4.1.1.Bà lang vườn
Trong xã Kiên Thành có 4 bà lang vườn người Tày chuyên hái thuốc chữa bệnh gồm: bà Diện, bà Liễu, Bà Thắng và bà Thao. Các bà lang phân biệt người lấy thuốc có “gốc thuốc” và “không có gốc thuốc”. Những người có “gốc thuốc” tức là các bà lang sinh ra trong gia đình truyền thống làm nghề thuốc. Từ “gốc thuốc” có liên quan tới việc phải cúng tạ ơn ông bà tổ tiên mỗi khi bà lang hái thuốc cho một bệnh nhân nào đó. Các bà lang thường lấy thuốc cho người trong thôn, xã, nhưng cũng có nhiều khi lấy cho những người khác tộc ở những địa bàn rất xa tìm đến. Theo lời kể của một số bà lang, có cả những bệnh nhân từ các huyện khác trong tỉnh Yên Bái và từ các tỉnh khác tới khám chữa bệnh25. Những người ở nơi xa tìm đến các bà lang theo mạng lưới xã hội mà họ có được. Từ vài người mách bảo, họ tin rằng thuốc của các bà lang, bà mế người dân tộc thiểu số đáng tin cậy nhờ nguồn dược liệu sạch và các phương thức bí truyền .
25 Bệnh nhân đến lấy thuốc chủ yếu trong phạm vi xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên và một số huyện lân cận như Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình. Ghi nhận thấy một số bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thậm chí có một số người tới từ các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình cũng đã từng lên đây.
Người dân dễ dàng tới gặp các bà lang để hỏi thuốc. Giá cả mỗi lần lấy thuốc của các bà lang không đắt so với túi tiền của người dân. Thường các bà lang không yêu cầu bệnh nhân trả tiền theo một mức nhất định, mà tùy thuộc vào tấm lòng, khả năng chi trả của người bệnh, họ có thể đặt bao nhiêu tiền tùy tâm. Theo đánh giá của người dân, với những bệnh nhẹ, số tiền họ trả cho các bà lang cũng chỉ đủ tiền “gốc thuốc”, tức là mua sắm thức cúng tạ ơn tổ tiên, vào khoảng vài chục nghìn đồng. Tuy vậy, trước những căn bệnh nặng, có khả năng khó tìm thuốc chữa, người dân cũng trả công cho bà lang một khoản xứng đáng với thời gian tìm kiếm, chế biến thuốc, khoảng vài trăm nghìn cho một bệnh nhân. Những người mắc bệnh nặng thường xin các bà lang nhận làm con nuôi để coi như có một hành động đền đáp công cứu chữa.
Theo đánh giá của người dân về việc khám chữa của các bà lang, 17,8% số ý kiến được hỏi cho rằng khám chữa bệnh của các bà lang có hạn chế, 68,9% số người được hỏi trả lời “không có một hạn chế”, và 13,3% không trả lời hoặc không biết trả lời như thế nào. Mức độ hoàn toàn tin tưởng vào các vị thuốc của bà lang vẫn rất lớn. Những người hoài nghi cho biết lý do chủ yếu: các bà lang khám, chữa bệnh mà không qua bất kỳ một xét nghiệm nào (50% trong tổng số ý kiến hoài nghi), và thuốc nam lâu khỏi (37% trong tổng số ý kiến hoài nghi), số ý kiến còn lại cho rằng để uống được thuốc nam mất quá nhiều thời gian tìm kiếm, chế biến và đun (13% trong tổng số người hoài nghi).
Hiện nay, khu vực y học dân gian đang có dấu hiệu thu hẹp lại trước đà phát triển của y học hiện đại cùng các nguy cơ khác về khan hiếm nguồn nguyên liệu và sự thiếu quan tâm của các thế hệ kế cận. Các bà lang cho rằng sự phát triển của khu vực y học hiện đại sẽ làm mai một dần tri thức y học dân gian. Người chữa bệnh sẽ ngày càng tin tưởng hơn vào các phương pháp chữa bệnh hiện đại và dần quay lưng lại với các phương thuốc truyền thống. Thế hệ trẻ sinh ra đã tiếp xúc với thuốc Tây, quen thuộc với sự giản tiện các vỉ thuốc sẽ không còn hứng thú học thuốc gia truyền.
Trước đây, nguồn dược liệu ở địa phương dồi dào, sẵn có là điều kiện thuận lợi để người dân nói chung và các bà lang nói riêng tìm kiếm, bào chế thuốc tươi hoặc cất trữ. Nhưng các bà lang cho biết, khoảng một thập kỷ trở lại đây, việc tìm kiếm cây thuốc càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Có những vị thuốc gần như đã biến mất. Việc chặt
phá rừng, làm sạch nương rẫy bằng các biện pháp phát, đốt đã thu hẹp diện tích sinh trưởng của các loại dược liệu tự nhiên. Ngoài ra, phong trào thu mua thuốc ồ ạt của các thương lái người Trung Quốc cũng đẩy các loại dược liệu trong vùng vào nguy cơ cạn kiệt. Trong thời gian chúng tôi đi điền dã, thương lái Trung Quốc đang mua ồ ạt lá “kim khôi” (được dùng để chữa nhiều loại bệnh như viêm họng, đau dạ dày…) tươi hoặc khô với giá cao (khoảng hơn 10.000 đồng/kg lá khô). Trong tình hình đó, lưu trữ thuốc bằng hình thức trữ khô hoặc mang về trồng trong vườn không đáp ứng đủ so với nhu cầu dùng thuốc ngày càng nhiều hiện nay. Chúng tôi cũng ghi nhận được việc các bà lang đi cả buổi nhưng chỉ tìm được rất ít thuốc hoặc không tìm thấy những loại mà theo các bà thì trước đây chỉ cần bước chân ra khỏi cổng cũng có thể kiếm được. Người dân cho chúng tôi biết, trước đây những loại cây như lá “cơm kìa” (một loại lá rất đắng có tính mát, thường dùng để nấu canh hoặc ăn sống để làm mát cơ thể trong những ngày nóng bức, ngoài vai trò làm thức ăn, đây cũng là một vị thuốc để tắm hoặc uống) rất dễ kiếm, chỉ cần đi một buổi vào thác là có thể tìm được cả giỏ. Nhưng hiện nay không còn thấy lá “cơm kìa” nữa, hiếm hoi mới thấy một vài cây nhỏ.
Nguy cơ nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm khiến các bà lang lo lắng không biết sẽ phải dùng hình thức nào để truyền đạt tri thức nghề thuốc cho các thế hệ sau. Việc truyền dạy các bài thuốc chỉ thuần túy dựa vào truyền miệng và ghi nhớ hình ảnh cây thuốc bằng mắt thường mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào khác như ghi chép thành văn hoặc chụp ảnh cây thuốc. Thậm chí một số bà lang còn không biết chữ nên việc ghi chép lại là bất khả thi. Do đó, kiến thức nghề thuốc có thể bị mai một khi một số loại cây có dấu hiệu biến mất khỏi khu vực sinh sống và những cánh rừng gần kề.
4.1.2.Thầy cúng
Trong khu vực sinh sống của người Tày ở xã Kiên Thành chỉ còn lại một ông thầy cúng. Hầu như ông Tuyến đảm nhiệm việc cúng lễ cho tất cả các hộ gia đình người Tày ở đây. Vì vậy, ông xem bói và làm ma thuật chữa bệnh cho hầu hết người bệnh bị ma làm hại. Tương tự các bà lang, ông Tuyến xem bói không thu tiền, mà chỉ nhận tiền đặt lễ một cách tùy tâm của bệnh nhân. Số tiền này cũng không lớn, thường khoảng vài chục
nghìn hoặc một loại hiện vật nào đó có giá trị tương đương. Tuy vậy, lễ cúng chữa bệnh tại nhà bệnh nhân có gây tốn kém hơn, vì các mâm lễ cúng yêu cầu phải có thịt gà, lợn, xôi nếp…
Thông tin từ bảng hỏi cũng cho thấy, có gần một nửa số người được hỏi (46,7%) cho biết họ tin rằng “trong một số trường hợp, cúng góp phần làm khỏi ốm”, 15,6% không biết hoặc tránh không trả lời câu hỏi này, 37,8% không tin rằng cúng đóng góp vai trò gì trong việc bảo vệ sức khỏe của con người.
Biểu đồ 4.1. Tỉ lệ người tin rằng cúng bái góp phần khỏi ốm
Nguồn: Nguyễn Thu Quỳnh, Điều tra bảng hỏi, tháng 2 năm 2012
Trước đây trong làng cũng có một số người khác làm thầy cúng nhưng đều đã chết mà không tìm được người truyền nghề. Quay trở lại quá khứ, cách đây vài thập kỷ, việc bói toán và thực hành ma thuật bị cấm đoán khiến nhiều người làm thầy cúng ở xã Kiên Thành phải giấu nghề hoặc không truyền nghề cho con cháu26. Kể từ sau những năm 1990, Nhà nước không khuyến khích các hoạt động tín ngưỡng nhưng không cấm đoán khiến cho các hoạt động tín ngưỡng dần trở lại bình thường. Ở Kiên Thành, các cán bộ
26 Mặc dù theo những gia đình có thế hệ trước làm nghề thầy cúng, việc làm này mang lại rất nhiều hệ lụy đối với con cháu trong gia đình. Các ông thầy cúng thường sở hữu một lượng “âm binh” nhất định, khi ông chết đi mà không giao lại cho người khác tiếp quản sẽ khiến nhứng “âm binh” này nổi giận, hay sách nhiễu, thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con cháu trong gia đình.
xã, từ chủ tịch cho tới bí thư Đảng ủy đều phải mời thầy cúng đến mỗi khi gia đình có việc tang lễ, trừ tà…
Nếu như chỉ có thầy cúng mới trừ được tà hoặc cứu chữa bệnh nhân khỏi tình trạng bị ma hành thì có một số người khác cũng có thể thực hành các ma thuật phù chú (hèm)
để chữa một số bệnh đơn giản. Kết quả điều tra bảng hỏi cho thấy, có 13,3% số người được hỏi cho biết họ có thể làm một số phép phù chú đơn giản để chữa bệnh, 84,4% trả lời không biết một chút gì về hèm, và 2,2% không trả lời câu hỏi này.
Theo nhận định của một số người có thể làm phù chú chữa bệnh thì trong xã còn nhiều người có khả năng này nhưng họ ít thể hiện ra là mình có thể làm ma thuật. Có lẽ vì bây giờ có nhiều phương thuốc chữa trị, và ma thuật đang dần bị lãng quên trong xã hội cập nhật càng càng nhiều luồng thông tin, đặc biệt là các thông tin phê phán hủ tục của người dân tộc thiểu số.