Gần gũi, chia sẻ, động viên người có HIV+

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu mô hình chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người có HIV AIDS thông qua đồng đẳng viên ( nghiên cứu trường hợp tại huyện đông triều, tỉnh quảng ninh) (Trang 86 - 90)

10. Bố cục luận văn

3.3. Trong hoạt động hỗ trợ về tâm lý, tâm linh tinh thần

3.3.1. Gần gũi, chia sẻ, động viên người có HIV+

Nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý gần như gặp ở tất cả các khách hàng. Tuy ở mỗi người có thể biểu hiện khác nhau, nhưng những người có HIV thường có tâm lý không ổn định. Họ thường gặp phải những vấn đề về tâm lý, cảm xúc như lo buồn, chán nản, phẫn uất, hụt hẫng, phủ nhận, đổ lỗi, day dứt, mặc cảm, tự ti… Mỗi khi gặp vấn đề như vậy họ thường liên lạc với ĐĐV chăm sóc của mình để tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ. Những lúc như vậy có thể chỉ là một vài tin nhắn, một vài cuộc điện thoại, rảnh rỗi hơn, có thời gian hơn thì chạy qua nhà hay hẹn gặp nhau ở đâu đó là có thể hỗ trợ được khách hàng phần nào giải tỏa tâm lý khó chịu đang có.

Các ĐĐV không nhất thiết phải có nghiệp vụ về tư vấn, tham vấn hay hiểu biết sâu về tâm lý con người. Các hỗ trợ của họ chỉ đơn giản là đến với khách hàng khi họ có những băn khoăn, lo lắng, phiền muộn về vấn đề nào đó; căng thẳng, mâu thuẫn với ai đó; đôi khi là cả niềm vui, hạnh phúc, hài lòng về một điều gì đó muốn có ai đó để chia sẻ, lắng nghe, ngồi bên cạnh... Với sự chân tình, gần gũi, cảm thông lẫn nhau giữa những người cùng cảnh ngộ, cũng đã, đang và có thể có sẽ có những cung bậc cảm xúc như thế, phải đối mặt với những khó khăn giống nhau, những băn khoăn, lo lắng về bệnh tật và cả những trăn trở, phiền muộn, áy láy, nuối tiếc...trong việc chuẩn bị tâm lý cho những ngày cuối đời của mình, các ĐĐV và khách hàng có thể chia sẻ cho nhau, cùng tìm lại những niềm tin, sự an ủi, động viên lẫn nhau, học hỏi qua nhau như những người bạn mà đôi khi với người thân của mình không làm được như thế. Các ĐĐV chăm sóc cũng cho biết đây là yêu cầu từ khách hàng mà họ thường phải tiếp nhận nhất.

“…Khách hàng thì họ yêu cầu mình hỗ trợ nhiều thứ lắm, nhưng hay gặp nhất vẫn là hỗ trợ về tâm lý. Mỗi khi họ có gì suy nghĩ, lo buồn hay bức xúc là họ lại gọi mình. Nhiều lúc giữa đêm khuya họ cũng gọi, có khi chỉ nói với họ vài câu

chuyện để giúp họ khuây khỏa, lấy lại thăng bằng…”

(Thảo luận nhóm ĐĐV chăm sóc tại Đông Triều)

Trong bối cảnh tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với PLHIV tại cộng đồng còn phổ biến trước khi các chương trình, dự án được triển khai có sự tham gia cộng tác của các ĐĐV và các kiến thức về HIV, điều trị HIV hay các dịch vụ y tế sẵn có tại cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa đến được với PLHIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV; việc có sự tham gia của nhóm ĐĐV trong chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người có HIV/AIDS tại địa bàn Đông Triều đã thực sự đem lại những hỗ trợ và an ủi lớn đối với PLHIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn này. Các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ về tâm lý - cảm xúc mà các ĐĐV thực hiện khi đến chăm sóc tại nhà hàng tháng đã giúp cải thiện tình trạng tâm lý của PLHIV, giúp họ vượt qua mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng. Từ chỗ mặc cảm, tự ti về tình trạng nhiễm HIV, lo sợ về những hậu quả do HIV gây ra, các khách hàng được tiếp cận và chấp nhận sự chăm sóc tự nguyện của các ĐĐV đã vui vẻ, hòa đồng hơn với gia đình, cộng đồng khi họ cảm thấy họ vẫn còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng và chính quyền địa phương.

“Lúc đầu tâm lý của tôi rất nặng nề, không muốn nhìn ai, không muốn trò chuyện cùng ai nhưng khi có ĐĐV vào gặp và nói chuyện là có chương trình, dự án mời tham gia thấy cộng đồng quan tâm nên tư tưởng thoải mái hơn rất nhiều.”

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều) “… Gia đình mình bây giờ chỉ còn lại 3 mẹ con, lúc phát hiện mình rất chán trường, hụt hẫng, từ khi vào chương trình, được anh ĐĐV chăm sóc thường xuyên qua lại, gọi điện hỏi thăm, động viên. Giờ thì cũng bình thường rồi. Chỉ còn những lúc ốm đau, mệt mỏi thì buồn lắm, chỉ nghĩ lung tung thôi, những lúc như vậy rất

cần người tâm sự và mình lại gọi cho anh ấy …”

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều) “Khi quen cô Trang con thấy mọi cái đều đổi mới hết - có thêm một bạn người lớn như cô Trang để chia sẻ, tâm sự - con còn viết trong cả nhật ký”

Là những người trong cuộc, hơn ai hết các ĐĐV hiểu được những cung bậc cảm xúc, những băn khoăn lo lắng, những dư âm về căn bệnh họ đang mang trong mình. Và giờ đây với kinh nghiệm đương đầu với bệnh tật của bản thân, với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo, bổ sung trong quá trình làm ĐĐV tại cộng đồng, họ đã thực sự thổi hồn vào những người bạn đồng cảnh như mình, họ cũng không khác gì những y tá trong bệnh viện, có khác chăng chỉ là họ phải đi lại dưới cộng đồng, đến từng nhà bệnh nhân thăm hỏi, chia sẻ, lắng nghe và bắt bệnh cho họ tại nhà, cho họ những kiến thức, thông tin, những động viên, an ủi, truyền lại những kinh nghiệm ứng phó mà mình cũng đã, đang trải qua thay vì họ phải lặn lội đến các cơ sở y tế để mong tìm một giải đáp, tìm một niềm tin cho cuộc chiến chống lại căn bệnh trên mình của họ.

“Có thời gian tôi sống một mình, gia đình bên ngoại thì ở xa, chồng mất nên gia đình bên nội dần dần xa lánh, không có ai an ủi động viên. Khi nhận được sự quan tâm của C.Nga tôi cũng an ủi phần nào. Lúc đó mà không có NVCS động viên thì tôi sẽ không vượt qua được, người thân tôi không ở bên nên nhận được sự quan tâm như thế là rất quý.”

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều) "Sợ nhất là gia đình kỳ thị từ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày - mặc dù nhà chỉ có hai mẹ con thôi, từ khi biết mình bị bệnh tôi đã không lấy vợ, ở nhà sống với mẹ, bà cụ hơn 80 rồi. Thỉnh thoảng các anh chị em ở xa có về thăm nhà các đồ dùng trong nhà như chậu rửa, xong nồi..., họ đều e dè trong sử dụng, thậm chí còn đi mua mới, lúc ốm đau không dám gọi ai. Có lần bị ốm nặng phải nằm viện, bà chị vào chăm không dám thoa dầu cho em mà chỉ đứng từ xa nhìn, rửa bát, giặt quần áo đeo găng tay còn chấp nhận vì xà phòng có thể không tốt cho da, nhưng rửa mặt cho em khi chăm sóc trên viện mà bà ấy vẫn đeo găng...thật là phát nhục trên viện. Còn các anh chị em ĐĐV thì khác, họ sẵn sàng, không e dè những vấn đề đó, ốm đau nhẹ gọi họ sẵn sàng đến giúp đỡ, chăm sóc (mà người nhà mình không làm được), những lúc như thế cảm thấy tự tin, ấm lòng hơn rất nhiều.

Những lời động viên, an ủi này đã giúp cho những người có HIV/AIDS cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, ít cô lập xã hội hơn, tự tin hơn, có cái nhìn tích cực hơn, hiểu được trách nhiệm của họ đối với chính bản thân mình và gia đình và làm cho họ thấy rằng vẫn còn có thể còn ích được cho gia đình và xã hội.

“Khách hàng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi tiếp cận, tham gia vào chương trình chăm sóc của chúng tôi. Ra cộng đồng họ gặp những ĐĐV chăm sóc và tham gia vào các câu lạc bộ để chia sẻ với nhau sống lạc quan hơn. Tự khách hàng nhận ra và đánh giá những điều đó. Nhiều khi mình cũng học lại được từ khách hàng, hai chị em cứ như là đang đổi vai cho nhau ấy.”

(Thảo luận nhóm ĐĐV chăm sóc tại Đông Triều) "Tôi rất thích. Các bạn ấy rất nhiệt tình, thoải mái, biết lắng nghe hơn. Không gọi thì thôi chứ có vấn đề gì chúng tôi gọi họ đều đến ngay. Tuy các chị em không giúp đỡ nhau được nhiều về vật chất nhưng tình thần thì dồi dào, nhiệt tình. Vì cuộc sống mà, ai cũng có những lúc khó khăn về tâm lý, kinh tế hay vấn đề nào đó, hoàn cảnh thì mỗi người mỗi khác nhưng đều có thể chia sẻ được với nhau. Những lúc như thế nói chuyện với các bạn ấy dễ chịu hơn nhiều, đa phần là gặp các chị em để giãi bày, còn những người trong gia đình nhiều lúc không dám vì đôi khi họ không hiểu mình, thậm chí còn kì thị nữa, trong khi đó chị em đồng cảnh hiểu biết nhau nhiều hơn, dễ nói chuyện hơn".

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Chia sẻ, động viên, tư vấn với khách hàng cũng là điểm mạnh của các ĐĐV được khách hàng và người thân của họ ghi nhận. Khá nhiều người thân khi nhận thấy con/vợ/chồng mình có chút khác biệt nào đó về tâm lý, tinh thần so với hàng ngày mà không thể hỗ trợ, chia sẻ được với họ thường hay chủ động gọi tới ĐĐV lúc nào rảnh có thể qua chơi để ý xem thế nào, hay hỏi thăm xem ĐĐV có gặp gỡ họ trong thời gian vừa rồi không, có biết gì về họ không...

“…Lúc đầu mới có kết quả xét nghiệm dương tính mình cũng bị sốc, sức khỏe sa sút, tinh thần thì chán nản, cảm thấy mất hết hy vọng. Sau đấy cậu ĐĐV chăm sóc cũng là hàng xóm biết được tình hình của mình đã đến nói chuyện, chia

sẻ, động viên mình và khuyên mình nên tham gia chương trình của cậu ấy đang làm, … chính nhờ đó mình mới lấy lại được niềm tin. Bây giờ mình suy nghĩ khác rồi, mình thấy cần phải sống và sống vui vẻ nữa. Hiện tại, có hoạt động gì mình cũng tham gia, tham gia với anh em để cùng nhau chia sẻ…”

(Nam khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều) “…Con trai tôi phát hiện bệnh đã hơn hai năm nay. Trước kia nó khác lắm, mọi người trong gia đình cũng không ghét bỏ gì, nhưng nó lúc nào cũng buồn, tính tình trầm lặng hẳn, cả ngày chẳng nói một câu, lúc thì lại khóc lóc bảo là đời thế là hết. Từ khi có chú ĐĐV chăm sóc ấy đến tư vấn, rồi đưa vào chương trình của họ đến nay thì thấy không còn thấy buồn ủ rũ như trước, tính nết hài hòa, vui vẻ trở lại…”

(Mẹ của một khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Với sự hỗ trợ kịp thời về tâm lý từ các ĐĐV chăm sóc tại nhà trên địa bàn huyện, nhiều khách hàng đã vượt qua được sự khủng hoảng tâm lý, lấy lại sự cân bằng về tinh thần và cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa và vẫn cần phải tiếp tục sống. Mỗi người đều có những hoàn cảnh không hoàn toàn giống nhau, và ai cũng đều có giá trị của mình, đó là cái được mà các ĐĐV chăm sóc của chương trình đã làm được. Họ đã chứng tỏ cho cộng đồng thấy có HIV/AIDS không phải là dấu chấm hết của cuộc đời, cuộc đời sẽ vẫn còn rất nhiều ý nghĩa, vẫn có thể có đủ thời gian để hoàn thành những nguyện ước còn dang dở của mình nếu mỗi chúng ta đều có cái nhìn đúng về bệnh, được cộng đồng cảm thông, trân trọng, được thừa nhận và tạo cơ hội, trao quyền, cho họ một chỗ đứng, vị thế, vai trò trong xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu mô hình chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người có HIV AIDS thông qua đồng đẳng viên ( nghiên cứu trường hợp tại huyện đông triều, tỉnh quảng ninh) (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)