Đánh giá vai trò của thực nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 67 - 70)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Giai cấp tư sản với vấn đề thực nghiệp, chấn hưng thực nghiệp ở Việt

3.2.1. Đánh giá vai trò của thực nghiệp

Trước hết, các nhà tư sản Việt Nam đều khẳng định thực nghiệp có vai trò rất quan trọng vì nó đảm bảo cuộc sống vật chất được no đủ, “không có những nhà thực nghiệp ra tài kinh tế thời tiền không gạo hết, dẫu anh hùng chi mấy cũng phải khoanh tay” [24]; nó quyết định sự hưng vong của một quốc gia, kinh tế có vững mạnh thì đất nước mới vững bền, “thực nghiệp là ảnh hưởng cuộc thịnh suy của một nước, tư bản là thế lực sự mạnh yếu của một giống nòi” [7]. “Trong một nước mà mọi đường thực nghiệp đều được phát đạt, thời nước cũng nhờ đó mà trở nên một nước phú cường” [103]. Và cũng vì thực nghiệp là con đường nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với phương Tây, “cái gương sáng của sự thực nghiệp đã soi khắp cả thế giới, mà đội viễn chinh các nhà thực nghiệp sẽ lẩn theo sông

lớn biển Đại Tây Dương đánh trống phất cờ mà chiếm lĩnh các nơi quan yếu. Các nước giầu mạnh còn phải sự lấy thực nghiệp làm quan trọng như thế, huống gì những nước nghèo yếu lại phải cần kíp về sự thực nghiệp biết là chừng nào!

Than ôi! Gió Mỹ ào ào, mưa Âu rầm rập, cuộc tiến hóa đi mau như chớp, mình không bước theo cho kịp thời người tới ta lui, người lên ta xuống, luẩn quẩn mãi trong vòng hắc ám, biết bao giờ lên tới cõi văn minh” [24].

Thực nghiệp không chỉ có ý nghĩa trong thời bình mà khi đất nước có chiến tranh thì thực nghiệp lại càng quan trọng hơn vì “nếu không có người làm thợ thì lấy ai đúc súng đạn, khí giới để chống cự lại cùng kẻ thù, nếu không có người canh nông thương mãi, thì nhờ ai mà có quân nhu vật thực cho binh lính tiêu thụ trong lúc chiến tranh” [68].

Thứ hai, tư sản Việt Nam phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam. Đó là một nền kinh tế “nông chẳng ra nông, công chẳng ra công mà thương cũng chẳng ra thương” [103]; chẳng có nhà nào giàu có nhờ vào buôn bán và cũng không có nhà nào giỏi về kỹ nghệ. Thực nghiệp rất quan trọng nhưng người Việt lại không coi trọng nó. Nguyên nhân là do tư tưởng trọng sĩ, trọng nông ức thương, dĩ nông vi bản; coi đi buôn là nghề buôn thúng bán mẹt, thương nhân là lớp người hèn hạ của triết lý Nho giáo vốn đã ăn sâu vào trong đầu óc người Việt. Huấn đạo Ngô Quý Chấn đã chỉ ra hai nguyên nhân khiến nước ta vẫn còn nghèo khó: “Một là kỹ nghệ vụng về, công giới còn hủ bại; hai là buôn bán nhỏ mọn, thương giới còn hẹp hòi. Nghề đã vụng thì phải dùng đồ khéo đồ đẹp của người, tiền của rò ra ngoài hết; mà buôn bán hẹp, thì chỉ buôn quanh bán quẩn, lời - lãi chẳng được bao nhiêu” [15].

Giống như các nhà nho cấp tiến, tư sản Việt Nam lên án mạnh mẽ những người có tư tưởng trọng quan khinh thương ấy: “Một số người có tài

trí thì không chịu để tâm đến việc khác, chỉ mài vào đường khoa cử, mong giật được cái giải ông nghè, ông cống để bước lên địa vị quyền cao chức trọng, mà nghênh ngang ngựa vàng, nhà ngọc cho được thỏa cái chí nguyện bình sinh biết sướng lấy thân mình đã” [76, tr.24]. Những người nông dân, thợ thủ công, thương nhân đều là “bậc dân hèn hạ, dầu có một vài người làm về thực nghiệp cũng chẳng qua là trông mong vào đường quan lại không được, bất đắc dĩ mới phải làm cho khỏi túng đói” [24]. Không chịu làm ăn, không có ý thức vươn lên, tự bằng lòng với những gì mình có và nhà nước cũng thiếu quan tâm nên các mối lợi đều người ngoại quốc nắm, tiền bạc theo đó cũng rơi vào tay họ. Vì thế giờ muốn phát triển kinh tế, muốn giàu có thì cần phải xoá bỏ tư tưởng trọng khoa cử, phải trọng thương: “Ôi! Làm một chú lái tuy cái tiếng không được sang bằng cái tiếng quan, song nếu chú lái mà biết lái cái giỏi thì cái nguồn lợi giầu thịnh của nước tất ở như những tay chú lái cả” [76, tr.25]; “phải tranh đoạt lại các quyền lợi kinh tế từ tay người Hoa; phải học cách buôn bán của Trung Hoa và Âu Mỹ; phải thành thật trong kinh doanh và có chí buôn bán lớn; mỗi người phải biết phát huy tài năng kinh doanh trong nghề nghiệp của mình” [76, tr.25].

Nhiều nhà tư sản Việt Nam cho rằng cần đưa thực nghiệp vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học. Tư tưởng này được thể hiện rõ trên Thực nghiệp dân báo, Lục tỉnh tân văn, theo đó thì học không chỉ để làm người, lấy kiến thức mà cần hướng cho học sinh nhận thức học còn để lập thân, tự lập nuôi thân và cũng giúp ích cho xã hội. Giáo viên cũng cần hướng dân cho học sinh có hứng thú với thực nghiệp và cung cấp trí thức cho các em về thực nghiệp. Coi giáo dục và kinh tế là căn bản trong việc chấn dân khí, chấn dân trí.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 67 - 70)