5. Cấu trúc của luận văn
3.2. Giọng điệu người kể chuyện
3.2.1. Giọng điệu triết lí, suy tư
Giọng điệu triết lí, suy tư là chất giọng thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội, trong cõi nhân sinh. Suy tư, chiêm nghiệm để nhận ra chân lí cuộc sống, luận giải về con người trong cuộc đời nhiều khúc quanh, uẩn khúc.
Giọng điệu triết lí suy tư trong các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ được thể hiện ở nhiều lĩnh vực như: triết lí về tình yêu, triết lí về con người, triết lí về cuộc đời,… Giọng điệu này có lúc được thể hiện trực tiếp trong dòng
suy tư, trăn trở của các nhân vật người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi, có lúc hòa vào lời văn nửa trực tiếp, có lúc lại ẩn giấu dưới lớp ngôn từ tưởng chừng dửng dưng, khách quan của người kể chuyện ngôi thứ ba.
Trong Hậu thiên đường, giọng điệu triết lí được thể hiện trực tiếp trong dòng suy tư, trăn trở của người mẹ đơn thân ngoài bốn mươi tuổi. Sau bao nhiêu năm bon chen, giành giật được mất, người mẹ nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình và cay đắng nhận ra mình vẫn hoàn trắng tay. Tiền bạc, sự nghiệp, tình yêu, đó đều là những thứ thiết yếu trong đời sống con người. Thế nhưng sau bao nhiêu năm chị vẫn không thể có. Tiền tài thì vớ vẩn chỉ đủ ăn và sống một cuộc sống đạm bạc. Công việc diễn ra đều đều và nỗi nghi ngờ đàn ông thì ngày một tăng lên. Chị chua chát nhận ra đàn ông vây quanh chị nhiều nhưng với họ, chị chỉ là điểm dừng chân trong chốc lát:“Những người đàn ông đi
qua cuộc đời tôi như thể bất chợt họ gặp cơn mưa rào mà họ thì không mang vải nhựa để che. Tôi là cái hiên rộng để họ chạy vào đó, yên tâm, tưng tửng chờ cho qua cơn mưa, rồi về nhà” [30, tr.52]. Bằng chính những trải nghiệm
của bản thân, người phụ nữ chiêm nghiệm về cuộc đời: “Cuộc đời dài lắm.
Mà những hoan lạc con người ai cũng phải trải qua thì ngắn vô cùng” [30,
tr.52]. Bốn mươi tuổi, đã từng trải qua những phút giây lên “thiên đường” và “hậu thiên đường”, chị hiểu rõ về cái “thiên đường” mà con gái của chị đang bước vào: “Thiên đường. Hình như ai trong đời cũng đã từng đặt chân tới đó.
Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là gì, và đem lại hạnh phúc cho họ ra sao. Có người thì chạy hết thiên đường này đến thiên đường khác, có khi vừa lao vào rồi lại chạy vọt ra ngay vì kinh hãi” [30, tr.54]. Tình yêu là khao
khát, ước muốn của mỗi người. Con người ai cũng mong mỏi tìm đến với tình yêu, ai cũng ít nhất một lần trong đời đặt chân đến thiên đường tình yêu. Tuy nhiên màu sắc tình yêu của mỗi người lại khác nhau. Đối với một số người thì đó là thiên đường, là hạnh phúc. Nhưng đối với một số khác thì lại là địa ngục, khổ đau. Đối với người mẹ đơn thân đã từng trải qua những giờ phút
hậu thiên đường trong đau đớn thì thiên đường tình yêu kia đầy những điều bất trắc. Ở đó chỉ có những người chạy hết thiên đường này đến thiên đường khác mà vẫn chưa tìm được nơi chốn cuối cùng. Có người lại ngay lập tức vọt ra vì kinh hãi. Vậy nên khi biết đứa con gái mười sáu tuổi của mình đang ở vực sâu của chốn thiên đường ấy, chị đã hoảng hốt cầu cứu: “Con ơi, con ở đâu. Sao khổ thế hả con, ai cứu con tôi bây giờ, ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ” [30, tr.57].
Có thể thấy rằng phụ nữ là hình tượng người nữ cùng với những vấn đề xoay quanh số phận của họ đã trở thành mối quan tâm, thành tâm điểm trong những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Bằng trái tim nhạy cảm của người phụ nữ và bằng sự nhạy bén của một nhà văn, Thu Huệ đã phát hiện ra nhiều bi kịch của họ trong đời sống hiện đại: cô đơn, bị phụ bạc, nhiều lo âu,… Và trong chính những nỗi đau đó, người phụ nữ thấm thía hơn về tình yêu, về cuộc đời của mình.
Khi nhớ về chuyến đi đầy cay đắng, bẽ bàng, bất chấp lời phản đối của bố mẹ để đến với người yêu của mình, cô gái trong Biển ấm càng hiểu hơn lời của bà nội: “Nước mắt chảy xuôi. Bố mẹ có thể chết thay con. Còn con thì
phần lớn chết vì người khác. Ví dụ người yêu chẳng hạn” [30, tr.10]. Sau nhiều năm nhìn lại, cô hiểu hành động cao thượng của người đàn ông lúc ấy. Anh không chiếm đoạt và biến cô thành nô lệ của anh vì “Điều một người đàn ông đã có vợ thường tìm trong tình yêu mới là tinh thần chứ không phải là sự cuồng si của thể xác” [30, tr.18].
Sao (Giai nhân) sau những giờ phút cô đơn, tự vấn bản thân, xót xa nuối tiếc về những mối tình trong quá khứ cũng cay đắng nhận ra: “Cuộc tình
nào mà chả có bắt đầu và kết thúc như nhau. Cứ tưởng là vĩnh viễn, là duy nhất nhưng cuối cùng, phù phiếm cả”, “Đời người đàn bà thường ngắn hơn đời người đàn ông mặc dù tuổi thọ thì nhiều hơn” [30, tr.109]. Người đàn ông
dắt, một tay bế những đứa trẻ vì anh ta thích có con. Còn Sao thì đã đi qua tuổi trẻ nhưng vẫn cô độc, bức bối trong căn phòng hơn ba chục mét vuông.
Được nhìn nhận trong nhiều mối quan hệ, xem xét qua điểm nhìn của các đối tượng khác nhau, người phụ nữ hiện lên qua những lời đúc kết toàn diện hơn, “đời hơn”. Viết về số phận, cuộc sống của người phụ nữ không phải là đề tài xa lạ trong văn học. Tuy nhiên, nếu các nhà văn nam vẫn thiên về ca ngợi người phụ nữ như một biểu tượng cho cái đẹp bền bỉ và thủy chung như Nguyễn Minh Châu trong Cỏ lau, Nguyễn Huy Thiệp trong Không có vua,
Nguyễn Bình Phương trong Thoạt kì thủy,… thì trong truyện ngắn của
Nguyễn Thị Thu Huệ người phụ nữ đã dám vượt lên những ràng buộc của đạo đức truyền thống, dám từ bỏ những danh hiệu đạo đức cao quý để đi theo tiếng gọi của bản năng, của tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Họ hiện lên vừa có những phẩm chất tốt đẹp nhưng cũng có không ít những “gót chân Asin”:
“Hóa ra. Đàn bà. Ai cũng có khả năng đặc biệt giống nhau. Yêu đương. Ghen tuông. Cuồng si”; “Con gái lớn thì lại thích được chăm sóc. Khi ở nhà thì bố mẹ. Lớn lên thì người tình. Sau đó là của chồng”; “Đàn bà thích làm chủ với chồng và làm nô lệ với tình nhân” (Hậu thiên đường); “Những người đàn bà khóc nhiều, nói nhiều đến hết hơi nên ngủ nhanh hơn mọi ngày” (Phù thủy); “Họ (đàn bà) khó định nghĩa lắm. Chẳng ra khôn, chẳng ra dại” (Dĩ vãng),…
Không chỉ triết lí về tình yêu, những người phụ nữ còn chiêm nghiệm về những người đàn ông mà trong con mắt của họ thì chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho người phụ nữ: “Đàn ông phải có hai mặt, vừa tử tế vừa đểu giả, thể mới quyến rũ” (Hậu thiên đường); “đàn ông tuy cần thật nhưng tốt nhất là không nên có” (Hoàng hôn màu cỏ úa); “đàn ông yêu bằng mắt”
(Mùa thu vàng rực rỡ); “Đàn ông thời này cứ cho ai một thì đòi lại hai, nếu không thì họ rất khó chịu” (Tình yêu ơi ở đâu);…
Giọng điệu triết lí, suy tư xuất hiện rải rác trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, nằm sau mỗi biến cố, mỗi cuộc đời. Giọng điệu này thường được thể hiện qua tính chất khẳng định hoặc phủ định để nhấn mạnh những vấn đề mà nhà văn cần thông điệp, triết luận với người đọc: “Đời người phần
lớn là buồn. Ngày nọ rồi tới ngày kia. Mỗi ngày được thêu dệt bởi những nỗi buồn con con đôi khi vô cớ. Tất cả những phút giây của buổi sáng, buổi chiều, đêm về khuya, với con người đều là những gợi nhớ” (Thiếu phụ chưa
chồng); “Mọi cuộc họp đều thế. Có cảm giác sắp thay đổi đến nơi nhưng lại đâu vào đấy” (Cầu thang); “Không ai chịu sống qua kinh nghiệm của người đi trước. Lại cứ thích bằng kinh nghiệm của chính mình. Thích tự mình rút ra điều phải làm. Có khi phải ân hận và trả giá suốt đời” (Còn lại một vầng trăng); “Hầu như trong đời, ai cũng đã xếp xó một vài cuộc tình” (Cát đợi)…
Ở đây, ý kiến được đưa ra trở thành chân lí. Và để hướng tới tính khái quát, nhà văn thường sử dụng các cụm từ “ai rồi cũng”, “ai mà chẳng”, “mọi”,
“hầu như”,... Ngoài ra, ở nhiều tác phẩm, giọng triết lí gắn liền với cách cắt
nghĩa mới hay cung cấp thêm ý nghĩa cho một khái niệm đã quen thuộc:
“Ngoại tình. Thực chất nó là gia vị trong một bữa ăn. Tí cay, tí chua, tí ngọt cho dễ nuốt chứ không phải là cái ăn hằng ngày” (Một nửa cuộc đời); “Đa tình cũng chẳng phải lỗi tại đàn bà. Lỗi ở đàn ông. Vì họ chẳng ra gì nên cứ đắm say với ai được một thời gian thì chị lại chạy mất. Hóa ra không cố chịu đựng những người đàn ông không ra gì thì thành đàn bà đa tình” (Hoàng hôn màu cỏ úa);…
Giọng điệu triết lí, suy tư đã mang đến chiều sâu cho những tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đó không còn là những nhận định ở phạm vi cá nhân, cá thể mà hướng tới tầm nhân sinh rộng lớn.