Giải pháp về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ, công chức hành chính

Một phần của tài liệu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh bình phước hiện nay (Trang 105 - 110)

Trước hết các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ và tạo bước đột phá trong công tác cán bộ. Quy hoạch đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn quy chế, quy trình, dân chủ khách quan để đội ngũ cán bộ ngày càng đảm bảo phẩm chất năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài; quan tâm đào tạo cán bộ dân tộc, cán bộ nữ, chuyên gia trên các lĩnh vực; đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ kém phẩm chất, năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Việc thực hiện giải pháp này không chỉ là trách nhiệm của tỉnh ủy, huyện, thị ủy, của các Ban xây dựng Đảng, mà phải là của chính của cấp ủy đảng trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế theo hướng kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mới như thiếu trình độ, năng lực, sức khỏe hoặc vi phạm đạo đức công chức, tạo điều kiện đổi mới, trẻ hóa, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.

Cấp ủy các cơ quan hành chính phải lãnh đạo tốt công tác đáng giá phân loại đảng viên, cán bộ, công chức hàng năm. Nhằm làm cho công tác đánh giá, phân loại thực hiện đúng mục tiêu, ý nghĩa, đánh giá thực chất năng lực, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức hành chính; đầu tranh loại bỏ những đối tượng yếu kém về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc.. xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính thực sự vững mạnh.

Cấp ủy trong các cơ quan hành chính phải thể hiện và thực hiện được vai trò lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ của Đảng. Đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan trong công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện quy chế của cấp ủy, trong đó cấp ủy phải xem xét, có ý kiến đối với mọi trường hợp quy hoạch, bố trí, phân công công tác, điều động,

luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm. Đối với các chức danh từ Trưởng phòng các Sở ngành trở lên nhất thiết phải qua bước thẩm định lý lịch và xin ý kiến của Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra và Ban Thường vụ cấp ủy có thẩm quyền.

Đảng lãnh đạo qua công tác kiểm tra. Hoạt động kiểm tra, giám sát là cơ sở để đánh giá công trạng, khả năng, năng lực của công chức, đồng thời là cơ sở để chỉ ra những hạn chế, sai phạm của công chức, bảo đảm cho sự công khai, minh bạch của công vụ nhà nước. Do vậy phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và cán bộ. Kiểm tra, giám sát về tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ; về phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về nội dung và chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng. Kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đảng viên và nhân dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

KẾT LUẬN

Trong tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước, cùng với việc điều chỉnh cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước có một vị trí hết sức quan trọng. Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hành chính nhà nước có năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn, của những cải cách về tổ chức bộ máy hành chính là một nhiệm vụ, một bộ phận không thể tách rời của công cuộc cải cách hành chính trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính ngày càng đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải có quan điểm và phương pháp đánh giá đúng thực trạng, phân tích đúng những nguyên nhân, có biện pháp giải quyết kịp thời, đồng thời hoạch định chính sách lâu dài và cơ bản. Để làm được vấn đề nêu trên, trước hết cần chỉ ra những khái niệm cơ bản về cán bộ, công chức, trong đó có sự phân tích để đi đến nhận thức khoa học hơn, hệ thống hơn về khái niệm cán bộ, công chức. Đây là cơ sở đầu tiên giúp xử lý các vấn đề thuộc phạm trù cán bộ, công chức; giúp cho việc tiêu chuẩn hóa, phân loại và phân định vị thế, vai trò của các nhóm cán bộ, công chức; hơn nữa nó còn góp phần vào việc xác định những quy chế có tính chất pháp lý. Do vậy, trên cơ sở tìm hiểu những quan điểm, khái niệm, các chế định về cán bộ, công chức, đặc biệt là các pháp lệnh, nghị định về cán bộ, cập nhật Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tác giả đưa ra khái niệm cán bộ, công chức hành chính nhà nước, phân tích đặc điểm, vị trí vai trò của cán bộ, công chức hành chính nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Từ đó, xác định được tính tất yếu khách quan, yêu cầu và các điều kiện bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Với mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Bình Phước, tác giả luận văn phân tích, đánh giá thực trạng của công tác cán bộ và thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tỉnh Bình Phước, rút ra nguyên nhân ưu điểm, nguyên nhân hạn chế, so sánh những yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính với đội ngũ cán bộ, công chức hành chính để đề ra 07 giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính vừa có cơ cấu khoa học, vừa đảm bảo số lượng, chất lượng, phù hợp với đặc điểm tỉnh nhà, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách hành chính nói chung, các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nói riêng muốn thành công phải được thực hiện một cách đồng bộ. Trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ, Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành có liên quan, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban ngành tỉnh Bình Phước và cũng là trách nhiệm ý thức của mỗi cán bộ, công chức và nhân dân cùng chung tay, chung sức vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Một phần của tài liệu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước theo yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh bình phước hiện nay (Trang 105 - 110)

w