Mọi quyết định tìm kiếm khu vực y tế và lựa chọn chữa trị luôn được đưa sau quá trình bàn bạc trong cả gia đình hoặc dòng họ, rất hiếm khi là chủ ý cá nhân. Trong tổng số các hộ gia đình trả lời bảng hỏi, ở câu hỏi II.15.“Khi có người ốm nặng, trong nhà ai là người quyết định chữa như thế nào?”, có 66,7% ý kiến cho rằng chủ hộ ra quyết định sẽ chữa trị như thế nào khi trong gia đình có người ốm nặng, 6,7% cho rằng người có kinh nghiệm về thuốc trong gia đình sẽ quyết định, có 11,1% cho rằng trưởng họ sẽ là người ra quyết định, chỉ có 4,4% ý kiến cho biết bản thân người ốm sẽ tự quyết định. Kết quả điều tra định lượng khẳng định rõ ràng vai trò của chủ hộ và người trưởng họ trong việc ra quyết định chữa trị.
Tuy vậy, không phải chủ hộ và trưởng họ ra quyết định chữa trị ngay từ đầu. Mà bao giờ cả gia đình cũng sẽ họp lại, bàn bạc kỹ lưỡng, ông chủ hộ hoặc trưởng họ sẽ đưa
ra quyết định cuối cùng trên cơ sở thảo luận đó. Những thông tin định lượng ở trên chưa thể cung cấp thông tin một cách tường tận khi nào ông trưởng họ, khi nào chủ hộ có thể ra quyết định. Những trường hợp ốm đau của ông bà hoặc cụ sẽ được cả dòng họ bàn bạc và ông trưởng họ đại diện ra quyết định. Các cá nhân ở từng gia đình bị ốm sẽ được bàn bạc trong phạm vi gia đình hạt nhân và xin ý kiến của ông trưởng họ hoặc tham vấn những người có kinh nghiệm khác.
Ông Ấp năm nay 75 tuổi, bị mờ mắt đã một thời gian dài nhưng chưa đi khám ở bệnh viện. Ông cho rằng mình bị mờ mắt do bệnh tuổi già và nghĩ gia đình nghèo nên dù có khám cũng không thể chữa được và tự lấy thuốc nam về xông hàng ngày. Một hôm các con trai của ông họp lại bàn cách đưa ông đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh. Sau khi bàn bạc xong, các anh hỏi ý kiến của người anh trưởng họ là ông Chúc, trạm trưởng trạm y tế xã Kiên Thành. Ông Chúc khuyên nên đưa ông Ấp đi chữa ở bệnh viện tỉnh vì nếu để một thời gian nữa sẽ mù hẳn, gây khó khăn trong sinh hoạt. Các con ông Ấp đưa ông tới bệnh viện Yên Bái, tại đây ông được chẩn đoán là đục thủy tinh thể và phải thay thủy tinh thể.