2.1 .Quan niệm về tình trạng ốm đau
2.2. Hình dung về cơ thể con ngƣời và cách thức xác định đau ốm
2.2.2. Các cách thức xác định ốm đau
Bằng tri thức, kinh nghiệm của mình, người ta tìm hiểu các biểu hiện ốm đau cụ thể như thế nào, sau đó xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng ốm đau và lựa chọn hình thức chữa trị thích hợp. Tuy vậy, quá trình xác định chính xác loại ốm gì, nguyên nhân nào gây ra cũng rất mất thời gian và thường phải thông qua thảo luận giữa nhiều thành viên trong gia đình, hoặc thậm chí trong dòng họ. Khi cuộc trao đổi giữa các thành viên
trong gia đình, dòng họ không đem lại lời giải đáp, họ sẽ tìm tới thầy thuốc nam trong làng hoặc thầy cúng.
Ai là người xác định, phân loại ốm đau?
Xác định, phân loại ốm đau không chỉ liên quan tới kiến thức, trải nghiệm cá nhân mà còn có vai trò của quan hệ thân tộc cũng như mạng lưới xã hội khác. Việc xác định bệnh nhân mắc ốm gì, phân loại nguyên nhân và cách chữa trị thường đi theo các cấp độ: từ cá nhân tới gia đình (gia đình cá nhân), dòng họ và cộng đồng.
Ở cấp độ cá nhân, khi bị ốm, bao giờ người đó cũng tự suy đoán biểu hiện ốm do nguyên nhân gì và đồng thời, kể, thảo luận về những triệu chứng mắc phải với người thân trong gia đình. Khi việc bàn bạc trong gia đình không mang lại kết quả, không giải đáp được câu hỏi chính xác ốm gì, nguyên do tại đâu thì phạm vi thảo luận sẽ chuyển sang một khu vực rộng hơn, đó là dòng họ. Nếu ở phạm vi dòng họ vẫn chưa thể trả lời được tường tận vấn đề, họ sẽ tìm tới bà lang và/ hoặc thầy cúng và/ hoặc trạm xá.
Đối với những trường hợp diễn biến bệnh tình xảy ra quá nhanh, nặng, không thể bàn bạc suy đoán, xác định nguyên nhân và cách chữa trị bằng kinh nghiệm dân gian được thì quá trình chẩn đoán sẽ không theo các cấp độ này mà chuyển ngay đến khu vực y tế phù hợp.
Như vậy, quan hệ gia đình, dòng họ có tác động tới việc xác định loại ốm đau thông qua các thảo luận, ý kiến đóng góp, để từ đó gia đình người ốm đi tìm kiếm phương thức chữa trị phù hợp. Rõ ràng, việc nhận định loại ốm đau và nguyên nhân gây ốm không chỉ nằm ở cá nhân người ốm và gia đình mà còn phụ thuộc rất lớn vào quan hệ thân tộc và các mạng lưới xã hội khác. Thậm chí ngay cả khi một người Tày ở trong thôn đã di chuyển đến nơi khác sinh sống vẫn có thể chịu ảnh hưởng của dòng họ thông qua việc thảo luận về tình trạng ốm đau.
Chị Sinh là người Tày, trước đây sống ở xã Kiên Thành, nay lấy chồng và sinh sống ở thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) cách xã Kiên Thành 15 km, mỗi khi vợ chồng chị và con bị ốm đều gọi điện hỏi mẹ và bà nội cách chăm sóc, chữa trị. Tháng 1 năm 2012, chị sinh đứa con thứ hai, trước và sau khi sinh đều nhờ gia đình lấy thuốc tắm, thuốc
xông và chỉ dạy cách ăn uống. Đến khi em bé được 40 ngày tuổi thì có biểu hiện ăn ít, ngủ li bì, không kêu hay khóc to, da vàng, không cử động nhiều, đầu ngón tay hơi sưng tấy. Chị gọi điện về nhờ em gái ra Cổ Phúc xem tình hình em bé để về kể với mẹ và bà nội phán đoán tình hình và lấy thuốc. Sau khi xem video do em gái chị Sinh quay bằng điện thoại và nghe kể biểu hiện của cháu bé, bà nội chị Sinh đoán cháu bé yếu là do bú phải sữa chưa chín hẳn. Bà cho rằng nếu bú sữa “sống16” thì phải “sống hoàn toàn”, nếu “chín” thì phải “chín hoàn toàn” mới đảm bảo cho đứa trẻ không bị “độc sữa dở dang”. Nếu ở trong nhà xây, không có điều kiện sưởi lửa thường xuyên, đáng lẽ chị Sinh phải để sữa “sống hoàn toàn”, tức là lúc đẻ xong không được lại gần bếp lửa, trong khi đó chị Sinh lại chườm nóng rồi vắt sữa vào bếp nhưng không sưởi lửa thường xuyên khiến sữa bị dở dang. Bà cho rằng để chữa được cho em bé cần phải “sôi sữa”. Ngoài ra, tay em bé bị sưng có thể là do tụt móng, phải lấy thuốc riêng để chữa tụt móng. Sau cuộc thảo luận với bà nội chị Sinh, mẹ của chị đã về nhà tìm thuốc để gửi cho con gái.
Khi xác định loại ốm và nguyên nhân gây ốm đau, những người trẻ hoặc những người chưa có kinh nghiệm thường không thể suy đoán gì nhiều về tình trạng ốm của mình mà phải kể cho người thân trong gia đình và/ hoặc tìm tới người có kinh nghiệm khác trong dòng họ hoặc láng giềng để hỏi. Như vậy, trong cộng đồng có những nhóm người khác nhau với kinh nghiệm, tri thức về thuốc nhiều, ít khác nhau. Thông thường, đặc điểm về tuổi, giới, truyền thống gia đình quyết định đến kiến thức của mỗi cá nhân về cách xác định và chữa trị khi ốm đau. Trong khu vực sinh sống của người Tày ở đây, ai có kiến thức về thuốc chính là chỗ cho những người khác tham khảo và là người đưa ra phương án chữa trị.
Tại ba thôn An Thịnh, Kiên Lao, Đồng An có 4 bà lang chuyên hái thuốc cho người dân trong và ngoài thôn. Các gia đình có người ốm khi không thể tự hái thuốc nam được
16 Khái niệm sữa “sống” và sữa “chín”: sữa “sống” là sữa của người phụ nữ không dùng bất kỳ một loại lá nào để xoa bóp bầu sữa sản phụ trước khi cho trẻ bú hay để sản phụ xông bằng bếp lửa; sữa “chín” là sau khi đã lấy các loại lá (có rất nhiều loại lá khác nhau) hơ nóng rồi xoa bóp hai bầu sữa cho sản phụ và để sản phụ xông ở bếp lửa hàng ngày. Cho đến hiện nay, các sản phụ người Tày ở đây đều làm sữa “chín” rồi cho con bú chứ không bao giờ để em bé bú sữa “sống”.
thường hay tới đây để hỏi và xin thuốc. Thầy cúng cũng có thể được tham khảo khi gia đình người ốm thấy có những biểu hiện lạ lùng ở người ốm.
Những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, dòng họ bao giờ cũng có vị trí quan trọng trong việc thăm ốm, hái thuốc, mặc dù quá trình xem bệnh và tìm thuốc đó không bao giờ chỉ có một mình người phụ nữ ấy đảm nhiệm, mà thường có sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều người khác nữa. Ngược lại với quá trình thăm khám này, trong những trường hợp ốm nặng, cần phải quyết định chữa ở đâu, bao giờ việc ra quyết định lựa chọn cũng được đặt lên người chủ gia đình hoặc trưởng họ. Khi đó, đàn ông lại có vai trò hơn người phụ nữ.
Cách thức xác định ốm đau bằng giác quan thông thường
Trong một cộng đồng luôn có các nhóm nắm giữ những tri thức của cộng đồng nhiều hay ít khác nhau, trong đó, có thể có nhóm “tinh hoa” lưu giữ nhiều kiến thức hơn cả. Trong việc bốc thuốc, thăm bệnh, có một nhóm các bà lang người Tày ở đây biết rõ cách xem bệnh hơn những người khác trong thôn. Do vậy, những ghi chép về cách thức xác định ốm đau của chúng tôi chủ yếu ở nhóm phụ nữ nắm giữ kinh nghiệm nghề thuốc này. Chúng tôi không phủ nhận việc đa phần người dân trong thôn biết được những cách nhận biết đơn giản với các bệnh thông thường, nhưng để có thể có được những ghi chép hệ thống về vấn đề này, phỏng vấn những người có kiến thức trong cộng đồng vẫn đem lại thông tin đầy đủ hơn cả.
Khi xem bệnh, đầu tiên bà lang sẽ lắng nghe người bệnh kể về bệnh tình của mình, sau đó hỏi cặn kẽ những chi tiết đáng chú ý. Sau đó tùy từng bệnh mà thăm khám bằng các hình thức khác nhau: quan sát, sờ nắn, nghe, ngửi.
Nghe kể và quan sát được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân với các triệu chứng đau ốm khác nhau, trước hết để nắm sơ lược được tình hình sức khỏe của bệnh nhân, nước da, sắc mặt, biểu cảm. Với những căn bệnh có biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, nhìn thấy được bằng mắt thường, bà lang sẽ nhìn kỹ phần cơ thể bị đau để xác định tình trạng nặng, nhẹ từ đó biết để lấy thuốc. Các bệnh ngoài da như chốc đầu hoặc mụn nhọt (mác phi, mác ca đăn), lở loét, đinh râu, ghẻ lở… bắt buộc phải quan sát bằng mắt thường. Một số
bệnh thuộc về nội tạng như gan (thanh lao), thận, tiền bối hậu bối, dạ dày (phất bổi thảy), đại tràng (mốc mẳn)…cũng được quan sát bằng mắt thường nhưng phải kết hợp với sờ nắn.
Nghe hơi thở đoán bệnh thường được áp dụng, đặc biệt là với các căn bệnh thuộc về nội tạng, hen suyễn, viêm đường hô hấp.
Ngửi đoán bệnh hiếm khi được áp dụng, chỉ trong một số trường hợp như viêm mũi, thối tai (đăn óc)…
Cách thức xác định đau ốm nhờ thế lực siêu nhiên
Bên cạnh những trường hợp ốm đau được các bà lang hoặc người có kinh nghiệm về thuốc trong gia đình xác định bằng giác quan thông thường, có rất nhiều trường hợp đau ốm phải tìm tới thầy bói để biết chính xác mình mắc ốm gì, nguyên nhân tại đâu. Không có quy định cụ thể về việc khi nào phải đi bói ở nhà thầy cúng, khi nào có thể tự chữa bằng các phương thuốc thông thường, khi nào có thể tìm đến nhà bà lang vườn hoặc khu vực y học hiện đại. Khi người ốm và gia đình tự cảm thấy có điều gì đó “bất thường” và phải đi tìm thầy cúng để bói. Có một hệ thống các biểu hiện đau đớn khác nhau do từng loại ma gây ra cho con người (chúng tôi xin trình bày cụ thể ở phần sau), nhưng thường chỉ những người có kinh nghiệm mới nắm bắt rõ được các dấu hiệu đó. Còn những người bình thường chỉ có thể hỏi người có kinh nghiệm hoặc trực tiếp thầy cúng.
Khi một bệnh nhân ốm đã lâu không khỏi, bệnh tình có những biểu hiện lạ lùng, gia đình và dòng họ thường bàn bạc và cùng đến nhà thầy cúng để xem bói. Ông thầy cúng17 sẽ xem bói thông qua một vật dụng nào đó (như chân gà của gia đình người bệnh mang theo), hoặc nhập đồng để “ma then” (phi then) đi tìm kiếm nguyên nhân (thường là hỏi tổ tiên của gia đình người ốm). Sau khi biết chắc chắn nguyên nhân gây ốm đau, loại ma (phi) nào làm hại vía của người ốm, ông thầy cúng mới chỉ cách cho gia đình bệnh nhân chuẩn bị cách chữa.
17 Một điều khá đặc biệt ở khu vực này là người Tày không chỉ tìm đến các thầy cúng người Tày để bói mà còn tìm đến các thầy cúng người Dao. Họ cho rằng người Tày và người Dao có thể không hiểu tiếng của nhau, nhưng hồn ma nhập đồng có thể hiểu được tường tận mọi vấn đề đang xảy ra, có thể giao tiếp với nhau bình thường. Do đó, dù thầy cúng dân tộc Tày hay Dao đều có thể cúng chữa cho người ốm được.
Du nhập yếu tố mới: căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện
Hiện nay, việc người dân ở đây đi khám bệnh tại các bệnh viện huyện, tỉnh hoặc phòng khám tư nhân không còn là quá hiếm hoi. Cũng có một số bệnh nhân tới bệnh viện để khám nhưng sau đó lại đi tìm một thầy thuốc địa phương để chữa hoặc kết hợp cả thuốc của bệnh viện và thuốc nam. Vì vậy, đôi khi các bà lang người Tày ở đây sử dụng sổ khám bệnh của bệnh viện như một căn cứ đáng tin cậy để kiểm chứng giả định của mình về tình trạng đau ốm của bệnh nhân.
Với những bệnh về nội tạng, nếu có kết quả khám bệnh của bệnh viện, tôi vẫn yêu cầu người nhà bệnh nhân cho xem để biết chắc chắn, và cũng để khẳng định với gia đình họ rằng tôi lấy thuốc có căn cứ, thuốc đúng bệnh chứ không lấy lung tung.
Phỏng vấn bà Liễu, ngày 18 tháng 8 năm 2011.