CHƢƠNG 3 : LỰA CHỌN PHƢƠNG THỨC CHỮA TRỊ
3.1. Lựa chọn phƣơng thức chữa trị
3.1.3. Khám chữa bện hở trạm y tế và bệnh viện
Kiến thức, niềm tin về đau ốm khiến người dân sử dụng thuốc nam thường xuyên nhưng trong trường hợp không thể hiểu được biểu hiện đau ốm và tìm ra nguyên nhân, cách chữa cho những triệu chứng mình đang mắc phải, họ mới tìm tới khu vực y học hiện đại. Họ thừa nhận, hiện nay, các phương tiện hiện đại có đặc tính ưu việt trong việc phát
hiện ra bệnh tật hơn các phương pháp cổ truyền rất nhiều. Hệ thống xét nghiệm hiện đại, giải phẫu học và các loại thuốc Tây cứu chữa được nhiều loại bệnh cho con người mà thuốc nam không thể làm được. Trước đây, thuốc nam không thể chữa được những ca tai nạn nghiêm trọng hoặc cắt bỏ, can thiệp vào nội tạng con người, hiện nay y học hiện đại đã khắc phục được những “khoảng trống” ấy.
Những “căn bệnh” lạ, mới nảy sinh và du nhập từ nơi khác về cũng nằm ngoài khả năng khám, chữa của các bà lang. Bệnh “ung thư” hay “HIV” là một trong những số đó. Các bà lang thừa nhận không thể chữa được những căn bệnh mới này. Thậm chí, hình dung của người dân về những căn bệnh này cũng hết sức khác nhau. Người dân nơi đây chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy một ca bệnh HIV, mà mới chỉ nghe đồn đại “hình như trong xã cũng bắt đầu có người bị HIV”. Họ sợ hãi căn bệnh này và cho rằng, nếu biết được chính xác ai có HIV cần phải tránh xa để tránh bị lây nhiễm. Công tác tuyên truyền về các con đường lây truyền HIV không làm người dân giảm bớt nỗi sợ hãi về căn bệnh vốn được gán với tệ nạn xã hội và quan hệ tình dục lăng nhăng.
Rõ ràng, có hai “khoảng trống” mà tri thức dân gian không chạm tới được. Thứ nhất là một “khoảng trống” sẵn có từ xưa để lại, khoảng trống về những căn bệnh, các triệu chứng mà tri thức dân gian chưa thể giải thích. Ví dụ như trường hợp của các bệnh tứ chứng nan y hoặc liên quan đến giải phẫu. Thứ hai là “khoảng trống” do tri thức khoa học tạo ra, đó chính là các khái niệm mới, những chứng bệnh mới mà từ trước tới nay, cộng đồng người Tày ở đây chưa từng được biết. Và như vậy, trong bối cảnh hiện nay, tri thức dân gian bỏ lại những “khoảng trống” không thể lí giải được và phải nhường vai trò cho khu vực y học hiện đại.
Quay trở lại trường hợp con gái của bà Thà bị mắc bệnh lupus ban đỏ. Từ trước khi chữa bệnh bằng Tây y ở bệnh viện Bạch Mai, bà đã thử chữa cho con gái mình bằng nhiều cách thức khác nhau trong thời gian khá dài. Thời gian đầu, khi thấy con gái kêu đau khớp, bà đưa con đến nhà bà Đan trong làng để cắt thuốc khớp. Nhận thấy thuốc khớp của bà Đan không khỏi, bà Thà đưa con gái đến nhà bà lang Diện cắt thuốc. Nhưng bệnh tình không thuyên giảm và cô con gái tiếp tục nổi mẩn ngứa trên mặt. Bà lại suy luận con mình bị độc nước nên đi tìm lá cây rau dớn về đun nước cho con uống và bảo
con cách làm ma thuật tránh độc nước. Sau vài lần tìm thuốc ở những nơi khác nhưng vẫn không khỏi, bà Thà đưa con gái ra bệnh viện tỉnh khám và được chuyển viện đi Hà Nội. Các bà lang trong khu vực đều khẳng định họ chưa bao giờ tiếp xúc với căn bệnh lupus ban đỏ của con gái bà Thà, chỉ có các bác sĩ ở Hà Nội mới có thể chữa được bệnh này. Trong trường hợp này, y học dân gian không thể can thiệp được và phải nhường vai trò lại cho y học hiện đại.
Một cộng đồng bao giờ cũng có các nhóm xã hội khác nhau theo giới, độ tuổi, địa vực cư trú hoặc quan hệ thân tộc, quan hệ hôn nhân.... Cùng chia sẻ những giá trị chung, chịu ảnh hưởng của một quan niệm tôn giáo, kiến thức dân gian, kiểu cư trú…nhưng bao giờ mỗi nhóm xã hội, thậm chí mỗi con người cũng có cách hành xử riêng. Và cũng không một xã hội nào hoàn toàn đứng yên. Do đó, sẽ có những nhóm, những người có tiếp xúc với luồng tri thức bên ngoài mạnh mẽ hơn những người còn lại trong một cộng đồng. Trong thái độ ứng xử với các khu vực chữa trị cũng vậy, có nhóm người tin tưởng tuyệt đối vào y học hiện đại, phủ nhận y học dân gian và nhóm này cũng không biết nhiều kiến thức về y học dân gian. Họ thường tìm trạm y tế để chữa trị nhiều hơn các nhóm bảo lưu kiến thức truyền thống. Trong những trường hợp không thể tìm được thuốc nam tương ứng để chữa trị, người dân cũng rất chủ động tới trạm y tế xã khám và lấy thuốc.