Phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều (1919)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 90 - 92)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.4. Phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều (1919)

Sự kiện tiêu biểu nhất trong các hoạt động chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa, tẩy chay Khách trú là phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều diễn ra vào năm 1919 do các nhà tư sản Việt phát động.

Vốn đã tích tụ trong lòng những mâu thuẫn, bất mãn với tư sản Hoa kiều nên chỉ cần một chút tác động nhỏ cũng làm bùng phát cuộc đấu tranh.

Từ việc những nhân viên người Việt ở Sở Công chính đồng loạt không đến uống café ở quán café của người Hoa trên đường Hamelin (Sài Gòn) do quán tăng giá từ 2 xu lên 4 xu/cốc, phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều bùng nổ.

Thực chất nguyên nhân sâu xa của sự kiện này là xuất phát từ ý thức dân tộc, ý thức giai cấp của tư sản Việt. Người Hoa nắm trong tay nhiều mối lợi lớn lại có sự dung dưỡng của nhà nước thực dân, tư sản Việt Nam không có điều kiện phát triển. Cũng tức là ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của một giai cấp, một dân tộc. Gạt bỏ ảnh hưởng, thế lực của Hoa kiều là giành lại quyền lợi kinh tế và tạo được chỗ đứng cho giai cấp tư sản Việt Nam trên thương trường. Ban đầu là không uống café, mọi người khuyên bảo nhau không dùng hàng hóa của người Hoa, không mua bán với người Hoa, lập cửa hiệu tranh thương với Hoa thương. Phong trào lan rộng ra khắp các tỉnh ở Nam Kỳ rồi ra tận Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Nhân dân khắp nơi hưởng ứng, tham gia một cách sôi nổi.

Trong nội bộ những người tham gia phong trào có sự phân hóa thành hai xu hướng: bạo động và ôn hòa. Những người theo xu hướng bạo động đã đập phá cửa hiệu, tiệm buôn của người Hoa. Các vụ đập phá ngày càng nhiều, ảnh hưởng tới an ninh trật tự nên buộc nhà cầm quyền Pháp phải can thiệp: bắt những người tham gia, cấm tụ họp đông người. Những người còn lại theo xu hướng ôn hòa chủ yếu là thương gia giàu có: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Sơn Hà… Họ chiến đấu với Hoa thương trên thương trường; tham gia vào các hoạt động kinh doanh buôn bán, sản xuất để tranh thương với Hoa kiều và đã làm khuynh đảo thế lực của Hoa thương.

Có thể nói phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều (1919) thực chất chỉ là cuộc đấu tranh vì quyền lợi giai cấp giữa tư sản Việt Nam với tư sản Hoa kiều. Cuộc đấu tranh chứng tỏ mâu thuẫn giữa tư sản Việt với tư sản ngoại

quốc ngày càng trở nên gay gắt. Nhưng cuộc đấu tranh mới chỉ dừng lại ở việc tranh thương với Hoa thương chứ chưa nhắm tới mục tiêu chính là tư bản Pháp. Do hoàn cảnh lịch sử đất nước, bản thân giai cấp tư sản Việt Nam yếu thế và lực nên phong trào cũng nhanh chóng bị dập tắt bởi sự can thiệp của chính quyền thực dân Pháp, thế lực của Hoa thương vẫn còn mạnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 90 - 92)