38 Dẫn Theo Nguyễn Thu Mỹ Lê Phương Hòa, Sđd, tr.15.
3.2.2.1. Tham gia đóng góp vào ASC
Đối với ASC, Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc hoàn thiện Chương trình hành động về ASC và đăng cai tổ chức Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) về Cộng đồng này. Chương trình hành động vì ASC đã chấp nhận quan điểm của Việt Nam cho rằng sự ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế thu hẹp khoảng cách phát triển, xoá đói giảm nghèo là nền tảng và cơ sở đảm bảo cho việc xây dựng và duy trì ASC một cách vững chắc.
Việt Nam đã cùng một số nước ASEAN vận động để đưa vấn đề ngăn chặn sự can thiệp quân sự của bên ngoài, dưới bất kỳ hình thức nào, không cho phép dùng lãnh thổ của bất kỳ nước nào để tiến hành hoạt động chống phá các nước khác vào nội dung của Chương trình hành động về ASC.
Điểm nổi bật nhất của Việt Nam đối với hợp tác về chính trị, an ninh tiến tới ASC của ASEAN là đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, kiên trì bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của hiệp hội, nhất là nguyên tắc không can thiệp và đồng thuận, đồng thời xử lý khéo léo một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong khu vực, duy trì được đoàn kết nội khối, hạn chế sức ép và tác động từ bên ngoài. Việt Nam cũng góp phần quan trọng cùng các nước ASEAN phát huy tác dụng của TAC vào SEANWFZ - hai công cụ quan trọng của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực.
Để thực hiện mục tiêu biến TAC thành bộ luật ứng xử không chỉ trong quan hệ giữa các nước ASEAN với nhau mà cả trong quan hệ của ASEAN
với các đối tác bên ngoài, Việt Nam đang tích cực vận động các đối tác đó thừa nhận TAC và tham gia vào bản Hiệp ước này.
Giữa các nước thành viên ASEAN hiện nay còn rất nhiều vấn đề do lịch sử để lại. Nhiều vấn đề mới đã và vẫn đang tiếp tục nảy sinh. Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác soạn thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng tối cao nhằm nâng cao vai trò của nó trong việc giải quyết các tranh chấp khu vực. Trong Hội đồng tối cao, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ASEAN, tránh biến Hội đồng Tối cao thành một Toà án khu vực, trong đó một vài nước có thể đóng vai trò khống chế các quyết định của Hội đồng.
Là một trong những nước sáng lập ARF, Việt Nam đã tích cực tham gia vào ca cơ sở hoạt động của diễn đàn này và kiên trì các nguyên tắc hoạt động cơ bản của ARF như đồng thuận, tiệm tiến, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Việt Nam đã tham gia ký kết và phê chuẩn ngay từ ngày đầu Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEAN-WFZ), nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân. Vấn đề lớn đặt ra là cần tranh thủ 5 cường quốc có vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư kèm theo của Hiệp ước. Khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASC và ARF, Việt Nam đã chủ động nêu sáng kiến và tổ chức thành công cuộc họp tham khảo ý kiến giữa các nước ASEAN với 5 nước có vũ khí hạt nhân về một số nội dung trong Nghị định thư, và vận động các nước này sớm tham gia Nghị định thư của SEANWFZ.
Thông qua ARF, Việt Nam tỏ rõ sự chủ động cùng với các nước khu vực tìm kiếm những hình thức hợp tác thích hợp, tăng cường tạo dựng lòng tin, tiến tới các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, ngăn chặn xung đột, chống tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố quốc tế… nhằm
kiến tạo nền hòa bình, an ninh bền vững tại Đông Nam Á cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài các cuộc họp cấp Bộ trưởng tiến hành ngay sau AMM hàng năm, Việt Nam còn chủ động tham gia một loạt các cuộc họp, hội thảo lớn về an ninh quốc tế và khu vực trong khuôn khổ ngoại giao chính thức (kênh -1) và không chính thức (kênh -2) của ARF và các nhóm làm việc như: nhóm xây dựng lòng tin, nhóm công tác giảm nhẹ thiên tai của ARF.
Việt Nam đã tích cực cùng Philippin và các nước ASEAN khác hoàn tất dự thảo ASEAN về COC cho thấy rõ thái độ và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với những cố gắng của ASEAN nhằm đưa ra những nguyên tắc ứng xử hợp lý giữa các bên hữu quan, hướng tới duy trì và củng cố môi trường hòa bình, an ninh khu vực vì mục tiêu phát triển.
Việt Nam đã cùng các nước ASEAN khác đấu tranh giữ vững được các nguyên tắc then chốt của ASEAN và kiên trì quan điểm ASEAN phải đóng vai trò chủ động điều chỉnh để ARF là một quá trình tiệm tiến với những bước đi phù hợp cho tất cả các bên trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện, và việc xây dựng lòng tin là trọng tâm xuyên suốt của toàn bộ tiến trình ARF.
Việt Nam kiên trì cùng các nước ASEAN khác đấu tranh để bảo đảm nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" khi sử dụng ASEAN Troika trong giải quyết xung đột. Theo đó, ASEAN Troika chỉ còn là một cơ chế không thường xuyên, được lập khi cần thiết trên cơ sở có sự nhất trí của tất cả 10 Ngoại trưởng ASEAN, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không có thẩm quyền quyết định chính sách mà chỉ là tư vấn cho các Ngoại trưởng của ASEAN.
Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch Ban thường trực ASEAN và ARF nhiệm kỳ 2000-2001, tổ chức thành công Hội nghị ARF lần thứ 8 và Hội nghị Ngoại trưởng (AMM) lần thứ 34, góp phần thúc đẩy hợp
tác của ASEAN ngày càng có chiều sâu và thực chất hơn trong những thập niên đâùi thế kỷ XXI. Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được thể hiện rất rõ nét thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 5 năm 2004 và Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 14 năm 2006 tại Hà Nội. Trên cương vị của một Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam luôn bày tỏ sự ủng hộ tích cực đối với các cuộc đối thoại về dân chủ hóa đời sống chính trị, về các biện pháp thương lượng hoà bình đối với các vấn đề chính trị và an ninh khu vực trên các diễn đàn đa phương cũng như song phương.
Hợp tác, liên kết ASEAN vì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực luôn được tăng cường thông qua ARF. Tại đây, Việt Nam đã nêu ra các sáng kiến duy trì hòa bình và an ninh, thực hiện nguyên tắc ZOPFAN, xây dựng Bộ quy tắc ứng xư biển Đông COC, tiến tới SEANFWZ, hợp tác chống khủng bố, đấu tranh chống khuynh hướng ly khai, giải quyết các vụ xung đột về sắc tộc và tôn giáo, tranh chấp biên giới và chủ quyền lãnh hải. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh (2002), các nước ASEAN cùng Trung Quốc thông qua Tuyên bố về quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông DOC nhằm tiến tới hoàn thiện COC.
Để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng ASC vào năm 2015, Việt Nam cùng các nước ASEAN khác tiếp tục hoàn thiện Chương trình hành động thành lập cộng đồng này. Việt Nam đã đăng cai Hội nghị SOM bàn về vấn đề này vào đầu năm 2005. Chương trình hành động ASC đã chấp nhận quan điểm an ninh toàn diện do Việt Nam đề xuất với việc khẳng định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế cùng với việc thu hẹp khoảng cách phát triển, xoá đói giảm nghèo là nền tảng và cơ sở bảo đảm sự phát triển bền vững của ASC. Đồng thời, Việt Nam cũng đã nỗ lực vận động, đưa vào nội dung Chương trình hành động việc ngăn chặn sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt không cho phép dùng lãnh thổ của một nước
dưới bất kỳ hình thức nào vào mục đích chống phá các nước thành viên khác. Việt Nam có những đóng góp rất đáng ghi nhận trong quá trình soạn thảo và thông qua bản Hiến chương ASEAN (2007), tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và ASC nói riêng.
Bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động xây dựng ASC chung của Hiệp hội, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết các vấn đề do lịch sử trong quan hệ với Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Philippin và Trung Quốc. Tất cả những hoạt động này của Việt Nam đều nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu tạo ra một Cộng đồng An ninh ASEAN, ở đó các dân tộc Đông Nam Á có thể chung sống hòa bình với nhau và với thế giới bên ngoài.