II. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC
8. Đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả kinh tế-xã hội ngày càng lớn và toàn diện:
toàn diện:
Về khách du lịch: Lượng khách năm 1994 đạt một triệu, đã về trước kế hoạch 1 năm và vượt dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới 6 năm. Từ 1990 đến nay lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng cao 2 con số (trung bình năm trên 20%). Khách du lịch quốc tế tăng 11 lần từ 250.000 lượt (năm 1990) lên xấp xỉ 3 triệu lượt (năm 2004). Khách du lịch nội địa tăng 14,5 lần, từ 1 triệu lượt (năm 1990) lên 14,5 triệu lượt (năm 2004). Số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, hàng năm trên 1 vạn người.
Bảng 3: Số lượng khách du lịch hàng năm Chỉ tiêu 1990 1995 2000 2001 2002 20034 2004 Khách quốc tế (triệu lượt) 0,25 1,35 2,14 2,33 2,62 2,43 2,93 Khách nội địa (triệu lượt) 1,0 6,9 11,2 11,7 13,0 13,5 14,5
(4) Năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS nên các chỉ tiêu du lịch giảm so với năm 2002. Năm 2004 chỉ tiêu tăng trưởng du lịch đã phục hồi và vượt mức trước SARS
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Về thu nhập xã hội từ Du lịch: Du lịch mang lại thu nhập ngày một lớn cho xã hội. Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân mang lại thu nhập không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, xuất khẩu tại chỗ và tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương. Tốc độ tăng trưởng nhanh về thu nhập có thể thấy rõ là năm 1990 thu nhập xã hội từ du lịch mới đạt 1.350 tỷ đồng thì đến năm 2004, con số đó đã là 26.000 tỷ đồng, gấp 20 lần.
Riêng năm 2005, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song hoạt động du lịch vẫn diễn ra sôi động, Ước tính năm 2005, ngành Du lịch đón được khoảng 3,43 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu kế hoạch 7% và tăng 17% so với năm 2004; Khách du lịch nội địa đạt trên 16 triệu lượt người, vượt chỉ tiêu 7% và tăng 11% so với kế hoạch năm 2004. Thu nhập du lịch sẽ đạt 30 ngàn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho xã hội: Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành Du lịch trong khối ngành dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân. Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên-Huế), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết), Bình Châu (Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu), một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long…); tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển; khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài. Ước hiện nay, hoạt động du lịch đã tạo ra việc làm cho trên 234.000 lao động trực tiếp và khoảng 510.000 lao động gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh niên mới lập nghiệp và phụ nữ.
Du lịch đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mở rộng giao lưu văn hoá và nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội: Hoạt động du lịch đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế... tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Thông qua du lịch các ngành kinh tế xã hội khác phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao với hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, xây dựng, viễn thông, văn hoá nhờ phát triển du lịch mà những năm qua đã có thêm động lực phát triển, diện mạo của nền kinh tế - xã hội được cải thiện và nâng lên trình độ cao hơn. Điểm mấu chốt là thông qua du lịch đã kích cầu có hiệu quả cho các ngành kinh tế khác phát triển. Hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần cho mọi tầng lớp dân cư.
Trong quá trình phát triển du lịch, nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại được đặc biệt coi trọng. Từ các chủ trương đến các công việc điều hành cụ thể hoạt động du lịch liên quan đến an ninh, quốc phòng đều có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Trong chỉ đạo phát triển du lịch, nhất là phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tổ chức các tour du lịch..., vấn đề an ninh quốc gia luôn được nhấn mạnh. Cán bộ công nhân viên chức và người lao động ngành du lịch, đặc biệt là các cán bộ quản lý những người tiếp xúc trực tiếp với khách và cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch, hội nhập kinh tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, quốc phòng và có ý thức bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác. Hoạt động du lịch trong thời gian qua rất sôi động, nhưng cơ bản vẫn giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm xây dựng lực lượng tự vệ, chấp hành tốt qui định về sĩ quan dự bị, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Việc phát triển du lịch ở các vùng biên giới, hải đảo đã góp phần rất tích cực khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đất liền.