Giới thiệu khách hàng chuyển tuyến, tiếp cận điều trị ARV khi cần thiết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu mô hình chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người có HIV AIDS thông qua đồng đẳng viên ( nghiên cứu trường hợp tại huyện đông triều, tỉnh quảng ninh) (Trang 71 - 75)

10. Bố cục luận văn

3.1. Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất

3.1.4. Giới thiệu khách hàng chuyển tuyến, tiếp cận điều trị ARV khi cần thiết

Trong suốt quá trình tham gia vào chương trình chăm sóc tại nhà cho người có HIV/AIDS, các ĐĐV đã thành công trong việc vận động cũng như hỗ trợ và giới thiệu đăng ký, tiếp cận điều trị ARV và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (NTCH) tại các phòng khám ngoại trú (OPC) cho PLHIV. Tổng cộng trong hơn 3 năm triển khai chương trình tại Đông Triều các nhóm ĐĐV chăm sóc tại nhà đã hỗ trợ và giới thiệu đăng ký điều trị ARV cho 214 người bao gồm 203 người lớn và 11 trẻ em; hỗ trợ và chuyển tuyến điều trị NTCH cho 141 người bao gồm 133 người lớn và 8 trẻ em. Biểu 3.3 thể hiện sự tăng dần đều về tổng số khách hàng được hỗ trợ chuyển gửi đăng ký điều trị ARV và điều trị NTCH.

Biểu 3.3: Tổng số được hỗ trợ chuyển gửi đăng ký điều trị ARV và điều trị NTCH [22]

Một trong những quyền lợi thiết thực nhất của người có HIV là việc đăng ký phòng khám để vào chương trình chăm sóc của hệ thống chương trình Quốc gia về giảm nhẹ HIV/AIDS. Khi đăng ký được phòng khám thì hầu hết bệnh nhân đều

được theo dõi về sức khỏe chuẩn bị cho việc điều trị ARV kịp thời. Hỗ trợ chính của các ĐĐV trong dịch vụ này chủ yếu là tìm hiểu xem khách hàng có HIV từ khi nào, đã đăng ký phòng khám nào chưa, đã điều trị ARV chưa, khi có các NTCH xuất hiện thì thăm khám ở đâu. Nếu khách hàng đã đăng ký phòng khám rồi thì chỉ tư vấn thêm một số cơ sở y tế, cách thức khám chữa có lợi nhất cho người có HIV.

Đối với những khách hàng chưa đăng ký phòng khám vì nhiều lý do khác nhau thì các ĐĐV sẽ tìm hiểu kỹ lý do của họ sau đó tư vấn, phân tích để họ hiểu hơn các dịch vụ và quyền lợi mà người có HIV đang được hưởng cũng như tầm quan trọng của việc đăng ký phòng khám để vào chương trình điều trị ARV, hay việc điều trị các NTCH kịp thời từ đó vận động, hỗ trợ họ đi đăng ký. Khi được hỏi là hỗ trợ này có phù hợp với nhu cầu của mình nhiều không thì đa số PLHIV đều cho là cần thiết và hữu ích mà đôi khi họ không nghĩ tới hay còn e dè vì sợ đăng ký sớm thì cộng đồng sẽ biết sớm hơn rồi bàn ra tán vào khó sống.

"Cần thiết chứ. Tại vì cái này rất thiết thực với chúng tôi. Chúng tôi ít đi khám bệnh thường xuyên, một phần vì e ngại cộng đồng dị nghị, một phần sức khỏe vẫn còn khá tốt ít khi bị ốm nặng. Khi các bạn ấy vào chăm sóc, chia sẻ cho nhiều kiến thức, kinh nghiệm và lợi ích của việc đăng ký tham gia khám chữa bệnh cố định để theo dõi sức khỏe. Tôi vẫn còn khỏe nhưng cũng đã đi đăng ký phòng khám rồi, ở phòng khám của bác sỹ Toan ấy, khoa lây nhiễm ấy".

(Nam khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Còn các y bác sỹ, những người phụ trách về bên y tế có tham gia hỗ trợ cho nhóm trong thời gian trển khai chương trình cũng đồng quan điểm với các khách hàng.

"Cần thiết chứ sao lại không. Hỗ trợ hiệu quả nhất phản ánh tốt nhất với khách hàng là tiếp cận các dịch vụ y tế sớm hơn. Họ được ĐĐV chăm sóc dẫn đến, họ thấy tin tưởng hơn không sợ lộ bí mật như trước, sẵn sàng tiếp cận và điều trị ARV sớm hơn trước kia do đó sẽ kéo dài tuổi thọ hơn - ngày xưa chưa kịp uống ARV thì đã chết vì tiếp cận muộn quá...Hai là được nâng đỡ về tinh thần lớn, nhất là khi tiếp cận ARV nếu không được hỗ trợ về tinh thần lớn, có người san sẻ hỗ trợ đằng sau họ thấy có trách nhiệm hơn, tuân thủ tốt hơn"

Thông thường khi khách hàng cần phải chuyển tuyến cao hơn để khám và điều trị mà có nhu cầu cần được hỗ trợ thì ĐĐV chăm sóc sẽ có trách nhiệm đưa khách hàng đến cơ sở y tế và hướng dẫn hoặc giúp họ thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết. Trong nhiều trường hợp ĐĐV phải đưa khách hàng đến Bệnh viện khu vực, Bệnh viện tỉnh (tận dưới Hạ Long) vì bệnh viện tuyến huyện không đủ cơ sở vật chất khám chữa cho tình trạng của bệnh nhân lúc đó. Sự hỗ trợ này đã làm cho khách hàng yên tâm khi phải di chuyển xa đến nơi chưa quen biết và cũng giúp họ không bị lúng túng, mất thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục ở các bệnh viện, các cơ sở y tế.

“…Em có khách hàng, đi đâu thì mình cũng phải đi cùng, nếu không là họ không đi, đi khám thì mình cũng phải đưa đi đến cửa phòng khám rồi chờ khám xong đưa về, họ nói thẳng có em đi thì mới đi không thì thôi ở nhà …”

(Thảo luận nhóm ĐĐV chăm sóc tại Đông Triều) “…Mình phải lấy thuốc ở tận Hạ Long vì ở Uông Bí không có loại thuốc đấy. Sức khỏe của mình bây giờ thì kém mà cũng chẳng biết đường đi, rồi thủ tục ra làm sao. Những lần đi lấy thuốc đều phải nhờ em ĐĐV chăm sóc đưa đi. Em ấy biết đường, rồi lại biết rõ các thủ tục nên mỗi lần phải đi lấy thuốc hay đi khám chữa bệnh gì có em ấy đi cùng là yên tâm. Em ấy nhiệt tình lắm. Không có em ấy mà tự phải đi thì mình cũng chết…”.

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Để có thể làm được điều này, ngoài việc tiếp cận, giải thích, cung cấp các kiến thức về HIV và điều trị HIV cho PLHIV và người thân của họ, chương trình đã có các hỗ trợ rất thiết thực như hỗ trợ tiền đi lại cho ĐĐV chăm sóc để họ đưa khách hàng đi đăng ký tại các phòng khám HIV và hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm ban đầu cho khách hàng khi họ bắt đầu đăng ký tại các phòng khám. Những hỗ trợ như thế này đã giúp PLHIV tại địa phương, đặc biệt là các hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế mà họ cần và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chăm sóc làm tốt công việc của mình. Với các ĐĐV chăm sóc tại nhà thì thuận lợi mà họ có khi tham gia cung cấp dịch vụ chăm

sóc trực tiếp tại cộng đồng là:

"Các phòng khám biết đến hoạt động của nhóm tại cộng đồng nên hỗ trợ mình tốt hơn, thủ tục đỡ rườm rà hơn; mình có hiểu biết về các phòng khám, và các bác sỹ ở đó do đi nhiều rồi cũng quen bác sỹ và thủ tục, có kinh nghiệm nhiều hơn; hỗ trợ này cũng phù hợp với tình hình sức khỏe và nhu cầu của khách hàng".

(Nữ ĐĐV - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Kết quả phỏng vấn các đối tượng là cán bộ y tế, ĐĐV chăm sóc tại nhà và khách hàng đều có chung một nhận định, hoạt động chuyển gửi, tiếp cận đăng ký điều trị đã được cải thiện rất nhiều. Họ khá thuận lợi và ít gặp khó khăn hơn trong việc chuyển tuyến khi cần phải khám và điều trị ở tuyến cao hơn.

“…Chúng tôi thực sự thông cảm đối với những người có H, vậy nên đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ có thể, ví dụ như những bệnh nhân khác phải xuống tận Khoa dược lấy thuốc, riêng họ được lấy thuốc ngay tại phòng khám bệnh…”

(PVS cán bộ tại phòng khám OPC bệnh viện Đa khoa Đông Triều)

Nhưng bên cạnh đó các khó khăn mà các ĐĐV chăm sóc gặp phải cũng

không ít. Có người thì gặp khó khăn từ phía khách hàng: "Khách hàng yếu nhiều

mới cần đến hỗ trợ của mình - chuyển bệnh nặng, nhà mà neo người một mình mình

hỗ trợ đưa họ đi cũng rất vất vả". Có bạn thì gặp khó khăn từ phía các cơ sở y tế:

"Đôi khi gặp phải bác sỹ khác tính nên cũng gây không ít khó khăn". Còn với các

ĐĐV là nữ giới thì nhiều người lại có chung quan điểm với nhau khi thảo luận nhóm tập trung: "Vấn đề khác giới - bất tiện nhất là lúc đêm hôm có vấn đề về sức khỏe mà họ gọi mình cũng khó khăn hơn trong việc đáp ứng kịp thời, chỉ tư vấn, hướng dẫn xử trí thôi thì còn đỡ, nếu bệnh nặng cần đến để hỗ trợ đưa đi viện mới

khổ". Còn những ĐĐV nào mà có nhiều khách hàng ở xa, rải rác, không tập trung

thì lại cho vấn đề đi lại là khó khăn của mình: "Khó khăn trong đi lại vì địa bàn rộng, một số khách hàng là người thiểu số ở xa".

Đánh gía một cách tổng quan thì hoạt động hỗ trợ này đã được tất cả những người có HIV và người thân của họ đã tham gia trả lời phỏng vấn đều có một nhận

định chung là hoạt động của các ĐĐV chăm sóc đã làm được những việc rất tốt. Cụ thể, giúp cho người có HIV và cả gia đình của họ có được một điểm tựa tin cậy trong cuộc sống, từ những chăm sóc khi đau ốm, những hướng dẫn tư vấn khi dùng thuốc điều trị, giúp đỡ khi phải đi khám bệnh, lấy thuốc đến sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ về tinh thần.

"Trước đây 2 -3 năm, tôi chỉ còn da bọc xương, ho, khó thở, ... không dám đi đâu, vì biết mình có H. Chồng tôi thì đi làm cả ngày, chỉ có 2 đứa nhỏ, lúc ấy tưởng chết, may có chú ấy đến động viên, hướng dẫn cách vỗ rung lồng ngực, rồi đưa cả đi bệnh viện khám, điều trị, ... Hiện nay, tôi đã tăng được 10-13 kg, sau một thời gian điều trị thuốc kháng vi rút ARV sức khỏe cũng ổn ổn rồi. Giờ gia đình coi

chú ấy như ân nhân vậy, có gì cũng gọi điện cho chú ấy chia sẻ ...”

(Nữ khách hàng - phỏng vấn sâu tại Đông Triều)

Với thời gian triển khai hoạt động chưa dài nhưng có thể nói các hỗ trợ của các ĐĐV chăm sóc đã đi đúng hướng trong việc xác định và đáp ứng một trong những nhu cầu rất quan trọng của những người sống chung với HIV/AIDS, đó là giới thiệu khách hàng chuyển tuyến, tiếp cận điều trị ARV khi cần thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tìm hiểu mô hình chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người có HIV AIDS thông qua đồng đẳng viên ( nghiên cứu trường hợp tại huyện đông triều, tỉnh quảng ninh) (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)