Công tác đào tạo, bồi dưỡng

Một phần của tài liệu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh bình phước hiện nay (Trang 62 - 66)

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện; tình trạng cán bộ "nợ" tiêu chuẩn về trình độ đang giảm dần; việc phối hợp với các cơ quan Trung ương, các cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng chặt chẽ và đồng bộ hơn, thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, đúng đối tượng, tiêu chuẩn chiêu sinh; ngày càng chủ động hơn trong việc mở lớp, chiêu sinh, tuyển sinh, quản lý học viên trong quá trình đào tạo và sử dụng cán bộ sau đại học; kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ.

Với mục tiêu: "Đào tạo phải gắn với quy hoạch, đạt hiệu quả thiết

thực; đảm bảo quy tắc chặt chẽ, chất lượng đáp ứng với yêu cầu quy hoạch cán bộ của tỉnh trong từng giai đoạn. Quản lý tốt việc học tập của học viên và nghiên cứu theo chương trình đào tạo". Các chương trình đào tạo được

thực hiện theo quy chế do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đối tượng đào tạo áp dụng cho: cán bộ đương chức, dự nguồn quy hoạch trong hệ thống chính trị của tỉnh, ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có triển vọng, có lý lịch rõ ràng; con gia đình chính sách, gia đình cán bộ, đảng

viên, cán bộ kháng chiến có quá trình công tác, cống hiến xây dựng và phát triển của tỉnh; cán bộ đang làm việc tại tỉnh có triển vọng phát triển, đủ điều kiện đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài.

Có thể nói, các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Bình Phước đã có sự quan tâm, đầu tư lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức hành chính nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức nói chung trên toàn tỉnh. Trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và nguồn nhân lực trong tỉnh đã và đang được nâng lên rõ rệt và ngày càng được chuẩn hóa theo hướng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

- Về chuyên môn nghiệp vụ:

Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt và ứng dụng vào thực tiễn công tác những tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là nhiệm vụ cấp bách nhằm góp phần thực hiện thắng lợi một trong năm chương trình đột phá mà Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đến nay đã đào tạo:

Sau đại học 77/100 cán bộ, công chức đạt đạt 77% kế hoạch đề ra; cử 18 đồng chí đào tạo ngoại ngữ để đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Đây là bước đột phá trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Đại học: 240 cán bộ, công chức trong đó cử nhân hành chính: 204/220, đạt 92,72% so với kế hoạch đề ra; đại học các chuyên ngành khác: 36/150, đạt 24% so kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỉnh đã chọn cử 27 em học sinh là người dân tộc thiểu số đi học lớp Đại học nông lâm hệ tại chức tại tỉnh.

- Về bồi dưỡng nghiệp vụ:

Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính cũng được coi trọng ngang tầm với công tác đào tạo, nhằm nâng cao kiến thức về kinh tế - xã hội, kỹ năng hành chính và cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính về thái độ, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ công chức có trách nhiệm cao trong công việc, góp phần vào việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Kết quả: đã cử đi bồi dưỡng được: 2.751 cán bộ, công chức (so kế hoạch đề ra 3000 học viên, đạt 91,7%); trong đó: chuyên môn nghiệp vụ 237, quản lý nhà nước 958, bồi dưỡng kỹ năng hành chính: 1.180, bồi dưỡng về hội nhập kinh tế quốc tế 376.

Với kết quả nêu trên, đến nay tỉnh đã đào tạo, chuẩn hóa được 920/4.120 cán bộ thuộc diện quy hoạch, đạt tỉ lệ 22,33%; còn lại 3.200 cán bộ chưa đạt chuẩn cần tiếp tục đào tạo, chiếm tỉ lệ 77,67%. Cụ thể: Cấp tỉnh có 30/266 cán bộ thuộc diện quy hoạch chưa đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 11,27%; Cấp huyện có 1.171/1.449 cán bộ thuộc diện quy hoạch chưa đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 80,81%; Cấp xã có 1.999/2.405 cán bộ thuộc diện quy hoạch chưa đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 83,11%.

- Đối với công tác thu hút và phát triển nguồn nhân lực:

Tuy đã có những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhưng hiệu quả còn thấp. Đến nay chỉ có 02 thạc sĩ chuyên ngành giáo dục về công tác tại Sở Giáo dục & Đào tạo. Theo quy định việc thu hút nguồn nhân lực phải được thực hiện trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của tỉnh, tức là trên cơ sở nhu cầu của các sở, ngành, huyện, thị.. và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc thực tế của người được thu hút và phải thực hiện theo quy trình thu hút. Trên thực tế, một số đơn vị khi có nhu cầu thu hút nguồn nhân lực đã không báo cáo với cơ quan có thẩm

quyền để tiến hành các bước theo quy định mà để cho cá nhân tự đăng ký thi tuyển, trúng tuyển rồi đơn vị mới đề nghị cho hưởng thu hút. Do vậy, có trường hợp cơ quan, đơn vị đề nghị nhưng không được hưởng chính sách thu hút. Hơn nữa hàng năm các cơ quan, đơn vị được giao rất ít biên chế, hoặc đã đủ biên chế không được giao thêm, vì vậy các cơ quan, đơn vị này không thể đăng ký nhu cầu thu hút cán bộ, công chức.

Từ năm 2006 đến nay, nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực hơn những năm trước, số lượng cán bộ, công chức hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng, gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ; đối tượng, tiêu chuẩn đi học, thẩm quyền cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng được bảo đảm; chính sách đào tạo, bồi dưỡng tương đối phù hợp đã phần nào khuyến khích được người học, tạo tư tưởng thoải mái, yên tâm cho cán bộ, công chức khi được cử đi đào tạo bồi dưỡng. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua cũng còn hạn chế nhất định:

Một số ngành, địa phương chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thu hút và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, trong công tác chỉ đạo, thực hiện chưa đồng bộ, chưa sát với thực tiễn, chưa bám sát chương trình. Hầu hết các ngành, các cấp chỉ mới quan tâm đến việc đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo chuẩn ngạch và chức danh quy hoạch, nhằm hợp thức hóa bằng cấp hoặc phục vụ công tác chuyên môn trước mắt. Một số cán bộ đương chức có kinh nghiệm lại quá tuổi đào tạo hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, không đào tạo được. Vẫn còn tư tưởng nôn nóng, chạy theo bằng cấp để "chuẩn hóa" cán bộ dẫn đến chất lượng không cao.

Đào tạo chưa thực sự gắn với các chức danh quy hoạch nên tỉnh hiện nay vẫn còn số lượng khá lớn cán bộ trong các chức danh quy hoạch chưa

đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, nhất là ở cấp huyện và cấp xã; trong khi đó đây là hai cấp trực tiếp thực thi chính sách, pháp luật cho nhân dân, thực hiện nhiệm vụ sâu sát với dân. Còn tình trạng đào tạo theo nhu cầu của địa phương và các doanh nghiệp.

Cơ cấu đào tạo mất cân đối về ngành, nghề chuyên môn và loại hình đào tạo, chủ yếu tập trung vào đào tạo hệ tại chức. Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, số lượng khá lớn cán bộ, lãnh đạo quản lý dưới 45 tuổi có trình độ đại học tại chức, từ xa; cấp phó trưởng phòng cấp tỉnh chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính là giải pháp bắt buộc trong tình hình hiện nay. Nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng này làm mất không ít đến thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của các cán bộ, công chức hành chính, cũng như của Nhà nước.

Nội dung đào tạo còn trùng lắp, không cần thiết, người có trình độ cử nhân hành chính, cử nhân luật chuyên ngành hành chính vẫn phải học chương trình chuyên viên, chuyên viên chính. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác quy hoạch với đào tạo, nhiều trường hợp vừa học xong trung cấp chính trị lại tiếp tục học cao cấp chính trị. Trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng chuyên môn của một số cán bộ, công chức hành chính chưa phù hợp để đáp ứng yêu cầu quan hệ công tác, đây là hạn chế lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Tình trạng này đòi hỏi phải có sự đổi mới chặt chẽ về nội dung và phương thức giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu đào tạo với yêu cầu tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch cán bộ, công chức hiện nay.

Một phần của tài liệu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh bình phước hiện nay (Trang 62 - 66)

w