Một số tờ báo có khuynh hướng “thực nghiệp” tiêu biểu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 29 - 39)

5. Cấu trúc luận văn

1.3. Một số tờ báo có khuynh hướng “thực nghiệp” tiêu biểu

Các tờ báo kinh tế với nội dung chính là cung cấp các thông tin về chính sách kinh tế của chính phủ, thị trường, giá cả vật tư, luận bàn về các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp… Loại báo này chủ yếu do người Pháp hoặc tư sản người Việt thành lập. Có thể nói báo kinh tế chính là tiếng nói của giai cấp tư sản Việt Nam đang lên, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc đến năm 1930. Tờ báo kinh tế đầu tiên là tờ Nông cổ mín đàm (1901-1924) ấn hành ở Nam Kỳ. Những năm tiếp theo xuất hiện thêm các báo: Đăng Cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1907-1921), Nam Kỳ kinh tế báo (1919-1924), Thực nghiệp dân báo (1920-1935), Hữu thanh tạp chí (1921-1924), Khai hóa nhật báo (1921-1927), Vệ nông báo (1923), Nông công thương báo (1929)… Nhưng không phải tờ báo kinh tế nào cũng theo khuynh hướng thực nghiệp.

Để được coi là một tờ báo theo khuynh hướng thực nghiệp thì nội dung của tờ báo phải hướng đến là: “cổ động cho phong trào Minh Tân, cổ súy giới chủ, thương gia người Việt đang hình thành, đua chen quyền lợi kinh tế với người Hoa, với ngoại kiều khác ở Lục tỉnh” (Nông cổ mín đàm) [51, tr.31]; “cổ vũ chấn hưng dân trí, dân khí, hợp quần kinh doanh chống lại sự độc quyền của tư bản Pháp, sự cạnh tranh của tư sản người Hoa, người Ấn (Chà và)” (Lục tỉnh tân văn) [51, tr.32]; “hô hào mọi người đi vào con đường thực nghiệp, phê phán tư tưởng trọng văn khinh nghiệp, phản ánh tình hình đói khát về công nghiệp của giai cấp tư sản… đòi cho giai cấp tư sản Việt Nam được phép xây dựng nhà máy, góp cổ phần lập xí nghiệp sản xuất, phát triển kinh tế để có hàng xuất khẩu và mua hàng nước ngoài về” (Thực nghiệp dân báo) [51, tr.72].

- Tờ Nông cổ mín đàm là tờ báo kinh tế đầu tiên xuất bản năm 1901 do Canavaggio - Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ làm Giám đốc, Lương Khắc Ninh làm chủ bút. Tháng 5-1924, báo ngừng hoạt động.

Nông cổ mín đàm có nghĩa là uống trà nói chuyện làm ruộng và chuyện buôn bán. Phía trên đầu báo cũng ghi rõ: Causeries sur l’argriculture et le commerce (Đàm đạo về nông nghiệp và thương mại). Báo đăng tải các thông tin kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, mẹo kinh doanh… có 8 trang với các mục: Thương cổ luận, Hiệp bổn chiêu thương, Lời rao, Quảng cáo và đăng các truyện dịch của Trung Quốc, Anh, Pháp; điểm báo châu Âu, hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt, chăn nuôi; thông tin giá cả thị trường.

Là một tờ báo kinh tế, chuyên mục Thương cổ luận là phần quan trọng nhất của bản báo, do Lương Khắc Ninh (Lương Dũ Thúc) đảm nhiệm. Có thể nói, Thương cổ luận đã nhắm thẳng vào tư tưởng trọng nông ức thương, sĩ nông công thương vốn dĩ ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Việt, như một lời khẳng định: cuộc đại thương là cách tốt nhất giúp cho đất nước cường thịnh, nhân dân no ấm. Chuyên mục hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán, kêu gọi đoàn kết để cạnh tranh với Hoa thương, Ấn kiều… Mục đích của báo được nêu rõ trong số báo đầu tiên: “Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiệm thành cơ chỉ quy mô. Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cùng “Tạo doan hồ phu phu”. Việc hiếu sự nay đà rang rảnh tình thê cổ. Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơ quá bằng Tây nhớ, muốn sao cho nông cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chổ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại- thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi.

Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông cổ mín đàm. Vậy xin lục dịch làm tảng, mà gắn (gắng) sức giúp nhau nên việc” [14].

Lương Dũ Thúc và mục Thương cổ luận đã có đóng góp to lớn trong việc cổ động phong trào Minh Tân đang diễn ra sôi nổi ở Nam Kỳ lúc đó; cổ súy giới điền chủ, thương nhân Việt ganh đua quyền lợi kinh tế với người Hoa, tư bản Pháp.

Nông cổ mín đàm còn đăng các truyện dịch của Trung Quốc, Anh, Pháp; các thông tin kinh tế, sự chuyển biến kinh tế - xã hội xứ Nam Kỳ trong mục Lời rao. Báo dành tới 2 trang cho quảng cáo.

- Tờ Đăng Cổ tùng báo ra số đầu tiên vào ngày 28-3-1907, cũng chính là số 793 của tờ Đại Nam đồng văn nhật báo2. Chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh.

“Đăng cổ” nghĩa là đánh trống. Trên trang bìa của Đăng Cổ tùng báo

không khác nhiều so với Đại Nam đồng văn nhật báo, vẫn có hình tứ linh châu đầu vào tên báo. Chỉ có một thay đổi nhỏ là việc thêm mấy khẩu hiệu bằng chữ Hán dưới tên báo: đồng tâm cộng tế (cùng lòng che chở cho nhau),

chí duy nhất (ý chí, chí hướng nên phải nhất quán, không thay đổi), nghiệp

2 Thời điểm chính xác xác định sự ra đời của Đại Nam Đồng văn nhật báo đến nay vẫn chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Dựa vào số báo sớm nhất còn giữ được (số 171, ngày 27-1-1895) thì có thể báo ra đời vào năm 1891. Tờ báo do Nha Kinh lược chủ trì và hai cây bút chính là Đào Nguyên Phổ và Hàn Thái Dương. Tờ báo được xem là cơ quan ngôn luận của Nha Kinh lược Bắc Kỳ lúc đó do Hoàng Cao Khải nắm giữ và đối tượng nhắm tới là các nhà nho và quan lại người Việt. Báo có nội dung khá phong phú, từ tin tức chính trị, kinh tế, xã hội đến văn chương, quan chế, phổ biến kiến thức, rao vặt và quảng cáo. Báo in đồng thời cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Đến số 793 thì đổi thành Đăng Cổ tùng báo và tờ báo gắn liền với phong trào Nghĩa thục ở Bắc Kỳ.

duy cần (làm nghề nên phải cần cù, chăm chỉ), tất cả bằng chữ Hán. Báo vừa in bằng chữ Hán vừa in bằng chữ Quốc ngữ xen kẽ nhau [51, tr.45].

Đăng Cổ tùng báo xuất hiện giữa lúc phong trào Nghĩa thục phát triển mạnh mẽ. Nhiều người khẳng định Đăng Cổ tùng báo là cơ quan ngôn luận của trường Đông Kinh Nghĩa thục. Các bài viết trên báo thể hiện nhiều quan điểm, khuynh hướng yêu nước khác nhau nhưng tựu chung lại đều nhắm đến một mục tiêu là “kêu gọi mọi người yêu nước đoàn kết, bỏ lối học khoa cử và lễ tục phong kiến, theo đòi học mới và mở mang công thương theo con đường tư bản chủ nghĩa” [51, tr.44].

Chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước của các nhà nho cấp tiến đương thời, tờ báo đã có những bài hô hào thực nghiệp, kêu gọi hợp quần hợp tác; thể hiện rõ quan điểm yêu nước là: khai dân trí, dân khí. “Tiền còn trong tay người Annam thì còn có nghề mà làm được, chứ tiền sang tay người Khách cả thì người Annam chết đói sau chỉ trông kẻ chết đói trước thôi” [51, tr.46].

Hoạt động được 9 tháng, ra được 34 số thì tờ Đăng cổ đình bản vào ngày 14-11-1907, cũng là thời gian trường Đông Kinh Nghĩa thục bị đóng cửa.

- Tờ Lục tỉnh tân văn ra số đầu vào ngày 14-11-1907, một tuần 3 số nhưng đến năm 1921 khi sáp nhập với Nam Trung nhật báo thì nó chuyển thành nhật báo. Khoảng cuối năm 1944 Lục tỉnh tân văn ngừng xuất bản.

Người đứng ra sáng lập báo Lục tỉnh tân văn là Schneider nhưng linh hồn của tờ báo lại là Trần Chánh Chiếu, thường gọi là Gilbert Chiếu, bút danh là Trần Nhựt Thăng.

Ra đời trong phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ, sớm chịu ảnh hưởng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh nên tờ báo cũng tỏ rõ khuynh hướng cấp tiến. Trong khoảng thời gian 1907-1908, Lục tỉnh tân văn

là tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi nổi khắp nơi. Nội dung báo tập trung vào những điểm: cổ động phong trào chấn hưng dân khí, dân trí; hợp quần kinh doanh chống sự độc quyền của tư bản Pháp, cạnh tranh với Hoa kiều, Ấn kiều… Cùng với đó là kêu gọi chống Pháp và phong kiến tay sai, chống các hủ tục, chống tư tưởng vong bản, thông tin thời sự quốc tế… Nhưng sau khi Trần Chánh Chiếu bị bắt (1908), phong trào Duy tân kết thúc, Lục tỉnh tân văn không còn giữ được bản sắc như ban đầu nữa mà có xu hướng ngả về phía thực dân Pháp.

- Tờ Thực nghiệp dân báo xuất bản ở Hà Nội, số đầu tiên ra ngày 12-7- 1920 do Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín sáng lập. Chủ nhiệm là Bùi Huy Tín, sau đó là Mai Du Lân. Chủ bút là Trần Văn Quang rồi Bùi Đình Tá. Thực nghiệp dân báo xuất bản đến năm 1933 thì đóng cửa.

Nguyễn Hữu Thu là chủ tàu buôn, chủ thầu ở Hải Phòng. Ông có hơn 10 tàu chở khách chạy các tuyến từ Hải Phòng đi Nam Định, Hải Dương, Hòn Gai, Bến Thủy, Hồng Kông… Bùi Đình Tá là một điền chủ, chủ thầu ở Hà Nội và Giám đốc công ty Đông Ích hội. Bùi Huy Tín cũng là một nhà tư sản, nắm giữ trong tay nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh; mỏ ở Quảng Ninh, nhà in ở Huế. Các ông cũng tham gia hoạt động chính trị, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Viện dân biểu Bắc Kỳ, Phòng Thương mại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ, Viện dân biểu Trung Kỳ…

Đây là tờ nhật báo thông tin kinh tế, thương mại, kỹ nghệ và nông nghiệp; là “cơ quan hữu ích về đường phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín. Về việc nghiên cứu, việc tổ chức mọi việc của vạn gia thực nghiệp” [7].

Trong số đầu tiên của mình, Thực nghiệp dân báo nêu rõ “Chương trình của bản báo”: “(…) Bản báo không phải là cái cơ quan để cổ động

riêng cho một hạng người nào, chính là cái cơ quan chung cho nền Thực nghiệp của khắp quốc dân ta đó. Tôn chỉ của bản báo rõ rệt ở mấy chữ tên báo, tưởng chẳng cần phải nghị luận dông dài làm chi cho lắm (…). Vậy bản báo lúc nào cũng chân thành mà hoan nghênh các tư tưởng chính đáng thích thời của các nhà Thực nghiệp, là các nhà dựng lên tư bản tối cầu tối yếu của xã hội ta, lại nhiệt thành mà lợi dụng những sự kết quả về các công cuộc của các nhà tư bản, là các nhà xưa nay vun đắp con đường Thực nghiệp của nước nhà mà giữ vững được thể lực trong cuộc hoàn hải thương chiến ngày nay và ngày mai (…). Vậy bản báo mong rằng mỗi kỳ báo xuất bản lại có một bài luận thuyết chính đáng về đường Thực nghiệp trong nước (…). Thực nghiệp là ảnh hưởng cuộc thịnh suy một nước, tư bản là thế lực sự mạnh yếu, của một giống người. Đương buổi khắp thế giới này thảy đều khuynh hướng về đường Thực nghiệp, kinh doanh về đường tư bản, ta há lại không trân trọng Thực nghiệp, hâm mộ tư bản hay sao?

Bản báo sẽ lưu tâm mà kê cứu hết các ngành công thương nước nhà, hiện nay còn theo lối cổ, trông mong rằng các nhà bác vật tân tiến đều biểu đồng tình với bản quán, nhiệt thành mà cải lương cho phát đạt hơn xưa. Lại kê cứu hết các kỹ nghệ hiện nay cải lương đã có phần thịnh đạt rồi, như nghề dệt vải, như nghề dệt chiếu, nghề ươm, tơ….

…“Thực nghiệp” này sẽ là cái cơ quan để truyền bá đường thực nghiệp Âu Mỹ, khắp nơi ngõ hẻm hang cùng. Trước còn là cái cơ quan để truyền bá đường thực nghiệp cho quốc dân, sau sẽ trở nên thế lực hùng dũng cho các nhà thực nghiệp, các nhà tư bản khắp cả trong nước” [7].

Trong khoảng 5 năm đầu (1920-1925), Thực nghiệp dân báo thường đăng những bài về vấn đề kinh tế: kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật tiểu công nghiệp; báo hô hào mọi người “thực nghiệp”, phê phán tư tưởng “trọng văn

khinh nghiệp”. Từ đó báo yêu cầu nhà nước phải mở trường Thương mại thực hành, dạy khoa học công nghiệp. Báo cũng kêu gọi cho phép giai cấp tư sản Việt Nam được xây dựng nhà máy, lập xí nghiệp sản xuất, được xuất khẩu hàng hóa và mua hàng nước ngoài về. Về thương nghiệp, Thực nghiệp dân báo chủ trương không nên chỉ hô hào suông đối với việc “tẩy chay” Khách trú, Ấn kiều mà cần có biện pháp tích cực hơn thì mới mong xóa bỏ tình trạng “đem vàng đi đổ sông Ngô”. Về nông nghiệp, theo Thực nghiệp dân báo thì chỉ khi nông nghiệp được phồn thịnh thì các ngành nghề khác mới thịnh được vì “kỹ thuật và kỹ nghệ cũng như thương mãi chỉ là những ngành mới xuất hiện ở Việt Nam. Từ ngàn xưa, nước ta là nước “nghệ nông vi bổn”. Trước khi nói đến kỹ thuật và kỹ nghệ, nên đề cập đến việc canh nông” [96, tr.152]. Bên cạnh đó tờ báo còn có nhiều chuyên mục khác: Thương trường cận tín

(Thông tin về thị trường hàng hóa), Điện tín tổng hợp (Tin tức từ nước Pháp),

Tin Trung Hoa, Tin Nhật Bản, Thi đàn, Truyền ảnh tiểu thuyết… Tờ báo được coi là tiếng nói của giai cấp tư sản, điền chủ Việt Nam ở Bắc Kỳ đang vươn lên sau Thế chiến thứ nhất và có chủ trương dựa vào Pháp để phát triển.

- Tờ Khai hóa nhật báo ra số đầu tiên vào ngày 15-7-1921, tồn tại đến năm 1928 thì đình bản.

Người sáng lập tờ báo là Chúa sông Bạch Thái Bưởi. Chủ bút ban đầu là Hoàng Tích Chu rồi đến Đỗ Thận. Cũng giống như Thực nghiệp dân báo, Khai hóa nhật báo là tiếng nói đại diện cho giai cấp tư sản Việt Nam đang lên ở Bắc Kỳ. Trong số đầu tiên (ngày 15-7-1921), Bạch Thái Bưởi đã nêu mục đích của mình: “Một là sự đồng bào ta tự khai hóa cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, duy trì cái phong hóa cũ, giữ cho nó biến cải một cách điều hòa phải lẽ, dung hợp cái văn hóa cũ với văn minh mới, gắng vào sự truyền bá và sự tiến hòa của quốc văn cũng là mở mang các con đường thực nghiệp. Hai là rãi bày cùng chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng của quốc

dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những sự lợi ích của các công cuộc chính phủ đang trù tính” [51, tr.72].

Khai hóa nhật báo có 4 trang: trang đầu đăng các bài luận thuyết, văn xuôi; có các mục Doanh hải tùng đàm, Thời sự, Tiểu thuyết; hai trang cuối dành cho quảng cáo. Nội dung chính của Khai hóa nhật báo là bàn về chấn hưng nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp; chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa. Bản báo từng đề nghị cho Đông Dương được “tự do mậu dịch”, các nhà tư sản Việt Nam được tự do buôn bán với nước ngoài; phản đối không cho người Hoa nhập cảng vào nước ta… Ngoài ra báo có đề cập tới các vấn đề cải lương hương thôn, tổ chức lại hội đồng hương xã… Nhìn chung

Khai hóa nhật báo có khuynh hướng ủng hộ chính quyền thực dân, bày tỏ sự biết ơn của tư sản bản xứ với thực dân Pháp…

Tiểu kết chương 1

Báo chí là một trong những loại hình văn hóa mới xuất hiện ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX, trong công cuộc xâm lược, khai thác và cai trị của thực dân Pháp. Báo chí trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam với văn hóa, văn minh phương Tây. Ra đời ở một nước thuộc địa nên tính cách nổi bật của báo chí Việt Nam trước năm 1945 là tính cách thuộc địa [47, tr.217]. Mục tiêu mà thực dân Pháp hướng tới là thông qua báo chí để “áp đặt văn minh phương Tây cưỡng chế”, phục vụ cho công cuộc thống trị thuộc địa của mình. Ban đầu là chinh phục tình cảm người dân thuộc địa bằng sức mạnh của văn minh kỹ thuật. Sau này thực dân Pháp có ý đồ qua báo chí góp phần loại bỏ hoàn toàn chữ Hán, phương Tây hóa giới Nho sĩ luôn coi văn minh Trung Hoa là hệ thống quy chiếu duy nhất, đồng thời hạn chế ảnh hưởng các luồng tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 29 - 39)