TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mười năm quan hệ đối tác chiến lược việt nam ấn độ (2007 2017) (Trang 32 - 36)

Chương 2 THỰC TRẠNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

2.1. TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI

Thứ nhất: Ngoại giao nhà nước

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực đối ngoại có truyền thống tốt đẹp từ trước tiếp tục được củng cố và phát triển, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao và nhiều chuyến thăm khác. Năm 2007 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai nước. Tháng 3/2007, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Somnath Chaterjee thăm Việt Nam; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Ấn Độ, dự kỳ họp UBHH lần thứ 13 và ký kết Chương trình Hành động 2007 - 2009, dự kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi với Ấn Độ khả năng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tháng 7/2007, trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ”, đánh dấu bước đột phá mới cho quan hệ song phương nói chung và trên các lĩnh vực về chính trị - đối ngoại, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục.

Quan hệ hai nước tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo hai nước. Thủ tướng hai bên thường xuyên tiếp xúc song phương tại các hội nghị cấp cao ASEAN, EAS, ASEM. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (tháng 11/2008) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (nhân dịp dự EAS và Hội nghị cấp cao ASEAN- Ấn Độ tại Hà Nội) tháng 10/2010 và chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan (tháng 9/2009) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 2/2010) khẳng định quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược theo chiều rộng và chiều sâu. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định Ấn Độ rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ chiến lược với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cần lĩnh vực gì, Ấn Độ sẵn sàng hợp tác lĩnh vực đó.

Các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như thể

hiện tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. qua các chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sang thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2013). Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ, điều đó đã thể hiện qua thực tế trong ba tháng đầu kể từ khi Chính phủ mới lên cầm quyền (26/5/2014), Ngoại trưởng trong (8/2014), và Tổng thống Ấn Độ (9/ 2014) đã tới thăm Việt Nam. Tiếp theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ (10/ 2014). Trong chính sách “Hành động phía Đông”, Ấn Độ tập trung thúc đẩy hợp tác trong ngành nông nghiệp, chế biến nông sản, chế tạo hàng hóa, dược phẩm, dệt may, …

Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2-3/9/2016. Trong chuyến thăm này lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam ủng hộ Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Năm 2017 đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước: Ấn Độ kỷ niệm 70 năm ngày Độc lập (15/8/1947- 15/8/2017), Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (7/1/1972- 7/1/2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017). Có thể nói việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang góp phần nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, là động lực quan trọng để thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị song phương, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị đa phương[ 35,159]. Từ ngày 02-đến 04/3/3018 Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Ấn Độ, thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước trong thời gian dài, củng cố vững chắc sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Thứ hai: Quan hệ Quốc hội Việt Nam với hai viện Quốc hội của Ấn Độ

cũng được thúc đẩy song phương và diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới: Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Somnath Chatterjee (tháng 3/2007) và Chủ tịch Viện lập

pháp West Bengal (tháng 12/2009) thăm Việt Nam, Sau đó là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 2/2010), hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về quy trình lập pháp, giám sát, hoạt động của các cơ quan chức năng của quốc hội.v.v. Năm 2010, Ấn Độ có được “Quy chế quan sát viên” tại AIPA nhân dịp AIPA được tổ chức tại VN. Năm 2010 Quốc hội Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPA-31), hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn sang thăm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngày 16/5/2011, đoàn đại biểu Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ do bà Meira Kumar, Chủ tịch Hạ viện dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam, hai bên tích cực triển khai những thỏa thuận hợp tác đã đạt được, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động... góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước. Đặc biệt ngày 28/ 3/ 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan, sang Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội, hai bên khẳng định tiếp tục góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới. Trên diễn đàn quốc tế và khu vực, Quốc hội hai nước ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau, tiếp tục kế thừa những quan hệ, tình cảm tốt đẹp, truyền thống mà lãnh đạo hai nước dày công vun đắp.

Quan hệ song phương tiếp tục được củng cố và sâu sắc thêm qua chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12-2016). Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7-1-1972 - 7-1-2017) và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007 - 2017); đồng thời nhằm thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp Ấn Độ, đặt cơ sở vững chắc cho quan hệ ổn định lâu dài với Ấn Độ.

Thứ ba, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐC VN) với các đảng

chính trị lớn của Ấn Độ giữa hai nước phát triển tốt đẹp, góp phần quan trọng vào

việc tăng cường quan hệ song phương. Quan hệ giữa ĐCSVN với các đảng lớn của Ấn Độ vẫn được duy trì và tăng cường. ĐCSVN có quan hệ chính thức với ĐCS

Cộng sản Ấn Độ (CPI) và ĐCS Ấn Độ Mác-xít (CPI-M) từ năm 1978. Các đảng thường xuyên cử đoàn đại biểu tham dự các Đại hội Đảng toàn quốc của nhau. Với CPI: ĐCSVN cử Đoàn đại biểu tham dự Đại hội 19 (tháng 4/2008) của đảng bạn; Tổng bí thư CPI thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2007). Với CPI-M: Uỷ viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Bắc Son dự Đại hội XX (tháng 3/2008), Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Ấn Độ (tháng 12/2009); Tổng bí thư CPI-M Prakash Karat thăm chính thức Việt Nam (tháng 4/2008) và Ủy viên Bộ Chính trị CPI-M Yachury thăm Việt Nam tháng 5/2010. v.v...Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ ngày 27/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có các cuộc tiếp riêng lãnh đạo của các Đảng chính trị của Ấn Độ như Đảng Quốc đại (INC), ĐCS Ấn Độ (CPI), ĐCS Ấn Độ-Mác-xít (CPI-M). Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự nhất trí quốc gia trong chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam và sự đóng góp tích cực của các đảng chính trị Ấn Độ vào việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, ĐCSVN luôn coi trọng quan hệ với tất cả các đảng chính trị Ấn Độ, trong đó có đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), đảng Quốc đại, CPI và CPI-M; mong muốn tất cả các chính trị Ấn Độ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa vào việc phát triển quan hệ tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước. Ngày 21/3/ 2015 Lãnh đạo CPI và CPI-M đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ, hai bên bàn về tiến trình phát triển của mỗi đảng, tình hình tại Ấn Độ, cũng như những diễn biến đáng quan tâm trong khu vực và trên thế giới.

Quan hệ giữa ĐCSVN với Đảng Quốc Đại (đảng cầm quyền trong chính phủ liên minh UPA từ năm 2004 đến nay) là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ năm 1989. Hai đảng vẫn duy trì quan hệ gắn bó và chú trọng đến giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ thông qua các cuộc kỷ niệm 50 năm (1954 - 2004) và 55 năm (1954 - 2009) cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. ĐCSVN cũng cử đoàn tham dự Hội nghị quốc tế Tư tưởng Gan-đi trong thế kỷ XXI

do Quốc đại tổ chức (tháng 2/2007). Việc thúc đẩy quan hệ với Đảng Quốc đại đã góp phần tăng cường quan hệ hai nước, nhất là khi Đảng Quốc đại nắm quyền. Quan hệ giữa ĐCSVN và Đảng BJP bắt đầu từ năm 2001 và hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì ở mức độ nhất định. Một điểm đáng chú ý là các đảng nói trên của Ấn Độ tuy còn nhiều khác biệt, thậm chí có nhiều bất đồng sâu sắc về lý tưởng, quan điểm lãnh đạo, phát triển Ấn Độ, nhưng đều mong muốn tăng cường quan hệ với ĐCSVN và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Do đó, dù đảng nào ở Ấn Độ nắm chính quyền, chính sách đối với Việt Nam luôn là nhất quán, ổn định và có kế thừa. Đây là yếu tố tích cực để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước [30, tr. 162].

Thứ tư, Đối ngoại nhân dân: Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị nhân dân và

thanh niên được tăng cường, thông qua các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình và Hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam, Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ.v.v. Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ là hình thức giao lưu mới, từ năm 2007 đến nay đã tổ chức 11 lần (2007-2017). Đây là hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân với quy mô lớn đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ với sự có mặt của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Liên hiệp các Tổ chức hòa bình và hữu nghị của Việt Nam và Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, cùng thanh niên hai nước, nhằm ôn lại truyền thống hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước, trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ song phương và quốc tế khi hai nước xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có nhiều hoạt động giao lưu các tổ chức thanh niên của CPI, CPI (M) và Đảng Quốc đại, trao đổi đoàn hàng năm với Tổng đội Thiếu sinh quân thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ.v.v...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mười năm quan hệ đối tác chiến lược việt nam ấn độ (2007 2017) (Trang 32 - 36)