Các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 29 - 33)

2.1.5.1. Yếu tố Chính sách về đất đai và tích tụ đất nông nghiệp

Yếu tố quan trọng đầu tiên ảnh hưởng đến quá trình tích tụ và tập trung đất đai là thể chế và chính sách của Chính Phủ, nhất là Chính sách đất đai: như

xác lập quyền tài sản về đất đai, chính sách hạn điền, thời hạn giao đất, các quy định về thuế và vấn đề tài chính khác đối với đất đai. Yếu tố này có tính hai mặt: Thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung nếu quyền tà sản về đất đai được xác lập, thời hạn giao đất dài, hạn điền phù hợp, chính sách thuế đất hợp lý và ngược lại (Đỗ Kim Chung, 2018).

Sau Đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo bước đột phá trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, giải phóng năng lực sản xuất, đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những chủ trương chính sách lớn phải kể đến là: Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư 13/01/1981(Khoán 100); Nghị quyết 10- NQ/TW của Bộ Chính trị 5/4/1988 (Khoán 10), trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Luật Đất đai năm 1987 đến Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật qua nhiều lần chỉnh sửa, thay đổi đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả ruộng đất và tổ chức sản xuất nông nghiệp...

Có thể thấy, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch quỹ đất nông nghiệp cũng khá ổn định, thời hạn giao đất lâu dài giúp người nông dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật và hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp. Thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm tăng lên 50 năm, hết hạn nếu phù hợp quy hoạch và không vi phạm trong quá trình sử dụng đất thì tiếp tục được gia hạn, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức kinh tế yên tâm đầu tư sản xuất.

Cơ chế bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp được Luật Đất đai năm 2013 quy định chặt chẽ, bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất nông nghiệp: Thu hồi đất phải thông qua hội đồng nhân dân tỉnh; giá bồi thường, hỗ trợ bảo đảm ngang bằng giá thị trường trong điều kiện bình thường. Xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp đã từng bước theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nhờ đó bảo đảm thị trường quyền sử dụng đất đai phát triển đúng hướng, ngăn chặn được đầu cơ, đồng thời tạo nguồn vốn cho người nông dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Luật cũng quy định

tương đối rõ ràng các trường hợp nhà đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất thông qua các hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư có nhiều phương án để thỏa thuận với người sử dụng đất.

Tuy nhiên, quy định về hạn điền và thời gian sử dụng đất là điểm hạn chế trong Luật đất đai 2013. Cụ thể quy định đối với hộ gia đình, cá nhân mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản không quá 10 lần hạn mức giao đất (Điều 130, Luật Đất đai 2013). Việc chuyển đổi quyền sử dụng lúa chỉ được thực hiện trong cùng một xã, phường, thị trấn (Điều 190, Luật Đất đai 2013).

2.1.5.2. Yếu tố tâm lý, thói quen, quy mô sản xuất và nguồn vốn của chủ thể sử dụng đất

Với suy nghĩ, nông nghiệp là sinh kế duy nhất của nông dân nên nhiều người dân vẫn có tâm lý giữ đất nông nghiệp. Trên thực tế, lao động nông thôn thoát ra khỏi nông nghiệp chủ yếu đi vào thị trường lao động phi chính thức, tiềm ẩn đầy rủi ro nên càng có lý do giữ đất nông nghiệp (Phạm Dũng, 2017).

Tính truyền thống và văn hóa của các gia đình Việt Nam là sự kế thừa tài sản từ cha mẹ. Các gia đình sẽ chia nhỏ các mảnh đất để chia cho con cháu, khiến ruộng đất càng trở nên manh mún (Đỗ Kim Chung, 2018).

Phần lớn nông dân vẫn coi đất đai là tài sản sinh kế quan trọng. Họ vẫn giữ ruộng đất ngay cả khi canh tác bị lỗ vì lo lắng các nguồn thu nhập khác ngoài nông nghiệp chưa ổn định và chính sách có thể thay đổi.

Hiện nay, do thói quen canh tác với quy mô nhỏ lẻ nên các hộ rất ngại tiếp cận với sản xuất quy mô lớn và sử dụng máy móc, áp dụng cơ giới hóa (dẫn theo Xuân Thị Thu Thảo, 2016).

Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra vai trò của hiệu quả sản xuất gia tăng khi phát huy được lợi thế nhờ quy mô. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn không thể thành công nếu không tích tụ ruộng đất để hình thành quy mô sản xuất lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung (Nguyễn Quỳnh Huy, 2017).

Trong quá trình sản xuất nói chung, vốn là yếu tố đóng vai trò chủ đạo. Hộ gia đình, trang trại, gia trại, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp phần lớn đang gặp phải khó khăn do thiếu vốn. Để có thể thu gom đủ số lượng diện tích

đất theo nhu cầu, các đơn vị này cần bỏ ra một số tiền lớn. Trong khi vốn tự có hạn hẹp thì vốn vay được coi là cứu cánh, nhưng việc tiếp cận tín dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng, thêm vào đó lãi suất vay, thời gian vay thường không có lợi cho sản xuất nông nghiệp (Lưu Đức Khải và Đinh Xuân Nghiêm, 2013).

2.1.5.3. Quỹ đất, vị trí, độ màu mỡ và thị trường đất nông nghiệp

Nhu cầu mở rộng quy mô đất đai sản xuất dường như là vô hạn trong khi quỹ đất của cộng đồng hoặc của khu vực nào đó thì có hạn, do đó diện tích ruộng đất có thêm của người này sẽ tương ứng với diện tích giảm đi do nhiều nguyên nhân của người khác (Tạ Doãn Cường, 2016).

Hiện nay ở nước ta khi thống kê diện tích đất đai nói chung và diện tích đất nông nghiệp nói riêng theo đối tượng quản lý bao gồm: UBND xã, Tổ chức phát triển quỹ đất, Cộng đồng dân cư và tổ chức khác. Tuy nhiên, đối với đất sản xuất nông nghiệp thì đa phần đối tượng quản lý là UBND xã. Với tích tụ đất nông nghiệp, để tăng sản xuất nông nghiệp, các hộ dân ngoài việc nhận chuyển nhượng, nhận thuê, nhận tặng và cho tặng thừa kế quyền sử dụng đất thì thuê đất nông nghiệp công ích do UBND xã quản lý là một hình thức được đa số các hộ lựa chọn. Do vậy, quỹ đất nông nghiệp tại các địa phương là một trong những nguồn lực thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp phát triển hình thành các gia trại và các trang trại (dẫn theo Xuân Thị Thu Thảo, 2016).

Những yếu tố thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai liên quan đến cơ chế thị trường đất đai, thị trường đầu ra và đầu vào khác trong nông nghiệp (Đỗ Kim Chung, 2018). Ở Việt Nam, tích tụ ruộng đất được thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức là chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thuê đất để sản xuất….Các giao dịch thực hiện trên thị trường đất đai. Chính vì vậy, muốn tích tụ ruộng đất thành công ở Việt Nam chắc chắn phải giải quyết được bài toán dư thừa lao động nông nghiệp nông thôn và sự phát triển của thị trường đất đai (Nguyễn Quỳnh Huy, 2017).

2.1.5.4. Đặc điểm của ngành sản xuất nông nghiệp

Ruộng đất là phương tiện sản xuất và do đặc tính sinh học của quy trình sản xuất nông nghiệp, người lao động luôn phải quan tâm, theo dõi thường xuyên từng mảnh ruộng, từng vật nuôi… nên ruộng đất liền canh vẫn có lợi thế hơn ruộng đất phân tán (Tạ Doãn Cường, 2016). Điểm này thúc đẩy nhà đầu tư tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp là ngành sản xuất tuy quan trọng đối với xã hội nhưng giá nông sản thường rẻ, lợi nhuận thấp hơn so với công nghiệp, sản xuất kinh doanh hay gặp nhiều rủi ro, thu hồi vốn chậm. Vì thế những đặc điểm này không hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp, hạn chế quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất để hình thành các nông trại quy mô lớn (Đỗ Kim Chung, 2018).

2.1.5.5. Cơ hội việc làm phi nông nghiệp

Quá trình tích tụ luôn gắn liền với quá trình rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Nếu người nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận tới hoạt động phi nông nghiệp thì quá trình tích tụ sẽ diễn ra mà vẫn đảm bảo hài hòa giữa công bằng và hiệu quả. Tuy nhiên một khu vực phi nông nghiệp trì trệ sẽ gây cản trở việc thoát ly khỏi ngành nông nghiệp. Thêm vào đó người nông dân vẫn muốn giữ đất do khi vực phi nông nghiệp chưa tạo sinh kế bền vững, điều này hạn chế quá trình đẩy nhanh việc tích tụ tập trung đất ở nông thôn (Nguyễn Quỳnh Huy, 2017).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện vũ thư tỉnh thái bình (Trang 29 - 33)