NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO TỒN, TU BỔ VÀ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 112 - 114)

VÀ PHỤC HỒI NGUỒN GỐM SỨ TRANG TRÍ TRONG LĂNG TẨM CỦA CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN Ở HUẾ

Các công trình kiến trúc lăng tẩm Huế nói riêng, QTDTCĐ Huế nói chung là tài sản vô giá của dân tộc ta còn lại cho đến ngày nay. Chúng là minh chứng cho tinh thần lao động cần cù, óc sáng tạo và trí thông minh của các thế hệ cha ông ta. Đồng thời, nó cũng là những “trang sách sống” khắc họa một thời kỳ lịch sử hết sức phức tạp với nhiều biến động của đất nước từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Với những giá trị to lớn không chỉ có ý nghĩa với dân tộc ta mà còn có ảnh hưởng trên thế giới, năm 1993, UNESCO đã công nhận QTDTCĐ Huế là Di sản văn hóa thế giới. Những công trình này cũng là những điểm đến du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quan và khách quan như sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu; sự tàn phá của thời gian, thiên tai và chiến tranh; do sự phá hoại vô thức và có ý thức của con người, do sự tự hủy hoại của chất liệu… đã khiến cho các công trình kiến trúc trong lăng tẩm Huế bị hư hại nhiều, nhất là với các loại chất liệu tiếp xúc thường xuyên với bên ngoài như gốm sứ.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, sự giúp đỡ nhiệt tình của UNESCO và sự nỗ lực của TTBTDTCĐ Huế, cơ quan chủ quản QTDTCĐ Huế, nhiều công trình kiến trúc lăng tẩm Huế đã được trùng tu tôn tạo trong những năm qua. Từ đầu thập niên 1990, TTBTDTCĐ Huế đã chủ động xây dựng lò phục chế các dòng gốm tráng men truyền thống để phục vụ cho công tác trùng tu di tích. Sản phẩm gốm men phục chế của TTBTDTCĐ Huế đã được sử dụng để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế như: Minh Thành Điện và cổng tam quan ở Thiên Thọ Lăng, Bi Đình, Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu ở Hiếu Lăng, Biểu Đức Điện ở Xương Lăng, Hòa Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, Minh Khiêm Đường ở Khiêm Lăng, Chấp Khiêm Điện ở Bồi Lăng, Long Đức Điện ở An Lăng, Ngưng Hy Điện, Minh Ân Viện, Công Nghĩa Đường ở Tư Lăng…

Việc nhanh chóng can thiệp để cứu vãn di tích khỏi nguy cơ hủy hoại là một hành động hết sức cần thiết và đúng đắn của các cơ quan ban ngành ở địa phương. Tuy vậy, thực tế công tác trùng tu, tôn tạo ở các lăng tẩm Huế nói chung, việc bảo tồn và trùng tu những trang trí kiến trúc bằng gốm sứ nói riêng vẫn còn những tồn tại và hạn chế nhất định, khiến cho nhiều đồ án trang trí bằng gốm sứ bị sai lệch so với nguyên gốc, sai lệch cả chất liệu lẫn hình thức thể hiện.

Để hạn chế những sai sót trên, tôi xin đề xuất và kiến nghị một số giải pháp trong việc bảo tồn, tu bổ và phục hồi nguồn gốm sứ trang trí trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế như sau:

- Trước tiên, dù vì bất cứ lý do gì đi nữa, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt và chặt chẽ 3 yêu cầu: tính nguyên gốc, tính xác thực và tính tiêu biểu trong tu bổ di tích.

- Đối với các đồ án trang trí có sử dụng gốm sứ trong các công trình kiến trúc, nếu có hư hỏng, bong tróc, thì phải nhanh chóng thu nhặt những mảnh gốm sứ bị bong tróc, rơi rụng và tái gắn kết vào những vị trí cũ để tránh thất lạc và làm biến dạng hoặc hủy hoại hoàn toàn các trang trí kiến trúc này.

- Làm các mẫu phân tích một cách chính xác nhất về màu sắc, độ nung và thành phần hợp chất của các loại gạch, ngói nguyên gốc, rồi phục chế đạt tiêu chuẩn “bản sao” để sử dụng cho công tác trùng tu, tôn tạo, nhằm làm cho công trình sau khi trùng tu vẫn giữ được tính nguyên gốc ở mức độ cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 112 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)