Xuất hoàn thiện một số giải pháp đã thực hiện trên địa bàn huyện Vũ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 110 - 114)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn

4.3.2. xuất hoàn thiện một số giải pháp đã thực hiện trên địa bàn huyện Vũ

Vũ Thư tỉnh Thái Bình

Để tích tụ đất nông nghiệp, huyện Vũ Thư đã triển khai sáu (06) giải pháp gồm: Ban hành cơ chế, chính sách về tích tụ đất nông nghiệp; Quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất; Cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy, có giải pháp mang lại hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy tịch tụ đất nông nghiệp, có giải pháp chưa mang lại hiệu quả thậm chí hạn chế tích tụ đất nông nghiệp. Do đó, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện một số giải pháp chưa đạt hiệu quả, cụ thể như sau:

4.3.2.1. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

Tích tụ đất đai nói chung, tích tụ đất nông nghiệp nói riêng là cần thiết để phát triển nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên tích tụ đất nông nghiệp là vấn đề tương đối khó khăn vì nó liên quan đến đất đai - tư liệu sản xuất của người nông dân. Do đó, để thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp cần coi tích tụ đất nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo bước đệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển

dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, ban hành cơ chế khuyến khích, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tích tụ đất nông nghiệp là rất cần thiết. Theo đó khắc phục những hạn chế về thời gian giao đất, mức hạn điền đối với hộ gia đình, cá nhân; cần làm rõ về quyền sở hữu và quyền sử dụng lâu dài để người dân yên tâm tích tụ; đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhất quá, có thời gian dài; khắc phục sự phức tạp trong thủ tục hành chính về chuyển nhượng đất đai, khắc phục tính cứng nhắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy định về mặt bằng….

Đối với huyện Vũ Thư cần có cơ chế chính sách phù hợp với đặc điểm của huyện nhà như:

- Đa số các hộ tham gia điều tra đều đánh gia thuế, phí cao, đây là nguyên nhân khiến người dân ngại hoặc không thực hiện các phương thức giao dịch tại cơ quan quản lý nhà nước về đất đai khi tích tụ đất nông nghiệp nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng đất. Do đó để khắc phục hạn chế trên, cần hạ thấp các loại thuế, phí chuyển nhượng, hoặc miễn phí, lệ phí đối với đất nông nghiệp nhằm khuyến khích người dân tăng cường hợp thức hóa về đất đai và tài sản.

- Thừa nhận sự vận động của đất theo cơ chế thị trường, tức là cần vận dụng giá thị trường trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong bồi thường khi thu hồi đất, trong giá thuê đất trong các dự án…. Đảm bảo thực quyền của người dân về sở hữu mảnh đất, tức người dân được quyền định đoạt giá cả của mảnh đất.

- Bên cạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích tụ đất với hình thức thuê đất tại huyện Vũ Thư, cần ban hành thêm cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ nông dân tích tụ đất nông nghiệp phù hợp với từng khu vực, từng mô hình để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đặc biệt có cơ chế khuyến khích cũng như chế tài xử lý, sự ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cần có quy định cụ thể về các đối tượng được ưu tiên tích tụ đất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên các đối tượng tích tụ đất nông nghiệp với mục đích làm trang trại. Ngoài ra, cần có cơ chế ưu tiên đối với những hộ đã chuyển nhượng, đã cho thuê, để họ được làm việc trong các trạng trại của các hộ đã nhận chuyển nhượng, thuê đất của họ. Có biện pháp hỗ trợ khuyến khích những trang trại, mô hình sản xuất kém hiệu quả chuyển

nhượng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê quyền sử dụng đất sang những trang trại, mô hình sản xuất hiệu quả.

- Có biện pháp hỗ trợ về đầu vào để giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để giải quyết bài toán đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, tạo mọi điều kiện để người dân yên tâm sản xuất.

- Xây dựng chính sách phát triển và đa dạng hàng hóa, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Mục đích của tích tụ là mở rộng sản xuất, giảm chi phí và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, giá máy móc cao, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong khi huy động vốn để đầu tư, do vậy cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong đầu tư mua máy.

- Ngoài ra, cần có chính sách đảm bảo lao động nông thôn dịch chuyển ra làm việc ở các đô thị có việc làm, ổn định đời sống, cư trú lâu dài ở địa phương đang làm việc để có thể yên tâm chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các hộ ở lại sản xuất.

- Để tăng cường tích tụ đất nông nghiệp, cần có các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn nói chung và về tích tụ đất nông nghiệp nói riêng. Tuyên truyền rõ về vai trò, lợi ích khi tích tụ đất nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình vận động, cần tranh thủ những người có uy tín tại địa phương, dòng họ; cán bộ gương mẫu, đầu tàu trong công tác tích tụ đất nông nghiệp; công tác tuyên truyền phải kiên trì, nhất quán.

4.3.2.2. Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

Theo quy định tại Luật đất đai năm 2013, các địa phương phải quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chỉ được chuyển đổi khi có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất đã được chính quyền huyện Vũ Thư quan tâm thực hiện và được đánh giá đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính dài hạn và phù hợp với đặc điểm sinh thái. Mục đích của tích tụ đất nông nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi để nông hộ tham gia sản xuất, tuy nhiên sản

xuất nông nghiệp lại phụ nhiều vào điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu. Mỗi loại cây, con lại phù hợp với mỗi loại đất khác nhau, vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần tập trung, nghiêm túc đánh giá kết quả công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng bản quy hoạch tổng thể từng vùng. Trước mắt lưu ý những vấn đề sau:

- Công khai quy hoạch để người dân được biết và thực hiện.

- Đối với loại hình chăn nuôi tổng hợp cần quy hoạch ngoài khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo môi trường nước và đất vùng lân cận.

- Đối với những nơi hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng chưa hoàn thiện, cần tích cực hoàn thiện để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân. Công trình đã hoàn thiện, cần thường xuyên tu bổ, nạo vét kênh mương để tránh hư hỏng công trình. Với hệ thống giao thông nội đồng, liên thôn, cần tiền hành nâng cấp, bê tông hóa hay nhựa hóa để thuận tiện cho việc đi lại, đưa máy móc ra ngoài đồng ruộng, vận chuyển cũng như thu hoạch sản phẩm.

- Có sự giám sát chặt chẽ về việc thực hiện theo quy hoạch và có chế tài xử lý với trường hợp phá vỡ quy hoạch.

4.3.2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

Lao động dư thừa, thiếu việc làm là trở ngại rất lớn đến tích tụ đất nông nghiệp. Do đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tích tụ đất nông nghiệp tại Vũ Thư. Đào tạo nghề phải đảm bảo mục tiêu “không để nông dân mất việc làm” và phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của người lao động, tránh lãng phí, hình thức. Cụ thể:

- Nâng cao tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo: Mục tiêu đào tạo phải được đổi mới, nhằm vào việc phát triển đồng bộ đội ngũ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao đáp ứng CNH, HĐH nông nghiệp. Đổi mới nội dung đào tạo theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, khi xây dựng chương trình đào tạo cần có tỷ lệ phù hợp giữ kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên sâu.

- Phát triển hệ thống các cơ sở dậy nghề nông thôn, phối hợp liên kết đào tạo nghề, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Đào tạo nghề phải theo nhu cầu và phù hợp với từng nhóm hộ, đối tượng hộ. Trước hết cần tiến hành đánh giá nhu cầu đào tạo của các nhóm đối tượng nông dân và áp dụng phương pháp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.

- Mỗi đối tượng nông dân đều có mục tiêu riêng, do đó cần đặt mục tiêu riêng trong đào tạo. Với đối tượng nông dân trung bình, nghèo thì cần tập trung tập huấn về kiến thức kỹ thuật cơ bản, kiến thức về thị trường, giúp huy động vốn, tập trung sản xuất. Hộ khá, hộ giàu thì đào tạo kiến thức về sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa, khoa học tiến bộ kỹ thuật... Đào tạo nông dân cần gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, gắn với sản phẩm mà nông dân đã và có thể tạo ra trong tương lai, hướng đến đáp ứng nhu cầu sản phẩm mới trên thị trường, đảm bảo phát triển bền vững. Có thể chia làm các đối tượng sau:

+ Đối với lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Lao động này có đặc điểm là sản xuất theo kinh nghiệm được truyền lại từ thế hệ cha ông hoặc tích lũy trong sản xuất. Đào tạo nghề cần cung cấp những kiến thức cơ bản về phương pháp, kỹ thuật sản xuất, kỹ năng sử dụng và áp dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ vào sản xuất để tạo nguồn lao động nông nghiệp có chất lượng. Việc đào tạo nghề không chỉ nâng cao kiến thức cơ bản mà cần chú trọng nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh. Tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ.

+ Đối với người dân không còn đất sản xuất, lao động có xu hướng chuyển sang phi nông nghiệp: Cần có các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm để chuyển lao động nông nghiệp đi làm việc tại khu vực phi nông nghiệp hoặc các địa phương khác và quốc gia khác. Đối với chương trình đào tạo nghề phải thực sự đáp ứng được yêu cầu về ngành nghề của các lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn huyện, tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 110 - 114)