HỆ THỐNG LĂNG TẨM CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN Ở HUẾ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 34)

1.1.1. Lịch sử hình thành và tồn tại

Trong thời gian trị vì ở Huế (1802 - 1945), các vua nhà Nguyễn đã để lại cho hậu thế những di sản kiến trúc phong phú và đồ sộ có giá trị trên vùng đất này. Đó là hệ thống các công trình kiến trúc cung điện, đền, miếu, lăng tẩm… phân bố dọc hai bên bờ sông Hương. Nếu như ở phía bắc sông Hương là các cung điện lộng lẫy và đền miếu uy nghi, là nơi ăn ở của vua và hoàng gia, là nơi tập trung các cơ quan đầu não của triều đình, thì ở phía tây nam sông Hương, các vua nhà Nguyễn đã xây dựng cho mình những lăng tẩm nguy nga, vốn được coi là những “ngôi nhà vĩnh cửu ở thế giới bên kia”. Lăng tẩm Huế là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao, mà có người đã đánh giá “chỉ riêng lăng tẩm các vua nhà Nguyễn không thôi cũng đã đủ có giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý kiến chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm các vua nhà Minh ở Trung Quốc” [4, tr. 5]. Với quan niệm, sống trên dương thế chỉ là tạm thời, ngắn ngủi, còn ở thế giới bên kia mới là vĩnh viễn, lâu dài. Sau khi lên ngôi không lâu, các vua nhà Nguyễn đều tiến hành xây dựng lăng tẩm cho mình.

Triều Nguyễn có 13 vua, nhưng vì những lý do phức tạp của lịch sử mà triều đại này chỉ để lại cho Huế 7 khu lăng tẩm của các vị vua1: Gia Long (Thiên Thọ Lăng), Minh Mạng (Hiếu Lăng), Thiệu Trị (Xương Lăng), Tự Đức (Khiêm Lăng, trong lăng này còn có Bồi Lăng của vua Kiến Phúc), Dục Đức (An Lăng), Đồng Khánh (Tư Lăng) và Khải Định (Ứng Lăng). Lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn tọa lạc về phía tây2 của Kinh Thành Huế, dọc hai bên bờ thượng nguồn sông Hương (Bảng 1; Bản đồ 1, 2; Sơ đồ 1).

Khi xây dựng, tất cả các lăng tẩm đều tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc của Dịch lý và thuật phong thủy trên cơ sở tôn trọng cảnh quan thiên nhiên sẵn có của từng khu vực. Tuy nhiên, do ý đồ riêng của các kiến trúc sư và tùy vào địa hình cụ thể của mỗi nơi, nên các lăng tẩm này có những sắc thái đặc trưng khác biệt.

1.1.1.1. Thiên Thọ Lăng (Lăng vua Gia Long)

Năm 1814, sau 6 năm ở ngôi, vua Gia Long (1802 - 1820) cho khởi công xây dựng Thiên Thọ Lăng, đến năm 1820 thì lăng hoàn thành. Thiên Thọ Lăng nằm trong dãy núi Thiên Thọ, nay thuộc địa phận làng Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, cách trung tâm thành phố Huế 16 km.

Thiên Thọ Lăng là một quần thể gồm 7 lăng tẩm của các thành viên trong gia đình và dòng họ nhà vua (Bản đồ 3; Bình đồ 1; Sơ đồ 2, Không ảnh 1). Toàn bộ khu lăng được bao bọc bởi 42 ngọn núi đồi lớn nhỏ với tên gọi riêng, trong đó, Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất. Đại Thiên Thọ có vai trò làm tiền án cho Thiên Thọ Lăng, phía sau có 7 ngọn núi khác làm hậu chẩm. Bên phải và bên trái có 14 ngọn núi là tả thanh long và hữu bạch hổ. Tổng thể lăng được “bố cục thành 3 phần nằm song song với nhau: điện Minh Thành, sân chầu và Bửu thành, nhà bia” [9, tr. 21]. Chính giữa là khu mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu; bên phải là khu vực tẩm điện với Minh Thành Điện là kiến trúc chính; bên trái là Bi Đình. Trong tổng số 7 khu lăng mộ trong Thiên Thọ Lăng, ngoài lăng của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu, đáng chú ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu (thứ phi của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng). Lăng Thiên Thọ Hữu “nằm bên hữu lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, chia thành 2 khu vực: lăng và tẩm, cách nhau 50m. Khu lăng có 2 lớp tường thành bao bọc, tường ngoài chu vi 130m, cao 2,9m; tường trong chu vi 82m, cao 2,3m. Bảo phong xây bằng đá; bình phong trước và hương án cũng xây bằng

đá Thanh. Khu điện thờ có công trình kiến trúc chính là điện Gia Thành, làm nơi thờ bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu, kiến trúc nhà kép, nay đã bị đổ nát”

[23, tr. 44]. Thiên Thọ Lăng được đánh giá là “một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc” [85].

1.1.1.2. Hiếu Lăng (Lăng vua Minh Mạng)

Năm 1820, vua Minh Mạng (1820 - 1841) lên ngôi. Nhưng phải đến 14 năm sau (năm 1840), nhà vua mới tìm được vị trí thích hợp để xây dựng lăng. Đó là vùng núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, nay thuộc địa phận thôn An Bằng, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, cách thành phố Huế khoảng 12 km. Đích thân vua Minh Mạng đi thị sát địa cuộc, xem xét và phê chuẩn họa đồ kiến trúc do các đại thần Trương Đăng Quế, Bùi Công Nguyên dâng lên. Vua đã đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và lấy tên núi làm tên của lăng (Hiếu Lăng). Hiếu Lăng bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1840, hoàn tất vào năm 1843.

Hiếu Lăng là một tổng thể kiến trúc bao gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ bố trí đối xứng nhau qua trục thần đạo từ ngoài vào trong (mở đầu là Đại Hồng Môn, qua sân chầu, Bi Đình tới Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, vượt qua Hoằng Trạch Môn, Trung Đạo Kiều đến Minh Lâu cùng một số công trình khác để cuối cùng kết thúc bởi Bửu Thành, nơi chôn cất nhà vua) (Bản đồ 4; Bình đồ 2; Sơ đồ 3; Không ảnh 2). Có người ví Hiếu Lăng giống như

“cơ thể con người nằm gối đầu lên một ngọn đồi cao, tứ chi xuôi duỗi ra phía ngã ba sông ấy” [3, tr. 229].

1.1.1.3. Xương Lăng (Lăng vua Thiệu Trị)

Năm 1847, vua Thiệu Trị (1841 - 1847) thăng hà sau 7 năm làm vua. Vua Tự Đức lên kế vị ngai vàng, ngay lập tức cử người tìm đất xây lăng cho cha mình. Các thầy địa lý đã chọn được một thế đất tốt tại chân một dãy núi

thấp thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, nay thuộc thị xã Hương Thủy, cách Kinh Thành Huế khoảng 8 km. Núi ấy được đặt tên là Thuận Đạo Sơn và lăng có tên là Xương Lăng. Xương Lăng được khởi công xây dựng vào đầu năm 1848, và trong chưa đầy 10 tháng thì hoàn thành.

Xương Lăng quay mặt về hướng tây bắc, lấy ngọn núi Chằm làm tiền án, dòng sông Hương chảy qua trước mặt đóng vai trò yếu tố minh đường, đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản làm “tả thanh long, hữu bạch hổ”, núi Kim Ngọc làm hậu chẩm. Cấu trúc của Xương Lăng (Bình đồ 3; Sơ đồ 4; Không ảnh 3) gồm hai phần rõ rệt, tách rời nhau, một bên là khu vực tẩm điện, bên kia là khu vực lăng (bao gồm mộ vua và các công trình có liên quan). Xương Lăng được một nhà nghiên cứu người Pháp là G.Langland đánh giá “là một trong những thành tựu độc đáo nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XIX” [4, tr. 48].

1.1.1.4. Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức)

Cũng như các vua tiền nhiệm, vua Tự Đức (1848 - 1883) sớm nghĩ đến hậu sự cho mình. Năm 1864, Khiêm Lăng được khởi công xây dựng sau khi tìm được địa thế tốt thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay thuộc thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng được hoàn thành vào năm 1867 sau 3 năm thi công. Ban đầu công trình này có tên Vạn Niên Cơ, nhưng sau cuộc binh biến “Chày vôi” vào năm 1866, công trình được đổi tên là Khiêm Cung, cho đến khi vua Tự Đức thăng hà (1883) và được an táng nơi đây thì mới được gọi là Khiêm Lăng. Tự Đức là ông vua duy nhất trong các vị vua triều Nguyễn may mắn được chứng kiến lăng của mình hoàn thành khi còn sống.

Khiêm Lăng (Bình đồ 4; Sơ đồ 5; Không ảnh 4) là một quần thể kiến trúc gồm khoảng 50 công trình lớn nhỏ phân bố trong 2 khu vực chính là tẩm điện và lăng mộ. Lăng lấy núi Dẫn Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân ở phía sau làm hậu chẩm và hồ Lưu Khiêm đóng vai trò minh

đường. Tên của các công trình trong lăng đều được bắt đầu bằng chữ Khiêm. Trong khu vực lăng còn có thêm Bồi Lăng an táng vua Kiến Phúc (con nuôi vua Tự Đức) được xây dựng năm 1884. Óc thẩm mỹ tinh tế của một nhà văn, nhà thơ và nhà nho được áp dụng triệt để trong thiết kế, quy hoạch kiến trúc khiến cho Khiêm Lăng như “một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, một kết hợp hoàn chỉnh giữa kiến trúc và thiên nhiên” [3, tr. 235].

1.1.1.5. An Lăng (Lăng vua Dục Đức)

Sau khi vua Tự Đức qua đời, con nuôi của vua là hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân được đưa lên ngai vàng (19/07/1883). Tuy nhiên, do những mâu thuẫn giữa phái chủ chiến (do Tôn Thất Thuyết cầm đầu) với phái chủ hòa (do Trần Tiễn Thành cầm đầu) trong nội bộ triều Nguyễn, Ưng Chân đã bị phế truất ngay trong ngày đăng quang bởi một sự sắp xếp của phái chủ chiến khi họ khép tội ông và Trần Tiễn Thành thông đồng với nhau để lược bỏ một đoạn trong di chiếu truyền ngôi của vua Tự Đức. Ngay sau đó, Ưng Chân bị tống giam và bị chết đói ở trong ngục. Do chưa kịp đặt niên hiệu, nên triều đình đã lấy tên ngôi điện mà Ưng Chân đã ở trước khi lên ngôi vua để gọi ông là vua Dục Đức.

Trong một hoàn cảnh éo le của lịch sử, 6 năm sau (năm 1889), con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907). Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái đã tiến hành xây lăng mộ cho cha mình và đặt tên là An Lăng. An Lăng ngày nay tọa lạc tại địa phận phường An Cựu, thành phố Huế, cách Kinh Thành Huế khoảng 3 km về phía nam.

An Lăng (Sơ đồ 6) là một quần thể kiến trúc gồm lăng mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh, mộ vua Thành Thái (từ năm 1954), mộ vua Duy Tân (cải táng năm 1987) cùng mộ của các thành viên thuộc Đệ tứ chánh hệ Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Đức). Ngoài ra là khu tẩm điện có tên là Long Ân Điện, hiện là nơi thờ các vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.

An Lăng quay mặt về hướng tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm; khe Mụ Niệm chảy vòng qua trước mặt làm yếu tố minh đường.

1.1.1.6. Tư Lăng (Lăng vua Đồng Khánh)

Năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi, sau khi triều đình xảy ra nhiều biến cố. Ông chưa kịp nghĩ đến chuyện xây lăng cho mình, thì đột ngột ra đi khi mới 25 tuổi (năm 1889). Vua Thành Thái kế vị (năm 1889) trong điều kiện đất nước khó khăn, kinh tế eo hẹp. Vì thế, triều đình đã sử dụng Truy Tư Điện (ngôi điện do vua Đồng Khánh cho xây dựng để thờ cha của ông là Kiên Thái Vương), nay được đổi tên thành Ngưng Hy Điện để làm nơi thờ vua Đồng Khánh. Đồng thời an táng ông trên một quả đồi thấp, cách ngôi điện khoảng 100m về phía tây nam. Năm 1916, vua Khải Định (1916 - 1925) lên nối ngôi. Là con trai của vua Đồng Khánh, vua Khải Định đã tiếp tục cho xây dựng và tu sửa Tư Lăng, đến năm 1917 mới hoàn chỉnh. Vì thế, Tư Lăng là một khu lăng có quá trình xây dựng trải qua 4 đời vua Nguyễn: Đồng Khánh - Thành Thái - Duy Tân - Khải Định.

Tư Lăng tọa lạc giữa một vùng quê thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước, nay thuộc thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Tư lăng (Sơ đồ 7) bao gồm hai khu vực chính nằm tách rời nhau là tẩm điện và lăng mộ với khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Khu vực tẩm điện quay về hướng nam, đào hồ bán nguyệt làm yếu tố minh đường và lấy đồi Thiên An làm tiền án. Khu vực lăng mộ quay về hướng đông - đông nam, lấy núi Thiên Thai làm tiền án. Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, nên Tư Lăng vừa khoác trên mình phong cách kiến trúc cổ truyền vừa pha lẫn phong cách hiện đại.

1.1.1.7. Ứng Lăng (Lăng vua Khải Định)

Năm 1916, Nguyễn Phúc Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định, trị vì trong 9 năm (1916 - 1925). Năm 1920, vua Khải Định lựa chọn triền núi

Châu Chữ làm địa điểm xây cất lăng mộ. Ứng lăng (Bình đồ 5; Sơ đồ 8) nay thuộc địa phận thôn Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy. Lăng lấy một ngọn đồi trước mặt làm tiền án, lấy núi Chóp Vung và núi Kim Sơn làm “tả thanh long, hữu bạch hổ”, khe Châu Ê đóng vai trò yếu tố minh đường, núi Châu Chữ (đổi tên thành Ứng Sơn) làm hậu chẩm. Tên của lăng được gọi theo tên của núi là Ứng Lăng. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm, quy mô của Ứng Lăng không đồ sộ bằng nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức. Ứng Lăng xây dựng trong vòng 11 năm mới xong (1920 - 1931). Vật liệu xây dựng là gạch, đá, xi măng, sắt, thép, gốm sứ và thủy tinh màu... hầu hết được nhập từ nước ngoài về.

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật bao gồm khoảng 10 công trình kiến trúc chính phân bố trong khuôn viên rộng khoảng 5.600m2. Các công trình kiến trúc được bố trí theo từng cặp đối xứng nhau qua trục “thần đạo” xuyên suốt kiến trúc của lăng, mở đầu bằng các bậc cấp ở dưới cùng và kết thúc ở nơi cao nhất là Thiên Định Cung.

Ứng Lăng là một công trình kiến trúc phản ánh đậm nét sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Tuy bị người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống bởi những điều khác lạ so với dòng kiến trúc truyền thống ở Huế, nhưng Ứng Lăng lại có vai trò “đánh dấu giai đoạn tân cổ điển của lịch sử mỹ thuật triều Nguyễn nói riêng và của sự hội nhập văn hóa ở Việt Nam nói chung vào những thập niên đầu của thế kỷ XX” [3, tr. 246].

Có thể nói, 7 lăng tẩm được xây dựng trong những khoảng thời gian không giống nhau, phong cách cùng quy mô kiến trúc cũng khác nhau. Tuy nhiên, quy trình xây dựng các lăng tẩm lại khá đồng nhất và thường tuân theo các bước sau: “tìm đất - vẽ bản đồ địa cuộc, xác định vị trí đặt huyệt, quy hoạch các khu vực - tiến hành xây dựng - tổ chức lễ tạ Sơn thần/Thổ thần” [22, tr. 21].

Như vậy, trong khoảng một thế kỷ (từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) các vua nhà Nguyễn đã xây cất được 7 khu lăng tẩm quy mô và bề thế bên cạnh nhiều công trình kiến trúc hoành tráng khác. Những công trình kiến trúc lăng tẩm này đã thể hiện trí thông minh, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nói riêng và của triều Nguyễn nói chung. Lăng tẩm Huế

“so với những kiến trúc lăng mộ nổi tiếng thế giới như Thập Tam Lăng ở Trung Quốc, các kim tự tháp mộ vua ở Ai Cập… chưa phải là ghê gớm, nhưng nó cũng là di sản quý không riêng gì của Việt Nam mà là của loài người văn minh” [13, tr. 46].

1.1.2. Hiện trạng hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế

Vua chúa của các triều đại phong kiến ở Việt Nam trước triều Nguyễn, đều có ý thức xây dựng lăng tẩm cho mình. Nhưng trải qua bao biến cố của thời gian, lăng tẩm của vua chúa các triều đại này đến nay còn lại không đáng kể.

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng của Việt Nam, trải qua 13 đời vua với 143 năm trị vì ở kinh đô Huế. Triều đại này đã để lại cho Huế nhiều công trình kiến trúc quy mô, trong đó có hệ thống lăng tẩm của các vị vua. May mắn hơn các triều đại trước đó, cho đến nay lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn. Mặc dù vậy, do tác động của thời gian cùng với khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, do hậu quả của các cuộc chiến tranh cùng với tác động của con người khiến cho lăng tẩm các vua nhà Nguyễn đã bị tàn phá và hư hại khá nhiều. Phần lớn các công trình còn lại đều đang bị hư hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện tại, cả 7 lăng tẩm của các vua triều Nguyễn đều bị hư hỏng và xuống cấp. Trong đó, hư hại nặng nề nhất là Thiên Thọ Lăng, Xương Lăng và An Lăng, trong khi Hiếu Lăng, Khiêm Lăng, Tư Lăng và Ứng lăng ở trong tình trạng khả quan hơn.

1.1.2.1. Hiện trạng Thiên Thọ Lăng

Thiên Thọ Lăng là quần thể bao gồm nhiều lăng mộ của nhiều thế hệ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)