Các bà lang cho chúng tôi biết, các bà đều chỉ được học thuốc chữa đối với từng loại đau ốm có biểu hiện cụ thể, có nhiều loại ốm chỉ được dặn cách chữa mà không đặt tên. Việc phân loại như dưới đây là sự cố gắng hệ thống của người dân để chúng tôi có một hình dung tương đối đầy đủ. Những cái tên phân loại nhóm hiện tượng đau ốm đều là tên tiếng Kinh, vì chỉ có tên tiếng Tày đối với từng hiện tượng đau cụ thể, thậm chí nhiều biểu hiện đau ốm không được định danh, mà chỉ có mô tả biểu hiện.
Dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng theo kinh nghiệm của các bà lang, dựa trên tiêu chí các nhóm nguyên nhân, chúng tôi tạm phân loại một số hiện tượng đau ốm thuộc về thể chất vào các nhóm như sau: I. Nhóm ốm đau có nguyên nhân do chất của cơ thể tự
sinh ra; II. Do nhiễm độc từ thực phẩm; III. Do thời tiết; IV. Do di truyền, V. Vấn đề liên quan tới thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh18.
Nhóm đau ốm do chất của cơ thể sinh ra
+ Các vấn đề về gan
Gan đỏ (thanh lao đeng): Người bệnh sốt 2 - 3 ngày, không rõ nguyên nhân, giống như cúm, sau 2 – 3 ngày khỏi sốt thì bắt đầu biểu hiện của thanh lao đeng. Người bệnh cảm thấy chán thịt, mỡ, chán cơm, luôn có cảm giác buồn ngủ nhưng ngồi xuống không ngủ, nhức chân tay, mỏi mệt, nhức đầu, bụng tức, đi đại tiện phân không tốt, đi tiểu tiện có màu vàng hoặc đỏ.
Gan vàng (Thanh lao lương): Ăn uống bình thường, không chán thịt, không chán mỡ, nhưng người gầy, da vàng như nghệ, mắt vàng, sút cân rất nhanh. Vì gan sưng lên đè suống mật.
Yếu gan (thanh lao khao): Ăn uống bình thường nhưng đại tiện ra phân sống, không tốt nước da, da hơi vàng, hơi xám. Người bình thường có thể bị yếu gan sau khi ốm, sốt hoặc mắc bất kỳ căn bệnh nào phải dùng thuốc kháng sinh. Các bà lang cho rằng kháng sinh không tốt cho gan, có thể làm thay đổi chất của cơ thể.
+ Các vấn đề về thận
Phù (rẩm): Phù nhưng ấn vào chỗ phù thấy cứng, không tiểu tiện được. Sỏi ở thận và bàng quang: Đau khi tiểu tiện hoặc tắc tiểu tiện, miệng nôn.
Đau bàng quang (pống pộng): Đau khi buồn tiểu tiện và không kiểm soát được tiểu tiện.
Đau niệu quản và đường tiết niệu (thai neo): Đau hố chậu phải hoặc trái, tắc tiểu tiện (tắc neo) hoàn toàn, chỉ buồn đại tiện (sa khỉ). Đau nhiều, dữ dội.
+ Các vấn đề về dạ dày, đại tràng
Đau dạ dày (chấp phất bổi thảy): Đau bụng khan cả khi đói và no. Khi đau ứa xuống bên dưới thì muốn đánh trung tiện, ứ lên bên trên thì nó ợ; càng ăn càng đau nhiều.
18 Chúng tôi xếp các vấn đề liên quan tới ốm đau ở thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh riêng, không vào một nhóm nguyên nhân nào do nhóm này luôn nhận được sự chăm sóc riêng biệt.
Đau đại tràng (chấp mốc mẳn): Muốn đại tiện nhưng đi không được, khi ra thì vón vén, không vọn phân, phân lỏng mà khó đi, ợ chưa liên tục, chảy nước dãi, buồn nôn.
Đau thượng vị, hang vị, tá tràng (chấp tham lam): Đau quằn quại, hàng tuần mới đi đại tiện một lần, phân có nước lờ lờ máu cá.
+ Tiền bối, hậu bối:
Tiền bối: Sốt 38 - 39oC liên tục vài ngày, đau trong bụng, mỏi lưng, nôn liên tục. Đi phải cúi xuống, không thể thẳng lưng, lúc nặng phải nằm ngửa trên giường giơ hai chân lên, không thể dậy được vì đau. Nếu không chữa được, bọc tiền bối ra mủ sẽ chết người. Thời gian phát triển khoảng 9 ngày sẽ thành mủ. Khi đã có mủ không thể chữa bằng thuốc nam được nữa.
Hậu bối có biểu hiện như tiền bối nhưng chỉ mọc ở lưng, dọc theo cột sống.
Nguyên nhân gây ra tiền bối, hậu bối: do chất độc ở trong người thu lại làm thành u ác.
+ Xương khớp
Thần kinh tọa: Đau mỏi lưng, đau xuống đùi, xuống chân, mông, hoặc đau từ vai xuống toàn bộ xương ở lưng. Đau nhiều quá tới mức không thể đi thẳng được, đi lệch hẳn người.
Viêm cột sống cấp (hắc phất bổi): tự dưng đang làm việc nghe uỵch một trong xương, không đứng lên được.
Thấp khớp: Các khớp sưng, từ các ngón chân ngón tay đến các khớp khác, thường đầu gối nặng nhất – đau sưng to.
Chấp xẳm: Tự nhiên rất đau chân, phần nhiều đau ở mu bàn chân.
+ Vô sinh
Vô sinh ở nữ: Nguyên nhân: Không đều kinh hoặc Không có kinh.
Không đều kinh có biểu hiện: sau khi hết kinh nguyệt ba ngày thì lại tiếp tục có lại nhiều ngày, có thể kéo tới đợt kinh nguyệt của tháng sau. Hoặc không có kinh nguyệt trong vài tháng. Nguyên nhân không đều kinh: có thể do viêm nhiễm hoặc do cơ thể tự sinh ra.
+ Quai bị: thấy mỏi mỏi, hơi đau ở cằm, sờ thấy sưng, người gai gai sốt, chỉ 2 – 3 tiếng đã sưng phát ra đầy má, cằm.
Nhóm do nhiễm độc từ thực phẩm
+ Mụn nhọt: (Mác phi: quả to bằng cái chén, ra mủ; Mác đoóng đanh: mụn bé; Mác ca đăn: quả hạch). Nguyên nhân: Do ăn chất quá nóng, quá độc phát ra.
+ “Độc” từ thực phẩm: Ăn bất kỳ một loại thực phẩm nào đó đều có thể bị độc với một trong các biểu hiện như: sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đen lưỡi.... Loại độc này không xuất hiện theo quy luật nào cả, có thể người này ăn không độc nhưng người khác ăn lại trúng độc.
Do thời tiết
+ Ho (ay), sốt (nao ốm), cảm. Do thời tiết lạnh hoặc nóng quá, mưa nắng bất thường.
+ Trúng gió và thương hàn: Trúng gió làm đau đầu, đau bụng, nôn, sốt… Khi bị trúng gió quá nặng sẽ chuyển sang thương hàn: sốt cao, mắt đỏ, hôn mê. Cách xác định có phải thương hàn hay không: lấy lá trầu về hơ nóng, để nguyên cả lá đánh toàn thân, nếu đúng thương hàn sẽ thấy người nổi những nốt đỏ có máu dưới da như rôm.
Do di truyền
Những căn bệnh như hen suyễn, lao, bướu cổ, dị dạng, hủi…được người dân coi là di truyền. Những bệnh như bướu cổ, hủi có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đó, người cho rằng không di truyền, chỉ lây lan trong những thời điểm nhất định (có người cho rằng hủi chỉ lây sang người khác trong thời gian người mắc hủi đang ở cữ hoặc hấp hối), người lại cho rằng có di truyền. Có nhiều câu chuyện li kỳ xung quanh các căn bệnh này ở trong làng.
Câu chuyện về bệnh hủi: Các cụ kể rằng trước đây cụ của bà Thơm bị hủi, ông thầy Mán19
chữa bằng cách đưa bà ấy lên gò làm phép tắm hủi, kể từ đó đến giờ cây cối trên gò lúc nào cũng vàng úa, không tươi tốt, cứ trở trời là nghe tiếng kêu rào rào trên gò. Người làng không được bước chân lên gò hủi vì sẽ mang theo mầm hủi về làng, từ đó đến nay trong làng
19
không có ai bị hủi nữa. Nhưng gần đây người ta kháo nhau rằng bà Nghiêm bị hủi. Không rõ thực hư thế nào nhưng nhiều người dặn con cháu không sang nhà đó khi bà Nghiêm chết, vì khi người có hủi chết đi, con hủi sẽ bò ra khỏi người chết và chuyển từ người chết sang người khác.
Phỏng vấn ông Huy, ngày 09 tháng 3 năm 2012.
Vấn đề liên quan tới thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh
+ Thai phụ: Dọa sảy hoặc sảy thai: bị ngã hoặc tự nhiên ra huyết.
+ Sản phụ:
Hậu sản mòn: ăn nhiều nhưng vẫn gầy, do không kiêng khem kỹ lưỡng trong ăn uống. Phụ nữ sau khi đẻ phải kiêng rất kỹ lưỡng rất nhiều thứ, từ thức ăn, nước uống, vận động cho tới việc không được ngồi gần người đàn ông khác.
Hậu sản ho: Ho dai dẳng, khát nước, có thể đêm ngày uống 3-4 lít. Nguyên nhân do sản phụ uống phải nước sống (nước đun chưa sôi hoặc nước lã).
Hậu sản đàn ông (Hậu sản nhinh trai): sản phụ không sạch máu đẻ, sạch được vài ngày thì 3 ngày sau máu đẻ lại xuống. Nguyên nhân của hậu sản nhinh trai: do sản phụ để chồng ngồi gần sau khi đẻ.
Băng kinh:Sản phụ đẻ xong thấy máu đẻ xuống ồ ạt.
+ Trẻ sơ sinh (trong cữ và ngoài cữ vài tháng): - Quấy khóc do không an giấc.
- Bị kê: Rôm lên toàn thân nhỏ li ti.
- Rướn: Vặn người bên này bên kia, không ăn ngủ nhiều..
- Đẹn: không tiểu tiện hay đại tiện, không ăn, không khóc. Có trẻ thì giãy giụa nhiều nhưng có trẻ nằm im lặng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đẹn: Do thời tiết (gió, lạnh, ô nhiễm…); thức ăn (gia đình mua thức ăn về nấu nhưng không nói cho trẻ biết); đẹn máu (người phụ nữ khác đang có kinh gặp trẻ vẫn đang trong cữ); hoặc đẹn ma (có đám ma ở gần, hoặc người khác đi đám ma bước vào nhà sản phụ). Trong đó, nghiêm trọng nhất là đẹn máu, đẹn ma và đẹn thức ăn do quả rãnh (mác rãnh).
- Tưa lưỡi (trẻ sơ sinh khoảng 5-6 ngày đến 1 tháng bị tưa gọi là tưa sữa (mau lịn),
trẻ 1 - 8 tháng bị tưa gọi là tưa trâu (mau khoai)): tự nhiên có 1-2 hạt ở lưỡi, trẻ bắt đầu bỏ bú, khóc, vài tiếng đến một ngày sau lưỡi dày nhiều nốt. Có trẻ nhiều tới mức ra cả bọt ở miệng, phải vuốt bọt ra ngoài. Nếu không chữa kịp thì sẽ bị đen lưỡi, không ăn được, biến chứng sang đường ruột, đại tiện đen như phân trâu. Nguyên nhân: Do sữa của mẹ nóng hoặc bị lây từ đứa trẻ khác khi đi xin sữa. Người phụ nữ nuôi con đầu bị tưa lưỡi sẽ lây sang các con sau.