2.1. LOẠI HÌNH, XUẤT XỨ VÀ NIÊN ĐẠI CỦA GỐM SỨ ĐƢỢC SỬ
2.1.1.1. Gốm sứ được sản xuất riêng cho trang trí kiến trúc
Nếu như gốm sứ của các triều đại trước Nguyễn chủ yếu tập trung vào các loại hình phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của hoàng gia và triều đình, thì các vua Nguyễn lại chú trọng đặc biệt trong việc trang hoàng các công trình kiến trúc bằng gốm sứ. Năm 1810, triều đình thành lập hẳn một lò gốm Long Thọ “chuyên sản xuất gạch ngói tráng men và các đồ gốm dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc và trong nội thất các cung điện, lăng tẩm” [59, tr. 306-307].
Gốm sứ được sản xuất riêng cho trang trí kiến trúc gồm 2 loại: gạch và ngói. * Gạch: Gạch dùng cho trang trí kiến trúc gồm: gạch lát nền (gạch Bát Tràng) tráng men và gạch trang trí (gạch đúc liền khối và gạch thống phong).
- Gạch Bát Tràng tráng men (BA 1) “có hình vuông với nhiều kích cỡ, trong đó chủ yếu là loại gạch có kích thước 30 x 30 x 5cm. Đây là loại gạch lưu ly được tráng men ở một mặt. Chúng gồm hai màu: thanh lưu ly và hoàng lưu ly” [59, tr. 310-311].
- Gạch trang trí gồm gạch đúc liền khối và gạch thống phong. Gạch đúc liền khối (BA 2; BV 2: 3) “tạo dáng hình gậy như ý, một mặt dẹt để mộc, mặt
kia tráng men và khắc chìm (hoặc khắc nổi) các họa tiết, hoa văn, thường dùng làm song chắn trong các nữ tường” [59, tr. 311]. Gạch thống phong (BA 2: 2; BA 3-13; BA 34: 1; BV 1-2; BV 4: 1) “được đúc bằng khuôn, sử dụng phương pháp trổ thủng để tạo hoa văn” [59, tr. 311]. Chúng thường có 2 loại “loại để mộc, và loại tráng men xanh, men vàng. Xương xốp, màu đỏ nhạt, dễ vỡ. Riêng loại gạch không phủ men thì độ nung cao hơn, xương rắn, mịn, màu đỏ tươi” [7, tr. 338].
* Ngói: Ngói được dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc trong lăng tẩm của các vua triều Nguyễn chủ yếu là ngói tráng men. Ngói tráng men gồm các loại: ngói liệt, ngói ống, ngói âm dương, ngói câu đầu, ngói trích thủy.
- Ngói liệt (BA 4; 8; 14) “gồm hai loại, hình vuông và hình chữ nhật, tráng men một mặt, chúng thường dùng để lợp các ngôi miếu thờ và một số công trình ở các lăng, bề mặt phủ men hướng lên phía trên hoặc phía nền nhà” [59, tr. 312].
- Ngói ống (BA 2: 2; BA 4; 5; 9; 10: 1; 11: 2; 13; 14: 2; 15; 16; 31; 45: 1, 47; 48: 2; 49; 52 ) có “hình cái ống tách đôi, một đầu có chuôi thu nhỏ để luồn vào bên trong viên ngói khác khi lợp. Mặt ngoài ngói ống có tráng men màu lục hoặc màu vàng. Ngói ống khi lợp phải kết hợp với các viên ngói âm cùng màu trong hệ thống ngói âm dương và đảm nhiệm vai trò của viên ngói dương. Mặt tráng men của các viên ngói hướng lên phía trên. Cứ hai viên ngói âm thì có một viên ngói ống phủ lên (hay cứ hai viên ngói ống thì có một viên ngói âm liên kết bên dưới)” [59, tr. 313].
- Ngói âm dương (BA 9; 10: 1; 13: 1; 16: 3) có “hình chữ nhật nhưng mặt ngói uốn cong, kích thước 22 x 20 x 1cm, tráng men (màu lục hoặc màu vàng) ở một mặt ngói. Những viên ngói dương thì lớp men sẽ được tráng bên ngoài mặt cong, còn những viên ngói âm thì sẽ được tráng men ở bên trong mặt cong. Khi lợp, mặt có men của cả hai loại ngói đều hướng lên phía trên
- Ngói trích thủy (BA 5; 9; 10; 12: 1; 13; 14: 1; 15; 16; 45: 1), là những viên ngói âm đặc biệt, nằm ở vị trí dưới cùng của mái công trình, có chức năng định hướng giọt nước mưa và trang trí cho diềm mái. Ngói trích thủy “thường được tạo hình lá đề, bề mặt phủ men xanh sẫm hoặc men vàng, tùy thuộc vào bộ mái công trình sử dụng loại ngói phủ men gì. Mặt ngoài của yếm ngói được trang trí nổi hình đầu dơi ở chính giữa, 2 bên là dây lá uốn móc, xung quanh diềm được trang trí hồi văn hình chữ Công” [7, tr. 339].
- Ngói câu đầu (BA 5; 9; 10; 12: 1; 13; 14: 2; 15; 16; 45: 1) là những viên ngói dương đặc biệt nằm ở vị trí dưới cùng của mái công trình, có chức năng trang trí cho diềm mái. Ngói câu đầu có “mặt ngoài hình tròn phủ men xanh hoặc vàng, giữa trang trí nổi chữ Thọ theo lối triện, xung quanh trang trí hồi văn hình chữ Công. Ngoài ra còn có một số ít đầu ngói được trang trí hoa dây uốn móc xung quanh chữ Thọ” [7, tr. 339].