Trên lĩnh vực quốc phòng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mười năm quan hệ đối tác chiến lược việt nam ấn độ (2007 2017) (Trang 51 - 57)

Chương 2 THỰC TRẠNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

2.5.1.Trên lĩnh vực quốc phòng

2.5. TRÊN LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH

2.5.1.Trên lĩnh vực quốc phòng

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến năm 2017 đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải quân, lục quân , không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực: trao đổi đoàn, đào tạo - huấn luyện và công nghiệp quốc phòng

Trong hoạt động trao đổi đoàn, quân đội hai nước đã tăng cường giao lưu ở tất cả các cấp, trong đó chú trọng ở cấp cao. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng hai nước . Tháng 12/2007, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony đã có chuyến thăm Việt Nam thể hiện quyết tâm thực sự của hai nước thúc đẩy thêm một bước mới trong quan hệ quốc phòng, hai nước đã ra tuyên bố đưa quan hệ hợp tác quân sự song phương “lên tầm cao mới”, hai bên nhất trí lập Nhóm Công tác chung để hỗ trợ việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, bao gồm hợp tác về quốc phòng, bảo vệ lãnh hải và không phận, đào tạo sĩ quan, hai nước cùng thúc đẩy trao đổi hợp tác trên lĩnh vực phòng không, không quân và hải quân (duy trì tập trận chung về hải quân và tàu quân sự Ấn Độ thăm Việt Nam, áp dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng và hỗ trỡ kỹ thuật cho hải quân Việt Nam). Ấn Độ cam kết cung cấp gần 5.000 phụ tùng cho tàu chiến chống ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia quân sự nói chung và đào tạo các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc [26].

Tháng 11/2009 ,Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm Ấn Độ hai bên đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo học viên, quan sát viên quân sự, đào tạo nhân sự quốc phòng; liên doanh, hợp tác sản xuất, cung cấp thiết bị, chia sẻ, trợ giúp và đào tạo kỹ thuật quân sự

Tháng 10/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony thăm Việt Nam lần thứ hai, trong chuyến thăm này Ấn Độ tuyên bố giúp Việt Nam cải thiện kỹ năng tác chiến của cả ba quân chủng, lục quân, không quân và đặc biệt là hải quân, cụ thể như bảo dưỡng, sửa chữa và đóng tàu quân sự, IT; đào tạo tiếng Anh, huấn luyện chiến đấu du kích và công tác gìn giữ hòa bình.v.v. chia sẻ kinh nghiệm công nghệ quốc phòng của các Viện nghiên cứu quốc phòng hai nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony tham dự ADMM+ và bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương và Biển Đông, phản đối mọi áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, góp phần xử lý tốt vấn đề biển Đông có lợi cho Việt Nam.

Ngày 20/9/2013, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ thăm Ấn Độ, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng Ấn Độ Norman Anil Kumar Brown đã khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là đối tác hàng đầu của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó có quan hệ quốc phòng; Trao đổi về quan hệ quốc phòng song phương, ngày càng phát triển tốt đẹp trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ khi ký Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương. ..

Ngày 15/9/2014 trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tại Hà Nội, hai bên nhất trí coi hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Ấn Độ dành 100 triệu USD cho Việt Nam trong "những cơ hội hợp tác mới".

Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, trong hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đều khẳng định về những tiến bộ đạt được trong hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn, Đối thoại Chính sách Quốc phòng hàng năm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trao đổi tàu thăm

viếng, đào tạo, nâng cao năng lực và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, trong đó có Chương trình Hành động bom mìn vì mục đích nhân đạo. Hai Thủ tướng nhất trí sớm triển khai Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ dành cho Việt Nam phục vụ mua sắm quốc phòng và quan hệ hợp tác quốc phòng sẽ tiếp tục được tăng cường thông qua trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao và hai bên khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Ngày 25/5/2015, Tại buổi tiếp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thăm Ấn Độ Thủ tướng Narendra Modi đã khẳng định: Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi và gắn bó của Việt Nam, vì vậy, trong chính sách hướng Đông của mình, Ấn Độ xác định Việt Nam là một trong những nước ưu tiên hàng đầu; Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên 5 lĩnh vực trụ cột, trong đó có quốc phòng nhằm đưa hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Thủ tướng Modi đặc biệt đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và khẳng định, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam ở những thời khắc khó khăn, đồng thời coi trọng việc duy trì và không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thông báo với Thủ tướng Narendra Modi rằng, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống hữu nghị, có sự gắn bó lịch sử, hai bên chia sẻ rất nhiều lợi ích tương đồng. Trên nền tảng đó nhân dân và Quân đội Việt Nam hết sức trân trọng và sẽ làm hết sức mình để giữ gìn và xây

đắp mối quan hệ gắn bó này. Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Manohar Parrikar, Hai Bộ trưởng nhất trí, trong thời gian tới hai bên sẽ tập trung vào trao đổi đoàn các cấp; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm nhất là trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tăng cường hợp tác đào tạo theo hướng chuyên ngành; hợp tác về công nghiệp quốc phòng; hợp tác trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ngay sau buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015-2020" và chứng kiến lễ ký "Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung". Theo đó, hai bên sẽ thiết lập quan hệ phối hợp thông qua đường dây liên lạc trực tiếp bằng điện thoại, fax, thư điện tử nhằm nhanh chóng trao đổi thông tin, hợp tác với nhau 24/24 giờ trên các lĩnh vực an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển và phát triển hợp tác chung.v.v…

Ngày 4-7/12/ 2016, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016 và chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động lớn kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (6/7/2007 - 6/7/2017), chuyến thăm này đã góp phần tạo đà đưa quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên một tầm cao mới. Đây cũng được coi là dịp để hai bên thảo luận, trao đổi, đưa ra những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương; Về phía Ấn Độ có chuyến thăm Việt Nam của Bà Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ sang thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 12 đến 15/6/2018). Hai bên đã trao đổi về các vấn đề thế giới, khu vực cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua và thống nhất phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng trong thời gian tới. Trong đó, hai Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiện có như: Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, hai nước đã đồng ý về nguyên tắc thiết lập Cơ chế Đối thoại quốc phòng cấp Bộ trưởng hai năm một lần, họp Nhóm hợp tác quốc phòng song phương, Tham vấn sỹ quan 3

quân chủng (Hải quân, Lục quân và Không quân); tập trung thảo luận về các lĩnh vực hợp tác giữa các quân chủng, binh chủng, hợp tác đào tạo cán bộ, công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu chiến lược, khắc phục hậu quả sau chiến tranh và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại, thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam -Ấn Độ Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Ấn Độ do ngài Mohan Kumar, Thư ký Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn, đã sang Việt Nam tiến hành Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam -Ấn Độ cấp Thứ trưởng lần thứ 10 (từ ngày 27/2-2/3/ 2018). Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn..

Tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng thông qua việc thường xuyên giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực tế giữa Việt Nam - Ấn Độ đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân, nhất là Quân chủng Hải quân, Không quân hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu, tác chiến, huấn luyện, sửa chữa, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, v.v. Hợp tác đối phó với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến biển. Trong vấn đề an ninh hàng hải, hai nước đã cùng quan điểm ủng hộ tự do hàng hải, vì vậy đã tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm chống cướp biển, bảo đảm an ninh các tuyến đường biển, trao đổi thông tin hàng hải phi quân sự.

Từ năm 2003 đến nay hai nước tiến hành triển khai chương trình giao lưu sĩ quan trẻ thường niên giữa Việt Nam - Ấn Độ (mỗi năm mỗi bên cử một đoàn). Đây là cơ hội tốt để sĩ quan trẻ hai nước giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm phát huy sức trẻ xây dựng đơn vị, xây dựng quân đội, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng của quân đội hai nước, vun đắp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Ví dụ như Chương trình giao lưu sĩ quan trẻ Việt Nam - Ấn Độ diễn ra trong tháng 3-2017. Đoàn sĩ quan trẻ quân đội nhân dân Việt Nam đã tham quan, giao lưu, trao đổi về hoạt động tuổi trẻ

tại các đơn vị Quân đội Ấn Độ: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quốc phòng, Tiểu đoàn chiến đấu số 2 Kalipanghwin (Trung đoàn Maratha), Trường Kỹ thuật Tăng-Thiết giáp.... Bên cạnh đó tích cực tham gia hội thảo, trao đổi học thuật giữa các viện nghiên cứu của Ấn Độ với các viện đối tác của Việt Nam và các chuyến thăm của tàu Hải quân và tàu Cảnh sát biển giữa hai nước đối với nhau được duy trì thường xuyên

Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác đào tạo và huấn luyện nhằm đáp ứng nhu cầu và thế mạnh của mỗi nước. Từ năm 2016 đến nay, Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nâng cao năng lực, tiếng Anh và tin học cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ấn độ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ chỉ huy, kỹ thuật của Hải quân (Ấn Độ cũng đã giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam), Phòng không- Không quân (Ấn Độ có thể giúp Việt Nam trong huấn luyện phi công Su30 bán tên lửa BrahMos) và Cảnh sát biển, đảm bảo cho họ khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại. Đây là điều kiện rất tốt để cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu mở rộng kiến thức về chỉ huy, vũ khí, phương tiện kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam cũng tiếp nhận học viên Ấn Độ nghiên cứu, trao đổi học thuật về quốc phòng, an ninh cấp chiến lược dành cho sĩ quan cao cấp quốc tế tại Học viện Quốc phòng.

Thúc đẩy hợp tác, phát triển công nghiệp quốc phòng. Việt Nam đang tập trung tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng lực lượng vũ trang “từng bước hiện đại”; trong đó, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ là vấn đề quan trọng, thiết thực đối với Việt Nam. Hai nước tiếp tục trao đổi nhu cầu, khả năng, thống nhất phương thức hợp tác phù hợp, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển. Trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn, hợp tác quốc phòng với Ấn Độ cần tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi: cải tiến, số hóa một số loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật đã sử dụng nhiều năm, xuống cấp, như: máy bay, tàu chiến, ra-đa, tên lửa và súng, pháo phòng không, v.v. Đồng thời, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Trước hết, thực hiện chuyển giao công nghệ cải tiến,

nâng cấp và số hóa các loại máy bay, ra-đa, tàu chiến và các trang thiết bị điện tử cũ để kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng, hiệu quả tác chiến. Trong đó, chú trọng chuyển giao công nghệ, dây chuyền bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật mới, như: máy bay, các loại tàu biển, thiết bị điện tử; thậm chí chuyển giao công nghệ sản xuất một số loại phương tiện, vũ khí hiện đại [39]. Việt Nam đã tích cực và chủ động hợp tác với Ấn Độ về khoa học công nghệ, nhằm tranh thủ những thành tựu to lớn mà Ấn Độ đã đạt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh

Hai nước tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh, triển khai tích cực một số gói tín dụng quốc phòng đã thỏa thuận mà chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2016.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mười năm quan hệ đối tác chiến lược việt nam ấn độ (2007 2017) (Trang 51 - 57)