Vài nét về tầng lớp nhà nho cấp tiến Việt Nam đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 39 - 42)

5. Cấu trúc luận văn

2.1. Vài nét về tầng lớp nhà nho cấp tiến Việt Nam đầu thế kỷ XX

Bước sang thế kỷ XX, dưới tác động của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Việt Nam có sự biến chuyển về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời đã mở đường cho văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam với những ưu thế, sức mạnh của nó.

Về chính trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, chia nước ta thành ba kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau: Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Bắc Kỳ là xứ bảo hộ và Trung Kỳ là xứ bán bảo hộ. Về kinh tế: phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa; nền kinh tế nông nghiệp tự cung - tự cấp chuyển dần sang nền kinh tế hàng hóa mang tính chất tư bản chủ nghĩa và Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Về xã hội, cơ cấu xã hội cổ truyền theo kết cấu tứ dân (sĩ - nông - công - thương) bị xóa bỏ. Các giai cấp của xã hội phong kiến (địa chủ, nông dân) vẫn tồn tại và xuất hiện những giai tầng mới: tư sản, tiểu tư sản, công nhân.

Về giáo dục, thực dân Pháp tìm cách “Pháp hóa”, xóa bỏ nền giáo dục Nho học cũng là xóa bỏ Nho giáo, ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam. Qua hai cuộc cải cách giáo dục (1906, 1917), giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi về hệ thống tổ chức, cơ cấu ngành nghề, nội dung đào tạo và xác lập được một nền giáo dục duy nhất trên toàn quốc, dạy bằng tiếng Pháp. Bởi mục đích của giáo dục là đào tạo đội ngũ nhân viên làm việc cho chính quyền thực dân, truyền bá văn hóa Pháp nên nội dung giảng dạy hạn hẹp, có sự phân biệt lớn giữa người Pháp với người bản xứ, giữa người bản xứ với nhau. Tuy vậy nó đã bước đầu đưa đến những điều mới lạ cho tầng lớp Nho sĩ vốn chỉ

biết Tứ thư, Ngũ kinh và bộ phận thanh niên Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện cho những luồng tư tưởng tiến bộ được truyền bá vào Việt Nam: Tân văn, Tân thư; các tác phẩm của Lư Thoa (Rousseau), Phúc Lộc Đắc Nhĩ (Voltaire), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu)… Đây là cơ sở để họ từng bước thay đổi nhận thức, tạo lập cho bản thân một cách nhìn mới; tư duy khách quan hơn về thế giới, con người và thời cuộc. Các sách về tư tưởng duy tân được các nhà nho Việt Nam tìm đọc chủ yếu gồm [102, tr.35-38]:

- Loại sách giới thiệu, thuyết minh về tư tưởng duy tân dân chủ (tân thư) có Đại Đồng thư (Khang Hữu Vi), đặc biệt là bộ Ẩm băng thất tùng thư

(Lương Khải Siêu). Bộ sách này có ảnh hưởng rất lớn đền các nhà nho Việt Nam. Trong tác phẩm Trung Quốc hồn, Lương Khải Siêu nói về sự lạc hậu của xã hội và những hiểm họa đối với nòi giống trước tình hình mới. Cuốn

Mậu Tuất chính biến ký kể rõ cuộc vận động duy tân thất bại của vua Quang Tự, cho thấy những xáo động lớn lao của Trung Quốc.

- Những tập vịnh sử, ký sự về tình hình hiện đại của Nhật Bản như

Nhật Bản duy tân tam thập niên sử (bản dịch chữ Hán của La Hiếu Cao)…

- Các tác phẩm nêu những tấm gương chiến đấu của các chí sĩ hoạt động chính trị, cách mạng trên thế giới như: Qua Đặc (Jeane d’Arc), La Lan (Roland), vua Bỉ Đắc (Pierre le Giand), Hoa Thịnh Đốn (Washington), Nã Phá Luân (Napoléon)… trong Kinh quốc mỹ đàm, Cận thế chi quái kiệt

- Các tập sách dịch các luận thuyết của các nhà tư tưởng thế kỷ XVIII ở phương Tây: Vạn pháp tinh lý (Montesquieu), Dân ước (Rousseau)…

- Báo chí (tân văn), nhất là của Trung Quốc, truyền vào Việt Nam đã được các nhà nho Việt Nam nhiệt tình đón nhận như tờ Dân báo của Chương Thái Viêm…

- Các văn bản của những nhà duy tân Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX cũng được lưu hành: Các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Thiên hạ đại thể luận của Nguyễn Lộ Trạch… Ngoài ra, khuynh hướng chú trọng về thực nghiệm khiến cho một số nhà nho cũng tìm cách nghiên cứu một số vấn đề khoa học. Nhiều sách cũ của Trung Quốc (không thuộc thời kỳ duy tân) được tìm đọc, gồm nhiều lĩnh vực: nông nghiệp (Nông chính toàn thư), sách thiên văn (Quản khu trắc lệ), những sách theo dạng tu tri (toán pháp, cách trí…).

Do vậy trong đội ngũ trí thức bắt đầu có sự phân hóa về tư tưởng, hành động: bộ phận trí thức Nho học thủ cựu và bộ phận trí thức Nho học theo xu hướng duy tân hay đội ngũ nhà nho cấp tiến.

Những nhà nho cấp tiến đã bắt đầu nhìn nhận lại đạo lý Khổng Mạnh, thấy được những lạc hậu, trì trệ của các học thuyết cũ và xem xét lại mình trong thế so sánh với thế giới một cách khách quan. Họ chủ trương Việt Nam cần phải học theo con đường mà phương Tây đã đi qua, từng lĩnh vực để đến với dân chủ, công nghiệp, hiện đại xã hội theo khuynh hướng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây. Tức là duy tân trên nền tảng văn minh phương Tây. Đội ngũ nhà nho cấp tiến, có tư tưởng duy tân ngày càng đông đảo khắp Bắc - Trung - Nam, tiêu biểu phải kể đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Hữu Cầu… Dù mỗi người có những quan điểm, suy nghĩ khác nhau về con đường cứu nước nhưng đều chung mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh (hoặc thu nhân tài)”, giải phóng dân tộc, tìm con đường độc lập, dân chủ trên lập trường yêu nước, thương dân. Một trong những con đường cứu nước, cứu dân, giành độc lập dân tộc được nhiều nhà nho cấp tiến lựa chọn đó là duy tân đất nước. Đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng duy tân đầu thế kỷ XX là Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vấn đề chấn hưng thực nghiệp trên diễn đàn báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. (Trang 39 - 42)