Không gian kí ức hoài niệm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh (Trang 91 - 93)

2.1 .Thời gian hiện tại

3.2. Không gian tâm tƣởng

3.2.1. Không gian kí ức hoài niệm

Không gian hoài niệm được phủ một màn sương mờ ảo của thời gian trở nên lung linh, tươi đẹp, đó là thế giới kì diệu thông qua lăng kính trong veo của kí ức, mỗi góc sân, con đường nhỏ, căn nhà, đồi cỏ đều trở thành vùng kỉ niệm không thể nào quên của những ai từng đi qua tuổi thơ. Không gian được tạo nên từ kí ức nhân vật và sự linh hoạt trong sử dụng thời gian, đặc biệt là cái nhìn hồi cố thời gian với các thủ pháp tỉnh lược, ngưng nghỉ… trở thành một cặp song hành. Nguyễn Nhật Ánh đã di chuyển điểm nhìn không gian linh hoạt từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong.

Không gian hoài niệm về tuổi thơ của Đông nhớ về thời thơ ấu gắn bó với ngôi làng Đo Đo. Như đã nói ở trên, trở về với làng Đo Đo là Đông trở về với một bầu trời kỉ niệm tuổi thơ. Sự hồi tưởng về quá khứ xuất hiện với tần suất dày đặc, sự đan xen tồn tại giữa một ngôi làng Đo Đo trong thực tại và một ngôi làng Đo Đo trong dòng suy nghĩ về quá khứ của Đông đã khiến người đọc sống dậy những kỉ niệm tuổi thơ của mình: “Hồi bé tôi chơi nhà bạn, thấy

hòn non bộ là tôi thích mê. Trừ bầy cá vàng bơi lội tung tăng bên dưới đám bèo tai chuột, những gì còn lại ở một hòn non bộ đều im lìm trầm mặc.”; “Từ bé tôi đã sợ ngỗng. Hồi đó mỗi lần mẹ tôi rủ tôi về thăm bà ngoại là tôi hãi. Ông nội tôi nuôi một bầy ngỗng thả rong trước sân để giữ nhà…”; “Đầu óc tôi từ bé đã như căn nhà kho chứa đầy những câu chuyện rùng rợn về rừng…”; “Hồi bé ở làng, tôi cũng rất thích thú với trò này nhưng bây giờ tôi bặm môi tô tới tô lui chỉ để cho thằng Thục vui lòng”…Chẳng phải ngẫu

nhiên những kỉ niệm tuổi thơ đó ùa về trong dòng tâm tưởng của Đông, điều này xảy ra là do “chất xúc tác” mà Đông tìm thấy ở làng Đo Đo. Những trò chơi của thằng Thục, bé Loan khiến Đông nghĩ về “mình” của ngày xưa. Hay như con ngỗng, hòn non bộ nhà Rùa cũng khiến Đông nghĩ về những thứ mình thích, mình sợ khi còn là một đứa trẻ. Chuyến vào rừng cùng Rùa đã gợi lên trong đầu Đông một loạt những hình ảnh về khu rừng rùng rợn mà người lớn vẽ ra khi Đông còn bé.

Không gian hoài niệm về hồi lên tám tuổi của cu Mùi (Cho tôi xin một vé

đi tuổi thơ) gắn với các trò chơi ở sân nhà, khu vườn. Cho tôi xin một vé đi

tuổi thơ là một câu chuyện đầy ắp những điều hồn nhiên ngây thơ của trẻ thơ nhưng lại được viết bằng giọng văn, được nhìn qua lăng kính của người lớn (cu Mùi khi đã trưởng thành), chính vì thế không gian hoài niệm cũng trở thành không gian xuất hiện nhiều trong thiên truyện này. Nguyễn Nhật Ánh đã rất thành công khi miêu tả tỉ mỉ, chi tiết sự hồi tưởng của cu Mùi vào những ngày cậu bé tám tuổi. Hồi tám tuổi, không gian hoạt động chủ yếu của cu Mùi chỉ là nhà, trường và thỉnh thoảng là nhà của mấy đứa trẻ hàng xóm. Chỉ từng ấy không gian thôi nhưng có rất nhiều chuyện và biến động đã xảy ra trong “tuổi thơ dữ dội” ấy của bé Mùi. Càng đi sâu vào câu chuyện người đọc càng thấy thú vị bởi những dòng cảm nhận của “tôi” (bé Mùi khi trưởng thành) về những hành động của bé Mùi năm tám tuổi. Khi tám tuổi, Mùi cho rằng “giấc ngủ trưa chẳng có giá trị về mặt sức khỏe”, thậm chí Mùi còn nghĩ người ta bắt con cái ngủ trưa cũng giống như “người ta cột bò vào cọc để chúng khỏi chạy lung tung”, nhưng khi lớn lên “tôi” đã phải thừa nhận “giấc ngủ trưa đối với một người lớn tuổi đúng là quý giá hơn vàng”. Khi tám tuổi, cu Mùi và đám bạn đã chơi một trò chơi mang tên “đặt tên cho thế giới” khiến không gian của lũ trẻ này với thế giới thực tại bị đảo lộn hoàn toàn, chúng nói đi chợ thay cho đi ngủ, chiếc cặp thay cho cái giếng. Trong dòng hồi tưởng

của nhân vật “tôi” gọi đó là “trò chơi trẻ con” nhưng khi lớn lên, “tôi” bỗng phát hiện ra rằng, người lớn cũng thích chơi trò chơi này nhưng chơi theo một cách khác như người ta gọi “hối lộ” là “tặng quà trên mức tình cảm”, gọi “tham ô” là “thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng” và đột nhiên “tôi” ý thức được “bọn trẻ chúng tôi ngây thơ và trong sáng hơn nhiều”. Theo dòng chảy hồi ức, những trò chơi của trẻ thơ được thể hiện dưới nhiều góc cạnh, lung linh, dí dỏm nhưng cũng hòa trộn nhiều khoảnh khắc lắng sâu. Trong niềm vui của con trẻ có thể tìm thấy bài học dành cho cả người trưởng thành. Trẻ thơ đã tạo dựng nên một thế giới diệu kì, chất chứa biết bao niềm vui, giận hờn, bao mong muốn, ý thích mà chúng không thể thực hiện ở thế giới của người lớn. Với những trò chơi ấy, chúng cùng nhau sẻ chia và cùng nhau lớn lên với tấm lòng yêu thương và trách nhiệm.

Không gian hồi tưởng đối lập với không gian thực tại. Nếu không gian thực tại là không gian của người lớn, của những lo toan, suy nghĩ về cuộc sống và con người, là không gian mà con người phải bon chen, xô bồ thì không gian hồi tưởng về tuổi thơ lại hoàn toàn khác. Không gian hồi tưởng đó đơn giản là những sắc màu nhẹ nhàng, thuần túy, không chút pha tạp, ở đó chỉ có tiếng cười hồn nhiên ngây thơ của trẻ em. Đó là không gian mà người lớn nào cũng mong ước được trở về lần thứ hai trong đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)