5. Cấu trúc luận văn
3.4. Một số nhà thực nghiệp tiêu biểu
3.4.3. Trương Văn Bền (1883-1956)
Trương Văn Bền từ bé đã được tiếp xúc với những tư tưởng mới mẻ của văn minh phương Tây, nhất là cha ông cũng là một thương nhân nên ông càng hiểu thêm về tầm quan trọng của kinh tế đối với vận mệnh của một quốc gia. Năm 1901 ông nối nghiệp cha và bắt đầu mở rộng kinh doanh buôn bán. Từ một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức ông thành lập Công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp và một số xưởng sản xuất tinh luyện dầu ở Sài Gòn với đủ loại từ dầu nấu ăn, dầu salat, dầu dừa, dầu castor, dầu cao su… Bằng sự nhanh nhạy của một người kinh doanh, Trương Văn Bền nhận thấy việc sản xuất và kinh doanh xà bông trong nước chưa được quan tâm vì sản phẩm xà bông của người Việt kém chất lượng, không cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Từ những nguyên liệu có sẵn như mủ thông cùng sự tìm tòi khám phá, ứng dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất xà bông, Trương Văn Bền đã sản xuất được loại xà bông đạt chất lượng quốc tế mà giá lại rẻ nên nhanh chóng ông đánh bật được hàng của Pháp và xuất khẩu ra toàn cõi Đông Dương, sang cả Hương Cảng. Sản phẩm mang tên: Xà bông cô Ba. Ông cũng là một trong những người đầu tiên kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, khẩu hiệu của hãng Xà bông Trương Văn Bền là: “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam”. Nhờ những thành công lớn trên thương trường, ông được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan kinh tế của chính quyền thuộc địa như: hội viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (1920), nghị viên phòng Thương mại (1924), Phó Chủ tịch Phong Thương mại (1932-1941); Hội viên Hội đồng quản trị Sở lúa gạo Đông Dương, Chủ tịch Liên Hiệp canh nông, Chủ tịch nhà băng Tín dụng canh nông Chợ Lớn (1932)… Đặc biệt năm 1929 ông trở thành hội viên của Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương. Tại đây, ông đã có nhiều đóng góp trong việc thay đổi các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ.