Thế lâm thời có khả năng biểu cảm cao

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (Trang 60 - 61)

CỦA PHÉP THẾ LÂM THỜI TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH TÁC GIẢ

1.1.2. Thế lâm thời có khả năng biểu cảm cao

Những thế tố được sử dụng để miêu tả nhân vật hoặc các đối tượng khác có một sức biểu cảm khá cao, có thể khiến ta thấy ngay được thái độ của nhà văn hoặc của một nhân vật thứ ba ẩn giấu đằng sau những miêu tả ấy. Trong các truyện ngắn của Nam Cao, chẳng hạn việc dùng thế tố “cu cậu” cho con chó Vàng của lão Hạc đã bộc lộ một tình cảm thân mật, gần gũi của ông lão với con chó, ông coi nó như một người bạn, một thành viên trong gia đình. Nhưng cũng chính thế tố ấy khi đặt vào ngữ cảnh cậu Vàng bị bắt đã không giấu được niềm nghẹn ngào xót xa của lão Hạc: “Nó đang ăn thì thằng Mục, thằng Xiên nấp trong nhà ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục, thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết. Này ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra, tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không bao giờ ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Thế tố “con chuột nhắt” cho ta thấy cái nhìn khinh thị, coi thường của Hàn đối với chồng của nhân vật Tơ, thế tố “con mẹ mày” cho ta thấy sự tàn nhẫn lạnh lùng độc ác của bà huyện với chị đĩ Chuột và gia đình của chị. Bên cạnh đó, các thế tố “cái thân mảnh dẻ”. “con nhà nghèo”, “con nhà vô phúc”, “con vợ khốn nạn”, “cái bộ xương bọc da…” cho ta thấy tấm lòng xót xa của nhà văn trước những thân phận khốn cùng tội nghiệp của người lao động. Một số các thế tố khác đôi khi mang tính trung lập về sắc thái, nhưng cũng có thể tạo thêm thông tin về nhân vật cho người đọc.

Chẳng hạn thế tố “anh chàng áo cánh trắng” trong truyện ngắn Xem bói, thế tố “một người bạn” trong truyện ngắn Quên điều độ, thế tố “con bé” trong truyện ngắn “bài học quét nhà”. Có những sắc thái đặc biệt hơn như bày tỏ sự mắng yêu nhưng xen lẫn với quan tâm và cả long xót xa như thế tố “con mẹ dại” khi chị đĩ Chuột nói với đứa con gái lớn của mình khi nó bày tỏ thái độ vui sướng hồ hởi vì sắp được ăn chè (thực chất là cám): “Không đợi đến hai tiếng, cái Gái hớn hở chạy về, lôi thôi lếch thếch trong mấy manh giẻ rách tả tơi, vừa đến bếp nó đã reo lên: “- Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ, có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mật mà lại nấu chè thế?” Chị đĩ Chuột mắng yêu con: Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy…”

Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, những thế tố có tính biểu cảm cao làm người đọc nhớ mãi có thể kể đến là thế tố “quỷ dữ” khi nói về nhân vật Lò Thị Bua trong truyện Nàng Bua, thế tố “đồ ruồi nhặng” bộ lộ sự ác mồm độc địa của lão Kiền khi nói về chính con trai mình là Nguyễn Sĩ Đoài, thế tố “cái thằng chó ấy” nói về người chồng của người thiếu phụ trên thuyền qua cách cảm nhận của nhân vật thi sĩ được đạo diễn mời đóng vai Chiêu Hổ. Thế tố “thằng ngu như chó” khi nói về nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)