Kinh nghiệm tích tụ đất nông nghiệp của một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 33 - 38)

Trong thời kỳ hiện đại, tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp xuất hiện cùng với quá trình công nghiệp hoá, tính đến nay cũng đã trải qua gần ba thế kỷ. Làn sóng tích tụ, tập trung đất đai lần thứ nhất xuất hiện ở châu Âu vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ 18. Tuy nhiên, chỉ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các chương trình tích tụ, tập trung đất đai mới được nhiều quốc gia chính thức tiến hành. Ở các nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội (Liên Xô, các nước Trung và Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam…), tích tụ, tập trung đất đai nằm trong nỗ lực xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Làn sóng tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp diễn ra khá mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 20 ở những nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường.

Luận văn sẽ giới thiệu kinh nghiệm của một số nước trong việc giải bài toán quy mô đất đai, như:

2.2.1.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Năm 1961 Nhật Bản áp dụng biện pháp khuyến khích tích tụ đất đai là trợ cấp cho nông dân mua đất. Tiếp đến năm 1962 mức hạn điền 3 ha đã được bãi bỏ. Tuy nhiên biện pháp này không mấy thành công vì rất nhiều lao động nam hàng ngày đi vào thành phố làm việc nhưng người già và phụ nữ trong gia đình vẫn tiếp tục làm nông nghiệp. Cũng có những hộ gia đình không còn làm nông và

bỏ không ruộng đất nhưng không muốn bán vì thu nhập phi nông nghiệp của họ vẫn đủ sống và họ vẫn muốn giữ đất đai để khi nghỉ hưu về quê sinh sống. Mặt khác, giá đất tăng cao do công nghiệp hoá làm cho các hộ thuần nông muốn mở rộng sản xuất không đủ khả năng mua. Vì lý do nêu trên, năm 1970 Nhật Bản đưa ra biện pháp thúc đẩy tích tụ đất đai thông qua thị trường cho thuê đất. Việc kiểm soát giá thuê đất đều được xoá bỏ và đất sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê với thời hạn ít nhất năm thì chủ đất có quyền lấy lại. Đến giai đoạn 1975 - 1980, thì việc cho thuê ngắn hạn cũng được hợp pháp hoá. Biện pháp thúc đẩy tích tụ qua thị trường thuê đất có kết quả tốt hơn biện pháp khuyến khích mua bán đất, nhưng vẫn chậm và bị giới hạn bởi sự mất cân bằng giữa cung và cầu của thị trường cho thuê. Nhưng nhìn chung, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất kém thành công ở Nhật Bản do tâm lý chủ nghĩa quân bình mạnh mẽ ở nông thôn (Việt Dũng, 2011).

Năm 2011, chính phủ Nhật Bản mới ban hành chính sách và kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp. Nội dung chính của chính sách là tăng cường sản xuất nông nghiệp qui mô lớn. Chính phủ Nhật Bản dự định trong 5 năm tới tăng diện tích canh tác, chăn nuôi trung bình tại vùng đồng bằng của 1 hộ gia đình lên 20 tới 30 ha. Để đạt mục tiêu trên, chính phủ Nhật Bản có thể sẽ hỗ trợ tài chính cho những hợp đồng chuyển nhượng đất đai vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn thực hiện các chính sách khuyến khích thanh niên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay thiết lập các tổ chức tài chính khuyến khích nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng hệ thống phân phối (Việt Dũng, 2011).

2.2.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Tại Trung Quốc, tích tụ đất nông nghiệp được thực hiện từ năm 1980 thể hiện trong chủ trương của khóa họp thứ nhất, kỳ 7 Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thông qua việc bãi bỏ cấm đoán cho thuê ruộng đất. Với chính sách đất đai như trên, đã tạo điều kiện cho nhiều hộ trồng trọt mở rộng quy mô sản xuất lên khoảng 5 - 6 ha/hộ (bằng 3 - 4 lần mức bình quân đất đai cả nước). Việc phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa, tự do hóa thị trường nông sản làm cho nông nghiệp ở Trung Quốc phát triển mạnh, tạo đà cho phát triển công nghiệp nông thôn. Cho đến hiện nay, khi đất nước Trung Quốc đã trở thành một đất nước phát triển mạnh về nông nghiệp và công nghiệp, họ vẫn dương cao tinh thần “Trung Quốc không thể giàu nếu nông dân không giàu”.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm tích cực đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong khuôn khổ WTO (Đặng Kim Sơn, 2008).

Hiến pháp Trung Quốc không cho phép người dân sở hữu đất đai, người nông dân chỉ có quyền sử dụng đất trong vòng 30 năm. Với thời gian sử dụng ngắn, bản thân người nông dân, các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp không có nhiều động lực để đầu tư mở rộng sản xuất. Đứng trước trở ngại này, năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định nâng hạn điền sử dụng đất lên 70 năm và cho phép người dân được chuyển nhượng, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của mình trên thị trường giao dịch ruộng đất. Sự thay đổi này đã tạo ra một bước ngoặt cho quá trình tích tụ đất đai ở Trung Quốc khi các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể thuê đất nông nghiệp để phát triển mô hình nông trang quy mô lớn (Lê Xuân Cử, 2015).

2.2.1.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, quy định mức hạn điền 3 héc ta mỗi hộ nông dân từ những năm 1950 là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trong một thời gian dài. Năm 1993, chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức hạn điền lên 10 héc ta cho các “vùng phát triển nông nghiệp”, thậm chí 20 héc ta nếu được địa phương cho phép và 5 héc ta cho các vùng nằm ngoài khu vực. Năm 2002, Hàn Quốc đã bãi bỏ mức hạn điền. Nhờ vậy, diện tích trung bình đất sản xuất của mỗi hộ nông dân ở Hàn Quốc đã tăng từ 0,94 héc ta năm 1975 lên 1,43 héc ta năm 2005. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều biện pháp “cởi trói” cho hoạt động thuê và chuyển nhượng đất, như: cho phép doanh nghiệp/tập đoàn nông nghiệp thuê và sở hữu đất nông nghiệp (Clever ct 2014), phát triển thị trường cho thuê đất.…Tại Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ như Cộng đồng nông thôn và Hiệp hội nông nghiệp Hàn Quốc cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tích tụ đất đai khi cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp. Một chương trình lớn của tổ chức này là hỗ trợ tài chính bằng các khoản vay ưu đãi, tổng số 3 nghìn tỷWon (tương đương 2,7 tỷ USD) và quy mô trung bình của nhóm này đã tăng từ 2,2 ha lên 4,3 ha. (Kim Văn Chinh, 2012).

Năm 2005, Hàn Quốc cũng thành lập một hệ thống ngân hàng đất nông nghiệp với mục đích giảm thiểu hiện tượng manh mún đất đai và khuyến khích các hộ trẻ thuần nông nghiệp mở rộng sản xuất. Hệ thống này cung cấp thông tin

cho những người muốn mua hoặc thuê đất và những người muốn bán hoặc cho thuê đất, và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp.

2.2.1.4. Kinh nghiệm của Thái Lan

Thái Lan có quy mô sản xuất lớn, khoảng 3,6ha/hộ vào năm 2005. Thái Lan chưa bao giờ đặt ra hạn điền chính thức cho các hộ nông dân. Tuy vậy, do sự gia tăng dân số và tập quán thừa kế của người Thái Lan mà quy mô sản xuất của Thái Lan có xu hướng giảm, từ 4,36 ha/hộ xuống 4,04 ha/hộ năm 1995 và 3,06 ha/hộ năm 2005. Mặt khác, do chủ đất có thể mua bán đất trên thị trường nhưng họ rất ít khi bán đất bởi người Thái Lan rất coi trọng đất đai do tổ tiên để lại. Tuy vậy, Thái Lan được xem là quốc gia đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng trong cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Chỉ đứng sau Trung Quốc, Thái Lan là nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai Châu Á. Những sản phẩm chính bao gồm gạo, bột sắn, bột mì, hải sản và dứa đóng hộp, bắp, xoài và mía. Có được kết quả trên là do Thái Lan đã sớm có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc người dân bỏ ruộng hoang, góp phần tập trung và tích tụ đất như: Các nhà hoạch định chính sách Thái lấy nông nghiệp là bệ phóng cho nền kinh tế quốc dân, và không chỉ có thế, mục tiêu cốt lõi là tạo ưu đãi “tam nông” để ổn định chính trị xã hội. Nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được thực hiện, thuế nông nghiệp được bãi bỏ. Bên cạnh đó, chính phủ hỗ trợ các chương trình tiếp thị, tìm kiếm địa chỉ xuất khẩu những sản phẩm sau thu hoạch và chế biến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho ngạch tiêu thụ nông sản bằng cách đẩy mạnh hình thức hợp đồng “chính phủ với chính phủ”. Đồng bộ hóa các chính sách cũng là một cách để tính liên thông và liên hoàn từ khâu gieo trồng, sản xuất đến bao tiêu xuất khẩu được đảm bảo và cùng với đó là một hành lang pháp lý bảo đảm rủi ro cho người nông dân. Khi giá thị trường thấp, chính phủ đã tự bỏ tiền bao tiêu nông sản cho nông dân (Trần Việt Dũng, 2015)

2.2.1.5. Kinh nghiệm của Hà Lan

Theo Nguyễn Đình Bồng (2013), Hà Lan là một trong các nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Chính phủ Hà Lan khuyến khích mở rộng trang trại, không khuyến khích thuê đất, không khuyến khích thuê lao động nông nghiệp. Các trang trại ngày càng có xu hướng chuyên môn hóa, trang trại chuyên môn hóa đã chiếm trên 90%. Chính nhờ vậy đã đảm bảo hiệu quả sản xuất và

tăng năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Các chủ trang trại không ngừng nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên có hạn, không ngừng đổi mới, thích ứng kịp tình hình biến động cơ cấu, công nghệ, hạn chế rủi ro về thiên nhiên và thị trường. Việc mở rộng quy mô trang trại dựa vào hai chính sách của Nhà nước là:

1) Chính sách mua và thuê đất;

2) Chính sách khuyến khích trang trại làm kém được giải thể.

Với những chính sách khuyến khích này, đến năm 1950 có 349.000 trang trại với quy mô bình quân 7 ha/trang trại, nhưng đến năm 1987 con số tương ứng là 128.000 trang trại và bình quân 16 ha/trang trại (quy mô trang trại lớn nhất là 128,57 ha).

Thực chất, trang trại nông nghiệp của Hà Lan là một chủ thể sản xuất kinh doanh hàng hóa, là một doanh nghiệp nông nghiệp, hoạt động trong cơ chế thị trường, hội nhập hoàn toàn vào thị trường thế giới, đọ sức với mọi thử thách trong cạnh tranh quốc tế (Nguyễn Công Tạn, 2008). Điều đó cho thấy hoạt động tích tụ đất nông nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn của Hà Lan diễn ra mạnh mẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hà Lan.

Như vậy, không có mô hình hay phương pháp giống nhau nào trong tích tụ, tập trung đất nông nghiệp ở các nước, sự thành công còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có thể thấy, có 2 trào lưu của sự tích tụ, tập trung đất nông nghiệp: Một là các nông trại thực hiện sự tích tụ, hai là các nhà đầu tư thực hiện tích tụ. Các biện pháp được thực hiện bao gồm: trợ cấp mua đất, xóa bỏ hạn điền, thúc đẩy thuê đất, thúc đẩy dồn điền đổi thửa, ủy thác sản xuất, thành lập ngân hàng nông nghiệp…Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp của nhiều nước vẫn hạn chế. Nguyên nhân do sự manh mún đất đai mà lịch sử để lại, do tập quán và tâm lý coi trọng đất, và nguyên nhân chính là thu nhập phi nông nghiệp phát triển, giá đất tăng cao ngăn cản hộ thuần nông mở rộng sản xuất, khả năng cạnh tranh của nông sản kém….

Qua nghiên cứu, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình tích tụ đất nông nghiệp như sau:

- Dồn điền đổi thửa có tác dụng giảm tình trạng manh mún đất nhưng không làm tăng quy mô sản xuất của hộ.

- Để áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, có thể sử dụng hình thức ủy thác giữa các hộ hoặc ủy thác cho Hợp tác xã nông nghiệp, Chính quyền địa phương.

- Tích tụ đất phải đi đôi với giải quyết việc làm cho nông dân bị mất ruộng, tránh tình trạng thất nghiệp nông thôn, làm mất sinh kế của người nông dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 33 - 38)