỏa thuận, cơ chế hợp tác quan trọng này đã tạo được cơ sở chính trị, pháp lý và nền tảng quan trọng cho thúc đẩy hợp tác B&R giữa Việt-Trung, tạo cơ sở để nghiên cứu hướng tới xây dựng Cộng đồng vận mệnh Việt-Trung.