5. Cấu trúc của luận văn
2.1. Ngôi kể
2.1.1. Khái niệm và phân loại
Trong tự sự học, ngôi kể là khái niệm để chỉ mối quan hệ của người trần thuật với câu chuyện được kể lại. Ngôi kể trong cấu trúc tự sự là một yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật nhưng trong mối quan hệ với những tình huống và sự kiện được trần thuật nó không đơn thuần là ngôi ngữ pháp thuần túy. Ngôi kể gắn liền với sự biểu hiện của hình tượng người kể chuyện. Nói như G. Genette thì: “Việc thay đổi ngôi thực sự là thay đổi quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện của anh ta - nói cụ thể hơn, nó còn có nghĩa là sự thay đổi người kể chuyện” [57, tr.188]. Thống nhất với ý kiến trên, GS.
Trần Đình Sử đã khẳng định: “người trần thuật trong văn bản văn học là một
hiện tượng nghệ thuật phức tạp nhất mà ngôi kể là hình thức biểu hiện ước lệ” [49, tr.14-15].
Ngôi kể thường được thể hiện ra bằng nhân xưng trong lời kể và thường được chia thành ba dạng thức. Dạng thức thứ nhất là ngôi kể thứ ba vô nhân xưng. Đây là hình thức kể chuyện xuất hiện từ rất sớm và là hình thức kể quen thuộc, chủ yếu của văn học truyền thống. Ở dạng thức kể này, người kể chuyện có thể kể tất cả những gì họ biết. Anh ta hoàn toàn ở ngoài cốt truyện, không thuộc vào thế giới của các nhân vật và cũng không trực tiếp tham gia vào những sự kiện, biến cố trong truyện. Anh ta chỉ có vai trò đứng bên ngoài quan sát, theo dõi nhân vật và kể lại. Nói như Nguyễn Thái Hòa thì ở lối kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện “đứng ở vị trí khách quan “giả
vờ” không dính líu đến câu chuyện. Nói cách khác là giữ một khoảng cách giữa người kể và nhân vật, cốt truyện để mở rộng đường hư cấu và đảm bảo
tính khách quan của hiện thực, làm người thư kí của thời đại” [25, tr.54]. Dù
người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp, ta không biết tên tuổi, hình hài, tư cách ra sao nhưng ta vẫn nhận ra sự xuất hiện của người ấy qua giọng kể. Với ngôi kể thứ ba, câu chuyện trở nên khách quan hơn, người đọc hoàn toàn có thể tự nhận xét, đánh giá, yêu ghét, đồng tình hay phản đối mà không bị chi phối bởi thái độ, cách đánh giá của người kể.
Một dạng thức thường gặp nữa của ngôi kể là ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” hoặc “chúng tôi”. Nếu hình thức kể chuyện ở ngôi thứ ba ngự trị trong văn học từ rất sớm thì dạng thức ngôi kể thứ nhất xuất hiện muộn hơn (khoảng hai thế kỉ trở lại đây). Ở dạng thức này, người kể chuyện xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm để kể chuyện về chính mình hoặc kể về người khác mà mình biết hoặc trực tiếp có liên quan. Câu chuyện của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất sẽ bị hạn định bởi những giới hạn vốn có của nhân vật “tôi” nhưng nó lại tạo ra sự chân thật, tin cậy cho lời kể. Độc giả không thể không tin bởi người kể từng là người trong cuộc, hoặc chứng nhân. Hơn nữa, cách kể này cũng khẳng định câu chuyện được kể lại qua con mắt của cá nhân “tôi”; những thái độ, sự đánh giá hiện thực thể hiện trong tác phẩm chỉ là một cách nhìn mang tính cá nhân mà không phải là chân lí và kết luận cuối cùng. Bởi vậy, lối kể này đã mời gọi sự tranh luận, đối thoại từ phía người đọc trên tinh thần dân chủ cởi mở.
Ngoài ra, câu chuyện cũng có thể được kể lại bởi ngôi kể thứ hai. Ta có thể bắt gặp hình thức kể này trong các tác phẩm như Linh sơn của Cao Hành Kiện, Niềm vui sướng của Mạc Ngôn hay Không khóc ở California của
Nguyễn Huy Thiệp. Ở dạng thức này, người kể chuyện thường xưng “bạn”, “anh”, “chị”, mang cái tôi của người kể, song nó tạo ra được một không gian gián cách, một cái tôi khác với cái tôi tự kể của ngôi thứ nhất. Mỗi một ngôi kể đều có những ưu thế khác nhau trong việc kể chuyện. Tuy nhiên, kể theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba vẫn là những dạng thức phổ biến nhất. Việc sử
dụng ngôi kể nào không chỉ giúp nhà văn tái hiện chính xác, hấp dẫn bức tranh cuộc sống mà nó còn thể hiện tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ.