Nhu cầu ổn định và phát triển của các nước thành viên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 36 - 39)

Hoà bình và ổn định luôn là khát vọng của các dân tộc, là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển. Điều đó càng đúng với Đông Nam Á - một khu vực từng chịu nhiều đau khổ do chiến tranh, xung đột gây ra. Những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân nên kinh tế khu vực ngày càng bộc lộ rõ dấu hiệu khó khăn. Năm 1997, các nước Đông Nam Á trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ gay gắt, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. Cùng với sự sa sút về kinh tế kéo dài do cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ (1997-1998) gây ra và sự tích tụ lâu ngày các mâu thuẫn, các khác biệt về quyền lợi giữa các thành viên, nhóm cộng đồng trong xã hội, cộng với sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và ảnh hưởng mặt trái của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động đã làm gia tăng xu hướng ly khai dân tộc, khủng bố, bạo lực ở nhiều nước trong khu vực nhất là ở Inđônêxia, Philippin và Thái Lan. Những tác động trên đẩy một bộ phận dân cư, nhóm tộc người lâm vào cảnh bần cùng hoá và dễ bị lợi dụng để trở thành "công cụ" gây rối, bạo loạn của các thế lực chính trị cực đoan. Tình trạng nghèo đói, sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, tình trạng thiếu dân chủ, tham nhũng ít được cải thiện khiến cho xung đột xã hội, trong đó có sắc tộc và ly khai dân tộc ngày càng diễn biến phức tạp, làm mất ổn định chính trị - xã hội, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của nhiều nước ASEAN.

Thêm vào đó, tại biển Đông còn nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền lợi về khai thác dầu khí, tài nguyên biển và phòng thủ quốc tế của 5 nước và một vùng lãnh thổ. Sự tranh chấp các nguồn nước sạch dành cho thuỷ điện và sinh hoạt trên các con sông, nhất là trên sông Mê Công cũng có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, sự gia tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí hiện đại, tiến hành nhiều cuộc tập trận với quy mô lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là một đặc điểm khá nổi bật ở nhiều nước ASEAN hiện nay*

. Những biểu hiện mới này đang làm cho tình hình chính trị - an ninh ở khu vực Đông Nam Á chứa đựng nhiều biến số phức tạp, dễ thay đổi và ngày càng trở nên khó dự đoán. Do vậy, nhu cầu hoà bình, ổn định và phát triển là đòi hỏi bức xúc của các nước ASEAN khi bước vào thế kỷ XXI.

Về phần mình, trong những năm qua các nước ASEAN đã kiên trì và nỗ lực phấn đấu cho hoà bình, ổn định của khu vực, thông qua việc tạo dựng và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước thành viên cũng như các nước ngoài ASEAN trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Để đối phó với những thách thức gây mất ổn định nêu trên, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong và ngoài ASEAN trên tinh thần hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Đây chính là nhu cầu bức thiết và là phương cách tốt nhất để giữ vững hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự phát triển phồn vinh trong khu vực khi bước vào thế kỷ XXI.

* Ngân sách quốc phòng của Inđônêxia tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2002 lên 1,8 tỷ USD vào năm 2003 và trên 2 tỷ vào năm 2004. Malaysia tăng chi phí quốc phòng khoảng 2,5 tỷ USD năm 2003 và từ năm 2004 theo kế hoạch là chi khoảng 3-4 tỷ hàng năm. Riêng đầu tư cho việc mua sắm vũ khí hiện đại trong năm 2004 tăng hơn năm 2003 là 423 triệu USD. Đáng chú ý là Malaysia mua hàng loạt máy bay chiến đấu đa dạng và tên lửa hiện đại nhất của Nga và các tầu ngầm hiện đại của Pháp. Trong những năm gần đây Philippin chi khoảng từ 1,2-1,5 tỷ USD cho quốc phòng, còn Singapo chi hàng năm khoảng 5 tỷ USD để mua sắm máy bay và tên lửa hiện đại.

Tóm lại: Bước vào thế kỷ XXI là ASEAN bước vào một giai đoạn phát triển mới của quá trình hợp tác và liên kết khu vực. Quá trình này diễn ra dưới tác động của hàng loạt các nhân tố khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài. Trong số các nhân tố quốc tế, nổi bật lên hàng đầu là những thay đổi của cục diện chính trị thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hoá, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với khu vực. Những nhu cầu và chuyển biến từ bên trong ASEAN và khu vực Đông Nam Á như vị trí chiến lược của khu vực, nhu cầu ổn định hợp tác và phát triển, nhu cầu nâng cao hơn nữa vị thế của Đông Nam Á các xu hướng hợp tác là những nhân tố đã và đang tác động đan xen, đa chiều, phức tạp đối với quá trình hợp tác liên kết của ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp tác khu vực ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI và những đóng góp của Việt Nam (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)