Điều kiện tự nhiên, dân số xã hội của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 44 - 51)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Điều kiện tự nhiên, dân số xã hội của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

a. Vị trí địa lý

Vũ Thư là huyện nằm giữa ranh giới phía tây của tỉnh với tỉnh Nam Định, phía bắc và đông bắc lần lượt giáp các huyện Hưng Hà và Đông Hưng của Thái Bình (ranh giới là sông Trà Lý, Vũ Thư nằm kề ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý), phía tây và nam giáp tỉnh Nam Định (ranh giới là sông Hồng, có cầu Tân Đệ bắc qua), phía đông giáp thành phố Thái Bình và huyện Kiến Xương của Thái Bình. Vũ Thư có Quốc lộ số 10 chạy qua chia huyện làm đôi (đường số 10 chạy từ thành phố Thái Bình kéo đến điểm kết thúc, thuộc địa bàn huyện là cầu Tân Đệ, có tọa độ 20°26'30,90" vĩ bắc và 106°13'12,45" kinh đông (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014).

b. Đặc điểm địa hình

Huyện Vũ Thư nằm trong vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, được bao bọc bởi sông Hồng và sông Trà Lý, nhìn chung địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, đồng ruộng thấp, có độ dốc thoải từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, độ cao trung bình toàn huyện 1,5m so mực nước biển (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014).

c. Khí hậu

Huyện Vũ Thư nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có 4 mùa trong đó có 2 mùa rõ rệt: mùa Hạ nóng ẩm, mưa nhiều; mùa Đông lạnh giá buốt.

- Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23 - 240C.

- Lượng mưa trung bình hàng năm vào khoảng 1.650mm, phân bố không đều trong năm, được chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau).

- Nắng: Tổng số giờ nắng trung bình năm từ 1.400 -1.600 giờ. Tháng có số giờ nắng cao nhất đạt 220 giờ thường vào tháng 7, tháng có số giờ nắng thấp nhất thường vào tháng 1, 2 hoặc tháng 3 có khoảng 30 giờ, số giờ nắng thuộc loại khá cao thích hợp với sản xuất 2 đến 3 vụ trong năm.

- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 85%, cao nhất vào các tháng 6,7,8,9 từ 87%-90% thấp nhất là 82%-84% vào các tháng 12 và tháng 1 năm sau. Nhìn chung độ ẩm không khí trên địa bàn không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm.

- Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi nước trung bình hàng năm khoảng 950mm, tháng thấp nhất 90 mm và cao nhất 110 mm.

- Chế độ gió: Gió thổi theo 2 mùa rõ rệt, gió Đông Bắc mang theo không khí lạnh về mùa đông và gió Đông Nam mang theo không khí nóng, mưa nhiều về mùa hè (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014).

d. Thủy văn

Trên địa bàn huyện có mạng lưới sông, ngòi, ao hồ dày đặc, phân bố thích hợp cho tưới tiêu tự chảy với các sông chính như sông Hồng, sông Cự Lâm, sông Búng, sông Kiên Giang với tổng chiều dài 78 km.

Nhìn chung hệ thống thuỷ văn, nguồn nước của huyện tương đối tốt, đáp ứng đủ cho các nhu cầu về nước tưới nông nghiệp, sinh hoạt cho nhân dân trong cả mùa khô, ngoài ra còn bồi đắp phù sa cho vùng đất ngoài đê tạo nên vùng đất màu mỡ thích hợp cho canh tác nông nghiệp (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014).

e. Các nguồn tài nguyên

* Tài nguyên đất

Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng, đất đai, trên địa bàn huyện có những nhóm đất chính sau:

- Đất phù sa: Chiếm chủ yếu diện tích đất tự nhiên của huyện, về cơ bản có thể chia thành 2 loại đặc trưng là đất phù sa được bồi hàng năm (diện tích đất nằm ngoài đê) và đất phù sa không được bồi hàng năm (diện tích đất nằm trong đê).

+ Đất phù sa không được bồi hàng năm: Phần lớn ở độ cao 1-2m, thoát ảnh hưởng của thủy triều do hệ thống thủy lợi tốt và nước ngọt từ các sông đưa về, ngăn chặn mặt ngầm. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến nặng, có màu nâu đỏ, phản ứng pH 4,5-5. Đây là loại đất có dinh dưỡng khá. Chế độ nước ngầm tầng nông tương đối ổn định, ít bị nhiễm mặn.

+ Đất phù sa được bồi hàng năm: Đặc tính dễ nhận biết của loại đất này là tính xốp lớn, đất có màu nâu tươi, đất có thành phần cơ giới thịt trung bình, đôi khi thịt nặng hoặc sét, pHKCl từ 5,5 đến 6,5, Cation trao đổi từ 1- 4 lđl/100g đất. Hàm lượng lân tổng số, dễ tiêu đạt trung bình đến khá, đạm khá và hàm lượng mùn ở mức trung bình. Diện tích của đất này có thể thay đổi hàng năm.

- Đất nội đồng không nhiễm mặn: Đất nội đồng không nhiễm mặn chiếm diện tích rộng. Đây là đất phù sa không được bồi đắp hàng năm, bị biến đổi do quá trình canh tác. Tùy theo sự cao thấp và quá trình khai thác mà mức độ biến đổi của đất khác nhau. Nhìn chung đất được sử dụng chủ yếu để trồng lúa, nên thường xuyên có mức độ gley từ yếu đến mạnh (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014).

Theo thống kê đất đai, tính đến nay tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 19.693,87ha, trong đó đất nông nghiệp là 13.130,97ha, đất phi nông nghiệp là 6.503,39 còn lại là đất chưa sử dụng với diện tích 59,51. Tính hình sử dụng tài nguyên đất được thể hiện ở bảng 3.1.

Bảng 3.1. Hiện trạng sử dụng đất huyện Vũ Thư giai đoạn 2016-2018

Chỉ tiêu Diện tích ( ha) So sánh (%)

2016 (1) 2017 (2) 2018 (3) (2)/(1) (3)/(2) BQ I. Đất nông nghiệp 13.130,80 13.130,97 13.131,04 100,00 100,00 100,00 1. Đất trồng lúa 8.103,35 8.103,76 8.103,71 100,01 100,00 100,00 2. Đất trồng cây hàng năm 1.650,41 1.650,66 1650,59 100,02 100,00 100,01 3. Đất trồng cây lâu năm 1.552,37 1.552,78 1552,85 100,03 100,00 100,02 4. Đất nuôi trồng thủy sản 1.651,00 1.651,23 1651,39 100,01 100,01 100,01 5. Đất NN khác 173,67 172,54 172,5 99,35 99,98 99,66 II. Đất phi nông

nghiệp 6.503,45 6.503,39 6.503,47 100,00 100,00 100,00 1. Đất ở 1.681,08 1681,09 1681,1 100,00 100,00 100,00 2. Đất chuyên dùng 4.821,58 4821,54 4821,62 100,00 100,00 100,00 3. Đất khác 0,79 0,76 0,75 96,20 98,68 97,44 III. Đất chưa sử dụng 59,6 59,51 59,39 99,85 99,80 99,82 Tổng cộng 19.693,85 19.693,87 19.693,90 100,00 100,00 100,00

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Vũ Thư, 2016- 2018

Từ bảng 3.1 cho thấy, diện tích đất nông nghiệp huyện Vũ Thư năm 2018 là 13.131,04 ha, chiếm 66,68% tổng diện tích tự nhiên, tăng 0,24ha so năm 2016. Trong đó, đất trồng lúa chiếm tỷ lệ lớn với 8.103,71ha , chiếm 41,15% diện tích đất tự nhiên, tăng 0,36ha so năm 2016; diện tích đất trồng cây hàng năm là 1.650,59ha, tăng 0,18ha so năm 2016; diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản 1.651,39ha, tăng 0,39ha so năm 2016.

Đất phi nông nghiệp là 6.503,47ha, chiếm tỷ lệ 33,02% đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất có mục đích công cộng (chiếm 14,51% diện tích đất tự nhiên). Diện tích đất chưa sử dụng thấp, và có xu hướng giảm, diện tích năm 2018 là 59,39 ha, chiếm 0,003% diện tích đất tự nhiên.

Biểu đồ 3.1. Cơ cấu sử dụng đất năm 2018 huyện Vũ Thư

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Vũ Thư, 2018

* Tài nguyên nước:

- Nước mặt: Bao gồm nước mưa và nước trong hệ thống sông ngòi, ao, hồ, trên địa bàn huyện nhưng chủ yếu là nguồn nước sông Hồng, sông Cự Lâm, sông Búng, sông Kiên Giang….Nhìn chung nguồn nước mặt khá phong phú, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

- Nước ngầm: Theo tư liệu dự án Quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thái Bình đến năm 2020 cho biết nguồn nước ngầm ở Vũ Thư có có mực nước nông, chất lượng nước không đồng đều, khối lượng lớn được chứa ở hai tầng Holoxen và Pleitoxen đều có khả năng khai thác và đưa vào sử dụng song hiện nay mức độ khai thác sử dụng còn ít, trong tương lai có nhiều tiềm năng mở rộng khai thác trên diện rộng để phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân ngày một tăng.

Nhìn chung, tài nguyên nước của huyện rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm vì thế có giá trị rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, nếu được khai thác và sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, đời sống của nhân dân giúp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện.

* Tài nguyên khoáng sản:

Nguồn tài nguyên khoáng sản của huyện rất nghèo về chủng loại và ít về trữ lượng, chủ yếu là khoáng sản cát lòng sông, đất sét trắng, gạch ngói, than nâu và sa khoáng…. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 mỏ cát đưa vào khai thác trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận các xã: Bách thuận, Tự Tân, Hoà Bình, Nguyên Xá. Trong thời gian tới tiếp tục đưa mỏ cát ở xã Vũ Đoài, Việt Thuận vào khai thác (Phòng Tài nguyên và Môi trường, 2018).

Ngoài ra, trong lòng đất huyện Vũ Thư nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung còn có than nâu thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn (toàn tỉnh Thái Bình có tới trên 30 tỷ tấn), nhưng phân bố ở độ sâu 600 - 1000 m nên chưa đủ điều kiện về vốn, khoa học công nghệ để khai thác (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, 2014)

3.1.1.2. Điều kiện dân số, văn hóa xã hội của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình

a. Dân số và lao động

Huyện Vũ Thư có khoảng 218.418 người mật độ dân số 1.109,07 người/km2, trong đó số nam giới là 105.836 người chiếm 48,46% số dân số toàn huyện, số người trong độ tuổi lao động chiếm 56%, trong đó 70% là lao động nông nghiệp, lao động qua đào tạo chiếm 33% (Niên giám thống kê huyện Vũ Thư, 2018).

Kết quả thống kê tình hình dân số và lao động huyện Vũ Thư thể hiện ở bảng 3.2. Qua bảng 3.2 thấy dân cư Vũ Thư phân bố không đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, dân số ở nông thôn cao gấp 49,7 lần dân số ở thành thị, có xu hướng tăng dân số thành thị và giảm dân số nông thôn. Dân số nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với dân số nam, tuy nhiên dân số nam có xu hướng tăng nhanh trong khi dân số nữ có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2018, dân số nam 105.836 người, tăng 313 người so với năm 2017; dân số nữ giảm từ 112.872 người năm 2017 xuống còn 112.582 người năm 2018 (giảm 290 người).

Bảng 3.2 cho thấy dân số huyện Vũ Thư có xu hướng tăng trong các năm gần đây, năm 2018 là 218.418 người tăng 436 người so năm 2016. Dân số nam ít hơn dân số nữ, nhưng sự tăng về số lượng hàng năm nhiều hơn dân số nữ, cụ thể năm 2018, dân số nam tăng 246, dân số nữ tăng 190 so năm 2016. Vũ Thư đáng trong độ tuổi dân số trẻ, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 56%, điều này góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của toàn huyện.

Bảng 3.2. Tình hình dân số và lao động huyện Vũ Thư năm 2016-2018 ĐVT: Nghìn người; % ĐVT: Nghìn người; % Chỉ tiêu Dân số So sánh Năm 2016 (1) Năm 2017 (2) Năm 2018 (3) (2)/(1) (3)/(2) BQ 1.Dân số 217.982 218.152 218.418 100,08 100,12 100,10 2.Mật độ dân số 1.106,86 1.107,72 1.109,07 100,08 100,12 100,10 3.Dân số theo thành thị, nông thôn - Dân số thành thị 4.092 4.183 4.305 102,22 102,92 102,57 - Dân số nông thôn 213.890 213.969 214.113 100,04 100,07 100,05 4.Dân số theo giới tính

- Dân số nam 1.055,90 105.683 105.836 100,09 100,14 100,12 - Dân số nữ 112.392 112.469 112.582 100,07 100,10 100,08 5. Dân số theo độ

tuổi lao động

- Trong tuổi lao động 55,6 55,7 56 100,18 100,54 100,36 - Ngoài tuổi lao động 44,4 44,3 44 99,77 99,32 99,55 Nguồn: Niên giám thống kê huyện Vũ Thư, 2016-2018

b. Cơ sở hạ tầng

* Hệ thống giao thông

Hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi với QL10 chạy qua bảo đảm lưu thông trong tam giác kinh tế bắc bộ là Hải Phòng-Hà Nội-Quảng Ninh. Những năm gần đây được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh các dự án trọng điểm đã và đang được đang được triển khai trên địa bàn huyện như: dự án đường bờ nam sông Kiến Giang, dự án Cống Tân Đệ, dự án cải tạo, mở rộng QL10, dự án khu dân cư 5,4 ha.... và các dự án, công trình xây dựng nông thôn mới... Các dự án, công trình xây dựng nông thôn mới trong tương lai huyện sẽ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, tiếp tục khơi dậy nguồn nội lực, mở rộng thu hút ngoại lực, biến ngoại lực thành nội lực, tạo động lực và bước chuyển mạnh trong phát triển kinh tế xã hội, tự tin phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020 (Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, 2018).

* Hệ thống thủy lợi

Ngoài các sông chính, trên địa bàn huyện còn có 187,89km kênh mương cấp I, II, III và 146km kênh mương nội đồng với trên 125 trạm bơm trục đứng và 32 trạm bơm trục ngang nằm rải rác tại 30 xã, thị trấn của huyện, phục vụ tương đối tốt cho nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Huyện có 58,05km đê cấp I, cấp II; 14,1km đê cấp IV và 28,8km đê bối (bảo vệ cho vùng dân sinh của 5 xã Hồng Lý, Bách Thuận, Tân Lập, Hồng Phong, Vũ Vân). Toàn huyện có 22 kè hộ bờ và 31 cống dưới đê. Nhìn chung chất lượng đê đảm bảo an toàn trong các mùa mưa lũ (Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư, 2019).

c. Văn hóa - xã hội

Sự nghiệp giáo dục luôn được quan tâm, chú trọng, quy mô chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục mầm non, văn hóa đại trà ở cấp học phổ thông đạt hiệu quả cao; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn các cấp học tăng. Công tác y tế phát triển có chiều sâu, cơ sở vật chất được tăng cường; chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ y đức và tinh thần phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ được cải thiện, nhiều năm liền trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, dân chủ. Các chính sách Bảo trợ xã hội, chính sách giảm nghèo và các chính sách đối với người khuyết tật được thực hiện hiệu quả. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được duy trì nền nếp. Trung tâm hành chính công huyện đã đi vào hoạt động với 238 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện được giao dịch qua trung tâm đạt 100% phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch của nhân dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường xuyên được quan tâm và tăng cường góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện (Ủy ban nhân dân huyện, 2018).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 44 - 51)