GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA GỐM SỨ TRÊN CÁC TRANG TRÍ KIẾN

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 107 - 112)

TRÍ KIẾN TRÚC TRONG LĂNG TẨM CỦA CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN Ở HUẾ

3.2.1. Giá trị lịch sử - văn hóa

Trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn ở Huế có sự tham gia của nhiều loại hình gốm sứ có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Anh, Hà Lan… với niên đại chủ yếu trong thế kỷ XIX - XX. Việc xuất hiện các nguồn gốm sứ trên đây, góp phần trang hoàng các công trình kiến trúc, làm phong phú và đa dạng thêm các giá trị thẩm mỹ của kiến trúc. Không những thế, nó còn là một nguồn tư liệu sinh động trong việc nghiên cứu những mối quan hệ bang giao giữa nước ta và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới dưới triều Nguyễn.

Bằng chất liệu gốm sứ, những nghệ nhân xưa đã gắn ghép tỉ mỉ những mảnh gốm để tạo nên các đồ án trang trí miêu tả các nhân vật, điển tích lịch sử, các cảnh sắc tự nhiên và các loài động vật, thực vật, diễn tả những sinh hoạt trong đời sống của con người và của tự nhiên… Các đề tài trang trí bằng gốm sứ này còn chuyển tải các thông điệp phản ánh quan niệm, tâm tư, tình cảm của vị chủ nhân công trình, đồng thời góp phần phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đương thời.

Vào những thập niên đầu thời Nguyễn, đất nước đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân đi vào ổn định; kỷ cương, pháp luật của nhà nước được chuyên chế hóa; Nho giáo đóng vai trò quan trọng, làm nền tảng tư tưởng của xã hội. Bấy giờ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật dân gian dường như tách biệt nhau. Tuy nhiên, từ sau đời Tự Đức trở đi, đất nước bị ngoại xâm và chủ quyền quốc gia dần rơi vào tay người Pháp; chính quyền phong kiến không còn nắm giữ vai trò

thống trị tuyệt đối như trước; Nho giáo không còn địa vị độc tôn nữa, thay vào đó là hiện tượng “tam giáo đồng hành” (Nho - Phật - Lão) cùng song hành tồn tại, thì “bức ngăn” giữa nghệ thuật cung đình với nghệ thuật dân gian không còn vững chắc như trước. Lúc này nhiều yếu tố của nghệ thuật dân gian có dịp len lỏi vào nghệ thuật cung đình. Những chuyển biến ấy đã được thể hiện rất rõ qua những đề tài trang trí bằng gốm sứ trên các công trình kiến trúc lăng tẩm Huế. Chẳng hạn, đến lúc này thì các đề tài dân gian được thể hiện bằng gốm tráng men mới có dịp xuất hiện trên cổ diêm Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, hay các dạng vật liệu gốm mộc, vốn được coi là vật liệu hạ cấp mới có thể xuất hiện trong các công trình chính yếu ở các lăng tẩm các vua. Trên phương diện mỹ thuật, các đồ án rồng mặt nạ làm bằng gốm ở Tư Lăng hay rồng đắp bằng sành sứ ở Ứng Lăng cũng trở nên dân dã, hiền lành hơn hẳn so với những con rồng ngang đắp bằng sành sứ trên đầu hồi Thái Hòa Điện, được kiến thiết từ triều Minh Mạng, vốn có dáng vẻ chắc khỏe và hung tợn.

3.2.2. Giá trị về kiến trúc - tạo hình

Hầu hết, mỗi một quần thể kiến trúc lăng tẩm của một vị vua triều Nguyễn đều bao gồm tổ hợp của nhiều công trình kiến trúc khác nhau. Trên đại thể, tất cả những công trình kiến trúc trong lăng tẩm của các vua Nguyễn đều có sự hiện diện của gốm sứ. Tuy nhiên, tùy vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng mà chúng được trang trí với mật độ nhiều ít khác nhau.

Với những công trình kiến trúc quan trọng, các đồ án trang trí bằng gốm sứ thường mang ý nghĩa tượng trưng cho nhà vua và triều đại nhà Nguyễn. Trong quan niệm của chế độ quân chủ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rồng là biểu tượng tối cao của nhà vua, cũng như phụng (phượng) là hình ảnh của hoàng hậu. Vì thế, ở nhiều vị trí, bộ phận của các công trình kiến trúc lăng tẩm liên quan đến nhà vua và hoàng hậu đều có các hình tượng rồng và phượng được trang trí bằng gốm sứ. Trên bờ nóc, bờ

quyết Minh Thành Điện ở Thiên Thọ Lăng, Sùng Ân Điện ở Hiếu Lăng, Hòa Khiêm Điện và Lương Khiêm Điện ở Khiêm Lăng, Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng, Thiên Định Cung ở Ứng Lăng… đều hiện diện những bức phù điêu hình rồng được trang trí bằng gốm sứ. Hay trên bức bình phong trước mộ Lệ Thiên Anh hoàng hậu ở Khiêm Lăng và bình phong trước mộ bà Từ Minh ở An Lăng đều có hình chim phượng trang trí bằng gốm sứ.

Khi thiết kế và thi công các công trình kiến trúc, những kiến trúc sư dưới thời Nguyễn đã rất thành công khi tạo nên những tổng thể kiến trúc hài hòa và hoàn chỉnh, đảm bảo cho công trình mang tính thực dụng và thẩm mỹ cao. Các công trình kiến trúc có sự tham gia cùng một lúc của nhiều loại chất liệu khác nhau như: vôi vữa, pháp lam, gỗ, gốm sứ, đá, bột màu… Các loại hình vật liệu này đã được phối hợp sử dụng một cách nhuần nhuyễn và tạo hiệu quả cao trong trang trí. Trong đó, gốm sứ tham gia với mục đích trang trí, có khi được sử dụng như một tác phẩm tạo hình độc lập, có khi được dùng xen kẽ và phối hợp cùng lúc với nhiều chất liệu khác ở một hay nhiều vị trí, bộ phận của công trình kiến trúc để tạo nên những đồ án trang trí phù hợp với tổng thể hoàn chỉnh của công trình kiến trúc. Do đó, gốm sứ trang trí không lấn át các chất liệu khác, và cũng không bị các chất liệu khác làm lu mờ vai trò của mình. Tất cả mang lại cho công trình kiến trúc một vẻ đẹp hoàn mỹ.

Một hiện tượng rất phổ biến trên các công trình kiến trúc ở lăng tẩm Huế đó chính là các bố cục trang trí được phân chia theo ô hộc. Từ các cổng, đến các bức tường bao quanh các công trình và ngay trên, trong các công trình ở cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết đều được phân chia thành các ô hộc. Các ô hộc có kích thước dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào nội dung đề tài thể hiện trong đó. Thường thì, người ta chia các ô hộc thành hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đa số, tại các ô hộc trên các cổng và bức tường bao quanh công trình, người ta trang trí bằng các loại gạch thống phong tráng men lục và vàng xen kẽ lẫn

nhau, cũng có khi trong cùng một ô hộc có sự kết hợp của cả gạch thống phong và khảm mảnh sành sứ. Trong các ô hộc trên cổ diêm, bờ nóc, bờ quyết của các công trình kiến trúc được trang trí nhiều đề tài bằng khảm mảnh sành sứ, nhiều khi trong cùng một ô hộc cũng có sự kết hợp của nhiều hình thức trang trí như vẽ màu, nề vôi vữa đắp nổi, khảm mảnh sành sứ. Việc phân chia bố cục thành nhiều ô hộc và trang trí gốm sứ trong các ô hộc là một đặc điểm nổi bật trong kiến trúc dưới thời Nguyễn. Việc phân chia ô hộc một cách hợp lý đã mang lại giá trị tạo hình cao cho các công trình kiến trúc, nó “làm cho các đề tài có một độ sâu cần thiết, tạo được ánh sáng thích hợp với nghệ thuật, khiến cho hoa lá, chim muông và linh vật… trở nên sống động và ấm áp hơn” [13, tr. 50].

Việc sử dụng gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn còn mang lại một giá trị về kiến trúc - tạo hình hết sức to lớn nữa đó chính là tạo nên một không gian kiến trúc biểu cảm ở cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao của công trình. Trên mái của các công trình kiến trúc là hình ảnh màu vàng và màu lục của ngói lợp; ở bờ nóc là hình tượng những con rồng được khảm mảnh sành sứ và gốm tráng men đóng vai trò như một điểm chuyển giao giữa trời và đất. Giữa cổng và nhà hay các bậc cấp nền thường là một khoảng không gian rộng lớn, được ngăn cách bởi các bức tường xây bằng gạch và vôi vữa. Nhưng sự xuất hiện của các loại gạch thống phong, ngói liệt, ngói ống tráng men lục và vàng xen kẽ nhau trong các ô hộc, trên bề mặt bức tường đã che lấp đi sự thô kệch của chất liệu vôi vữa, đồng thời góp phần “thu hẹp” khoảng không gian rộng lớn trước công trình kiến trúc. Do khả năng “phát quang” của đồ sứ và thủy tinh màu, nên việc chúng được dùng trang trí trong nội thất (như ở Ứng Lăng) đã làm cho không gian bên trong công trình trở nên rộng mở hơn, bớt sự u tối, tĩnh mịch và lạnh lẽo.

3.2.3. Giá trị thẩm mỹ

Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ trong mỹ thuật. Vận dụng được tối đa khả năng biểu cảm của màu sắc là một trong những thành công trong nghệ thuật tạo hình. Trên các công trình kiến trúc cung đình Huế nói chung các lăng tẩm nói riêng, các kiến trúc sư đã khéo léo tạo ra hiệu quả trang trí từ việc sử dụng màu sắc. Màu vàng và màu lục luôn chiếm một diện tích rất lớn trên mái của các công trình, hay bề mặt các bức tường do các loại ngói, gạch tráng men lục và vàng mang lại. Màu lục của gạch, ngói gợi cho chúng ta liên tưởng đến màu xanh của bầu trời và cây cỏ, còn màu vàng tượng trưng cho nhà vua, gắn với ánh sáng thanh cao. Như vậy, việc sử dụng màu lục và vàng trên các công trình kiến trúc không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà nó còn khiến cho công trình kiến trúc như hòa nhập vào thiên nhiên. Ngoài tác dụng to lớn của màu lục và vàng trên gạch ngói, bản thân đồ sứ và thủy tinh màu với những màu sắc tự thân khi được trang trí trên các công trình kiến trúc cũng mang lại tính thẩm mỹ cao trong nội thất cũng như ngoại thất.

Trong nội thất Thiên Định Cung ở Ứng Lăng, màu sắc của khảm sành sứ và thủy tinh màu đã mang đến một sự đột biến trong trang trí “các mảnh sành - sứ - kính cứng, không có thớ, rất khó cắt, đã được các nghệ nhân chọn màu sắc, họa tiết, tùy hình dạng gắn vào những chỗ phù hợp, tạo ra những bông hoa rực rỡ với những cánh hoa, những chim - thú sống động và có hồn, tả được những chất mềm mại hay rắn của từng vật thể. Nghệ nhân đã lợi dụng được màu men và hoa văn của mảnh sành sứ, với những thủy tinh màu trong suốt, tạo sự tương phản giữa cái trầm, đanh với cái óng ả, trong trẻo, và được làm phong phú do sự phản quang qua lại, làm cho các hình đã đẹp ở nét và mảng lại đẹp ở màu nữa” [13, tr. 117].

Trang trí trong mỹ thuật thời Nguyễn nói chung, trang trí bằng gốm sứ nói riêng, ngoài yếu tố cung đình chiếm địa vị chủ yếu, chi phối toàn bộ quan

niệm nghệ thuật, còn có sự xen kẽ của yếu tố dân gian trong các đề tài trang trí. Sự xen kẽ giữa yếu tố cung đình và dân gian trong trang trí, một mặt góp phần làm giảm đi sự nặng nề, nhàm chán, lặp lại của các đề tài do triều đình quân chủ quy định, mặt khác khiến cho các đề tài ngày càng trở nên chân thực, gần gũi với cuộc sống bình dị hơn, tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tối đa phẩm chất sáng tạo của mình. Các bức phù điêu và tượng gốm tráng men màu trang trí trên Ngưng Hy Điện ở Tư Lăng được đánh giá là một trong những sáng tạo đột phá trong trang trí kiến trúc dưới thời Nguyễn. Hiệu quả tạo hình và thẩm mỹ của chúng thật to lớn. Với khoảng 150 bức phù điêu, các nghệ nhân tài ba dường như phô bày trước mắt chúng ta những hình ảnh hết sức sống động trong đời sống và tự nhiên, những hình tượng sinh động, đầy sức sống của những loài động vật, cỏ cây, hoa lá, và những điều thú vị, hấp dẫn của những điển tích được chọn lựa để tạo hình từ gốm sứ, góp phần làm nên nét độc đáo và giá trị thẩm mỹ của trang trí kiến trúc trong công trình này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Gốm sứ trên các trang trí kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế (Trang 107 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)