Nhà nho cấp tiến luận bàn về thực nghiệp, chấn hưng thực nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 42 - 47)

5. Cấu trúc luận văn

2.2. Nhà nho cấp tiến luận bàn về thực nghiệp, chấn hưng thực nghiệp

“Thực” có nghĩa là ăn, “nghiệp” là nghề nghiệp. “Thực nghiệp” là một từ chung dùng để chỉ những công cuộc cần thiết cho sự sống của con người như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp. Theo các nhà nho thì thực nghiệp“là nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người, đối lập với hư văn” [118, tr.1246]. “Chấn hưng thực nghiệp” là làm cho các ngành nghề phục hồi, phát triển. Thực chất là khôi phục, phát triển kinh tế, làm cho dân giàu và đất nước trở nên cường thịnh, văn minh.

Tư tưởng làm kinh tế có thể nói là một sự mới mẻ, thậm chí là đột phá trong tư tưởng của nho sĩ, những người vốn dĩ thấm nhuần các luân lý của Nho giáo. Thực tế vấn đề kinh tế đã được nói đến trước đó trong các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ… Họ đều nhận ra rằng cải cách là phương pháp hữu hiệu nhất để giữ nước và làm cho đất nước phát triển, giàu mạnh. Các vấn đề cơ bản để canh tân được đặt ra gồm: mở cửa đất nước, học tập khoa học - kỹ thuật của phương Tây và phát triển thương nghiệp. Trong các bản điều trần, việc chấn hưng kinh tế được đặt lên hàng đầu. Theo các nhà canh tân cần phát triển thương mại, nhất là ngoại thương là cách tốt nhất để làm cho dân cường, nước thịnh; thay đổi tư tưởng trọng nông ức thương, dĩ nông vi bản của Nho gia vốn tồn tại lâu đời trong suy nghĩ của vua quan cũng như nhân dân. Những ngành nghề này không chỉ mang lại cho người dân cơm ăn áo mặc, sự giàu có; làm cho nước thịnh mà còn là nguồn thu thuế cho triều đình để có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao dân trí, đời sống tinh thần của người dân và có thể mua vũ khí hiện đại chống lại quân xâm lược… Nhiều tác phẩm dịch thuật do người Trung Quốc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hán đã được xuất bản ở Việt Nam nhằm phổ biến tri thức cho xã hội như Báu vật tân biên, Khai môn yếu pháp, Hàng hải kim châm, Vạn quốc công pháp… Và những điều này không

hề trái với tư tưởng của Nho giáo. Sách Luận ngữ, Đại học đều nói phải giàu mới giáo dục.

Các tư tưởng và sách lược của những nhà canh tân tiền bối được các nhà nho cấp tiến đầu thế kỷ XX tiếp thu, luận bàn với nội dung phong phú hơn: phát triển các ngành công thương, cải tạo nghề nông, sản xuất hàng hóa nông lâm sản xuất khẩu, khẳng định vai trò của thương nhân… Thương nghiệp là ngành nghề được bàn luận sôi nổi nhất.

Trước hết là các nhà nho đánh giá vai trò của nghề buôn bán, tầng lớp thương nhân người Việt. Đây là một nghề rất quan trọng đối với sự phát triển của một đất nước. Buôn bán có phát triển thì đất nước mới cường thịnh, nhân dân được no ấm; buôn bán mà suy thì đất nước cũng suy. Trên thế giới các đại quốc do thông thương mà phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà “phú gia địch quốc”. Việt Nam muốn cường thịnh thì phải phát triển thương nghiệp và chỉ có thương nghiệp mới làm cho nhân dân no ấm, tiến tới văn minh. Nhưng nhìn lại thương nghiệp Việt Nam thì thấy rằng nó không có đóng góp nhiều vào sự phát triển đất nước, không được thịnh vượng như nhiều nước. Lương Văn Can đã tổng kết những điểm yếu kém của thương nghiệp, thương nhân Việt trong cuốn Thương học phương châm: không có thương phẩm, không có thương hội, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh bỉ nội hóa. Theo Phan Kế Bính trong

Việt Nam phong tục thì nguyên nhân là: không biết trọng nghề buôn bán, không dám đi xa, không có lòng thành thật, không có lòng kiên nhẫn, ưa phù hoa sĩ diện.

Các nhà nho cấp tiến đã phê phán mạnh mẽ quan niệm của Nho giáo coi nghề buôn là nghề mạt hạng, tư tưởng trọng sĩ còn thương nhân là lớp

người thấp hèn nhất trong xã hội và các triều đại phong kiến đều thực hiện chính sách trọng nông ức thương, đến nhà Nguyễn thì ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng khiến cho thương nghiệp không phát lên được. “Người nước ta xưa nay chia ra bốn nghề: sĩ, nông, công, thương. Sĩ cao quý nhất, thứ đến là thương, công, nông hèn hạ nhất. Ấy là vì người một ngày kia sẽ trở nên quan, nên sĩ cũng tôn quý nhất. Người buôn bán phần nhiều giàu có, người làm ruộng phần nhiều nghèo, cho nên thương được xếp sau sĩ, mà nông, công lại xếp cuối cùng, sau thương. Thành kiến ấy ở nước ta là cố hữu, khó lòng phá bỏ. Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cùng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa! Sĩ đã không biết việc nông, công, thương, mà nông, công, thương phần nhiều lại ngu dốt, không học hành, không biết nông học là gì, công nghiệp là gì, địa lý là gì, đại số là gì, cách trí, hóa học là gì, không những không được học những môn ấy mà nghe cũng chưa hề nghe nói đến. Cho nên trăm môn chẳng biết môn nào, thực nghiệp mới không chấn hưng được” [91, tr.310-311]. Lý thuyết truyền thống của Nho học là kiệm, không có gì bằng kiệm và nguồn gốc của sự giàu có là làm ruộng. Các nhà nho kêu gọi phải bỏ những tư tưởng lạc hậu này đi thì thực nghiệp mới thành công được, xưa đi học để làm quan thì nay đi học để kinh doanh, “cái thuyết khinh rẻ công nghệ đã nổi lên thì vàng bạc gỗ đá chỉ là nguyên liệu cho người nước ngoài dùng; cái đạo khuyến khích công nghệ được thịnh hành thì nước lửa gió điện đều giúp ích cho sự cần dùng hàng ngày của dân ta cả. Vậy thì không thể không chấn hưng công nghệ” [38, tr.64].

Các nhà nho cũng thể hiện sự đau xót trước việc các nguồn tài nguyên, tiền bạc của đất nước lại do những người dị quốc hưởng: “Của báu núi rừng, ta không được hưởng nguồn lợi; trăm thứ hàng hóa ta không nắm được lợi

quyền (…). Thử đem cái bảng kê số xuất nhập khẩu trong một năm mà tính xem sẽ thấy một gánh vàng đi đổ sông Ngô thì không sao mong châu về Hợp Phố nữa! Của nước như thế thật đáng tiếc” [43, tr.208]. Họ “hãi hùng” khi nhìn lại nền kinh tế Việt Nam đã kém phát triển lại còn rất lạc hậu, “vẫn như cũ”.

Nông học có hội: người ta đương cạnh tranh về nghề nông đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi ta có máy cày giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, các phương pháp mới để cứu hạn hán, trị sâu keo không?

Thương chính có cơ sở: người ta đương cạnh tranh về nghề buôn đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi có hạm đội để hộ thương, công ty lớn do chính phủ và nhân dân góp vốn cổ phần lại để lập nên không?

Công nghiệp có xưởng: người ta cạnh tranh về công nghệ đấy! Còn ta thì vẫn như cũ! Hỏi trong công nghệ có ai trổ khéo, phô tài ngày một mới, tháng một lạ, như Watt, như Edison không? Tài sản của nhân dân như thế, thật đáng hãi hùng” [87, tr.117].

Trong bài Về Công ty buôn bán An nam đăng trên Đăng Cổ tùng báo số báo 796 (18-4-1907), Nghiêm Xuân Quảng đã nhận xét về kinh tế nước ta: “Biết bao nhiêu là đèn, là dầu, là vải, là vóc, là ô, nào giầy, nào bít tất, là đồ văn minh các nước chở vào nước mình; thế mà nước mình không có một cái gì để đổi lại, để thâu cho hết tiền bạc của ta, mang từng xe từng hòm đi. Các ông cũng biết rằng nước ta được bao nhiêu của rọt máu bồ hôi, mà để đựng vào cái chén bốn mặt thấm hết đi, thì được bao lâu mà cạn hết?

Chết nổi! Cả nước không có một cửa hàng nào lớn, một xưởng thợ nào đông, người trong nước thì không có nghề nghiệp gì mà trông cậy được! Mấy mươi triệu người nhung nhúc mà chỉ khư khư trông nom vào một ít ruộng cũ troèn troèn, mà một người chưa làm thì 10 người đã chực ăn, nhẽ nào đến

năm mất mùa mà chả chết đói? Các ông thử nghĩ rằng cái sự ấy là bởi tại ai làm ra vậy? Có phải tại chúng mình hay không?

Cần làm những gì để chấn hưng công nghệ? Các nhà nho cấp tiến cho rằng đầu tiên cần có một nền thương học, tức khoa học về thương mại gồm các vấn đề kinh tế: sản nghiệp, bản quyền, thương hiệu, vốn… cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể tiến xa trên thương trường. Trong tư tưởng của họ thì phát triển kinh tế tư bản dân tộc là trụ cột, nghĩa là cần chấn chỉnh thương trường, chấn hưng thương giới, người Việt phải tham gia kinh doanh (hùn vốn lập hội buôn, mở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền). Đối với mỗi nhà nho cấp tiến, mỗi người lại có suy nghĩ, quan điểm khác nhau về thực nghiệp. Phan Châu Trinh cho rằng sự phát triển của đất nước dựa trên sự phát triển của ngành công thương; cải tạo nghề nông, sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu và quan trọng là phải dựa vào chính sách của Pháp để phát triển. Ông khuyên mọi người nên đi học nghề, hùn vốn cùng làm ăn, biết cần kiệm; buôn bán với nước ngoài:

Người ta trọng có tài có nghiệp Kẻ không nghề cả kiếp khó rèn Dẫu rằng thợ mộc, thợ rèn

Tài hay trí tốt tiếng khen vang rầm Từ những đáng hoàng thân quý tộc Chẳng ai không đi học lấy nghề Hỡi những người trí cả thương quê Mau mau đi học lấy nghề

Trần Quý Cáp lại quan niệm là cần phổ biến tư tưởng kinh tế mới, phương thức sản xuất mới với xuất phát điểm là tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ của người dân trong nước. Khi nhân dân biết đoàn kết cùng nhau làm kinh tế sẽ giúp ích được cho đất nước. Lương Văn Can thì chủ trương: muốn làm cho dân giàu, nước mạnh thì phải phát triển nghề buôn, mọi người phải chú trọng thực nghiệp, phải có nền thương học. Nguyễn Thượng Hiền cũng kêu gọi nhân dân “hợp quần”, “cải lương” nhưng ông phản đối quan điểm vì nước ta nghèo mới bị xâm lược, mất độc lập.

Như vậy, bàn đến kinh tế, cổ động thực nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với một bộ phận Nho sĩ vốn chỉ quen với cửa Khổng sân Trình và bị kỳ thị trong xã hội phong kiến. Điều này đối với họ thực sự là một cuộc cách mạng tư tưởng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 42 - 47)