Phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 83 - 88)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa

Tư sản Hoa kiều là lực lượng giữ vị trí thứ hai sau tư bản Pháp trong các ngành thương mại: xuất nhập khẩu, thầu khoán, mộ phu… ở Việt Nam. Lực lượng này được sự dung dưỡng của chính quyền thực dân đã kìm hãm sự phát triển và tranh đoạt các nguồn lợi của tư sản Việt. Đây là đối tượng mà tư sản Việt Nam muốn tranh giành lợi quyền nhất. Mặt khác, thái độ sính ngoại, không dùng hàng nội của người Việt cũng là lý do khiến thương nghiệp nước nhà trì trệ.

Mong muốn giành lại thương quyền và thay đổi thái độ của người Việt với hàng hóa nội, các nhà thực nghiệp đã phát động phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa; tẩy chay Khách trú (hay các chú), để chế (chữ dùng trên tạp chí Nam Phong) khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các khẩu hiệu “Người Annam không gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Người Annam mua bán với người Annam”, “Hãy lập cửa hàng cửa hiệu của người Annam” được giương cao; khuyên nhau không mua hàng hóa của người Hoa. Trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết phê phán thói sính ngoại, hô hào mọi người dùng

hàng nội, tẩy chay Khách trú: Lòng người An Nam đối với việc thương mại,

Thực nghiệp dân báo, số 2 (13-7-1920); Bao giời người An Nam ta mới thoát khỏi đem vàng đi đổ sông Ngô, Thực nghiệp dân báo, số 7 (31-7-1920); Nội hóa, Thực nghiệp dân báo, số 578 (22-9-1922); Phạm Quang Sán: Bàn về để chế, Nam Phong tạp chí, số 28, (tháng10-1919)…

Nhiều người tỏ ra rất bất bình với thái độ kinh doanh của người Hoa với người Việt: “Các chú sang ở đất Nam, mở cửa hàng buôn bán, phần nhiều lợi dụng sự ngu độn của người Nam để kiếm được nhiều lợi thế, thế mà động một tí các chú rủ nhau táng luôn, mà người Nam vẫn lăn lưng vào cửa hàng các chú nên các chú không cần, hơi một tý là giơ tay võ lực” [75, tr.58]. Hoặc: “Chúng tưởng như chúng có quyền hà hiếp người như thể về mấy mươi thế kỷ về trước hay sao. Sao có thể thế được! Ờ, đối với những người ngu ngốc, những người tốt nhịn để cho chúng nhổ vào mặt, thì không đời nào lại cứ đâm đàu vào mua hàng của chúng, hoặc phải câm đi để chúng muốn hoành hành đem cái máu Mông Cổ mà tưới trên đất nước Việt Nam này được. Chúng phải nên hiểu rằng, một quả đấm giơ ra, một trăm quả đấm giơ lại. Chúng xử với nhau tử tế, ta cũng bảo nhau xử phải với chúng. Bằng không nếu chúng quen với cái thói “Tầu” giơ cái chính sách thô bạo đối với chúng ta thì chúng ta cũng chẳng phải độn lừa gì mà chịu “gánh vàng đi đổ sông Ngô” để đem lấy cái nhục vào mình” [75, tr.58].

Song song với bài trừ ngoại hóa là lời kêu gọi chấn hưng nội hóa. Các nhà tư sản đã phải dùng những lời lẽ thống thiết kêu gọi nhân dân dùng hàng nội hóa: “Ta thường nói chữ đồng bào, nghĩa chữ đồng bào là gì? Là cùng một giống một nòi vậy. Đã biết nghĩa đồng bào thì phải nên yêu, nên mến, nên bênh vực nhau là phải. Nếu có bụng yêu mến nhau thời người mình làm được cái gì phải nên tiêu dùng cho nhau mới là yêu nhau (…) xem như đua dùng ngoại hóa, thì chỉ những bậc trung phú giở lên mới dùng đến, xin những

bậc thượng lưu và trung lưu mình tự cải lương lấy, cứ hàng hóa của nước mình mình dùng, thời người dưới phải theo, mà tài hóa mới khỏi tiết lậu ra ngoài được (…) người mình cứ dùng đồ nước mình, thời cái thực nghiệp của ta mới chắc tấn bộ được” [28].

Hay như:

Máu đào Hồng Lạc còn lâu còn dài Ai công nghệ và ai buôn bán? Xin nhớ câu: nước cạn cá khô Lợi mình chớ để người thu

Thóc mình chớ để ném cho gà người [2, tr.42]

Phong trào này là bước tiếp nối tư tưởng bài trừ hàng ngoại của các nhà nho cấp tiến và hoạt động chống lại tư sản Pháp bắt tay với tư sản Hoa kiều lũng đoạn nền kinh tế, bóc lột nhân dân ta từng được phát động trong phong trào Minh Tân (1907-1908).

Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi là tấm gương sáng cho thương giới nước nhà trong việc cạnh tranh với Hoa thương. Từ hai bàn tay trắng bằng ý chí, nghị lực và năng lực kinh doanh nhạy bén của mình, ông nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội làm giàu. Ban đầu là tranh lấy nghề vận tải trên đường sông với Khách, trước sự cạnh tranh của Hoa kiều, việc kinh doanh của ông đứng trước nguy cơ phá sản nhưng nhờ vào bí quyết phát huy lòng ái quốc của khách hàng mà công việc của ông ngày càng phát đạt. Nắm trong tay hơn 40 tàu thuyền, sà lan, ông được gọi là Chúa sông Bắc kỳ. Trên cơ sở đó ông có điều kiện tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như khai mỏ, in ấn. Năm 1921 ông cho xuất bản tờ Khai hóa nhật báo với mục đích cổ vũ phong trào chấn hưng thực nghiệp đang diễn ra sôi nổi trong cả nước.

Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng từ phía nhân dân, thậm chí ở một số địa phương người dân còn đập phá cửa hàng, cửa hiệu của người Hoa và việc buôn bán trở thành “một mối nghị luận phổ thông trong quốc dân ta, không chỗ nào là không bàn đến việc buôn bán, không người nào là không nhiệt thành về buôn bán, không đâu là không mưu tính sự buôn bán. Cái trí não đồng bào ta bây giờ hình như khuynh chú cả vào hai chữ buôn bán. Buôn gì? Bán gì? Buôn ở đâu? Bán cho ai? Buôn làm sao? Bán thế nào?” [20, tr.314]. Ngay cả chính quyền thực dân cũng thừa nhận dù hành động quá trớn nhưng lại “có ý nghĩa rằng tư tưởng đã đổi mới” và người Annam đã “thấy thương mại là quan trọng cho họ và họ cần phải cố gắng trên cái hướng này. Những người chủ chốt trong vụ tẩy chay nói chung là thuộc và hạng thương gia giàu có, hạng thầu khoán lớn” [69, tr.324]. Những hoạt động sôi nổi của tư sản Việt bắt đầu khiến thực dân Pháp lo sợ, tìm cách can thiệp.

“Tẩy chay” không chỉ dừng lại ở chỗ không buôn bán, không giao thương mà các nhà tư sản còn chỉ ra các thủ đoạn của Hoa thương để dân ta biết đó mà tránh: Hoa thương nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu của thị trường, tâm lý của dân Annam ta có tính hiếu kỳ, thích mua những đồ lạ, ham giá rẻ nên có khi chỉ cần mua hàng ở ngay nước ta rồi bán lại cho dân ta. Hoặc họ làm hàng giả để bán cho dân ta dù chất lượng kém nhưng giá rẻ. Vì thế mà hàng hóa của người Hoa bán rất chạy. Hoa kiều lại rất giỏi giao thiệp, nhất là ai biết được vài ba thứ tiếng thì đứng ra làm môi giới cho tư bản ngoại quốc hoặc tham gia chính trị. Chính vì giao thiệp giỏi nên việc buôn bán của họ ít bị phá hay bị người khác chèn ép. Một thủ đoạn được người Khách áp dụng triệt để là lấy vợ Annam vì lấy vợ người Annam có nhiều cái lợi là có một người “đầy tớ” giúp trông coi việc làm ăn buôn bán và cái lợi “con” nối dõi tông đường.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa tính tới sự can thiệp của thực dân Pháp thì người Annam không có cách gì để tranh buôn bán với người Khách được. Nhân dân vẫn mua hàng Tàu, vẫn uống chè Tàu; đồ Tàu là tốt, đẹp, bền, rẻ và mọi cuộc buôn bán to lớn vẫn nằm trong tay người Tàu: định giá gạo, mua sơn của ta bán ra nước ngoài, bán bông cho Nhật Bản kéo sợi rồi mang sợi đó về bán lại cho dân ta… Mọi thứ hàng hóa của ta xuất cảng đều vẫn nằm trong tay người Tàu [116]; còn thương nhân người Việt vẫn thua lỗ, phá sản. Điều này là do nhiều người vẫn chưa hiểu rõ cách làm của việc bài trừ ngoại hóa. Ta tẩy chay người Tàu chẳng qua chỉ là muốn tranh thương mà thôi nên đó là sự thị uy nhất thời, cách để “người Tàu biết rằng dân khí người Việt Nam ta không có ủy mị như ngày xưa nữa, và lấy thân phận họ là kẻ kiều cư, trong cách giao thiệp với người mình không nên giữ những thói kiêu căng như trước nữa” [19, tr.230] nên không thể hy vọng chấn chỉnh thương trường, giành quyền lợi từ tay Khách bằng phương pháp này được. Muốn để chế

Khách thì phải nhằm vào những vị trí cao mà họ đang nắm giữ trong thương giới, chứ không nên nhằm vào bậc hạ đẳng thương mại. Lập được vài ba hiệu cao lâu, dăm ba tiệm bán cháo, cạnh tranh như vậy không mang lại kết quả gì. Địa vị của người Hoa trên thương trường là rất lớn nên muốn giành thương quyền thì phải xem xét kỹ lưỡng, biết người biết ta mà lập kế hoạch công kích.

Ngoài ra, tư sản Việt Nam có nhằm vào tư bản Pháp. Hoạt động đáng chú ý nhất của tư sản Việt Nam vào tư bản Pháp là cuộc đấu tranh chống độc quyền thương cảng Sài Gòn (1923) ở Nam Kỳ do tư sản và địa chủ Nam Kỳ đã phát động. Phong trào đã thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên trí thức, tiểu tư sản ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ. Phong trào còn nhận được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ ở Pháp. Trước sức ép của dư luận ở Pháp và Việt Nam, chính quyền thuộc địa đã hoãn thi hành Nghị quyết của Hội đồng thuộc

địa Nam Kỳ. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự phản đối với một công ty Pháp chứ chưa nhắm vào toàn bộ tư bản Pháp ở thuộc địa. Về cơ bản, tư sản Việt Nam vẫn có sự đề cao, coi Pháp là “thầy” và khi chính quyền thực dân có sự nhượng bộ thì tư sản Việt có thái độ thỏa hiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)