Hình dung về cơ thể con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức về đau ốm và sự lựa chọn cách chữa trị của người tày ở nông thôn miền núi tỉnh yên bái (nghiên cứu trường hợp xã kiên thành, huyện trấn yên) (Trang 56 - 59)

2.1 .Quan niệm về tình trạng ốm đau

2.2. Hình dung về cơ thể con ngƣời và cách thức xác định đau ốm

2.2.1. Hình dung về cơ thể con người

Các bà lang chỉ cho chúng tôi biết khái quát về cách phân chia các bộ phận của cơ thể con người trong quá trình chữa trị. Thực ra, những chia sẻ của từng người không cho phép hình dung cụ thể về cơ thể người như cách giải thích của Đông y vốn dựa trên nền tảng triết lý y học Trung Hoa. Mọi chẩn đoán bệnh của các bà lang đều đưa ra dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối một cách tương đối giản đơn về các bộ phận của cơ thể người.

Theo đó, nội tạng gồm: 1. Gan (Thanh lao), 2. Thận, 3. Dạ dày (phất bổi thảy), đại tràng (mốc mẳn), khu vực thượng vị (tham lam); 4. Tim, 5. Phổi, 6. Thần kinh, 7. Khớp. Các bệnh thuộc về nội tạng đều không thể quan sát được bằng mắt thường mà phải dự đoán, quan sát biểu hiện trên sắc mặt và nghe bệnh nhân kể. Đối với tứ chi và các phần có thể nhìn thấy được ở trên khuôn mặt, đều dễ quan sát, xác định kiểu ốm đau.

Hình dung về máu (lướt) và trạng thái cân bằng/ mất cân bằng của cơ thể

Đi tìm kiếm một giải thích rõ ràng, ngọn ngành về máu và trạng thái cân bằng/ mất cân bằng của cơ thể không hề đơn giản. Vấn đề này chỉ được nhắc tới trong những câu

chuyện cụ thể về những loại ốm đau khác nhau, trong cách chữa trị hoặc cách sử dụng thực phẩm hợp lý, cách bảo vệ cơ thể14.

“Sạch/bẩn” (peéc/nhơ): Ở một người khỏe mạnh, tình trạng của máu sạch hay bẩn (peéc/ nhơ) không được nhắc tới, mặc nhiên người ta coi máu của người khỏe mạnh ở trong tình trạng sạch, không nhiễm phải bất kỳ uế tạp nào. Điều đáng lưu ý ở đây là các vấn đề về máu sạch/ bẩn có sự khác biệt về giới rất lớn, “máu bẩn” (lướt nhơ) thường không xảy ra đối với đàn ông (trừ trường hợp đàn ông bị hậu sản mòn do ở gần sản phụ khi vẫn còn “máu bẩn”).

Trong khi đó, máu của sản phụ hoặc máu của người phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt được coi là “bẩn”, nhiễm uế tạp, “nguy hiểm”, có thể làm vấy bẩn những không gian thiêng, vật phẩm thiêng và có thể gây hại cho sức khỏe của người đàn ông (kể cả chồng hay bất kỳ người đàn ông nào). Người phụ nữ chỉ hết “nguy hiểm”, không gây uế tạp khi sạch máu đẻ (khấư khinh) Quan niệm về tình trạng sạch và bẩn của máu này dẫn tới những kiêng kị chặt chẽ trong thời kỳ sinh nở của người phụ nữ. Từ thường được dùng để chỉ tình trạng “nguy hiểm” của máu đẻ, máu kinh nguyệt đối với người khác là: “độc”. Đây cũng là từ thường dùng để chỉ bất kỳ yếu tố nào có thể gây hại cho sức khỏe, ví dụ: “độc nước” (nặm), “độc quả rãnh” (mác rãnh), “độc thịt con mèo” (nhứa tua meo)…

“Nóng/lạnh”(bỏng/khứm): Cơ thể người khỏe mạnh là do được duy trì trong trạng thái cân bằng, không bị “nóng” hoặc “lạnh” quá. Trạng thái “nóng” hoặc “lạnh” đó có thể do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến máu và các yếu tố ngoại sinh như thời tiết (nóng/ lạnh), thực phẩm15. “Nóng/ lạnh” do chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khác nhau và trong các chu kỳ khác nhau của đời người, đặc biệt là chu kỳ đời người của phụ nữ. Người đàn ông không trải qua mốc biến động quá lớn nào ảnh hưởng tới “chất của máu” trong suốt chu kỳ đời người. Trong khi đó, phụ nữ có

14

Về mặt kỹ thuật, khi phỏng vấn, nghe chuyện kể của các bà lang, chúng tôi cố gắng không đặt ra các câu hỏi phức tạp hoặc đưa khái niệm của mình như máu, mất cân bằng/ cân bằng vào câu hỏi. Chúng tôi chờ đợi người kể chuyện cho thấy các ví dụ cụ thể và cặn kẽ về từng trường hợp. Việc sử dụng từ “cân bằng/ mất cân bằng” trong luận văn này là của chúng tôi, người Tày ở đây chỉ đề cập tới chuyện “nóng/ lạnh”.

15 Người dân quan niệm có một số thực phẩm có tính nóng, một số thực phẩm có tính lạnh. Xem phụ lục về Một số loại thực phẩm có tính “nóng” và “lạnh”.

những mốc đánh dấu rất lớn, đó là lúc bắt đầu có kinh nguyệt, sinh đẻ và thời điểm mãn kinh nguyệt. Lần “có máu” (có kinh nguyệt) đầu tiên là lúc đánh dấu người phụ nữ bắt đầu bước vào giai đoạn dễ bị “độc” liên quan đến sự mất cân bằng về máu “nóng/ lạnh” trong cơ thể. Đến khi “hết máu” (mãn kinh nguyệt), cơ thể người phụ nữ ở trong trạng thái cân bằng hoàn toàn, và đương nhiên không thể gây “nguy hiểm” cho người đàn ông khác. Lúc này, cơ thể người phụ nữ luôn ở trạng thái “sạch”.

Chỉ được ăn uống những thức nóng như gừng, quế, ớt… từ tháng 9 tới tháng 3 vì lúc đó thời tiết lạnh, nếu ăn vào mùa hè sẽ gây “nóng” cho cơ thể, phát ra mụn nhọt, ngứa… Trước đây, bà mẹ chồng tôi uống nước quế liên tục trong 2 năm bất kể mùa đông cũng như hè nên bị phát 9 cái mụn bọc to khắp người, phải đi lấy thuốc giải độc. Đến khi bà cụ sạch máu (hết kinh) rồi thì tha hồ uống nước quế, mùa nào cũng được. Sạch máu thì sẽ không bị nóng nữa.

Phỏng vấn bà Liễu, một thầy thuốc nam ở thôn Kiên Lao.  Quan niệm về “vía”(khoăn)

Với quan niệm con người được chia làm hai phần: phần thể xác và phần linh hồn, người Tày ở đây cho rằng đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía trong cơ thể. Một người khỏe mạnh cần cả sự đảm bảo về thể xác và các vía. Chỉ khi các vía này tồn tại đầy đủ trong cơ thể, người đó mới có thể khỏe mạnh. Nếu không may gặp bất kỳ sự cố nào, một vía rời khỏi cơ thể sẽ gây ra tình trạng “mất vía”, làm cơ thể ốm đau, thậm chí dẫn tới cái chết (tai). Quan niệm này khiến cho việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe không đơn thuần là đảm bảo sự khỏe mạnh về thể chất, mà còn bảo vệ cho các vía ổn định trong người, không rời xa cơ thể. Và do đó, khi không may, vía rời xa cơ thể gây ra tình trạng ốm đau, người ta phải áp dụng rất nhiều cách thức “gọi vía” khác nhau để kéo vía lại với cơ thể. Cách thức chữa trị như thế nào còn liên quan tới đặc điểm của từng lực lượng làm hại khác nhau. Người Tày ở đây có quan niệm khá đầy đủ về hệ thống các lực lượng siêu nhiên làm hại tới vía của con người và biểu hiện cụ thể trên cơ thể như thế nào.

Mỗi người đều phải có những lần cúng giải hạn (cho những người dưới 60 tuổi) và cúng số (cho những người trên 60 tuổi). Những người dưới 60 tuổi chắc chắn sẽ phải trải qua các thời điểm gặp ngôi sao xấu chiếu mệnh trong một năm, ngôi sao xấu chiếu mệnh

sẽ gây “hạn”, có thể là “hạn” về sức khỏe hoặc tài sản gia đình. Vì thế, cúng giải hạn vào năm gặp sao xấu là việc làm cần thiết để đề phòng bệnh tật cũng như mọi bất trắc xảy ra. Ông thầy cúng sẽ cho gia đình biết ngày sao giáng hạ giới để cúng giải hạn. Trên 60 tuổi được coi là đã qua “tuổi hạn”, tức là không còn gặp sao xấu chiếu mệnh nữa, người ta cần lo tới việc làm then cúng vía, giữ vía người già ở lại với cơ thể khỏe mạnh.

Như vậy, cơ thể khỏe mạnh là trạng thái toàn bộ các bộ phận thuộc cơ thể bình thường, không bị đau đớn, khó chịu và là trạng thái cân bằng không bị nóng/ lạnh hoặc bị một thế lực siêu nhiên nào đó tác động tới các “vía”.

Sự ẩn dụ những hình ảnh bên ngoài với các bộ phận của cơ thể

Người dân tin rằng những sự vật có tên, hình ảnh, thuộc tính giống với một bộ phận nào đó trong cơ thể sẽ có mối quan hệ vô hình với bộ phận đó. Và mối quan hệ ấy có thể sẽ khiến tình trạng ốm đau trầm trọng hơn hoặc nhanh khỏi hơn. Những mối quan hệ này dẫn tới việc người bệnh phải quan tâm chú ý kiêng kị trong quá trình chữa trị.

Những sự vật được gọi tên là “quả” (mác) sẽ có mối quan hệ với những hiện tượng ốm đau có hình thù giống như quả trên người (như lên mụn, lên hạch, bướu cổ…). Ví dụ: lên mụn được gọi là “mác ca đăn”, “quả” mụn đó có mối quan hệ với các loại quả cây trong tự nhiên cho đến các loại trứng, bánh… Bướu cổ có hình quả treo ở trên cố nên sẽ có mối quan hệ với tất cả các loại quả như trên. Rau dớn (sắc cút) có hình gần giống gân tay, gân chân và các mạch máu nên khi người bệnh bị đứt gân không được ăn loại rau này. Tương tự, hiện tượng đau nhức, buốt ở trong lồng ngực giống như có ai đâm vào ngực sẽ có mối quan hệ với các loại cây được vót nhọn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức về đau ốm và sự lựa chọn cách chữa trị của người tày ở nông thôn miền núi tỉnh yên bái (nghiên cứu trường hợp xã kiên thành, huyện trấn yên) (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)