Vai trò của gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 103 - 106)

3.1. VAI TRÕ CỦA GỐM SỨ TRÊN CÁC TRANG TRÍ KIẾN TRÖC

3.1.1. Vai trò của gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm

VÀ TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC Ở VIỆT NAM

3.1.1. Vai trò của gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội. Cùng với nhiều ngành nghề khác, nghề gốm được phục hồi và phát triển trở lại trong phạm vi cả nước để phục vụ nhu cầu xây dựng và trang trí các công trình cung điện, đền đài, lăng tẩm, phủ đệ… của chế độ mới. Triều đình nhà Nguyễn huy động nguồn gốm sứ trong các trung tâm có truyền thống sản xuất gốm sứ của cả nước, thu mua gốm sứ từ bên ngoài đồng thời cho khôi phục các lò sản xuất gạch ngói từ thời các chúa Nguyễn và xây mới hệ thống các lò gốm ngay tại kinh đô Huế để phục vụ cho nhu cầu xây dựng, trang trí kinh thành và hệ thống lăng tẩm.

Kiến trúc truyền thống của Việt Nam là một nền kiến trúc gỗ. Các công trình kiến trúc, dù là chính yếu hay phụ trợ, chủ yếu đều sử dụng vật liệu gỗ, từ kết cấu khung chịu lực cho đến hệ thống tường bao và các chi tiết trang trí. Truyền thống này tiếp tục được duy trì trong các công trình kiến trúc ở Huế, từ trước thời Nguyễn.

Tuy nhiên, dưới thời Nguyễn, ngoài sự có mặt của gỗ, với vai trò chủ đạo trong các công trình kiến trúc cung điện và lăng tẩm ở Huế, còn có sự

hiện diện của rất nhiều loại vật liệu khác như đá, pháp lam, vôi vữa, gốm sứ, và đặc biệt là gạch ngói… Nếu gạch ngói đóng vai trò là những vật liệu chính để xây dựng nền móng, tường bao và mái lợp, thì gốm sứ, một dạng vật liệu cao cấp có cùng nguồn gốc từ “đất nung qua lửa” như gạch ngói, lại giữ vai trò quan trọng trong việc trang trí cho các công trình kiến trúc, đồng thời cũng là một loại vật liệu góp phần xây dựng nên các cung điện, đền đài, lăng tẩm ở Huế.

Từ kết quả khảo cứu những tư liệu thành văn và kiểm chứng trên thực địa, tôi nhận thấy tất cả các công trình kiến trúc trong lăng tẩm của các vua Nguyễn đều có sự hiện diện của gốm sứ. Nguồn gốm sứ hiện diện nơi đây rất phong phú về loại hình và chức năng, bao gồm: gốm sứ gia dụng, gốm sứ tế tự, gốm sứ trang trí trong nội thất các cung điện… Ở đây, tôi chỉ tập trung khảo cứu các loại hình gốm sứ được sử dụng trong trang trí kiến trúc các lăng tẩm các vua triều Nguyễn mà thôi.

Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua Nguyễn ở Huế gồm: gốm đất nung (tráng men và không tráng men) và đồ sứ. Gốm đất nung gồm gạch và ngói (chủ yếu là tráng men) được sử dụng vào mục đích trang trí cho các công trình kiến trúc. Đồ sứ chủ yếu là các loại đồ sứ gia dụng như bát, đĩa, ấm, chén, lọ, bình được mua từ các địa phương sản xuất gốm sứ trong nước như Bát Tràng, Biên Hòa, Thủ Dầu Một… và từ Trung Quốc về, rồi đập vỡ để lấy mảnh, khảm thành các đồ án trang trí trên các công trình kiến trúc.

Gốm sứ hiện diện ở cả nội thất và ngoại thất của các công trình kiến trúc trong lăng tẩm ở Huế, từ bức bình phong đến các ô hộc trang trí trên các trụ cửa, cổng, lan can, móng nhà, cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết, đầu hồi, máng xối, cửa sổ, bờ mái…

Về mặt tổng thể, sự hiện diện của gốm sứ trong các công trình kiến trúc lăng tẩm ở Huế không hề thua kém so với vật liệu gỗ. Gốm sứ không chỉ hiện

diện ở các vị trí thứ yếu, mà còn góp mặt tại nhiều vị trí quan trọng trong các công trình trọng yếu ở các lăng tẩm. Những đồ án trang trí đa dạng về kiểu thức và chủ đề trang trí được khảm bằng sành sứ trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng, các bức phù điêu hình rồng khảm bằng sành sứ và gốm tráng men trên bờ nóc Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng hay ở Lương Khiêm Điện trong Khiêm Lăng, đặc biệt là những đồ án trang trí hoàn chỉnh hay các bức phù điêu bằng gốm tráng men trên phần mái và cổ diêm Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng là những ví dụ điển hình.

Với đặc tính được nung qua lửa, nên gốm sứ khá cứng và chắc. Do đó, khi được dùng để trang trí ở những bộ phận kiến trúc thường xuyên tiếp xúc với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thì gốm sứ không chỉ đóng vai trò trang trí mà còn có tác dụng bảo vệ các công trình kiến trúc và kéo dài tuổi thọ của nó. Thêm nữa, gốm sứ tráng men, với sắc màu óng ánh, có đặc điểm phản quang tốt, nên khi được ghép lại để tạo thành các đồ án trang trí thì sẽ góp phần làm tăng độ sáng cho nội thất của công trình. Hiệu quả của việc làm này đã được một học giả khẳng định “Người trang trí biết cách kết hợp màu sắc của từng mảnh gốm tạo nét đẹp tuyệt vời” [90]. Việc tận dụng triệt để khả năng “phát sáng” của gốm sứ đã khiến cho nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng dường như xua tan đi cái âm u, lạnh lẽo của chốn mộ địa. Những bức tranh khảm mảnh sành sứ và thủy tinh màu nơi đây đã gợi cho du khách cảm tưởng như mình đang lạc vào một thế giới phong cảnh hữu tình, sống động với bao nhiêu loài cây cỏ, hoa lá và động vật.

Sự tham gia của vôi vữa trong việc tạo tác nên nhiều công trình kiến trúc ở lăng tẩm đã gây ra một cảm giác nặng nề, khô cứng và khó chịu cho khối thể kiến trúc. Sử dụng gốm sứ trang trí lên bề mặt các khối thể kiến trúc vừa có tác dụng che lấp đi những khuyết điểm mà vôi vữa đem đến, mặt khác góp phần làm cho các hình khối kiến trúc trở nên mềm mại, gợi cảm. Nó mang đến cho người xem một cảm giác “mát mắt”.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 103 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)