Cổ động thực nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 80 - 83)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Cổ động thực nghiệp

Trong những yếu tố giúp cho đường thực nghiệp, yếu tố vốn và thành lập hội công thương được các nhà tư sản Việt nhắc đến nhiều nhất. Có vốn mới có điều kiện để ganh đua với tư bản ngoại kiều; “tiền bạc như huyết mạch của cả thế giới, không có tiền thì thế giới cũng phải tiêu diệt, chẳng còn đâu là cạnh tranh, chẳng còn đâu là tiến bộ nữa” [39]. Các nhà thực nghiệp kêu gọi mọi người đứng ra hùn vốn cùng nhau lập hội buôn, công ty sản xuất. “Các nhà phú gia điền chủ lắm bạc nhiều tiền nên hùn phần lập công ty, mở nhà máy vừa là để trọng dụng nhân tài có công du học, vừa là để cứu chữa lấy nền kinh tế nước nhà, lại vừa là mưu lợi riêng cho mình, vì đó mới là một cách dùng tiền hữu ích hữu lợi” [5, tr.182]. Đáp ứng lời kêu gọi của giai cấp tư sản, một số địa chủ bỏ vốn ra lập công ty buôn bán, xí nghiệp lớn: Công ty nước mắm Liên Thành (1907-1908), nhà máy điện Long Đức (1929)…

Buôn có hội bán có phường là một trong những điều kiện giúp cho việc thương mại thành công và thực tế chứng minh rằng có hội đoàn mới bảo vệ được quyền lợi của thương nhân. Nhiều hội công thương đã được thành lập trên khắp ba kỳ Hội thầu khoán ái hữu, Trung Kỳ công thương gia hội, Bắc Kỳ Công thương Đồng nghiệp (Hội Trung Bắc Kỳ nông công thương tương tế), Nông nghiệp tương tế, Việt Nam thương cục, Việt Nam ngân hàng… Mục đích thành lập hội để “kiếm cho các hội viên những dịp giao tiếp với nhau để bàn bạc về việc công thương, gây tình liên lạc và giúp nhau trong đường công thương; mở mang cho dân Annam lòng ưa chuộng thương mại kỹ nghệ; giúp sức cho việc mở mang nền kinh tế nước nhà, lập nên một cơ quan thực tế để với hội viên bày tỏ ý kiến và thông tin tức có quan hệ đến nền kinh tế bản xứ,

cùng yêu cầu với các nhà đương chức thi hành những phương pháp giúp ích cho việc mở mang nền công thương trong xứ; bênh vực quyền lợi chung của các hội viên” [76, tr.30].

Tiêu biểu nhất trong số các đoàn hội của tư sản Việt Nam là Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp (Hội Trung Bắc Kỳ nông công thương tương tế) ra đời vào ngày 17-10-1920 theo ý tưởng của một nhà tư sản ở Hà Nội là Nguyễn Huy Lợi. Ý tưởng này nhanh chóng được nhiều nhà tư sản Việt Nam ủng hộ. Mục đích của Hội được ghi rõ trong Điều lệ: “để gây cái tính hữu ái, cái nghĩa đồng bào trong bạn đồng nghiệp, để thông tin cho các bạn đồng nghiệp biết những sự ích lợi có can thiệp đến việc mình làm, để giúp sự ích cho hội viên và tìm cách làm cho cảnh ngộ các hội viên được thêm khoái lạc, để đỡ đần hội viên hoặc gia quyến hội viên trong khi biến cố, để trông nom tang lễ cho các hội viên khi xẩy tới” [75, tr.69]. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ sở của Hội đã có mặt ở khắp cả ba kỳ và trở thành “đoàn thể lớn nhất toàn cõi Đông Dương” được chính quyền thực dân lẫn vua Nguyễn công nhận. Hội là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho hoạt động công thương, bảo vệ quyền lợi cho tư sản Việt thời kỳ này. Tờ Hữu thanh tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội, luôn dành 10 trang cuối cùng để đăng tải các thông tin hoạt động của Hội, là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của hội viên.

Ngoài ra, các nhà tư sản Việt Nam cũng yêu cầu chính quyền thuộc địa cho phép lập phòng thương mại ở Hà Nội và Hải Phòng nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo vệ các quyền lợi cũng như các hoạt động kinh tế của tư sản Việt Nam.

Các nhà thực nghiệp đăng bài về các tấm gương làm giàu trên thế giới trong mục Thế giới thương nghiệp sử của Thực nghiệp dân báo như các nước Anh, Pháp, Hy Lạp đã khoáng trương đất nước như thế nào để trở thành những cường quốc lớn mạnh hay những cá nhân xuất thân bần hàn nhưng nhờ

có ý chí, nghị lực làm giàu mà thoát được cảnh bần hàn, vươn lên trở thành những nhà tư sản giàu có như bà Delavan (Mỹ), Palissy (Pháp)… Và mục

Thực nghiệp tiểu thuyết (Thực nghiệp thuyết lâm) đăng truyện có nội dung liên quan đến vấn đề thực nghiệp như Tình cảnh nông phu, Thiên cổ tài tình… Mục đích của các nhà thực nghiệp là dân ta thấy tầm quan trọng của thực nghiệp, khắp nơi người ta đều tìm đường phát triển, làm giàu và ta nên lấy đó làm gương mà học theo, làm theo.

Coi nghề nghiệp để mưu sinh, sinh tồn tức là mọi người đều phải tham gia, chuyện không của riêng một cá nhân, một tầng lớp nào. Mục Phụ nữ diễn đàn, Độc giả luận đàn (Thực nghiệp dân báo) mở ra là diễn đàn cho tất cả mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai cùng tham gia đàm luận, bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề thực nghiệp nước nhà, có thể đề ra biện pháp cho phong trào chấn hưng nền kinh tế, cách giành lại lợi quyền từ tay tư sản ngoại kiều hoặc trao đổi kinh nghiệm với nhau. Hoặc đăng tải những bài tranh luận của độc giả về một vấn đề nào đó. Ví dụ trên Thực nghiệp dân báo số 7 (tháng 7-1920) đăng bài tranh luận của Đức Xuyên - “Buôn hơn làm ruộng” phản bác lại quan điểm của Nhụ Mai - “Làm ruộng hơn buôn”. Nhụ Mai cho rằng: “làm ruộng là một sự làm giàu rất vững bền” vì nước ta vốn là con cháu Thần Nông; xưa nay chỉ biết nghề làm ruộng và dân trong nước chẳng biết sự thông thương nào mà cũng phong lưu giàu có. Nhưng Đức Xuyên thì cho rằng: “dân không chỉ ăn mà đủ đâu, còn cần phải có tiền tiêu nữa, nếu không có sự giao thông mậu dịch thì lấy đâu ra tiền, mà không có tiền thì lấy gì mà làm ra công kia việc nọ, đua chen với thế giới được. Vậy nên nghề thương là nghề quan trọng nhất đời nay vậy” [117]. Mai Xuân Nguyên khẳng định: “công nghệ là gốc cho mọi nghề… Thế giới tự đâu mà văn minh? Tự nông hay tự thương. Không có lẽ. Tất phải tự công nghệ” [78].

Hay như bài “Kinh tế của xứ ta - Một vài dư luận về kinh tế nước nhà, có can hệ chi với nông, công, thương chăng?” của Trần Văn Dỏng nêu quan điểm: muốn mở mang thực nghiệp thì cần phải có hội. Chọn lấy một người có học thức, có nhiệt thành, chân thật lãnh đạo hội. Hội đó phải lớn, có thế lực để nắm trong tay các loại hàng hóa (nông, công, thương) xuất cảng. Trong hội phải có sự đồng tâm để mưu tính lợi ích, xuất bản báo làm cơ quan ngôn luận của hội… Như thế thì đường kinh tế của nước nhà mới phát đạt và nó còn có ích về sau nữa.

Tuy các bài báo không được đăng tải đều đặn nhưng nó đã thu hút được phần nào sự chú ý, quan tâm của nhân dân tới các phong trào mà giai cấp tư sản Việt Nam phát động.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 80 - 83)